MANG VIÊN LONG

Con Đường Thơ Lê Phương Châu

Tác phẩm văn học nghệ thuật là chuỗi hiện thực rất chân xác, thể hiện trọn vẹn chân dung của tác giả (và xã hội) đang có mặt bên đời. Qua đó, ai không (hay chưa) tạo được chân dung của chính mình (và đồng loại), là tự mình chưa thành thật! Khi chưa (hay không) thành thật với mình, thì những trang viết chỉ là những bóng ma thấp thoáng mà thôi!

         Hai tác phẩm của Lê Phương Châu được xuất bản trước 1975 gồm Tình Khúc Mưa Tháng Năm (1969) & Thơ Lê Phương Châu (1972) là giai đoạn thanh xuân của tuổi 25 – 28, với những ước mơ, khát vọng đang xanh thắm của một thời con gái hồn nhiên sống trong thái bình, an lành, bên tình yêu thương đầu đời! Có thể gọi tên cho giai đoạn thơ nầy của Lê Phương Châu là “Những bước ngập ngừng vào đời với thơ”.

         Hơn ba mươi năm sau, với sự ra đời của hai tác phẩm Nắng Hát Chiều Đông (2006) & Mây Trắng Đầu Non (2008), thơ Lê Phương Châu đã đi dần vào khúc quanh dâu biển của thế sự, với bao nỗi ưu tư, trăn trở, và hoài niệm về một thời “để thương yêu và để nhớ”… Đây là một biến chuyển khá sâu sắc, toàn triệt, và dài lâu trong đời thơ, cũng như đời người của chị. Những rung cảm ray rứt, những tiếng thở dài thầm lặng, cùng bao suy niệm thiết thân với đời sống đang bộn bề vây phủ, đã được sẻ chia chân tình! Ở đây, người đọc thấy rất rõ mối quan hệ không thể chia cách giữa cuộc sống - thời đại - con người trong những năm tháng lao khổ và lận đận!

          Cho đến thi tập Cùng Tử Ca (2012) – bốn năm sau, Lê Phương Châu như đĩnh đạt bước vào con đường sáng lòa ánh nắng của Pháp Hoa… Có thể nói, từ “dấu mốc” (hay dấu chân) nầy, Lê Phương Châu đã vững bước tiến theo đường hân hoan cùng tiếng ca tỉnh thức của gã cùng tử!

          Từ Một Khắc Trăm Năm (2013) & Như Dòng Sông Trôi Xa (2014) là hai con đường thơ song hành, phơi phới, tươi mới, đầy sáng tạo mỹ thuật tôn giáo, được nhà thơ thể hiện rõ nét hơn bao giờ! Tình thương yêu, nỗi nhớ mong, và nhất là những ước mơ, kỳ vọng (…) thể hiện, bàng bạc trong từng bài thơ – tất cả đều hướng về chân lý của sự giải thoát chân chính dành cho kiếp nhân sinh rẫy đầy phiền não và khổ đau mà nhà thơ đã từng kinh qua. Người đọc nhận ra rằng tác giả tâm nguyện miên mật hiến dâng phần đời còn lại cho “niềm vui lớn” ấy!

           Dấu Chân Gió Ngược (2015) sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta theo lộ trình thơ đã được chị khẳng định, với những trang lòng êm đềm mà khoắc khoải:

“Lời như đã gió bay xa

Là tôi với tiếng cười oà sáng nay

Tờ lịch mới, tháng mười hai

Em ru tôi ngắm hoàng mai trở mình

Tắt dần ngọn đuốc ba sinh          

Buông tay nằm hát tự tình đêm qua

Vẫn trong trẻo khúc hương nhà

Chân chầm chậm rải sát na trùng phùng (…)”

           Và trong khu Vườn Thơ Tôi đã nẩy lộc, trổ hoa, góp hương cho đời:

“(…)

Em hiện trong vườn thơ tôi

Mùa xuân đi về rạng rỡ

Lộc xuân in dấu ngàn sao

Nàng thơ nghiêng mình ở lại

Bên tôi trang ngọc dạt dào!”

         “Em” (có nơi gọi “Anh”) là mỹ từ thơ được tác giả dành cho chân tánh (là bản lai diện mục, Phật tánh) như một tên gọi thân thiết, ruột thịt. Trong Hình Như Là Có Tôi nhà thơ đã luôn nhận biết, trong từng sát na đổi thay của vạn pháp nhiệm mầu, đều có “bóng dáng” của chính mình: đây là bước thâm nhập đầu tiên rất quan trọng để tiến dần vào đạo.

“Cũng đôi lúc suối tuôn hối hả

Chảy hiền ngoan mặc định bến lưu vong

Kiếp phù sinh bên triền ảo giác

Tôi neo đời mình lưng lửng hư không

Đêm như đã nổi trôi tình úa nhạt

Rất lạnh lung và cũng rất thậm thâm

Đá lên tiếng mù sương vỡ hạt

Tôi còn gì ngoài những góc quen thân (…)”

         Từng tháng năm âm thầm nơi thiền viện An Lạc, Hỷ Kiến Am, hay bất cứ nơi chốn dừng chân nào, nhà thơ cũng đã luôn tỉnh thức, trong niềm hỷ lạc vô bờ đầy sức sống:

“Giữa khuya đêm tỉnh thức

Nằm nghe tiếng công phu

Âm Lăng Nghiêm huyền hoặc

Quét khô đỉnh khói mù!”

           Những lời tâm sự đau đáu kiếm tìm như thế nầy sẽ “gặp” được rất nhiều trong Dấu Chân Gió Ngược:

“Tình ơi rốt ráo vô tình

Trăm lần neo bến một mình mộ ta

Đổi thay, thay đổi chuyến phà

Cơn giông hỉ nộ, đò qua kinh hoàng

Thinh không đỉnh vọng hạt tràng

Ngàn phương đốt đuốc mở màn nguyên tiêu

Sắc xuân chào cánh mây chiều

Xe lăn, quên bẵng một điều có không

Một bước đi – một bước gần

Trên tầm tay đọng giấc nồng ba sinh

Nụ cười lãng tử đầu sân

Là tôi tóc phủ mấy vần tâm kinh.”

(Quay Đầu Nhìn Tôi)

         Và:

“Thinh không bám trụ tồn sinh

Đêm qua nghe tiếng lục bình vang vang

Trăng thiêng vời vợi đạo tràng

Có-không-không-có ngổn ngang cõi trần

 

Cảm thông tiếng lục huyền âm

Hồn nhiên đá sỏi – mạch tâm vô sầu

Bỏ về nguồn – ngắm tằm dâu

Bên sông sóng vỗ – mạn cầu hạc bay.”

(Mặc Nhiên)

            Con đường an lạc rạng ngời ánh sáng đang mời gọi phía trước, nhưng phải vượt bao ghềnh thác, sông suối gian nguy mới có thể dừng chân an ổn – đôi lúc, người lữ hành cũng đã băn khoăn, rất thao thiết:

“Xới lại đằng sau đống tro tàn

Rừng già rơi lệ cánh đồng hoang

Nhớ nhau một chút tình thơm thảo

Đốt bếp than hồn – thắp nén nhang

 

Đánh thức tôi. Dặm dài sông côi

Lững thững say gió chiều chơi vơi

Dấu chân dốc ngược – lời chưa ngỏ

Bõ cuộc chào nhau – nửa ván đời (…)

 

Chia tay chia cả sóng tàn thu

Cả mặt trời rung, cả biển mù

Đỉnh ngàn mây hú không nơi hẹn

Sợi tóc rơi rơi gió bay vù!”

(Dấu Chân Gió Ngược) 

          Và những dấu chân gió ngược không hề chùn bước, vẫn luôn đi về phía mặt trời nồng nàn, mang lại cho người đọc bao xúc cảm ấm áp đã được thực chứng, bao kinh nghiệm sống dạn dày khổ đau mà âm vang lời sẻ chia thắm thiết, và nhất là, với bao niềm hy vọng cho một tương lai An Lành & Hạnh Phúc lâu dài! 

            Ngày vẫn bắt đầu với Quét Sân Chùa với tâm tĩnh lặng lại ngời ý thơnhư thuở nào, với đời sống bây giờ, và ngay lúc nầy:

“Sớm mai quét lá sân chùa

Khốc khô ngược dốc ỡm ờ chi đây

Đã rằng nắng nhạt bờ tây

Hom hem tay với giỏ đầy tàn rơi

 

Mặt hồ rơi bong dáng ai

Sao tâm tĩnh lặng lại ngời ý thơ”

 

Mùa Phật Đản

PL 2559

 

  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu