GIỚI THIỆU TÁC PHẨM





tựa       
Doãn Quốc Sĩ
 
   
  
Cơn giông ngày về  của tác giả Ninh Hạ gồm 8 truyện ngắn hay.
Về phương diện kỹ thuật, với tôi, sáng tác truyện ngắn bao giờ cũng khó hơn viết truyện dài.
Tôi cũng đã đi vào truyện ngắn của Ninh Hạ, thoáng gặp lại đâu đó những mảnh dĩ vãng điển hình của thời chiến đấu một mất một còn với Cộng sản, của thời mất nước và tù đày.  Có những kỷ niệm thân tình hồn nhiên, dí dỏm, dễ thương làm sao !
Còn về nội dung qua những tình tiết dàn trải trên khắp tám truyện ngắn trong tập Cơn giông ngày về thì ra sao đây?
Tôi xin dành những tình tiết bất ngờ đầy nghệ thuật để độc giả trực tiếp thưởng ngoạn.
Riêng phần tôi, sau khi đọc kỹ vànghiền ngẫm cả bốn phần truyện của Ninh Hạ:  Cho Người Về.  Cho Những Con. Cho Những Vợ .  Viết Thêm Cho Những Ông, tôi đã liên tưởng tới chuyện Con Cá Mắc Cạn của tôi, trích trong Khu Rừng Lau, đã được ấn  hành  trước đây vào  năm 1971 để  kỷ  niệm  mười
 năm hoạt động (1962-1971) của nhà xuất bản Sáng Tạo do tôi chủ trương.
Câu chuyện nói lên tinh thần bất biến của dân tộc nhà:
Vẫn tha thiết với tự do, nhưng không bao giờ quên tinh thần tự trọng.
 Câu chuyện như sau:
Ngày xưa có một người lính thú:
 
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu vai mang sung dài
Một tay thì cắp hoả mai
Một tay cắp dáo khoan thai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
 
Đi ngược dòng song vài ngày rồi lên bộ lẽo đẽo vượt suối, rồi lại xuống thuyền vượt sông rồi lại lên bộ, cứ thế ròng rã một tháng trời mới tới nơi đồn trú.  Đó là miền biên giới có thác chảy ào ào suốt ngày đêm, có núi chập chùng cao ngất chặn mất đường về.  Dọc theo ngọn nguồn con sông chảy siết là những khu rừng già âm u nhiều rắn độc, nhiều thú dữ.
Đau đớn thay cho người lính thú, anh phải ở đây ba năm, ba năm dài những âu lo, thương nhớ.  Bất trắc có thể xẩy đến hàng ngày khiến anh bỏ thây nơi núi rừng hùng vĩ nhưng hiểm độc này.  Anh mà ngã xuống chỉ một chiếc lá nhỏ cũng đủ phủ thây anh, vì thây anh sẽ rữa nát trước chiếc lá để rồi mất tích vào đám bùn đen ẩm thấp dưới rừng.  Đêm đến anh ngủ, những hình ảnh khủng khiếp đó ùa đến cùng tiếng thác gào ngàn để uy hiếp linh hồn anh.  Ba năm…ba năm dài…
 
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miếng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước trong xanh con cá vẫy vùng          
Phải, một hôm kia anh vào rừng chém  tre đẵn gỗ, anh lạc đến khoảng tròn rộng và sâu những đá là đá, lớn có những tảng, nhỏ thành từng hòn, nhỏ nữa là cát sỏi.  Nước ở đây thật là trong và có một con cá.  Thoáng thấy anh con cá vùng quẫy như muốn tìm nơi ẩn trốn.  Người lính thú nào có biết đâu điều đó, anh ao ước được tự do như con cá kia và buột lời ngâm:         
            Nước trong xanh con cá vẫy vùng
Kỳ lạ thay, con cá đó biết nói.  Nó hỏi anh:
-“Anh cho tôi là sung sướng lắm sao?
Người lính thú đáp:
-Sung sướng lắm chứ! Cảnh thì tĩnh, nước thì trong, một mình anh thảnh thơi vùng vẫy.
Con cá làm như cất tiếng cười mai mĩa rồi giải thích:
-Đây trước là con suối.  Một hôm mưa nguồn lớn, đá trên núi xô lăn xuống ngổn ngang, con suối đổi dòng, để lại một khúc chết ở đây.  Thoạt tiên nước đục, tôi còn khây khoả đôi chút vì mình có thể bơi lội tung tăng mà vẫn no mồi chẳng phải để ý đến ai mà cũng chẳng ai biết có mình mà để ý.  Tai hại thay nước lắng dần. Qua đi một tuần trăng, nước trong suốt như gương tôi thấy mình trơ trẽn quá. Anh ơi, rủi bị tù trong một vũng nước đã là một điều đáng buồn lại bị tù lộ liễu trong một vũng nước trong suốt như gương này thật là vừa buồn vừa nhục.
-Nước trong vắt không có mồi anh có đói không?
-Tôi có thể ăn rêu bám ở những hòn đá quanh đây.
Người lính thú lấy cơn nắm giơ lên và nói:
-Tôi bửa cơm ra rồi ném xuống một tí cho anh nhé.
Giọng cá bình thản một cách buồn rầu:
-Cám ơn anh, giá nước đục anh làm như vậy thì hay, nhưng nước trong như thế này, anh ném cơm xuống để thấy tôi bơi lên đớp lấy, chao ôi còn cảnh nào tủi hổ cho bằng!
Người lính thú ngẫm nghĩ, sực nhớ điều gì, anh nói:
-Thế tôi mang anh sang dòng song gần đây vậy nhé!
Cá đáp:
-Cám ơn anh, nhưng cảnh tôi phải lên nằm trên lòng bàn tay anh để rồi anh mang ra sông thả xuống càng đáng sĩ nhục gấp ngàn gấp vạn lần cảnh bị tù thế này.  Tôi tuy bị tù ở đây nhưng vẫn nghe thao thức tiếng sông qua mạch đất.  Sẽ có ngày mưa nguồn sẽ làm tràn bờ giếng này, làm rềnh khúc sông kia, lúc đó tôi sẽ nương theo triền nước mà tìm ra sông.  Như thế mới đẹp!  Như thế mới đẹp!
Có tiếng mõ thu quân.  Người lính thú chào cá, bịn rịn ra về.
Từ đấy mỗi khi chém tre, đẵn gỗ, hoặc đi kiếm măng trúc, măng mai qua đấyanh cũng giữ ý, chẳng muốn đến bên bờ suối để khỏi gây xáo động cho con cá bị tù.  Thảng gặp cơn mưa nguồn khá lớn, anh chạy vội tới đó ném  vội xuống khối nước đục ngầu một ít cơm rời, rồi ra về trong long không vui, vì anh vẫn thắc mắc chẳng hiểu cá còn ở đó để nhận những hột cơm của người tri kỷ, hay đã trườn mình ra sông.
       
*
 Xin ghi lại câu chuyện trên thay lời tựa tác phẫm CƠN GIÔNG NGÀY VỀ của anh bạn trẻ thân thương của tôi, NINH HẠ.

  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu