THÁI QUỐC MƯU

Học Giả, Giảng Sư Minh Di
***

 


Lời giới thiệu:
 
Trước khi đi vào bài, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả về Giảng sư, Học giả Minh Di.
 
Minh Di là bút hiệu, sanh tại Hà Nội, Cụ thân sinh của ông người Hà Tĩnh, từ thập niên 40, thế kỷ trước, làm công chức thời Pháp ở ngoài Bắc. Năm 1952, Pháp bắt thân phụ Minh Di vào Sĩ Quan Thủ Đức, do đó gia đình ông Minh Di phải từ Bắc vào Nam.
 
Minh Di tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, Cao Học Sàigòn, ban Việt Hán, ngạch Giáo sư Trung Học Đệ Nhị cấp, ra trường dạy lớp Đệ Nhất, ở Tây Ninh, Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Sau 30/4/75, Miền Nam mất, hết Hè năm 1975, bắt đầu năm học đầu tiên của chế độ mới, ông tự động bỏ dạy, không trở lại trường. Hiện định cư tại Úc Châu.
 
Ở nhà ông chuyên nghiên cứu và viết phê bình và biên khảo về Sử học, Văn học, Phật học, Cổ học, Kiến thức tổng quát... nhanh chóng được giới văn học thán phục và nhận định: “Minh Di, là một học giả uyên bác nhất, từ trước đến nay.”
 
Thư phòng của ông có trên 6 ngàn (sáu ngàn) đầu sách cổ, hiếm, quý. Có những bộ sách đến 60 cuốn. Tính ra thư phòng của Học giả Minh Dinh có khoảng trên 50 ngàn (năm mươi ngàn) cuốn sách.
 
Nhiều văn thi hữu của chúng tôi từ Mỹ sang Úc Châu du lịch, do ái mộ đã tìm đến thăm Học giả Minh Di, khi viếng thư phòng của ông đã phải thốt lên: “Đây chính là Thư Viện!”
 
Dưới đây là một đoạn thư ngắn, Học giả Minh Di gởi cho chúng tôi:
 
“Ngoài mấy chục đầu sách đã phát hành, sau đây là những cuốn sách tôi đã viết xong, chưa in, sẽ lần lượt gởi đến anh và anh Kha Tiệm Ly.
 
(1). Nam Biên.
Sách viết về dân tộc Chiêm Thành.
 
(2). Tử Nê Tân Phẩm.
Một cuốn sách nói về Trà, trong đó gồm những đề mục như lược sử về Trà, nghệ thuật uống Trà của người Trung Hoa, và nghệ thuật của loại bình trà gọi là Tử Sa hồ nổi tiếng của Trung Hoa, và một số vấn đề khác...
 
(3). Đường Thi Từ.
Một cuốn tuyển dịch và chú giải thi, từ thời Đường.
 
(4). Tam Bách Dư Niên Hậu.
Một cuốn gồm một số bài viết về "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, về những điểm từ trước chưa ai đề cập, ít nhất là căn cứ một số bản chú giải về Truyện Kiều đã xuất bản.
 
(5). Tiếng Hán Việt.
Một cuốn nghiên cứu về tiếng Hán Việt.
 
(6). Thiên Địa Tâm.
Bản dịch và chú thích bài "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi.
 
(7). Đại Đường Tây Vực Ký.
Bản dịch và chú thích về cuộc hành trình của Trần Huyền Trang đời Đường qua Ấn Độ cầu Pháp, thỉnh Kinh và những gì thấy nghe ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7.
 
(8). Vãng Tân Nhật Ký.
Bản dịch và chú thích cuốn "Vãng Tân Nhật Ký" (Nhật Ký đi Thiên Tân) của Phó sứ Nguyễn Thuật thời vua Tự Đức qua Thiên Tân, vào cuối năm 1883 đến đầu năm 1884, cầu cứu Trung Hoa giúp Việt Nam để chống Pháp.
 
(9). Dịch Kinh Tân Giải.
Một tác phẩm nghiên cứu Kinh Dịch đưa ra những kiến giải của riêng tôi, đưa ra những điểm mà các học giả chú thích Kinh Dịch của Trung Hoa từ trước đến nay chưa hề nói tới. Có thể nói đây là một cuốn sách tôi rất ưng ý. Cuốn này tôi đã tự dịch qua Anh văn với Tựa đề là "Enigma".
 
(10). Chu Dịch Vương Hàn Chú.
Bản dịch bản chú thích Kinh Dịch nổi tiếng của Vương Bật.
 
(11). Đỗ Phủ. Nghèo. Bệnh. Cô độc, một đời.
Như anh đã biết đây là cuốn sách mới nhất của tôi.
 
Tôi còn một cuốn đang dở dang là bản dịch cuốn “Binh Pháp của Tôn Tử.”
 
Chúng tôi được Học giả Minh Di xem là chỗ thân tình. Khi viết xong cuốn sách, ông liền gởi qua Mail đến tôi và Kha Tiệm Ly - em tôi, cùng xem trước (nhưng, chưa xem xong, ông gởi lại bản bổ túc - Xin xem thư).
 
“Anh Thái Quốc Mưu kính,
 
Lại làm phiền anh lần nữa nhé.
Tôi ngồi không yên, lại bổ túc cuốn sách về Đỗ Phủ. Tính tôi như vậy, và cũng tập cho mình cái thói quen là không bao giờ tự mãn với những gì mình viết ra, lúc nào cũng “cầu toàn”, dù rằng, biết rằng cái học thì như biển, sức người thì hữu hạn, nhưng gắng tới đâu hay tới đó. Anh LTT thì rất rõ cái tính của tôi, bài nào tôi gởi đăng, anh ấy chưa kịp đăng thì sau đó tôi lại gởi bài bổ túc. Cũng xin anh chuyển cho anh Kha Tiệm Ly lần bổ túc mới nhất này, của bản thảo cuốn sách này.
Cuốn sách này tôi chỉ gởi cho bạn bè và một vài người quen, chưa tới 10 người. Tôi chưa gởi anh LTT.    
Chúc anh và gia đình mọi sự vui vẻ và bình yên, tự tại ngay cả trong sự phiền não.

Thân kính
Minh Di”

 
Thái Quốc Mưu
 
***
 
Với sự đồng ý Học giả Minh Di, chúng tôi kính mời quý độc giả đi vào bài viết của ông, về:
 
CHIẾN SỰ NĂM BÍNH THÌN, GIỮA LÝ TRIỀU VÀ TỐNG TRIỀU
01-32 (35).

 
Dẫn nhập:
 
- Tháng 11 năm Ất Mão (năm 1075), Việt Nam đưa quân vượt Biên cảnh Việt - Trung tiến đánh Khâm Châu (Châu trị cũ hiện ở huyện Linh Sơn, Quảng Tây), và Liêm Châu (Châu trị cũ hiện ở huyện Hợp Phố, Quảng Tây).
 
Trị sở của Khâm châu nói trên đây là Trị sở thời Bắc Tống (960 - 1127).
 
Thời Nam Tống (1127 - 1279), Châu trị cũ của Khâm Châu đã từ huyện Linh Sơn nằm sâu trong đất liền, dời xuống huyện An Viễn, ở ngay Cửa sông Khâm giang đổ ra Biển, tức ngày nay gọi là vịnh Khâm Châu. Trị sở sau này cách Trị sở cũ 84 cây số về phía Tây nam.
 
+ Qua tháng Giêng năm sau, năm Bính Thìn (1076), Việt Nam lại đưa quân qua vây hãm thành Ung Châu (Châu trị cũ hiện ở huyện Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây).
 
Liền sau đó Trung Quốc tiến hành kế hoạch tấn công báo phục, và sau một vài lủng củng nội bộ giữa nhân sự chỉ huy, Tống triều sai Quách Đạt dẫn quân binh xuống phương Nam.
 
Sau đó, 2 bên cứ giằng co, để đến tháng Chạp cùng năm, Quách Đạt vẫn không sao tiến sâu vào nội địa Giao Chỉ, cũng như không đạt được thắng lợi nào, Tống triều đành ra lệnh triệt thoái. 
 
Hai cuộc tiến công của Việt Nam, cũng như cuộc chiến tranh ngắn ngủi nói trên với Tống triều, đã xảy ra dưới triều Lý Nhân tông (1066 - 1127; tại vị: 1072 - 1127), còn bên Tống triều bấy giờ là Tống Thần tông (1048 - 1085; tại vị: 1067 - 1085).
 
                                                                          ***

 

 
Nhận định về kết quả trận Chiến kể trên hầu hết những Sách sử Trung Quốc trước đây cũng như hiện nay, Sách in tại Lục địa cũng như tại Đài Loan và Hương Cảng, đã cùng 1 giọng chép rằng tháng Chạp năm Bính Thìn Quách Đạt đại phá quân An Nam ở Phú Lương giang, và tiếp sau đó Lý triều phải xin hàng.
 
Phú Lương giang là tên cổ của sông Hồng Hà, hoặc cũng được gọi là sông Nhị Hà.
 
Phú Lương giang phát nguyên từ mạn Nam tỉnh Vân Nam (Trung Hoa), và có 2 nguồn: Nguồn phía Đông là Bạch Nhai giang (có sách chép là Bạch Nham), xuất từ núi Lương Vương ở huyện Vân Nam, nguồn phía Tây là Dương giang, xuất từ núi Hoa Phán huyện Mông Hóa.
 
Hai con sông này nhập lưu tại địa giới huyện Mông Hóa để thành sông Lễ Xã, tiếp đó Sông Lễ Xã theo hướng Đông nam chảy đến huyện Nguyên Giang thì được gọi là sông Nguyên Giang - Sông này cũng theo hướng Đông nam đổ vào Việt Nam để từ đây có tên là Phú Lương giang.
 
Sách 'Đông Tây Dương Khảo’ của Trương Tiệp (1574 - 1640) đời Minh chép:
 
- “Phú Lương giang tại Giao Châu phủ Đông Quan huyện, nhất danh Lô giang, thượng tiếp tam đái châu Bạch Hạc giang, kinh thành Đông, hạ thông Lợi Nhân huyện Đại Hoàng giang dĩ đạt ư hải. Tống Quách Quì phá Man, quyết lí ải, thứ Phú Lương giang”.
 
Dịch: “Phú Lương giang ở huyện Đông Quan, phủ Giao Châu, có 1 tên khác nữa là Lô giang, ở mạn thượng du nối với ngã ba sông Bạch Hạc, chảy ngang mé Đông thành, ở vùng hạ du, thông sông Đại Hoàng ở huyện Lợi Nhân và đổ vào biển. Thời Tống, Quách Quì thắng dân Man, khai thông những điểm yếu hại (của địch), tới đóng quân ở Phú Lương giang”.
(Tham khảo: Đông Tây Dương Khảo. Qu. I. Tây dương liệt quốc khảo. Giao chỉ. Hình thắng danh tích)
 
Phú Lương giang chảy ngang mé đông Đông đô (Thăng Long) nên thời cổ người Trung Hoa còn gọi sông này là Đông Kinh hà. Phú Lương giang là sông lớn nhất miền Bắc Việt Nam.                            
 
Mở đầu bài Văn tế 'Trận Vong Tướng Sĩ’, Nguyễn Văn Thành (? - ?) viết:
 
- “Than ôi trời Đông Phố vận ra sóc cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay, nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ...”
                                                                           *
Sau đây tôi sẽ duyệt qua một số Sử thư Trung Quốc thời cổ liên quan cuộc Chiến năm Bính Thìn để từ đó đưa ra 1 nhận định khách quan về vấn đề.
 
Bộ 'Tống Sử’ của Đoạt Đoạt (1314 - 1355), Thừa tướng Nguyên triều (1279 - 1368), đã chép rõ là năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh (1068 - 1077), năm 1075, thời Tống Thần tông, xứ Giao Chỉ đưa 80,000 quân, chia ra nhiều cánh tấn công đánh hạ các thành Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như 4 doanh trại của Ung Châu. Tiếp đó, tiến quân công thành Ung Châu! Quan trấn thủ Ung Châu là Tô Hàm (? - 1076) một mặt tử thủ, một mặt sai người qua Quế châu xin viện binh.
 
Lưu Di (1017 - 1086), Tri châu Quế Châu, lập tức điều động Trương Thủ Tiết (? - ?) đem quân đi cứu thành Ung châu. Trương Thủ Tiết nhận lệnh nhưng cứ chần chờ không xuất quân.
 
Cấp bách quá, Tô Hàm lại cho người đi cầu cứu quan Đề điểm Hình ngục Tống Cầu (? - ?).  
Nghe tin cấp báo Thành Ung Châu bị vây rất ngặt, Tống Cầu kinh hoảng, khóc lóc, tức tốc thúc Trương Thủ Tiết xuất quân! Khiếp sợ quá, Trương Thủ Tiết vội di chuyển quân binh trú đóng, từ Đại Giáp Lãnh về giữ ải Côn Luân, nhưng giữa đường bất ngờ đụng đầu quân Việt, và, chưa kịp giao chiến gì cả toàn quân đã bị quân Lý triều bắt sống gọn, không sót người nào.
 
Viện binh không tới, Tô Hàm đành tận lực tử thủ ròng rã 42 ngày trời... cho đến khi trong thành hết lương thực, hết nước uống. Cuối cùng quân Lý triều dồn đất cát vào bao chồng lên nhau, làm những nấc thang mà tràn vào thành.
 
Thành thất thủ, Tô Hàm chạy về Châu trị, giết hết gia đình là 36 người, giấu xác dưới 1 cái hầm rồi tự thiêu. Cảm nghĩa khí của Tô Hàm, quân, dân trong thành không một ai chịu hàng.
 
Quân Việt tàn sát quân, dân thành Ung Châu tính ra hơn 50,000 người - cứ 100 thây người đem chất lại 1 đống, tổng cộng có hơn 580 đống như vậy.
(Tham khảo: Đoạt Đoạt (cũng đọc Thoát Thoát), Tống Sử. Qu. CDXLVI. Tô Hàm truyện).
 
Về tướng chỉ huy quân đội Tống triều tiến đánh Việt Nam, cũng bộ 'Tống Sử’ chép như sau:
 
- “Giao Chỉ bạn, Chiếu vi 'An Nam Hành doanh Kinh lược Chiêu thảo Sư, tổng cửu tướng quân thảo chi, dĩ trung quan Lý Hiến vi nhị. Tiết dữ nghị bất hợp, thỉnh bãi Hiến.
 
Thần tông vấn khả đại giả, Tiết dĩ Quách Quì lão biên sự nguyện vi tì tán. Ư thị dĩ Quách Quì vi Tuyên Phủ Sứ, Tiết phó chí.
(Tham khảo: Tống Sử. Qu. CCCXXXII. Triệu Tiết truyện)
 
- “Giao Chỉ làm phản, (Thần tông) hạ Chiếu chỉ, phong (Triệu Tiết) chức “An Nam Hành doanh Kinh lược Chiêu thảo Sư”, thống lãnh 9 Tướng dẫn quân đi đánh, lại chỉ định hoạn quan Lý Hiến phụ tá. Triệu Tiết và Lý Hiến hợp tác mà chẳng hợp ý nhau, cho nên Triệu Tiết đã xin bãi nhiệm Lý Hiến.
 
Thần tông hỏi ai là người có thể thay Lý Hiến, Triệu Tiết nói, “Quách Quì vốn người từng trải việc biên thùy, nếu như Quách Quì chỉ huy thì mình tình nguyện làm phụ tá.”
 
Do đó (Tống Thần tông) lệnh cho Quách Quì làm Tuyên Phủ Sứ, Triệu Tiết làm phó.
 
Trong phần chép Tiểu sử (Truyện) Quách Quì, 'Tống Sứ đã ghi rõ hơn Chức vụ của Tướng này khi nhận lệnh dẫn quân xuống phương Nam:
 
- “Giao Chỉ Lí Càn Đức hãm Ung Quản, triệu vi An Nam Hành doanh Kinh Lược Chiêu thảo Sứ kiêm Kinh Hồ, Quảng Nam Tuyên Phủ Sự”
(Tống Sử. Qu. CCXC. Quách Quì truyện)
 
(Nghĩa: Lý Càn Đức ở Giao Chỉ đưa quân công hãm quản hạt Ung châu, triều đình triệu (Quách Quì) về giao cho chức An Nam Hành doanh Kinh lược Chiêu thảo Sứ, kiêm lãnh Tuyên Phủ sứ các Lộ Kinh Hồ, Quảng Nam.)
 
                                                                           ***

 

 

Về nguyên do Lý triều đánh 3 Châu Khâm, Liêm, Ung thì Tất Nguyên (1730 - 1797) triều Thanh cho biết trong bộ “Tục Tư Trị Thông Giám” như sau:
 
- “Hi Ninh bát niên... Thập nhất nguyệt...  Tri Quế châu Thẩm Khởi khuy thủ Giao Chỉ, vọng ngôn thụ mật chỉ, khiển quan nhập khê động điểm tập sĩ đinh vi bảo ngũ, thụ dĩ trận đồ, sử tuế thời tứ tập, kế mệnh nhân nhân đốc vận diêm chi hải tân, tập chu sư, ngụ giáo thủy chiến. Cố thời Giao nhân dữ Châu, Huyện mậu dịch, nhất thiết cấm chỉ! Tri Ung Châu Tô Hàm di Khởi thư thỉnh chỉ bảo giáp, bãi thủy vận, thông hỗ thị. Khởi bất thính, hặc Hàm thư nghị.
 
Triều đình dĩ Khởi sinh sự, nãi bãi Khởi, mệnh Lưu Di đại chi. Di chí, bất cải Khởi chi sở vi, tấu bãi Quảng Tây sở đồn Bắc binh nhi dụng thương trượng thủ phân thú, đại trị qua thuyền, át tuyệt hỗ thị. Giao nhân nghi cụ, chí thị phân tam đạo nhập khấu.
Mậu Dần hãm Khâm Châu....
Giáp Thân, Giao Chỉ hãm Liêm Châu....
Cửu niên, Xuân chính nguyệt.....
Mậu Thìn, Giao Chỉ vi Ung Châụ....
(Tham khảo: Tục Tư Trị Thông Giám. Qu. LXXI. Tống kỉ. Thần tông)
 
- 'Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh...
 
Tháng 11... Tri châu Quế Châu là Thẩm Khởi vốn có ý đánh Giao Chỉ, nói càn là nhận được lệnh mật, sai quan tới các vùng Khê, Động tập họp trai tráng lập thành đội ngũ, dạy cho trận đồ theo thời mà luyện tập, rồi lại lệnh cho những người chuyển vận muối tại các hải cảng luyện tập về thủy quân và lưu tại chỗ để tập cho việc thủy chiến! Việc giao thương giữa người Giao Chỉ và các Châu, Huyện, trước đây mọi việc đều cấm hết! Tri châu Ung châu là Tô Hàm đã gởi thư cho Thẩm Khởi yêu cầu bãi bỏ các việc tổ chức đội ngũ, bãi bỏ việc chuyển vận đường thủy để thông giao thương. Thẩm Khởi (chẳng những) đã không nghe, mà còn kết tội Tô Hàm tại triều đình, là có những nghị luận cản trở việc làm của mình.
 
Cho rằng Thẩm Khởi sinh sự, triều đình bãi nhiệm Thẩm Khởi, điều Lưu Di về thay. Lưu Di đến trấn nhậm đã không thay đổi những gì Thẩm Khởi đã làm, lại còn tâu xin bãi những quân binh ở phương Bắc trú đóng tại Quảng Tây để dùng những quân binh sở trường sử dụng thương chia ra trấn giữ vùng biên, cho đúc quân khí, tu tạo thuyền bè ở tầm mức rộng lớn và cấm tuyệt các việc giao thương buôn bán (với người Giao Chỉ). (Tất cả những Sự việc này), cho tới đây, đã làm cho Giao Chỉ nghi ngờ, sợ sệt, do đó chia ra 3 ngả nhập cảnh cướp phá.
 
Ngày Mậu Dần công hãm Khâm Châu...
Ngày Giáp Thân công hãm Liêm Châu...
Năm thứ 9, mùa Xuân, tháng Giêng...
Ngày Mậu Thìn, Giao Chỉ vây thành Ung Châu...'.
 
- Thẩm Khởi trấn nhiệm Quế Châu từ tháng Giêng năm 1073 cho đến tháng 3 năm 1074.
 
- Sau đó Lưu Di về thay, và đến tháng 12 năm 1075 thì Lưu Di cũng bị bãi nhiệm.   
 
- Những quân binh sở trường sử dụng thương Lưu Di xin triều đình để trấn giữ vùng biên đề cập trong đoạn văn trên chỉ những quân binh tại Quảng Nam Đông Lộ (tỉnh Phúc Kiến) - quân binh vùng này sử dụng thương giỏi hơn các vùng! Quân binh này, nguyên văn là 'Thương trượng thú hay còn gọi Thương thủ (thủ = tay); đây là những “Hương binh” - tức như Địa phương quân hay Nghĩa quân ngày nay, không thuộc đội quân chính qui như những quân binh ở phương Bắc được điều tới đồn trú tại Quảng Tây.
(Tham khảo:Tống Sử. Qu. CXCI. Binh chí 144. Binh 5. Hương binh 2).
 
Ngoài ra, các ngày Khâm Châu, Liêm Châu thất thủ, và ngày Ung Châu bị vây Tất Nguyên chép có khác với Lý Đạo thời Nam Tống (1127 - 1279) (sẽ nói ở 1 đoạn sau).
 
Những biện pháp chuẩn bị nhằm đối phó với Giao Chỉ của Thẩm Khởi và Lưu Di dẫn trên, chép trong Bộ Tục Tư Trị Thông Giám, trước đó Sử học gia Lý Đạo (1115 - 1184) thời Nam Tống đã chép rõ hơn, và chính xác hơn.
 
- “Hi Ninh bát niên.
Thập nhị nguyệt Kỉ Sửu...
Đinh Dậu. Giao Chỉ vi Ung Châu...
 
Sơ, Thẩm Khởi Kinh Lược Quảng Tây, vọng ngôn bị chỉ, mưu thảo Giao Chỉ, hựu thiện phủ nạp Ân, Tĩnh Châu Nùng Thiện Mĩ cập ư Dung, Nghi Châu cương trí thành trại, sát nhân dĩ thiên số. Giao nhân chấn nhiễu!
 
Chiếu dĩ Lưu Di đại Khởi, ký sử chiêu tập chi - nhi Di nãi canh vọng ý Triều đình, hữu công thủ mưu, dục dĩ câu kỳ lập dị vi công! Thủy khiển quan nhập khê động, điểm tập thổ đinh vi bảo ngũ thụ dĩ trận đồ, sử tuế thời tứ tập! Kế mệnh chỉ sử nhân đốc diêm vận chi hải tân, tập Chu sư, ngụ giáo thủy chiến. Cố thời Giao nhân dữ Châu, huyện mậu dịch, nhất thiết cấm chỉ chi.
 
Ư thị, Giao Chỉ ích nhị, đại tập binh đinh, mưu nhập khấu. Tri Ung Châu Tô Hàm tư tri kỳ thực dĩ thư để Di thỉnh bãi sở hành tam sự như cố, vô sử Giao nhân hưng sư hữu danh.
 
Di bất thính, phản di văn hặc Hàm thư nghị, hựu trách lệnh bất đắc triếp ngôn Biên sự.
 
Ư thị Giao nhân quả đại cử chúng hiệu bát vạn. Thập nhất nguyệt để hải ngạn, vị tuần nhật hãm Khâm, Liêm nhi. Châu, phá Ung chi Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Lục, Cổ Vạn tứ Trại.
(Tham khảo: Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXI. Thần tông)
 
(Dịch: 'Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.
Tháng Chạp, mồng 1 ngày Kỉ Sửu...
Ngày Đinh Dậu. Giao Chỉ vây Ung Châu...
 
Lúc đầu, Thẩm Khởi là Kinh Lược Quảng Tây, vọng ngôn là nhận được Chiếu chỉ mưu tính việc đánh Giao Chỉ, bên cạnh đó lại tự ý chiêu nạp phủ du. Nùng Thiện Mĩ ở Ân Châu, Tĩnh Châu, và cho lập thành, trại ở ven các Châu Dung, Châu Nghi, giết người cả ngàn. Người Giao Chỉ do đó kinh hoàng chấn động!
 
Triều đình xuống chiếu chỉ cho Lưu Di về thay (Thẩm) Khởi, hi vọng (Lưu Di) sẽ chiêu tập được dân (Giao Chỉ) - nhưng rồi (Lưu) Di còn giải thích sai lạc ý Triều đình hơn nữa, qua ý định gây chiến tranh, nhằm lập được công trạng kỳ lạ. Trước hết (Lưu Di) sai quan tới các vùng khê động kiểm tra, tập họp trai tráng trong vùng tổ chức thành đội ngũ để dạy cho trận đồ, bắt họ học tập quanh năm. Kế đến, sai người đốc thúc dân chở muối tại các bến cảng, tụ tập thủy quân dạy cho thủy chiến. Tất cả mọi việc giao dịch buôn bán giữa người Giao Chỉ và các châu huyện trước đó đều cấm chỉ.  
 
Do đó người Giao Chỉ càng thêm nghi ngờ, điều động đông đảo quân binh, trai tráng, mưu tính vào cướp phá! Tri châu Ung Châu là Tô Hàm dò la biết được sự tình xác thực do đó gởi thư cho Lưu Di xin bãi trừ 3 biện pháp nói trên, tái lập tình trạng cũ, đừng cho người Giao Chỉ có cớ mà động binh.
 
(Lưu) Di không nghe, trái lại gởi văn thư kết tội (Tô) Hàm có những nghị luận cản trở công việc đồng thời khiển trách, lệnh cho (Tô Hàm) không được nói về sự vụ. Biên thùy.
 
Quả nhiên sau đó người Giao Chỉ điều động đại quân, quân số là 80,000 người! Tháng 11, quân Giao Chỉ cập bờ biển, (để) chưa đầy 10 ngày thì vây hãm 2 Châu Khâm, Châu Liêm, và đánh hạ 4 Trại là Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Lục, Cổ Vạn thuộc Ung Châu.
 
+ Để có 1 khái niệm tổng quát về vị trí Không gian của 1 số Trại ở vùng biên địa Trung Quốc.
Bộ “Vũ Kinh Tổng Yếucủa Đinh Độ (990 - 1053) và Tăng Công Lượng (998 - 1078) dưới triều Bắc Tống (960 - 1127) viết:
 
- “ Thái Bình Trại.
Tại Tả giang Nam ngạn, Nam khống Tư Lam man động, Hữu giang địa phận.
Đông chí Châu thập nhật trình.
Tây Quảng Nguyên Châu nhị nhật trình, Tây nam Môn Châu thủy khẩu.
Nam Tôn động nhất nhật trình.
Tây bắc Tây Bình Châu Bắc Trại Tây Châu giới.
 
- Thiên Long Trại.
Khống Vũ Doanh Động nhất đái Man giới.
Đông chí Châu tứ nhật trình.
Tây Tư Minh Bắc Giang Châu.
Nam chí Tư Châu, tiếp Khâm Châu Để Trác Phố, nhập Giao Chỉ Tô Châu giới nhất nhật trình.
 
- Vĩnh Bình Trại.
Đông chí Châu.
Tây nam Giao Chỉ Giáp động Đơn Ba giới, Môn Châu giới, tịnh nhất nhật trình.
(Tham khảo: Vũ Kinh Tổng Yếu. Tiền Tập. Qu. XXI. Quảng Nam Tây Lộ. Ung Châu)”               
 
Dịch:
 - “Thái Bình Trại.
Ở Nam ngạn Tả giang, ở mặt Nam khống chế Tư Lam động của dân Man ở địa phận Hữu giang.
Phía Đông tới (Ung) Châu là 10 ngày đường.
Phía Tây đến Quảng Nguyên Châu 2 ngày đường, phía Tây nam là cửa sông Môn Châu.
Phía Nam đến Tôn động 1 ngày đường.
Phía Tây bắc là Bắc Trại của Tây Bình Châu, ranh giới Tây Châu.
 
- Thiên Long Trại.
Khống chế cả 1 dải Vũ Doanh Động, là ranh giới vùng dân Man.
Phía Đông đến (Ung) Châu 4 ngày đường.
Phía Tây là Bắc Giang Châu, phủ Tư Minh.
Đi về phía Nam tới Tư Châu, tiếp giáp Để Trác Phố, thuộc Khâm Châu, nhập biên giới Tô Châu xứ Giao Chỉ 1 ngày đường.
 
- Vĩnh Bình Trại.
Phía Đông là (Ung) Châu.
Phía Tây nam là địa giới Đơn Ba, Môn Châu ở vùng Giáp động xứ Giao Chỉ, tới 2 vùng này đều mất 1 ngày đường.
 
Trên Bản đồ.
+ Vĩnh Bình Trại. Kinh độ 106o 50'. Vĩ độ 21o 40'.
+ Thái Bình Trại. Kinh độ 107o 20'. Vĩ độ 22o 27'.  
+ Cổ Vạn Trại. Kinh độ 107o 53'. Vĩ độ 22o 44'.
+ Ung Châu. Kinh độ 108o 19'. Vĩ độ 22o 49'. 
 

 

Từ Vĩnh Bình Trại ở phía Đông Lạng Sơn (Giao Chỉ) theo hướng Bắc thì Thái Bình Trại ở về mé Đông bắc, đi lên nữa theo hướng Đông bắc là Cổ Vạn Trại, và từ Cổ Vạn Trại đi qua phía Đông hơi lệch lên mặt Bắc là Ung Châu.
 
+ Còn về Thiên Lục Trại thì trên Bản đồ đời Bắc Tống không thấy. Không rõ có phải thời này là Thiên Long Trại ở phía Đông bắc Vĩnh Bình Trại không? - vị trí ở Kinh độ 107o 37'. Vĩ độ 22o 7'.
 
Ngoài ra, tập Bút ký “Tộc Thủy Ký Văn” của Tư Mã Quang  (1019 - 1086) có bài viết như sau:
 
- “Hi Ninh trung, triều đình khiển Thẩm Khởi, Lưu Di tương kế Tri Quế Châu dĩ đồ Giao Chỉ.
Khởi, Di tác chiến thuyền, đoàn kết động đinh dĩ vi bảo giáp - cấp Trận đồ, sử y thử giáo chiến.  Chư động tao nhiên. Sĩ nhân chấp Giao Chỉ đồ ngôn công thủ chi sách giả bất khả thắng số.
 
 Lãnh Nam tiến sĩ Từ Bách Tường lũ cử bất trúng đệ, âm di Giao Chỉ thư viết:
 
“Đại Vương tiên thế bản Mân nhân, văn kim Giao Chỉ công khanh, quí nhân, đa Mân nhân dã! Bách Tường tài, lược bất tại nhân hậu - nhi bất dụng ư Trung Quốc - nguyện đắc tá Đại vương hạ phong.
 
Kim Trung Quốc dục đại cử dĩ diệt Giao Chỉ, Binh pháp:
 
- Tiên nhân hữu đoạt nhân chi tâm, bất nhược tiên cử binh nhập khấu, Bách Tường thỉnh vi nội ứng.
 
Ư thị, Giao Chỉ đại phát binh nhập khấu, hãm Khâm, Liêm, Ung tam Châu, Bách Tường vị đắc nhàn vãng qui chi...
 
- Hội Thạch Giám dữ Bách Tường hữu thân, tấu xưng Bách Tường hữu chiến công, trừ Thị cấm, sung Khâm, Liêm, Bạch Châu Tuần kiểm.
 
Triều đình mệnh Tuyên Huy Sứ Quách Quỳ thảo Giao Chỉ, Giao Chỉ thỉnh hàng, viết:
< Ngã bản bất nhập khấu, Trung Quốc nhân hô ngã nhĩ>.
 
Nhân dĩ Bách Tường thư dữ Quỳ.
Quỳ hịch Quảng Tây Chuyển Vận Ty án cục! Bách Tường đào khứ, tự kinh tử! - Quách súy vân'.
(Tham khảo: Tộc Thủy Ký Văn. Qu. XIII).
 
Dịch:
- 'Trong khoảng niên hiệu Hi Ninh triều đình điều Thẩm Khởi, Lưu Di lần lượt, nối tiếp nhau về trấn nhiệm Quế Lâm để mưu đánh Giao Chỉ.
 
Thẩm Khởi, Lưu Di đóng chiến thuyền, gom trai tráng tại các vùng (Khê) động lại tổ chức thành đội ngũ - cấp cho Trận đồ, rồi theo đó mà dạy việc chiến trận! (Vì việc này mà) dân ở các vùng (khê) động rồi náo loạn cả lên! Trong giới học thức số người dựa theo Bản đồ Giao Chỉ mà luận bàn Kế sách Chiến tranh nhiều vô kể. 
 
Tiến sĩ đất Lãnh Nam Từ Bách Tường mấy lần đưa kế sách mà không được chọn, nên lén gởi thư cho Giao Chỉ nói:
 
-  Tổ tiên của Đại vương vốn người Phúc Kiến, nghe nói hiện nay các bậc công khanh, quí tộc ở Giao Chỉ đa số là người Phúc Kiến! Bách Tường tôi tài lược không kém người -  mà không được dùng ở Trung Quốc - xin được phụ tá dưới quyền của Đại vương.
 
Hiện nay Trung Quốc muốn điều động đại quân tiêu diệt Giao Chỉ, Binh pháp có nói: “Ra tay trước người thì cướp được tinh thần của người”, (vậy nên) chẳng có gì hơn xuất quân trước, vào cướp phá, Bách Tường tôi xin làm nội ứng.
 
Vì thế Giao Chỉ điều động đại quân vào cướp phá, hạ 3 Châu Khâm, Liêm, Ung, (thời điểm này) Bách Tường chưa rảnh về theo Giao Chỉ. - Và gặp lúc Thạch Giám có thân tình với Bách Tường nên tâu lên là Bách Tường có công trận, ban cho chức Thị Cấm, sung vào chức Tuần kiểm ở các Châu Khâm, Châu Liêm, Châu Bạch.
 
Triều đình sai Tuyên Huy Sứ Quách Quỳ đi đánh Giao Chỉ, Giao Chỉ xin hàng, nói rằng:
 
- Chúng tôi vốn không muốn vào cướp phá, người Trung Quốc xúi dục chúng tôi đó!
 
Nhân đó họ đưa cho Quách Quỳ coi lá thư của Bách Tường gởi.
 
(Quách) Quỳ gởi văn thư cho Ty Chuyển Vận Quảng Tây để điều tra! Bách Tường bỏ trốn, (sau) treo cổ chết! - Theo lời của tướng Quách Quý.
 
Minh Di án.
 
Đương nhiên, bị xúi dục nói ở đây chỉ là cái cớ mặt ngoài, và đương nhiên Giao Chỉ phải biết rõ Từ Bách Tường chẳng có thế lực để làm nội ứng.
 
Ngoài ra, cũng không thiếu những Sử thư, những Bút kí, Văn tập... của các danh nhân, học giả Trung Hoa thời trước đã ghi chép 1 vài chi tiết Tống Sử còn thiếu sót, hoặc chép còn chưa rõ về Chiến sự năm Bính Thìn trên đây giữa Việt Nam và Trung Hoa.
 
Chẳng hạn về Chức vụ của Triệu Tiết và Lý Hiến khi được lệnh điều động quân binh xuống đánh Việt Nam thì “Tống Sứ”còn thiếu nhiều chi tiết. Cứ đọc đoạn văn sau đây thì rõ:
 
- “... Trí thiên chi thảo, sư tắc hữu danh. Dĩ sai Lại bộ Viên ngoại lang sung Thiên Chương các Đãi chế Triệu Tiết sung An Nam đạo hành doanh Mã bộ quân Đô Tổng quản Kinh Lược An phu? Chiêu thảo sứ kiêm Quảng Nam An Phủ sứ; Chiêu Tuyên sứ, Gia Châu Phòng Ngự Sứ, Nhập nội Nội thị Sảnh Đô giáp ban Lý Hiến sung Phó sứ... thuận thời hưng sư, thủy lục kiêm tiến'.
 
Dịch:  “... Việc chinh phạt của thiên triều, (về nhân sự chỉ huy), lý do hành quân, danh phận đâu đó phải rõ ràng. (Do đó, triều đình) đã điều động Lại Bộ Viên Ngoại lang Triệu Tiết, hiện đang giữ chức đãi chế tại Thiên Chương các, đảm nhiệm các chức An Nam đạo hành doanh Đô tổng quản Mã bộ quân Kinh Lược An phủ Chiêu Thảo Sứ, kiêm An phu? Sứ Lộ Quảng Nam; Chiêu Tuyên sứ Phòng Ngự Sứ hạt Gia Châu, hiện tòng sự tại Đô Giáp Ban, trực thuộc Nhập nội Nội thị Sảnh là Lý Hiến vào chức Phó sứ... thuận thời khởi binh, thủy, lục cùng tiến”.
(Tham khảo: Vương Lâm Xuyên Toàn Tập. Qu. XLVII. Nội chế 3. Chiếu thư. Sắc bảng Giao Chỉ).
 
Trên đây là một đoạn trong tờ chiếu thư của Tống triều do chính Vương An Thạch (1021 - 1086) soạn thảo. Vương An Thạch lúc đó là Tể tướng đương nhiệm, cho nên, không cần nói cũng đủ rõ tính cách xác thực tuyệt đối của những chi tiết về nhân sự nêu trong Chiếu thư dẫn trên.
 
Chú thích tờ Chiếu thư này, học giả Thẩm Khâm Hàn (1775 - 1831) thời Thanh (1644 -1911) đã căn cứ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” của Sử học gia Lý Đạo triều Nam Tống đã chép là, “vào ngày 20 tháng 11, năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh, quân Giao Chỉ vây hãm Khâm Châu, và 3 ngày sau đó lại hạ thành Liêm châu. Tháng Chạp, ngày Đinh Dậu, Giao Chỉ vây Ung châu... Đến ngày Quí Sửu tháng Chạp triều đình xuống Chiếu chỉ lệnh cho Triệu Tiết, Lí Hiến đem binh đánh dẹp”.
(Tham khảo: Vương Kinh Công Thi Văn Thẩm Thị Chú. Văn tập chú. Qu. III).
 
Ở 1 đoạn trước đã dẫn 'Tục Tư Trị Thông Giám' nói, 'ngày Mậu Dần hãm Khâm Châú, sau đó tới 'ngày Giáp Thân hãm Liêm Châú, tức trước sau là 7 ngày, khác với Lý Đạo chép ở đây - và ngoài ra, ngày Ung Châu bị vây Lí Đạo chép là ngày Đinh Dậu, trong khi Tất Nguyên lại ghi là ngày Mậu Thìn, tức sau đó là 32 ngày, có điều cả 2 đều nói tờ Chiếu thư bổ nhiệm Triệu Tiết và Lí Hiến viết ngày Quí Sửu, và nếu lấy ngày này làm mốc thì theo Lí Đạo Ung Châu bị vây trước ngày này 17 ngày, trong khi theo Tất Nguyên Ung châu bị vây sau ngày này 16 ngày.
 
Chiếu thư ngày Quí Sửu ở đây chính là 'Sắc bảng Giao Chí của Vương An Thạch dẫn trên.
 
Bộ 'Tục Tư Trị Thông Giám' còn cho biết thêm chi tiết về bài Chiếu thư trên như sau:
- 'Thời Giao Chỉ sở phá thành, ấp, tức vi Lộ bố, yết chi cù lộ, ngôn Trung Quốc tác Thanh Miêu trợ dịch chi pháp cùng khốn sinh dân, kim xuất binh dục tương chửng tế! Vương An Thạch nộ cố tự thảo thư? Chiếu.
/  Tục Tư Trị Thông Giám. Qu. LXXI. Tống kỉ. Thần tông  /.
 
- 'Tại những thành, ấp mà quân Giao Chỉ đánh phá, nơi nào (giặc) cũng đều viết Hịch treo dán ở tại những đường lớn, nói rằng Trung Quốc đặt ra Thanh Miêu pháp nhằm hỗ trợ việc Sưu dịch khiến cho dân tình khốn khổ, giờ xuất binh để giúp đỡ nhau! Vương An Thạch nổi giận, do đó tự tay thảo tờ Chiếu thư này.
 
Sự việc kể trên chép trong mục các sự việc xảy ra vào tháng 12 năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.
Trước tờ chiếu thư 'Quí Dậu3 ngày, tức ngày Tân Hợi, 'Tục Tư Trị Thông Giámvốn cũng đã cho biết Tống triều đã ra lệnh điều Triệu Tiết và Lý Hiến chỉ huy quân đi đánh Giao Chỉ.
 
Minh Di án.
2 bộ Sử của Lý Đạo và Tất Nguyên trong Tựa đề đều có 3 chữ 'Tục Tư Trị’, để phân biệt Sử học Trung Hoa gọi Bộ sử 'Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên' của Lý Đạo là 'Trường Biên', và Bộ 'Tục Tư Trị Thông Giámcủa Tất Nguyên là 'Tục Tư Trị’. 
 
Những ngày ghi theo Can, Chi dẫn trên đây trong 2 Bộ 'Trường Biên' và 'Tục Tư Trị’:
+ Trường Biên.
Niên hiệu Hi Ninh năm thứ 8 năm Ất Mão (1075).
 
Tháng 11.
Lý Đạo chép:
- 'Hi Ninh bát niên.
Thập nhất nguyệt, Kỉ Vị Sóc...
Mậu Dần. Giao Chỉ hãm Khâm Châu, hậu tam nhật hựu hãm Liêm Châu.
/  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXX. Thần tông  /.
- 'Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.
Tháng 11, mồng 1 (là) ngày Kỉ Vị (Mùi)......
Ngày Mậu Dần. Giao Chỉ hạ thành Khâm Châu, sau đó 3 ngày lại hạ thành Liêm Châu.
 
Ngày Mậu Dần là ngày 20 tháng 11 năm Ất Mão.
3 ngày sau ngày Mậu Dần nói trên tức ngày Canh Thìn, ngày 22 tháng 11 năm Ất Mão.
Liền ngay dưới đoạn chép việc quân Giao Chỉ hạ 2 thành Khâm, Liêm dẫn trên có 1 câu ghi chú cho biết là tới ngày 20 tháng 12 triều đình mới nhận được tấu văn báo Khâm Châu thất thủ, còn Liêm Châu là ngày 22 - tức đúng 1 tháng sau khi sự việc xảy ra cho cả 2 trường hợp.
 
Tháng 12.
Lý Đạo chép:
- 'Hi Ninh bát niên.
Thập nhị nguyệt, Kỉ Sửu......
Đinh Dậu. Giao Chỉ vi Ung Châu.
/  Sd. Qu. CCLXXI. Thần tông  /.
- Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh.
Tháng 12, mồng 1 (là) ngày Kỉ Sửu......
Ngày Đinh Dậu. Giao Chỉ vây thành Ung Châu.
 
- Ngày Đinh Dậu Giao Chỉ vây thành Ung Châu là ngày 9 tháng Chạp năm Ất Mão.
Và tờ chiếu chỉ ngày Quí Sửu của Tống triều do Vương An Thạch soạn là ngày 25 tháng Chạp.
 
+ Tục Tư Trị.
Ngày Giao Chỉ hạ thành Khâm Châu thì Trường Biên và Tục Tư Trị chép như nhau.
 
Riêng về 2 thành Liêm Châu và Ung Châu thì Tục Tư Trị chép khác Trường Biên:
Theo bô. Tục Tư Trị Giao Chỉ hạ thành Liêm Châu ngày Giáp Thân tháng 11 năm Ất Mão - tức ngày 26, hay nói rõ hơn là sau ghi chép của Trường Biên 5 ngày.
 
Còn về Ung Châu thì Tục Tư Trị lại nói qua năm sau, năm Bính Thìn (1076), tháng Giêng ngày  Mậu Thìn - tức ngày 11 tháng Giêng, Giao Chỉ mới vây thành Ung Châu, sau thời điểm Lí Đạo ghi lại trong Trường Biên là 32 ngày, như đã nói ở 1 đoạn trước đây. Sự sai biệt ở đây có thể do Tất Nguyên đã căn cứ tấu văn của địa phương trình lên triều đình, như trường hợp Khâm, Liêm. 
 
Trong  tập bút kí 'Tộc Thủy Ký Văn' Sử gia Tư Mã Quang ghi lại 1 số chi tiết khác với ghi chép của 'Tống Sử’ về việc Giao Chỉ đánh 3 Châu Khâm, Châu Liêm, và Châu Ung như sau:
 
- 'Giao Chỉ tặc Hi Ninh bát niên thập nhất nguyệt nhị thập nhất nhật, nhị thập ngũ nhật liên phá Khâm, Liêm nhi. Châu! Hựu phá Ung Châu quản, ha. Thái Bình, Vĩnh Bình nhi. Trại.
 
Nhị thập thất nhật vi Ung Châu. Tri châu, Hoàng thành sứ Tô Hàm trú dạ trúc thành lực chiến sở sát thương Man nhân thậm đa, thành nhân dĩ cố.
 
Cửu niên Chính nguyệt tứ nhật. Quảng Tây Kiềm hạt Trương Thủ Tiết đẳng quá Côn Luân quan phó viện, binh thiểu khinh tiến, tam thiên dư nhân tất vi. Man sở yểm, sát thương đãi tận. Lưu Chấp Trung dữ Quảng Tây Đề hình độn hoàn. Hậu cánh vô viện binh.
Vương sư tự Kinh sư sổ thiên lý phó viện, cô thành kháng tặc trú dạ bất đắc hưu tức. Chính nguyệt nhị thập nhất nhật, thỉ thạch thả tận, thành toại hội phá, Tô Hàm do thệ sĩ tốt thù tử chiến - binh dân tử giả thập vạn dư khẩu, lỗ phụ nữ, tiểu nhược giả thất, bát vạn khẩu.
Nhị thập nhị nhật, tặc phần Ung Châu thành.
Nhị thập tam nhật tựu hồi bản động.
/  Tộc Thủy Ký Văn. Qu. XIII  /.
 
- 'Năm thứ 8 Niên hiệu Hi Ninh, ngày 21 và ngày 25 tháng 11 giặc Giao Chỉ liên tiếp công phá 2 Châu Khâm, Châu Liêm! (Tiếp theo đó) lại công phá quản hạt Ung Châu, hạ 2 Trại Thái Bình và Vĩnh Bình.
 
Ngày 27, vây thành Ung Châu! Tri Châu, Hoàng Thành sứ Tô Hàm ngày đêm xây thành, tận lực chiến đấu, giết được rất nhiều người Man, thành nhờ đó mà vững.
 
Năm thứ 9, tháng Giêng, ngày mồng 4. Chức Kiềm hạt Quảng Tây Trương Thủ Tiết một bọn qua cửa ải Côn Luân đi cứu, quân ít mà khinh suất tiến, (để rồi) hơn 3000 quân rốt cục bị quân Man tập kích giết chết gần hết. Lưu Chấp Trung và chức Đề hình Quảng Tây chạy trốn trở về. Sau đó rồi không có viện binh nào nữa!
 
Quân triều đình đi cứu viện thì ở tận Kinh Sư mấy ngàn dặm, (để) 1 thành lẻ loi phải chống giặc ngày đêm không được nghỉ ngơi! Đến ngày 21 tháng Giêng, nào tên, nào đá rồi hết, thành vì thế mà mất, nhưng Tô Hàm vẫn cùng quân sĩ thề chiến đấu tới chết - kết cục, quân với dân chết hơn 100,000 người, phụ nữ, con nít và những người già yếu bị bắt 7, 8 chục ngàn người.
 
Ngày 22, giặc đốt thành Ung Châu.
Ngày 23, (giặc) trở về đất của chúng!
 
Ở đây, con số quân, dân tử vong của thành Ung Châu rồi cao hơn Con số đưa ra trong Tống Sử rất nhiều - hơn 100,000 / 58,000, tức gần gấp đôi. Ngoài ra, còn thêm 7, 8 chục ngàn người nữa bị quân Giao Chỉ bắt đi. Con số này hơi vô lý. Như ghi chép của Lý Đạo có vẻ hợp lý hơn:
- 'Sát lại tốt, thổ đinh, cư dân ngũ vạn dư nhân...... tính Khâm, Liêm Châu sở sát, vô lự thập vạn dư nhân. Tính hủy thành dĩ điền giang'.
/  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXII. Thần tông  /.
 
- 'Giết quan quân, trai tráng bản địa, cư dân hơn 50,000 người...... tính luôn số bị giết ở 2 Châu Khâm, Liêm thì hơn 100,000 người. Giặc lại phá thành để lấp sông'.
 
Ở đây Tư Mã Quang cho biết là Trương Thủ Tiết chỉ dẫn hơn 3,000 quân đi cứu viện, và bị quân Giao Chỉ tập kích giết chết gần hết, trong khi Bộ 'Tống Sử’ nói Trương Thủ Tiết dẫn 5,000 binh cứu viện và bị quân Giao Chỉ phục kích bắt sống toàn bộ.
 
Sau cùng, thời điểm các thành Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu thất thủ ghi chép lại ở đây cũng hơi khác  với ghi chép của 'Trường Biên' và 'Tục Tư Tri’.
 
Sách 'Việt Tây Tùng Táicủa Uông Sâm (? - ?) đời Thanh chép:
- 'Thần tông, Hi Ninh......
Cửu niên, Xuân, chính nguyệt. Giao Chỉ hãm Ung châu, Tri châu Tô Hàm tử chị....
Nhị nguyệt. Triệu Lý Hiến hoàn, dĩ Quách Quì vi An Nam Chiêu thảo Sứ, Triệu Tiết phó chi, súy sư thảo Giao Chỉ, chiếu Chiêm Thành, Chiêm Lạp hợp kích chí.
/  Việt Tây Tùng Tái. Qu. XXV. Lịch đại ngư. Man  /.
 
- 'Thần tông, Niên hiệu Hi Ninh...
Năm thứ 9, mùa Xuân, tháng Giêng. Quân Giao Chỉ công hãm Ung Châu, Tri châu (là) Tô Hàm chết theo thành...
 
Tháng 2. Triệu Lý Hiến về, bổ Quách Quì làm An Nam Chiêu thảo Sứ, Triệu Tiết là phó, chỉ huy quân binh chinh phạt Giao Chỉ, lại chiếu thư cho Chiêm Thành, Chiêm Lạp hợp lực cùng đánh'.
 
Về việc thay đổi nhân sự kể trên Vương Phụng Châu (1526 - 1590), Viên Liễu Phàm (? - ?) cũng đã chép trước đó trong bộ Biên niên sử 'Cương Giám Hợp Biên':
- 'Bính Thìn cửu niên.
 
Giám.
Nhị nguyệt. Triệu Lý Hiến hoàn, dĩ Quách Quì vi An Nam Chiêu thảo Sứ, Triệu Tiết phó chi, súy sư thảo Giao Chỉ, chiếu Cổ Thành, Chiêm Lạp hợp kích chí.
(Cổ Thành tức Lâm Ấp quốc, Chiêm Lạp bản An Nam thuộc quốc danh, dịch danh Chân Lạp)'.
/  Cương Giám Hợp Biên. Qu. XXX. Tống kỉ. Thần tông  /.
 
- 'Năm Bính Thìn, năm thứ 9.
Giám.
Tháng 2. Triệu Lý Hiến về, bổ Quách Quì làm An Nam Chiêu thảo Sứ, Triệu Tiết là phó, chỉ huy quân binh chinh phạt Giao Chỉ, lại chiếu thư cho Cổ Thành, Chiêm Lạp hợp lực để cùng đánh'.
(Cổ Thành tức nước Lâm Ấp, Chiêm Lạp vốn là 1 thuộc quốc của An Nam, cũng gọi là Chân Lạp)'.
 
Trong tập Bút ký 'Thiết Vi Sơn Tùng Đàm', Thái Thao (? - ?) thời Nam Tống chép:
- 'Hi Ninh thập niên Giao chỉ vô cố phạm bỉ, toại hãm Khâm, Liêm, Ung, đa sát nhân dân hệ lỗ kì tử nữ. Triều đình hạch nộ, xuất đại sư hành thảo chi.
 
Thời tương khiển Nội thị Lý Hiến hành, Vương Thư công Giới Phủ lực tranh kỳ bất khả nãi chỉ. Ư thị, Ngô Thừa tướng Xung, Vương Kỳ công Khuê, giai dĩ thứ đương Quốc, mệnh súy Quách Tuyên huy Quì, nhi phó dĩ Văn thần Triệu Tiết chinh yên. Hợp Tây bắc nhuệ lữ ký Giang Hoài tướng sĩ, đa chí thập dư vạn, tri trọng chuyển thu bất tại số dã.
 
Cập nhập Man cảnh, tiên phong tướng Miêu Lý, Yến Quì kinh đô. Phú Lương giang, nhất kích tán tẩu kì tặc chúng, cầm ngụy thái tư? Phật nha tướng, tiến phá kì quốc hĩ. Quì văn nhi nộ, cức truy hoàn chi, dục trảm nhị kiêu tướng ư đạo hạ, lại Tiết cứu miễn.
 
Nhân đồn sư ư Man địa, bất chiến giả lục thập dư nhật, đại vi Giao nhân mạn vũ. Quì đệ tốn từ, cận thủ kỳ yếu lãnh, thả nạp lộ đắc hoàn, báo Trung Nguyên nhân bất tập Thủy Thổ, gia thời nhiệt dịch đại khởi, ư thị thập vạn đại sư chướng lệ phúc tật tử giả bát, cửu.
 
Ký thượng văn, Thần miếu đại bất lạc, mệnh cùng trị quyết do. Cửu chi nãi đắc Ngô Thừa tướng dữ Quì thư viết: - An Nam sự nghi dĩ kinh cửu tỉnh tiện vi giai.
 
Cái Quì thừa vọng Thừa tướng phong chỉ, nhân trí tọa tệ. Sự vị cánh, hội Ngô Thừa tướng dĩ tật hoăng ư vị, đắc bất trí.
/  Thiết Vi Sơn Tùng Đàm. Qu. II. 25  /.
 
- 'Năm thứ 10 Niên hiệu Hi Ninh, Giao Chỉ vô cớ xâm phạm biên cảnh, công hãm 3 Quận thành Khâm, Liêm, Ung, giết chóc bừa bãi dân chúng, bắt đi con cái họ. Quá đỗi là giận, triều đình cử đại quân xuất hành đánh dẹp.
 
Bấy giờ triều đình định sai quan Nội thị Lý Hiến suất quân đánh dẹp nhưng rồi Vương Thư công Giới Phủ cực lực tranh biện, cho rằng không thể được cho nên mới thôi! Rồi sau đó thì Giới Phủ cũng bị bãi chức! Bởi vậy, Thừa tướng Ngô Xung, Kì công Vương Khuê, vì đều là phó, do đó, lên thay thế, nắm giữ việc nước, mới ra lệnh cho Quách Quì bên Tuyên Huy viện chỉ huy quân và để văn thần Triệu Tiết làm Phó, lên đường chinh phạt. Về phần quân binh thì chọn những đạo quân tinh nhuệ ở vùng Tây bắc, hợp với Tướng sĩ ở các đất Giang, Hoài, quân số cộng lại lên đến hơn 100,000 quân. Quan quân phụ trách việc chuyển vận (lương thực, khí giới.......) không tính trong quân số nói trên.
 
Chừng nhập Biên địa Man phương, các Tướng tiên phong là Miêu Lý và Yến Quì đem quân binh vượt Phú Lương giang đánh 1 trận khiến cho giặc chạy tán loạn, bắt được 1 tướng cấp thấp của ngụy Thái tư? Phật, (thừa thế) tiến đánh Kinh Đô giặc. Nghe tin, Quách Quì nổi giận, tức tốc cho người đuổi theo lệnh về ngay, và định chém 2 kiêu tướng này dưới cờ, may nhờ có Triệu Tiết can mới thoát chết.
 
Sau đó Quách Quì lập trại, đóng quân trên đất Man hơn 60 ngày trời không ra đánh cho dầu có bị quân Giao Chỉ chửi rủa, nhục mạ thậm tệ! Cứ thế Quách Quì co rút trong doanh trại, chỉ cho quân phòng thủ kĩ những nơi yếu hại. Lại nữa, còn cho người về triều lo lót, hối lộ để được về và báo cáo là người Trung nguyên không quen thủy thổ (phương Nam) lại thêm gặp phải mùa nóng bệnh dịch lan tràn dữ dội, cho nên là, một trăm ngàn đại quân rồi mắc chứng tiêu chảy, 10 phần chết đến 8, 9.
 
Tin lên tới trên, Thần tông không vui chút nào, ra lệnh truy cứu nội vụ cho đến nơi đến chốn! Và lâu lắm sau đó mới kiếm ra được một Văn thư của Ngô Thừa tướng gởi cho Quách Quì, trong đó có đoạn viết: - Vụ An Nam thì cứ thư thả mà xem xét tình hình cho kĩ càng là hay hơn hết.
 
Tóm lại, Quách Quì vì đã làm theo ý của (Ngô) Thừa tướng viết trong thư để đến nỗi (sau này) bị khép vào tội chết! Nội vụ chưa điều tra xong thì Ngô Thừa tướng mắc bệnh, qua đời trong lúc còn tại chức, nhờ đó mà thoát khỏi sự trừng trí.
 
Trước hết, có thể thấy ngay Thái Thao đã Sai lầm khi chép là quân Giao Chỉ vượt biên cảnh vào năm thứ 10 Niên hiệu Hi Ninh đời Tống Thần tông - tức năm 1077. Sự vụ, như đã rõ, xảy ra vào năm thứ 8 và thứ 9 Niên hiệu nói trên.
 

 

Đến đây, kết hợp những ghi chép đã dẫn thì có thể phác ra diễn tiến của sự việc như sau:

- Tháng 11 năm Ất Mão (1075) quân Giao Chỉ vượt biên cảnh tiến đánh hạ 2 thành Khâm Châu và Liêm châu rồi rút về.
 
- Tháng 12 cùng năm Tống triều chỉ định Triệu Tiết và Lí Hiến lên đường đánh Giao Chỉ nhưng chưa lên đường thì qua tháng Giêng năm Bính Thìn (1076) tiếp đó, quân Giao Chỉ lại qua đánh  hạ thành Ung châu.
 
- Tháng 2 năm Bính Thìn thì Triệu Tiết và Lý Hiến tới Quế Châu, nhưng rồi trong khi thảo luận kế hoạch chiến tranh Triệu Tiết và Lý Hiến lại bất đồng ý kiến, vì vậy, sau đó theo thỉnh cầu của Triệu Tiết, Tống triều triệu Lý Hiến về, để rồi giao cho Quách Quì chỉ huy quân binh, cũng theo yêu cầu của Triệu Tiết.
 
Và, những tháng tiếp theo đó không thấy Sử sách có một ghi chép nào về hoạt động quân sự của Quách Quì và Triệu Tiết.
 
Đoạn văn dẫn trên của Thái Thao đã đưa ra 1 vài chi tiết về khoảng thời gian mà các Sử thư đã không thấy ghi.
 
Theo Thái Thao, sau khi Vương Giới Phủ (tên Tự của Vương An Thạch) bị bãi chức Tể tướng thì Ngô Xung và Vương Khuê mới sai Quách Quì và Triệu Tiết đi đánh Giao Chỉ.
 
Nếu như xét thân thế và sự nghiệp Vương An Thạch thì chúng ta biết việc ông bị bãi chức đề cập trong đoạn văn dẫn trên của 'Thiết Vi Sơn Tùng Đàm' đã xảy ra vào tháng 10 năm Bính Thìn.
 
Vương An Thạch nắm quyền điều hành Quốc gia từ năm Kỷ Dậu (1069). Để mà cứu vãn tình thế ngày một xuống dốc của Tống triều, ông đã đưa ra 1 số 'biện pháp cải cách' được mệnh danh là 'Biến Pháp', hoặc còn gọi là 'Tân Pháp'. Nhưng ông đã bị 1 số Đại thần cũng như 1 số học giả bảo thủ có danh vọng đương thời, như: - Văn Ngạn Bác (1006 - 1097), Lữ Hải (1014 - 1071), Lữ Công Trứ (1018 - 1089), Sử gia Tư Mã Quang (1019 - 1086), cũng như hai anh em Triết học gia Trình Hiệu (1032 - 1085) và Trình Di (1033 - 1107)....... phản đối mạnh mẽ, và Sử đã gọi những người tán đồng 'Biến Pháp' là 'Tân Đảng', và những người phản đối là 'Cựu Đảng'.
 
2 Đảng đã công kích nhau kịch liệt ngót 10 năm trời - cuối cùng, Vương An Thạch đành ôm hận rời khỏi chính trường.
 
Nắm quyền được 6 năm trời, cho tới tháng 4 năm Giáp Dần (1069 tới 1074) thì Vương An Thạch bị bãi chức! Qua tháng 2 năm sau, năm Ất Mão, ông được phục chức, và chỉ nắm quyền cho đến tháng 10 năm Bính Thìn thì, lần nữa, ông lại bị bãi chức. Lần này ông từ bỏ chính trường trở về sống ẩn dật hết 10 năm cuối cuộc đời.
 
Nếu căn cứ 'Thiết Vi Sơn Tùng Đàm', Quách Quì phải lên đường vào khoảng tháng 10, sau khi Vương An Thạch từ chức! Thời gian chuẩn bị quân lương, khí giới........ thời gian di chuyển quân cũng phải mất đến tháng mấy, 2 tháng, nói cách khác, phải đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 12 Quách Quì mới đặt chân tới biên cảnh Giao Chỉ. Và rồi, theo sử sách, thì sau thời gian giằng co Giao Chỉ và Tống triều đã giảng hòa vào tháng 12 năm Bính Thìn.
Nếu như Quách Quì đã 'co rúm' trong doanh trại 'hơn 60 ngàynhư Thái Thao đã viết - và nếu Giao Chỉ và Tống triều giảng hòa vào tháng 12 năm Bính Thìn thì Quách Quì rồi phải ra quân vào khoảng tháng 7, tháng 8, để khoảng tháng 10 có mặt tại Giao Chỉ, để rồi, sau đó đóng quân ở lì trong trại 2 tháng hơn đó cho tới tháng 12 thì rút quân sau khi có quyết định giảng hòa.
 
Có điều, nếu lên đường vào tháng 7, tháng 8, thì thời gian này Vương An Thạch còn tại chức, và như vậy, Vương An Thạch đã sai Quách Quì đi, không thể nào là Ngô Xung và Vương Khuê.
 
Về điểm trên đây, theo như ý riêng tôi thì tuy sử ghi là tháng 10 năm Bính Thìn Vương An Thạch rời khỏi Chức vụ nhưng trên thực tế có thể ông đã xin tạm nghỉ từ tháng 7, hay tháng 8, và tất cả công việc đều giao cho Ngô Xung và Vương Khuê xử lý, chờ quyết định của triều đình. Vì thế mà 2 người này có thể đã sai Quách Quì lên đường trong khoảng thời gian kể trên.
 
Giả thuyết này không phải là không có căn cứ:
Sách 'Cương Giám Hợp Biên', đã dẫn ở 1 đoạn trước đây, chép:
- 'Cương.
Đông thập nguyệt, Vương An Thạch miễn.
 
Giám.
An Thạch chi tái Tướng dã, lũ tạ bệnh cầu khứ! Cập tư? Phương tử, vưu bi thương bất kham, lực thỉnh giải cơ vụ. Đế ích yếm chi, nãi dĩ Sứ tướng phán giang Ninh phú.
/  Cương Giám Hợp Biên. Qu. XXX. Tống kỉ. Thần tông  /.
 
- 'Cương.
Tháng 10 mùa Đông, Vương An Thạch từ nhiệm.
 
Giám.
An Thạch trở lại chức Thừa tướng, nhiều lần nại cớ bệnh để xin từ nhiệm! Tới lúc con là Phương qua đời, đau buồn quá đỗi, nên càng cố sức xin từ hết mọi trọng trách Quốc gia! Vua càng thêm ghét nên đã cử đi làm Sứ tướng ở phủ Giang Ninh'.
 
Con Vương An Thạch là Vương Phương (1044 - 1076), qua đời trước đó 3 tháng, tức tháng 7. Sự việc này 'Cương Giám Hợp Biên' đã ghi rõ trong mục ghi các sự việc xảy ra trong tháng 7 năm Bính Thìn, ở phần 'Giám'.
 
Tuy nhiên, nếu giả thuyết trên đây mà đúng thì vẫn còn 1 điểm khúc mắc: - Nếu Quách Quì đến Giao Chỉ vào tháng 10 thì tác giả Thiết Vi Sơn Tùng Đàm rồi chẳng thể nào viết 1 điều hết sức nghịch lí: - 'Gặp phải mùa nóng nực, bệnh dịch lan tràn dữ dộí - vì lẽ rằng mùa 'viêm nhiệt' ở Giao Chỉ nhằm các tháng 4, 5, 6 Âm lịch, như thơ của Nguyễn Khuyến đã từng tả:
                                          Tháng Tư đầu mùa Hạ,
                                          Tiết trời thật oi ả.
 
Như đã dẫn trước đây, tháng 2 năm Bính Thìn Quách Quì được cử làm An Nam Chiêu thảo Sứ. 
Nếu như xuất phát vào tháng 2 thì quân Tống triều sẽ đến Giao Chỉ vào khoảng đầu mùa Hạ, và như vậy câu 'gặp phải mùa viêm nhiệt...' viết trong 'Thiết Vi Sơn Tùng Đàm' mới hợp lý. Sau đó Quách Quì cho người về triều lo lót 1 số đại thần có thẩm quyền cũng như phao tin là Tống binh vì không quen thủy thổ phương Nam đã mắc bệnh dịch tả chết gần hết (10 phần chết hết 8, 9) để được triệu về gấp. Và có lẽ vào tháng 6, tháng 7 Quách Quì về tới Biện Kinh.
Nói rõ hơn, Quách Quì đã qua Giao Chỉ tất cả 2 đợt:
Đợt 1: Khởi hành tháng 2, đến khoảng tháng 4, tháng 5.
           Về khoảng tháng 6, tháng 7.
 
Đợt 2: Khởi hành khoảng tháng 7, tháng 8, đến khoảng tháng 10.
           Tháng 12 thì triệt thoái sau khi có hòa ước giữa 2 nước.
 
Cần nói rõ hơn ở đây là, Quách Quì trở về lần đầu chỉ là vấn đề thay đổi cấp chỉ huy, quân binh Tống triều có thể chỉ rút về phòng thủ và nằm chờ ở dọc biên giới.
 
Quách Quì về đến Biện Kinh thì xảy ra việc Vương An Thạch xin tạm ngưng chức, Ngô Xung và Vương Khuê xử lí chính sự. Và sau đó, có thể đã có một sự thảo luận nào đó để Quách Quì lại bị điều động lên đường lần nữa, ngoài ý muốn của Quách Quì.
 
Thái Thao đã nhập 2 sự việc làm 1 mà chép, nếu không đọc những gì sử chép thì sẽ thấy có điểm nghịch lí.
 
Liên quan vấn đề hành quân của Quách Quì năm Bính Thìn, đọc các phần 'Kỉ, Truyện' của 1 số nhân vật quan trọng đã dự phần, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp trong chiến dịch Bính Thìn trong cuốn 'Tống Sứ, như: - Tống Thần tông (Qu. XV), Vương An Thạch (Qu. CCCXXVII), cũng như Ngô Xung (Qu. CCCXII), Quách Quì (Qu. CCXC), Triệu Tiết (Qu. CCCXXXII)........ thì chỉ thấy trong phần 'Thần tông Kí có 1 đoạn rất sơ lược như sau:
- 'Hi Ninh...... Cửu niên....
 
Thất nguyệt....... Thị nguyệt An Nam Hành doanh thứ Quế Châu. Quách Quì khiển kiềm hạt Hòa Bân đẳng đốc thủy quân thiệp hải tư. Quảng Đông nhập, chư quân tư. Quảng Nam nhập'.
/  Tống Sử. Qu. XV. Thần tông Kỉ 2  /.
- 'Niên hiệu Hi Ninh...... Năm thứ 9...
 
Tháng 7... Tháng này, An Nam Hành Doanh đóng quân tại Quế Châu. Quách Quì sai quan kiềm hạt Hòa Bân và mấy người đốc suất thủy binh vượt biển từ Quảng Đông tiến nhập, còn các đạo quân khác thì từ Quảng Nam xâm nhập'.
 
Về quân số Tống triều điều động trong cuộc chiến này thì có 2 thuyết:
(1). Bộ 'Tống Sử’ (mục Quách Quì truyện) nói 'Tam thập vạn' (300,000).
Bộ 'Tục Tư Trị Thông Giám' (Qu. LXXI. đã dẫn trên) cũng đưa ra cùng con số.
(2). Tập Bút kí 'Thiết Vi Sơn Tùng Đàm' nói là 'Thập dư vạn' (hơn 100,000).
                                                                           *
Như đã nói ở 1 đoạn trước đây, sử sách Trung Hoa hầu hết đều chép là tháng 12 năm Bính Thìn Quách Quì đánh bại quân Giao Chỉ ở Phú Lương giang, Giao Chỉ phải xin hàng, chẳng hạn bộ 'Tục Tư Trị Thông Giám' chép:
- 'Hi Ninh...... Cửu niên......
Thập nhị nguyệt... Quí Mão, Quách Quì bại Giao Chỉ vu Phú Lương giang hoạch kì ngụy thái tư? Hồng Chân, Lí Càn Đức khiển nhân phụng biểu nghệ quân môn hàng.
Sơ, Triệu Tiết cư? Quì dĩ tự đại. Cập Quì chí triếp dữ Tiết dị. Tiết dục thừa kì binh hình vị động tiên phủ tập lưỡng Giang động đinh, trạch tráng dũng, đảm dĩ lợi, sử chiêu lai huề nhị, tùy kì phúc tâm nhiên hậu dĩ đại binh kế chi. Quì bất thính. Tiết hựu dục sử nhân tư bảng nhập tặc trung chiêu nạp. Quì hựu bất thính.
 
Toại lệnh Yến Đạt tiên phá Quảng Yên, phục hoàn Vĩnh Bình. Tiết dĩ vi Quảng Yên gián đạo, cư. Giao châu thập nhị dịch, xu lợi yểm kích, xuất kì bất ý, xuyên đồ tịnh tiến, tam lộ trí thảo, thế tất phân hội. Cố tranh bất năng đắc, tặc toại cứ Phú Lương giang, liệt thuyền sổ bách, quan quân bất đắc tế. Tiết phân khiển tướng lại phạt mộc trị công cụ, cơ thạch như vũ, Man hạm giai hoại, từ dĩ bì tốt trí tặc, thiết phục kích chi, trảm thủ sổ thiên cấp, quắc kì cừ tù, hoạch Hồng Chân, tặc cùng xúc qui mệnh.
 
Thời binh phu tam thập vạn nhân, mạo thử, thiệp chướng địa, tử giả quá bán. Chí thị đại quân cư. Giao Châu tài tam thập lí, cách nhất thủy bất đắc tiến.
Quì tạc ư ngoạn khấu di tật tiên hoàn. Toại ban sứ.
/ Tục Tư Trị Thông Giám. Qu. LXXI. Tống kỉ. Thần tông /.
 
- 'Niên hiệu Hi Ninh...... Năm thứ 9......
Tháng 12....... Ngày Quí Mão, Quách Quì đánh bại Giao Chỉ ở Phú Lương giang, bắt được ngụy thái tư? Hồng Chân, Lí Càn Đức sai người dâng biểu tới quân môn xin hàng.

Luận về Quách Quì, 'Tống Sử’ viết:

- 'Luận viết:.. Tống chí Nhân tông thời.... vi thời danh tướng duy Thanh dữ Quì lưỡng nhân nhĩ! .... Tuy Nam chinh vô công, dụng vi kì trường hựu hà vưu tai!'.
 
- 'Luận:... Tống triều tới đời Nhân tông........ là danh tướng đương thời rồi chỉ có Địch Thanh và Quách Quì 2 người thôi!..... Trong cuộc chinh phạt phương Nam tuy không có công, nhưng dùng người trái với sở trường thì không trường hợp nào tệ hơn trường hợp Quách Quì!'.
 
Sau này, khi luận về Quách Quì, Hoàng Đạo Chu (1585 - 1646), học giả, và là đại thần, khoảng cuối Minh triều  có đoạn nhận định tương tự:
- 'Tuy tọa Nam chinh vô công cửu phế, do ẩn nhiên vi nhất thời túc tướng vân!.
 / Quảng Danh Tướng Truyện. Qu. XIII. Tống. Quách Quì /.
- 'Tuy bị khép tội là 'vô công' trong cuộc chinh phạt phương Nam, rồi sau đó thì đã không được trọng dụng trong 1 thời gian dài, nhưng mặc nhiên vẫn là Tướng tài danh một thờí.
 
Và sau đó hơn 30 năm người Trung Quốc vẫn chưa quên được sự thất trận năm Bính Thìn:
- 'Kì hậu kỉ tam thập niên, đương Đại Quan chi sơ, Ngô Thừa tướng chi nhị tôn, viết Trừ, viết Mâu giả, dĩ đồng yêu nhân Trương Hoài Tố hữu dị mưu, giai tứ tử. Nhất thời thức giả hàm vị 'An Nam chi dịch, thiên chi sở báó vân!'.
/ Thiết Vi Sơn Tùng Đàm. Qu. II. 25 /.

(Còn tiếp)

 

 

  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu