NGÃ DU TỬ

Từ NHỮNG NẺO TÌNH THƠ 
đến MUÔN DẶM TÌNH QUÊ



CÁC BẠN THÂN MẾN, NĂM VỪA RỒI "MUÔN DẶM TÌNH QUÊ" TẬP THỨ 10 ĐÃ HOÀN THÀNH, CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ KẾT THÚC, NGÃ DU TỬ CÓ TỔNG LUẬN 20 TẬP THƠ, ĐĂNG ĐỂ CÁC BẠN ĐỌC NHÉ.
(trích MDTQ tập 10)
 
Ngạn ngữ Việt Nam nói “có đi là có đến”, Những Nẻo Ttình Thơ cũng như vậy, trước cái sống vô cùng khó khăn về vật chất, nhất là đối với những người yêu thơ, thế mà với tấm lòng tha thiết cùng thơ, cố tìm kiếm sân chơi chung cho những người đồng điệu chia xẽ những cảm xúc thi ca các anh Định Ban và Lê Đình Hiếu đã mạnh dạn chủ xướng làm tuyển tập “Những nẻo tình thơ”, ngày ấy tài chính và kỹ thuật rất eo xèo, nhưng với sự thôi thúc của lòng đam mê, sự nhiệt huyết cuối cùng các anh cũng tập hợp được nhiều anh em thi hữu trên cả nước, thế là lòng yêu mến chân thành cũng được đáp đền, những lần ngược xuôi Bình Định – Sài Gòn – Bình Định đầy gian nan, cuối cùng đứa con tinh thần đầu tiên Những Nẻo Tình Thơ tập 1 cũng ra đời tròn trĩnh, khá tuấn tú. Ấy là niềm vui cho anh Định Ban, Lê Đình Hiếu nói riêng và cho anh em văn trong tập nói chung. 
Năm 2001 anh Định Ban và Lê Đình Hiếu cùng chủ biên thi tập Những Nẻo Tỉnh Thơ anh em văn trong toàn nước hào hứng gửi bài ban đầu chưa nhiều, nhưng dần dần uy tín của các anh làm cho nhiều anh em ủng hộ, BBT đã huy động một số cây viết tương đối dồi dào, khá chững chạc như Ninh Giang Thu Cúc, Từ xuân Lãnh, Nguyễn ngọc Hưng, Nguyễn miên Thượng, Phạm quỳnh Hoa, Chức Thành ở phía nam, những Vũ quang Tần, Hoàng Thống, Nguyễn Khôi, Nguyễn Một… ở phía bắc và còn nhiều nhiều nữa. 
Với hy vọng cánh đồng thơ nầy sẽ sản sinh những hạt quý cho văn học Việt Nam đương đại, các anh cần mẫn hoàn thành hết tập nọ sang tập kia càng ngày sự tuyển chọn càng cẩn trọng hơn, chất lượng hơn nhưng định mệnh của số phận không cho phép Định Ban đang dẫn những người thơ vào cánh đồng bao la của thi ca, và rồi…anh đột ngột qua đời ở tuyển tập thứ 6, để lại nổi ngậm ngùi của toàn anh em thân thi hữu nổi thương tiếc nhớ trôi theo bên đời. Với lời di ngôn của anh Định Ban : “chúng ta cố gắng cho đến tập thứ mười”, thế là Lê Đình Hiếu người phó soái nghiễm nhiên trở thành chánh soái tiếp tục sự nghiệp văn của mình, anh lặng lẽ, nhưng chững chạc trong nổ lực chính anh với công việc áp lực gấp đôi, có nhiều lúc anh mệt mỏi ngược xuôi trong hành trình đi tới, nhưng với sự tin yêu của toàn bộ anh em thi hữu anh không nỡ bỏ cuộc, và anh tự nhủ “ bằng mọi giá để hoàn thành sứ mệnh” may thay, ý chí đã chiến thắng anh tiếp tục độc hành với con đường tương lai đã hoạch định, và rồi 10 tuyển tập NHỮNG NẺO TÌNH THƠ cũng kết thúc rất có hậu. Mười tập NHỮNG NẺO TÌNH THƠ được bày biện cẩn trọng trong tủ sách của chính mình như một thành quả đáng trân quý của cuộc đời làm chủ biên.
Chắc hẳn dưới suối vàng chắc anh Định Ban cũng nở nụ cười toại nguyện vì đồng sự của mình ung dung bước tới đích cuối cùng trong sự vỗ tay reo của độc giả và thi hữu khắp mọi miền đất nước.
 
Thời gian và con người luôn đồng tình ủng hộ tính chính danh, và rồi anh Lê Đình Hiếu quyết định tiếp tục hành trình văn trên lộ trình đầy trách nhiệm cùng sự thương yêu tin mến của anh em, và MUÔN DẶM TÌNH QUÊ cũng từ tốn tròn vuông phận văn của mình trong nhịp sống tồn sinh bát ngát của cõi người vô tận, tính đến nay( tập thứ 10 các bạn đang cầm trên tay) hành trình cũng đã kết thúc - 10 tập thơ Muôn Dặm tình Quê cũng lần lượt đến tay độc giả trong niềm hân hoan tri ngộ. Chao ôi, có thể nào quên được những nhọc nhằn chỉnh lý bản thảo, sắp xếp, tuyển chọn thơ của anh em gửi tới với ngỗn ngang tâm sự, tự sự trong mỗi con chữ vốn có chất sống bí hiểm của ngữ ngôn thi ca, mọi cái đều phải giữ giới hạn không thể lùng tung vì vậy anh phải cân nhắc cho đúng với hoàn cảnh dung chứa của tập thơ, ai làm biên tập thì mới cảm nhận được, bằng không khó hình dung hết. Đáng trân trọng một sự tận lực, tận tâm của anh biết bao.
Giữa trần gian nầy ai gieo hạt mầm xuống cũng muốn cây xanh tốt trái ngọt lành, ơn trời cây văn học anh chăm bón cũng nhánh cành tươi tắn, hiến cho đời những quả vị văn chương, trong tuyển tập “muôn dặm tình quê” của anh chủ biên cũng đầy những tuổi tên trong văn đàn họ đã định vị chính mình, những Nguyễn ngọc Hưng, Đông Nguyên, Trần Mai Hường, Ninh Giang Thu Cúc, Nguyễn Một, Nguyễn Khôi, Lê Bá Duy… cũng đồng hành cùng và rất nhiều nhiều nữa, chắc chắn độc giả đã biết.
Lần nầy anh cảm thấy cần thiết có một bài tạm gọi là tổng luận của tác phẩm dài hơi mà công sức, nhiệt huyết và trí tuệ của anh đã đỗ vào, tôi là một trong những người thơ được anh tín cẩn nhờ viết vài trang nhận định, thì ra cách chơi văn chương của anh cũng khá công kỹ, làm sao có thể cảm nhận 10 tập thơ cho trọn vẹn với tất thảy người thơ, bởi lẽ có người ở tập nầy có nhưng lại không có ở tập khác, thôi thì phải cố gắng đọc lại và chọn những câu thơ đặc trưng một số tác giả có duyên cùng tôi vậy, với số trang có hạn để gửi tới những người yêu thơ như tấm lòng chân thành của mình đến với toàn thể người thơ muôn dặm, đành rằng thơ là tiếng lòng của mỗi người, vì vậy chẳng ai giống ai, mỗi tự sự, mỗi tâm tư có nổi niềm riêng của nó. Xin mọi người hết sức cảm thông, vì rằng không phải không có trích thơ trong bài nầy là thơ chưa hay mà là chúng tôi không thể chuyển tải hết được.
 
LÁT CẮT CẢM XÚC TRONG MỖI TRÁI TIM THƠ
 
Trong “tình khúc mưa” của Lê Đình Hiếu dù cho hình ảnh rất thơ của em mỏng như mây trắng trong hiện hữu, dẫu vô cùng nổ lực vói theo cổ tích xưa và có đẹp như thiên thần chăng nữa, sao anh vẫn xa xót nổi cô đơn của kiếp người, mà có lẽ tận cùng những thi nhân đều vậy- trong cuộc bể dâu mưa nắng trần gian thông qua cái ta của chính mình:
Ơ kìa em mỏng như mây trắng
Ta vói theo mùa cổ tích xưa
Nào biết đôi tay mình quá ngắn
Trơ trọi chợ đời, xót nắng mưa 
( tình khúc mưa)
Với Phan Hùng giáo viên vật lý, anh nhìn đời qua lăng kính đôi mắt tâm hồn tương đối tích cực chỉ có lòng vị tha của chữ tình mà thi ca dưỡng nuôi lời thương yêu mới làm đẹp cho cõi đời, cõi người:
“ Đừng nhìn như thế mắt cay
Giọt rưng rưng chảy theo ngày tháng trôi
Đừng nhìn như thế người ơi
Câu thơ nuôi dưỡng xanh lời yêu thương”
(Đừng nhìn như thế)
Còn thi sĩ quá cố Định Ban thì sao, người đã xa xăm tự thuở nào nhưng còn đây những dòng thơ anh vẫn hiện diện với thi hữu khắp đất nước, tư tưởng cô đơn trong anh cứ vỗ liên hồi theo nhịp đập trần gian, dường như suốt chiều dài thi ca của anh cứ vẫn âm thầm vang vọng chưa thấy ngưng nghỉ cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn :
“ đêm chợt tĩnh giọt buồn rơi cung lạnh
Phiến băng sa khô sánh rụng quanh hồn
Cây lã bóng nhã sầu lên phố quạnh
Giữa huy hoàng tay vịn nổi cô đơn”
(Giữa nẻo tàn phai)
Lê Bá Duy cây thơ trẻ của Bình Định với cái nhìn tương phản của hai mặt đời sống, chàng ta bao giờ cũng đồng cảm với triết lý nhị nguyên đông phương cuộc sống nầy tồn tại khách quan là do hai yếu tố tương phản, từ đó mà sinh hóa tồn lưu :
“ những trận gió kinh hồn cơn bão khát
Lại oằn mình sau trận chiến cô đơn”
Hay, “ những nhỏ nhen chẳng nên tình yêu lớn
Trái tim hồng biết sống để yêu thương”
( Lâu đài cát)
Một Đông Nguyên triết lý về thi ca, anh có những tư tưởng nửa tổng hợp nửa phân tích nên thường độc giả sẽ khó nhận diện sự tựu trung là gì, hơn nữa anh khoác trên thơ mình chiếc áo ngữ ngôn ẩn mật cổ điển, đó là sắc thái của anh trong với hành trình thi ca của mình, anh rất chân thành trong lối sống nhưng lại lý lẽ trong thơ:
anh đón em không phải định kỳ,
Kinh viện tình yêu bất ngờ hẹn ước
Phủ dụ còn mất
Chạm màu trăng quan trắc mặt trời”
( Ngẫu nhiên)
Ở đây tôi còn bắt gặp một nhà thơ quá cố Nguyên Nguyên luôn hoài niệm nổi mất còn của mình, của nhân sinh trong cuộc làm người đầy rẫy muộn phiền mang dáng dấp đông phương và độ lượng với phương ngữ bình dị trong cách hành văn rất sắc sảo của ông:
“ rồi lặng lẽ anh nhìn lên trước cửa
Trăng bây giờ không phải cái trăng xưa”
(Trăng)
Hay “ đò chiều úp bát xô ngang
Da trời lõm đỏ, lõm vàng lõm xanh”
( Câu lục bát)
Một Mai Hường với bước tiến vượt bậc của ngôn ngữ thi ca trong những tháng năm trước tới bây giờ, chị khẳng định được chính mình với thể loại mới, cùng thi ảnh khá sắc sảo cách sắp xếp thi ngôn trong kiến trúc thơ có tính mỹ học khá, dù chưa xác tín tính tư tưởng của chị, nhưng rõ là khi đọc ta có trực quan cảm thụ rất lý thú, hãy nghe chị viết:
“ những vỏ sò hóa thân làm mắt đêm
Úp mình vào giàn giụa
Hút tìm ban mai xa”
( Bí ẩn vỏ sò)
Tôi còn thấy bài thơ ca ngợi các chiến sĩ hải quân cương quyết giữ hải đảo của đất nước dù phải hy sinh máu xương thân mình, đó là tính thiêng liêng của tổ quốc và tinh thần dân tộc:
… “ lật sóng tìm quá khứ
Thềm lục địa đây rồi
Ngày Trường Sa bầm đỏ”
Hay,
“ Máu đã thắm san hô 
Anh linh hòa sóng biếc
Cứ tỏa hương bao giờ”
( Những ngọn sóng tỏa hương) 
v.v…và v.v…
Ngoài những tên tuổi đã khẳng định mình trong làng văn Việt, có những thi hữu chưa quen thuộc trên thi đàn nhưng chất thơ cũng đầy tính lãng mạn, tâm tư, nổi niềm của họ giãi bày trong tuyển tập Muôn dặm tình quê ra sao, tôi sẽ chuyển đến cho quý vị nhiều lát cắt về tâm lý, xã hôi, hoàn cảnh mà các thi hữu nầy chứng tỏ trước cuộc sống của xã hội đương đại
Một Nguyễn phi Điếu khá xa lạ với làng văn, anh hiện diện trong tuyển tập, góp mặt văn chương theo những nẻo đường bất tận của nước non ngàn dặm, với đoạn đường đời đi qua khá dài trong hành trình đời mình nhưng hương tình yêu của anh còn thấm đẫm trong hồn anh như thách đố với thời gian:
 
“ Em về cởi yếm trao anh
Gói mùi hương bưởi, hương chanh thơm nồng”
Hay, 
“ Trăm năm ấp ủ phụng thờ
Núi mòn sông cạn vần thơ vẫn còn”
( Vẫn còn)
Hà Linh Giang san sẻ nổi niềm khi cha mình mất đi, hầu nhẹ bớt ưu phiền nhưng lúc ông mất lại rơi đúng thời khắc mùa xuân đang đến, ngoài kia pháo đón giao thừa nổ rang, thiên hạ đang tưng bừng đón chúa xuân với yến tiệc trần gian đang bày biện nào chồi non lộc biếc hương các loài hoa đang hào phóng ban tặng trần thế thì than ôi, nhà mình lại đầy khăn tang trắng, hoàn cảnh khá éo le
Tôi đọc lời tâm sự của chị mà xót đến ngậm ngùi rưng lệ:
“ Pháo giao thừa nổ vang khắp chốn,
Tội cho nhà mình trắng những khăn tang
Mùa xuân về rồi sao mãi bâng khuâng
Đàn em nhỏ mắt buồn như tiếng thở…” ( hàm chứa tiếng thở dài)
( Cha cỡi hạc về) 
Còn Liên Giang với nổi nhớ thương ai đó đặc quánh lại thành dòng, biết gửi về đâu khi tháng ngày cứ lật từng trang lạnh lùng qua đi, anh bèn vo tròn nổi nhớ, chờ hong nắng chiều cho vơi nổi nhớ nhung của lòng mình vậy:
“ Nhớ thương cô đọng thành dòng
Vo tròn nổi nhớ chờ hong nắng chiều”
( Tình thơ)
Rồi như Kim Hải vì khúc tương tư mà vén mây viết trang sử tình thiêng liêng từ trái tim mách bảo sao lãng mạn quá nhỉ, biết bao thú vị khi đọc câu thơ tình đầy huyền thoại mà ước lệ đến thế, có chút gì xao xuyến khi đọc câu thơ nầy:
“ Khúc tương tư vén mây mù
Thiêng liêng trang sử viết từ trái tim”
( Khúc tương tư)
Võ sư Ngọc Cư, với thơ ông còn có bút danh Song Toàn ông khẳng khái xác tín với tình yêu rất tuyệt của trái tim mình cho quê hương, đất nước rằng tôi thề nguyền chết sống nơi quê cha đất tổ vì với ông biết bao kỷ niệm mà ông đã lĩnh hội trong dòng chảy thời gian qua phận người nơi nầy với đầy rẫy thăng trầm của lịch sử:
“ Tôi xin thề với đất trời,
Bên sông nầy vẫn muôn đời có tôi”
( Tình quê)
Ngoài ra ông quan niệm chiếc áo dài là linh hồn của phụ nữ Việt chớ có làm điều gì “cải biên, biến tấu” nửa vời sẽ mất cả hết hồn quê Việt, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam:
“ Thật đáng tôn vinh chiếc áo dài
Trên đời tao nhã chẳng thua ai
Lễ nghi noi dấu trang tiền bối
Lịch sự xao lòng khách vãng lai”
( Vịnh chiếc áo dài)
Còn với vị tiền bối cựu giảng viên Nguyễn Gia Tường đã từng đứng trước giảng đường đại học một thời của Sài Gòn qua thực chứng đời mình ông thao thức thế nào về cõi đời, cõi đạo, thì ra đã đi qua gần hết chặng đường đời người ông quay về với cõi đạo, nhưng hãy còn nhiều buâng khuâng chưa xác định bến vô ưu, vì rằng cuộc đời nầy trăng vẫn mọc và hoàng hôn vẫn xuống, đời sống cứ mãi tiếp diễn:
“ Thì đấy phải chăng thuyền bát nhã
Mà đây chưa hẳn bến vô ưu
Nhưng kìa… trăng mọc hoàng hôn xuống
Trăng cập thuyền ơi! Phá nổi sầu”
( Thuyền)
Và rồi tôi thật bất ngờ găp người thầy, ngày họp cựu học sinh Quảng Ngãi tôi được thầy tặng tập thơ không ngờ vì đọc kỹ Muôn dặm tình quê tôi lại hân hạnh viết vài dòng cảm nhận thơ của thầy - nhà thơ Bùi Đức Ánh, qua thơ tôi hiểu rằng một ngày trở gió mưa nào đó ký ức lưng lững buồn của người thơ vẫn còn mang theo từ chốn quê nhà đến tận bây giờ với sự tuần hoàn trong dịch biến của đất trời điệp trùng vô hạn như lời hẹn cho vừa nhung nhớ có lẽ để tri ân cuộc đời bễ dâu hữu hạn : 
“ Em từ giông bão ngàn xưa
Về như lời hẹn cho vừa nhớ nhung
Tôi từ lang bạt muôn trùng
Về như ký ức đang lưng lững buồn”
( Quê nhà trở gió)
Một sư cô còn có bút danh Hương Từ Vân với tâm hồn thi ca phóng khoáng, đạo pháp luôn là kim chỉ nam của những người “đầu tròn áo vuông”, nhưng nếu đóng khung trong ý thức cẩn mật ấy thì làm sao trở thành thi nhân tu sĩ, thơ là tâm thể đồng điệu khi đòng cảm xúc trào dâng, đi và về là khái niệm động từ A đến B, nhưng quan niệm thế nào trong nhân sinh quan của mỗi người mỗi khác. Bất cứ ai đi hay về cũng có tính xao xuyến, luyến lưu, với cô tất cả đều nhẹ nhàng như tơ rung âm thanh ấy bồng bềnh trong sự vô thường của giả tạm phù vân:
“ Ai về chẳng chút vấn vương
Ai đi không chạnh… niềm thương ngập ngừng
Nghe hồn một thoáng tơ rung
Cỏ cây như cũng lắng chùng tiếng quê”
( Linh Phúc cảm tác)
Chủ đề Mẹ trong thi ca quá nhiều ai cũng viết về người mẹ để vinh danh - mà thật sự như vậy thế gian nầy mẹ là tuyệt vời, tất cả đều đẹp dù là văn nhân thi khách sắp xếp ngôn ngữ chưa trọn vẹn lắm vì ấy là tình, xuất phát rất trong sáng từ trái tim thật của mỗi người viết, trong phạm vi Muôn dặm tình quê nầy chỉ lấy vài người trong chủ đề mẹ.
Hãy nghe một người rất trẻ Thế Thành nói về mẹ từng đêm thức mong khâu những nông sâu cho bớt rách nát:
“Mẹ tôi thức suốt đêm thâu,
Khâu bao nhiêu nổi nông sâu cuộc đời”
( Mẹ tôi)
Người mẹ phương đông nói chung và người mẹ Việt Nam nói riêng suốt đời tần tảo nuôi con mong con thành người, đó là ước vọng vô biên của tầng tầng thế hệ, để rồi cuối đời lặng lẽ khép bên hoàng hôn đời mình, nếu có nụ cười mãn nguyện cũng khiêm tốn bừng nở trong lòng nhẹ tênh, thi hữu Thiện Hạnh viết:
“ …Suốt đời lặn lội tảo tần nuôi con
Tuổi cao gối mỏi chân chùn
Khép mình vào cảnh hoàng hôn cuối đời”
( Ơn cha nghĩa mẹ)
v.v và v.v…
Các bạn đang có trên tay tập thơ thứ mười của MUÔN DẶM TÌNH QUÊ, ga cuối cùng con tàu muôn dặm dừng hẳn, chắc hẳn hành khách có nhiều kỷ niệm cùng đồng hành qua chặng đường dài cũng đầy màu sắc lưu luyến chia tay, điều chúng ta trân trọng là với sự nhiệt tâm yêu thơ của người chủ biên cũng như các thi hữu cùng hòa nhịp đập thi ca, dù thế nào thì tiếng ca vang vọng của giàn hợp xướng “ Tình quê muôn dặm” vẫn còn đọng lại trong mỗi tâm hồn của anh chị em trong hành trình đi tới của những người thơ còn muốn vun quắn trong sự nghiệp thi ca của chính mình. 
 
NGÃ DU TỬ
Sài Gòn mùa tựu trường 
Tháng 9/ 2013
( hình thi tuyển Muôn dặm tình quê tập 10 - tập cuối )
  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu