MAI QUANG

Cố Thi Sĩ Phạm Thành Tài, 
nhà thơ Xứ Trầm Hương và tập thơ “
Tình Em Còn Đó”

Mở đầu “Từ Thuở Anh Yêu Em” (nhạc Anh Bằng), ca từ và nhạc:
Từ thuở anh yêu em/Trăng sao ngời trong mộng/Hằng nga ngủ quanh thềm/Chú cuội về ru võng
Lời bản nhạc rất được mến chuộng này, nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ Mộng Trăng Sao trong tập thơ: Tình Em Còn Đó của nhà thơ quá cố Phạm Thành Tài.
Nhạc sĩ Anh Bằng còn phổ thơ của người thi sĩ tài hoa này 2 bản nữa, bản nào cũng rất nổi tiếng:
Anh Còn Nợ EmAnh Còn Yêu Em.

Mời nếm thử vị trân ngọc của thi ca:

Mộng Trăng Sao
Phạm Thành Tài

Gởi trăng sao lạnh lẽo
Ấm áp chút tình anh
Lối trăng sao mấy nẻo
Mộng hồn anh, bước nhanh

Từ thuở anh yêu em
Trăng sao ngời trong mộng
Hằng Nga ngủ quanh thềm
Chú cuội về ru võng…

Từ thuở anh yêu em
Trăng ghen và trăng nhớ
Mưa buồn, trăng chẳng ghé
Nắng vui, trăng buông rèm…

Từ thuở anh yêu em
Trăng về treo đầu núi
Trăng nghiêng mình bên suối
Trăng soi bước chân mềm…

Em ơi trăng nhiệm mầu
Vắng tình mình trăng chết
Cầm tay em, bay cao
Mộng về cùng trăng sao…

(Tình Em Còn Đó, tr.83-84)

Trước khi mời nghe bản nhạc phổ thơ, xin thưa: Người viết có bàn luận gì thêm trong tiểu đoạn này cũng chỉ làm nhiễu loạn tâm trường. Vậy xin phép lặng thinh đôi giây phút, để cho âm hưởng của thơ-nhạc cứ “đang-là”.
Cám ơn Thơ, Nhạc. Cám ơn Thi sĩ, Nhạc sĩ, Ca sĩ đã phối hợp nhau nâng cánh Sống của con người thêm thơm hương, thắm sắc, tinh âm.
Mời nghe cung bậc, giai điệu của âm nhạc chắp cánh cho Thơ.
 

 

Vâng! Xin tiếp tục:
Đôi nét về nhà thơ quá cố Phạm Thành Tài và tập thơ “Tình Em Còn Đó”:
 

 
Di ảnh nhà thơ Phạm Thành Tài
 
Phạm Thành Tài (1932-1997), quê hương ông, Quận Ninh Hòa thuộc miền Trung Việt, thùy dương cát trắng, xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Ông từng là giảng sư đại học tại Đalat. Định cư tại Hoa kỳ 1991. Tốt nghiệp Bác sĩ Đông y/Hoa kỳ OMD 1995.
Làm thơ viết văn từ 1955.
Ngoài các tác phẩm Y học, về Văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm: Tình Yêu Em Còn Đó (Thơ); Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ); Hoa Đào Năm Ngoái (Tập truyện).
Ông mất tại Nam California ngày 06 tháng 7 năm 1997.

Tình Yêu Em Còn Đó. Tập Thơ. Nhà XB TH. Sông Bé 1990 in 1000 cuốn khổ 12×19. Bìa họa sĩ Đằng Giao. Tựa nhà văn Sơn Nam.

 

 
 
Vài Cảm Nhận về Tình Em Còn Đó:

Như tác giả minh định ở trang trong thi tập, đây là: Tập Thơ Tình.
Tình yêu đôi lứa. Tình yêu quê hương. Rải rác có những bài thơ, cảnh vật bên ngoài được phóng rọi (hay qui chiếu?) cảnh lứa đôi (nhân cách hóa) quấn quít dĩ định bên nhau. Ở đó là dòng sông khuya, là cung thuyền, là tiếng khua của nhịp chèo. Là biển, sóng, cánh buồm. Là linh khí Đất Trời – Núi Sông nuôi lớn Giọt Tình.
Người viết đang có trên tay tập Tình Em Còn Đó (một trong hai ấn bản hiếm hoi do gia đình còn lưu giữ, quí tặng). Nhân đây cũng xin phép được gởi lời cám ơn bà quả phụ Phạm Thành Tài (nhũ danh Lê Bảo Chánh) và bà Thúy Liễu (em họ của nhà thơ), đã giúp cho người viết có được một số tư liệu liên quan. Đọc thơ Ông, có vài cảm nhận, nhận xét sau:
-Thi Tập tập trung những bài thơ cực ngắn, 4 câu là đa phần. Mỗi câu cũng thường cũng cực ngắn, 4 chữ, 5 chữ:
Biển giận ai, sóng dữ
Sóng hờn ai, nước đầy
Gió về ru mộng cũ
Chiều nay em ngủ say
.
(Giận Hờn/T.E.C.Đ tr.13)
Và v.v…
Đa số bài thơ trong tập ngắn gọn và cô đọng như vậy.
Người viết có cảm giác, ông rất sở trường về lối thơ dùng ít câu, ít chữ để chuyên chở cảm hứng của mình. Từng cái dấu phẩy (,) dấu chấm (.) ( như những ký âm lặng)… đều đóng một vai trò trong diễn dạt, biểu cảm. Ông rất khéo gói chữ, nêm ý, neo vần một cách tự nhiên (không đẽo gọt). Đó là những câu, những chữ, những dấu đã được cô, chắt tinh tuyền. Bút pháp này gợi lên sự liên tưởng đến nội lực, nội tâm, phong thái và cá tánh của tác giả lúc sinh thời.
– Thể hiện tự nhiên và tài tình trong tổng hợp những mặt chừng như là mâu thuẫn nhau:
.Phóng túng/Chừng mực (hòa lẫn):
Hai đứa bên nhau trong rừng vắng
Gió lá rì rào vây quanh…
Anh nhặt giùm em bên suối vắng
Những sợi thông vàng vương tóc xanh…

Em ơi, cho dẫu tình cách mặt
Chớ có trông hình để bóng xa

Giữa thư yêu, anh tặng em kỷ vật
Một sợi thông vàng vương tóc xanh!…

(Kỷ Vật/T.E.C.Đ.tr.75)
.Cổ kính/ Cách tân (dung hợp):
Mai bỏ anh em về. Sao
Hoa thôi nở. Và áo nữa
Thôi bay. Nắng thôi đỏ… Lửa
Tàn thôi cháy bước xôn xao.

(Em Bỏ Anh/T.E.C.Đ. tr.55)
Vẫn một mình một mình thôi. Em chỉ
Một cánh hoa cô đơn. Một cánh chim
Lìa tổ. Một con đường trăng soi. Bóng lẻ
Một mình mình thôi. Anh hiểu em…

(Anh Hiểu/T.E.C.Đ tr.57)
.Thực/ Ảo (đan xen):
Ngang vườn chợt vắng áo em phơi
Nhớ xao xác lá ngóng mây trời
Mong như dây thép trơ ngoài nắng
Chim sẻ giăng chờ chẳng muốn bay…

(Áo Trắng/T.E.C.Đ. tr.50)
Hoặc:
Em về rồi anh đợi
Hẳn em đâu quên chờ
Xin tóc em một sợi
Thay mây trời, se tơ…

(Xin Em Sợi Tóc//T.E.C.Đ.tr.42)
Và v.v…
-Tuyệt đại đa số những bài thơ trong thi tập, đều có 2 từ “anh” và “em” (Nam và Nữ):
Chiều nay mây mơ mộng
Trôi về phía biển xa
Ước gì anh là sóng
Soi em mấy biển xa…

(Mây/T.E.C.Đ. trang 12)
Còn nhiều, nhiều nữa như vậy!
-Tình Yêu đôi lứa, hình như đâu dâu cũng thấm đẫm và sung mãn trong thơ ông. Ông đã phóng chiếu Tình Yêu ra vạn vật, ra ngoại cảnh, nhân cách hóa như đôi Nam –Nữ đang âu yếm, quấn quít nhau (một ràng buộc dĩ định?) Ví dụ đơn cử ở đây, cảnh Tháp Bà (Ponagar), soi bóng trên dòng Sông Cái, có Cầu Bóng nối qua đôi bờ. Đó là nơi có lẽ đã bao lần ông qua lại, trên quê hương “thùy dương cát trắng” thân thương của mình:
Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ
Em là sông, em nằm gối chân anh
Gió Tháp, sông trôi đôi bờ thủ thỉ
Em là Sông Cái, anh Tháp Chàm…

Cầu Bóng đón em- Cánh tay anh đó
Sóng eo thon- vòng nối dôi bờ
Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ
Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ…

(Phát Cảnh/T.E.C.Đ. tr.96).
Phần Kết:
Trích lời Tựa của nhà văn Sơn Nam, mượn làm phần kết:

Người khó tánh có thể yên tâm: Tình yêu lứa đôi trong “Tình Em Còn Đó” đã chan hòa hữu cơ trong tình đất nước, quê hương. Phải chăng đó là tâm sự lớn của một nhà thơ đầy sinh lực….”
Người viết mong được bạn đọc lưu tâm, đón nhận phần Giới thiệu này. Thơ Phạm Thành Tài sẽ góp vài nét đan thanh vào nền thi ca Việt chăng? Mong thay!
 
Phụ Lục: Phóng ảnh các bản nhạc phổ thơ / thủ bút của nhạc sĩ Anh Bằng

 







 
Nhạc sĩ Anh Bằng tặng bà Phạm Thành Tài các bản nhạc phổ thơ.
 
  Trở lại chuyên mục của : Mai Quang