NGÔ NGUYÊN NGHIỄM


Những Ngày Tháng Tuổi Trẻ Lang Bạt Với SA CHI LỆ
Và Một Chút Luận Đàm Về VĂN NGHỆ HY SINH
  
Thất thập cổ lai hy, cổ nhân thường suy gẫm từ tuổi 70 hiếm có trong vòng sinh tử của cuộc đời. Người nhân thế cũng vậy, hầu như trong khoảng sinh thời nầy đều ít nhiều suy tưởng, như lão nhân gian đang đứng ngoài vòng cương tỏa.  Khoảnh khắc nầy, người hữu trí xem tương lai là hiện tại, chỉ còn một lối mòn sau vách đá của tháng năm qua là những ảnh tượng một thời, cứ trôi nổi lởn vởn chung quanh ký ức. Quả tình, với lão thiên thu thì chỉ còn quá khứ là điểu cốt lõi hàng giây hằng phút miên diễn trên sân khấu trí nhớ hiện tại.
Đối với người nặng nghiệp văn chương, hầu như trong tiềm thức cũng chất đầy lớp lang những khúc phim dĩ vãng, thoảng lướt trong những thời khắc trầm ngâm bên cơn gió thu vàng, hay dưới bóng hoàng hôn chợt giăng trước sân nhà, những chiếc ráng chiều lẻ loi rơi trên góc trời tắt nắng thu không.
 
Sự cô đơn là điểu dễ hiểu, với một người làm thơ trước nhân thế trùng khơi, đâu cũng là nhà. Hình như, sự cảm ngộ lẻ loi trong quãng đời hiện hữu đang trôi đi. Sự lãng bạt tâm thức và tài hoa của một thư sinh nhỏ nhoi đang đặt bước chân rụt rè trên lối mòn của khu vườn văn nghệ. Quả thật, những ẩn tượng đó cộng thêm nhiều cơn giông gió suốt cuộc hành trình, một là thúc đẩy thế nhân phải bước sâu vào nghiệp chướng văn khúc, hai là sự bất biến chứng quả vào hành trang lãng du cho thơ trải rộng theo quan điểm sáng tạo.
 
Trên đời, kể cả văn nghệ khi những chiếc bóng nhân gian mặc nhiên quần tụ thành một nhóm tri kỷ, thường là những nhân tố có cùng những điểm thích hợp trong mọi hoàn cảnh như nhau. Chính vậy, kẻ tha phương lưu lạc cùng tâm huyết thường nối bước chung vai một hướng nhân quả. Người làm thơ cũng ngả nghiêng theo nhân thế như vậy. Chính thế, Sa Chi Lệ của 50 năm trước chiêm nghiệm, mà bây giờ mới thú nhận: Trời sinh ta đày làm thi sĩ/ Còn em suốt đời làm tình nhân/ Mỏi gối chùng chân nơi địa ngục/ Tình yêu dậy mãi kiếp thi nhân.
 
Tôi bắt gặp một nhà thơ trẻ tuổi đó, từ những năm 1966. Sự xuất hiện lang bạt kỳ hồ với sự hoang vắng, gió sương, hình như còn có một chút gì ngơ ngác trên trường đời, và vướng víu chút khinh bạc ngông nghênh của tuổi trẻ. Thời của chúng tôi là thời của chiến tranh, mọi cuộc sống đều hướng ngoại, như thời xuân thu chiến quốc xa xưa. Nhưng với người làm văn nghệ thì những tang tóc trên quê hương đất nước, và sự vô tình của  đạn bom, mà hình ảnh người chết hai lần như lời nhạc Trịnh Công Sơn, thật bi thống. Trong khi, với bằng hữu chung hướng thì niềm tin văn nghệ nhiều lúc nói lên tiếng nói tuổi trẻ, còn là bất cần trong kiếp sống trôi dạt giữa quê hương, và giữa tri kỷ:
 
Lạ sao thơ chưa tròn mà ý đã bay xa
Thú làm sao uống nguyệt lưng lưng nửa bầu thở dốc
Ngất ngưởng vỗ tay mời gọi tri âm bất đắc
Cố mỉm cười xô lệch cô đơn bóng bạc đầu
(Đôi Mắt Phù Sa)
 
Cuộc gặp gỡ tình cờ với chàng trai nhỏ nhắn đang làm thơ, là vào năm 1966. Tôi chưa hiểu biết gì những khoảnh khắc tiêu dao, trên lối sống lang bạt của người văn nghệ trước mặt. Bên nầy cầu Chữ Y, mọi sự thế thời loạn còn vướng víu 3 nhánh rẻ, như trái tim không bao giờ nguyên khối của một đất nước mà văn sử đã có gần 5000 văn hiến.Trên quê hương còn có rất nhiều con đường ngả năm/ ngả sáu /ngả bảy/ thì với những cây cẩu Chữ U, Chữ Y… cũng phân đoạn như biểu hiện của tâm hồn ngàn năm lịch sử.
 
Chàng trai trẻ bước vội qua cầu như cơn gió xiêu lệch sau một cơn mưa nhẹ, đi tìm người tri ngộ (?). Đêm đó với tôi, Sa Chi Lệ vẫn là thêm một người bạn mới trong căn nhà nhỏ, mà thân sinh tôi chắt chiu mua cách đây 2 năm, với ngọn đèn mờ tỏ, làm thư trang cho tôi khi từ quê nhà lên đô thị học tập. Thường xuyên như vậy, thư trang bao giờ cũng ấm cúng tiếng thơ, âm nhạc, tranh và ca cổ… của bằng hữu tứ xứ trú ngụ học hành, và sáng tác…
Dù nặng nề khí chất lãng du và hào khí vùng núi biên thùy, nhưng dù sao cũng tuổi trẻ  khiến Sa Chi Lệ nhiều lúc cũng trở lại bản thiện, hòa nhã, khiêm cung … và nhất là tài hoa từ thi ca, đàn sáo, ngâm thơ, diễn và viết kịch…Chàng ta rất nhiều năng khiếu tuyệt vời trên phương diện nghệ thuật. Chính vì đa dạng như vậy, sự nghiệp văn chương và sư hy sinh cho nghiệp dĩ như ngày nay là chuyện ắt có và đủ, như những tán tụng của văn hữu. Dù vậy, Sa Chi Lệ vẫn khiêm tốn đứng vững vàng trên sân khấu văn nghiệp, đầy hào nhoáng của suốt một đời người:
 
Cả đời ta diễn kịch
Không một tiếng vỗ tay
Em hiện hữu như mây
Bềnh bồng nhưng miên viễn
…….
Em có biết nỗi buồn con thần điểu
Đôi cánh kia chỉ chực vút lên trời
Ta tuốt gươm thề suốt đời thúc ngựa
Dẫu chiến trường bôi xóa tuổi tên ai!
(Đôi Mắt Phù Sa)
 
Những năm tháng xa xưa không làm lãng quên bao nhiêu ký ức, dù là riêng rẻ từng người anh em bạn hữu. Bằng hữu văn nghệ của 21 tỉnh thành phía Nam xưa trân trọng thân thiết, không khác gì vùng núi đầy sơn lộ biên thuỳ, linh địa Tây Ninh và Thất sơn Châu Đốc. Nỗi tâm linh và vùng đất văn chương đã như sợi mắc xích liên thông kỳ bí trói buộc nhau bằng tình người và nghiệp dĩ văn hóa. Sa Chi Lệ là đầu mối, là người giữ đền cho văn nghệ Tây Ninh thời ly loạn đó. Những anh em văn nghệ tỉnh nhà, đều qua sự liên kết của nhà thơ. Nên tôi hân hoan biết đến Từ Trẩm Lệ,  Trường Anh, Mộng Yên Hà (Hà Nguyên Du), Vũ Anh Sương, Điệp Thuyên Ly, Trần Thy Dã Tràng, Nguyễn Quốc Nam.. khi các bạn hữu cùng ra sức chủ trương in ấn nhiều tác phẩm. Các nhà thơ cũng nhiều lần đăng thơ chung với tôi trên các báo như Ngàn Khơi, Văn, Tiền Tuyến, Khởi Hành, Phổ Thông, Sống, Đời …
Cuối năm 1966, khi tờ nguyệt san Trình Diện Tuổi Đất ra đời, nối tiếp các tạp san Hoa Xuân (1960), Thế Kỷ Mới (1964), Thể Hiện (1965), Hiện Diện (1966)… được xuất bản tại vùng Thất Sơn Châu Đốc, như tiếng nói của văn nghệ đồng bằng miền Tây, là tiền thân của Tạp chí Khai Phá và Nhà xuất bản Khai Phá (năm 1969 – 1975). Thì tại vùng địa linh miền Đông Tây Ninh, Sa Chi Lệ  và Trần Thy Dã Tràng … cho ra mắt tạp san Trần Gian vào năm 1967. Năm 1970 – 1973, Hồ Chí Bửu, Sa Chi Lệ, Trần Thy Dã Tràng, Vũ Anh Sương, Mộng Yên Hà  và các nhà thơ lão thành như Từ Trẩm Lệ, Trường Anh…chủ trương tờ Động Đất…
 
Ông say mê trong quá trình tạo dựng các tạp san văn chương, để chuyển tải cho những tiếng nói thơ văn. Sa Chi Lệ nhiều tâm nguyện phát huy khuynh hướng mới, cho nghệ thuật trên các tạp san Trần Gian, Động Đất. Nhưng thời cuộc bao giờ cũng trầm bước giữa các giấc mơ văn nghệ, nên không phải chỉ một Sa Chi Lệ đành gác lại ước vọng cho một thời.
Ngọn lửa Prométhé truyền thuyết vĩnh cửu mang lại hơi ấm và sinh tồn cho nhân sinh. Người nghệ sĩ cũng không ngoại lệ, như trách nhiệm thiêng liêng phải gánh vác trên vai sứ điệp truyền thống của tâm thức. Sự đày đọa nghiệp chướng thể xác, ngơ ngẩn trong cõi người, để tiếp thu sáng hóa từ vật thể đến tâm linh, người làm văn nghệ là một kẻ lên đồng, một người giữ vườn… từ đền thiêng. Nói vậy, khác nào đưa nghệ thuật vào con đường vị nghệ thuật, tôn vinh không? Quả tình, tất cả mê cuồng trong ngọn lửa vĩnh hằng của nghệ thuật, thì phải phân trần với thế sự sao đây? Nhiều khuynh hướng nghệ thuật, nhiều quan điểm sáng hóa (gần nhất như thơ tân hình thức, thơ vũ trụ / vd: thơ mới Trần Văn Nam, hội họa sắp đặt, âm nhạc R&P …) ,,, Thời gian, không gian không bao giờ vĩnh cửu, thì các khuynh hướng nghệ thuật cũng sẽ biến thiên theo hằng hà sa số ngân hà…
 
Độc thoại như vậy, để thấy rằng sự hy sinh một cách say mê điên cuồng hy sinh của nhiều văn nghệ sĩ, là một điều tất nhiên trước một không - thời gian vô định. Sa Chi Lệ không phải là một, mà là một trong những đóm sáng trong khu rừng lập lòe đom đóm. Ngọn lửa lân tinh dù nhỏ bé với các vĩ nhân, nhưng cái có cái không không là giá trị to lớn gì cả, nhưng có còn hơn không. Bởi đóm sáng lân tinh trong rừng thẳm nghệ thuật đó, vẫn có thể le lói dẫn dắt khách lạc rừng, tìm chính kiến trên nghệ thuật, bằng cái rất nhỏ nhoi đó thôi, ai làm được?
 
Bẵng đi hơn 40 năm, trong buổi hoàng hôn năm 2015 tôi mới gặp lại người văn nghệ ngày nào. Thời gian biền biệt bước đi có bao giờ trở lại? Có chăng, những vết hằn trên khuôn mặt người xưa đã làm xa lạ và ngơ ngác của kẻ tìm về. Tất cả thay đổi khắc nghiệt trên mọi hữu thể. Chỉ chừng, tấm lòng bao giờ cũng trải rộng trước ngưỡng cửa nhân gian. Sự gặp gỡ vẫn là những ca khúc ân tình cũ, thời thế đổi khác cách nhau gần nửa thế kỷ thì tấc lòng bao giờ cũng tuyệt diệu thiên thu.
 
Sa Chi Lệ vẫn cung cách hảo hớn và lang bạt như ngày nào. Sự im lặng nhìn nhau, sự soi căn về kỷ niệm, sự thăm dò về sinh kế, và cung thỉnh văn chương, là điều không thể thiếu của một văn nghệ sĩ vẫn còn cầm ngọn mộc đăng, soi từng trang mạng chủ trương văn nghệ thuật bao la ở hải ngoại. Tôi đã hiểu, đó là cái nghiệp mà!
 
Ngày về, tôi mới có dịp đọc thêm những sáng tác mới của Sa Chi Lệ, Cũng như thấy rõ, bằng hữu có một chính kiến và chủ hướng nghệ thuật vì thế hệ mai sau. Sa Chi Lệ có tặng những tài liệu văn chương, sáng tác mới, mà nhà thơ vẫn như ngày nào, bước vào cõi sống như bước vào giấc mơ lãng bạt:
 
Nhập giấc chiêm bao nào mơ ước
Bóng mình thấp sáng cuối chân mây
Tiếng hát bỗng vang vườn ẩn hiện
……………..
Một túi thơ đầy văn lang bạt
Gian truân đốt cháy lạnh đôi bờ
Hơn nửa đời ta xây nuối tiếc
Cuồng điên cao ngạo chỉ trong mơ!
(Fall in Love)
 
Thơ về chiều, nhưng những lả lướt sương khói vẫn tràn lan trong những khúc triều cương? Sa Chi Lệ bước vào thi ca từ 12 tuổi, nên những phong thái u tịch và mơ hoang vẫn phủ cho tơ vương một màu gió sương lãng đãng của hoa niên. Tôi thông thấu những âm hưởng, đượm đầy tư hướng trưởng giả trong cung cách tình thơ. Người làm thơ của một thời diệu vợi, mà nghe ran rát phút triều cương. Thơ bỗng chốc tạo nét thơ ngây của những tia nắng cuối ngày rơi êm đềm trên dĩ vãng, cái dĩ vãng của ta hái si mê cài lên tóc/ mà nghe hơi thở quỵ quân vương. Hoàng hôn, chim bay, hoa nở … mà gió sương ngộp tràn trinh tiết. Ô hay:
 
Tung cánh chim bay dệt hoàng hôn
Đường xa hun hút thoáng trong hồn
Mà sao hoa nở tràn trinh tiết
Ngộp cả hồn ta tuổi gió sương
(Fall in Love)
 
Người ban cố tri xưa vẫn phong lưu trên những bước thơ bay. Tất cả những tuyệt diệu trên ngôn ngữ chất chồng đầy những kỹ thuật, cho mùa thơ mới. Sa Chi Lệ tỏ ra bản lĩnh huyền biến trên con chữ, nhưng những êm đềm của hình ảnh trong thơ, vẫn là ảnh tượng muôn thuở của một dòng thơ đầy si mê:
 
Em chợt trong ta rừng nguyệt bạch
Ngọt ngào hơn tuyệt đỉnh đam mê
Xòe tay năm ngón tình chấp cánh
Quyến rũ trời mây lạc lối về
(Fall in Love)
 
Chắc khách sẽ nhận thấy trong bước đường lãng bạt, người thơ cũng muốn đưa tình thi vào cảnh tượng huyền linh mà đào mộ kỳ duyên xây trên đỉnh núi oan khiên. Thơ là vậy, mà người thơ là vậy… nét hóa thân cho ngôn ngữ nhập hình hài, người nghệ sĩ lang thang trên bóng đường chiều hôm, mà ông gọi là thăng hoa tuổi hạc khúc huyền cơ. Thơ như sóng vỗ càn khôn tràn nguyệt tận, nhà thơ chuyển hướng hải hà cho thơ nặng nét riêng biệt ngất ngưởng mê hồn bên triền huyền cơ:
 
Gật gù mi ngủ trên tay
Hồn ngây dại mọc trên đồi trăm năm
Trăm năm chắc cũng không bằng nửa
Cái mỉm cười em thuở trăng hoan
Ký xưa bỗng chốc biệt ngàn
Em ra tuyệt đỉnh cung đàn tình yêu
(Valentines 14-2)
 
Sự hóa thân nhiều biến tấu, như trong những vở kịch sân khấu nhiều vai trò cứ thay đổi ẩn hiện một cách hoạt biến. Chính vậy, thơ không nặng vẻ trầm điệu, thơ Sa Chi Lệ càng có một hướng bước tới như những chiếc phong du. Tiếng gió lung linh thì thơ cũng huyền ảo bằng những con chữ sử dụng tự nhiên, nhưng đầy bất ngờ, bỉ ngạn, đào mộ, ảo vi, đỉnh oan khiên v..v..
 
Ô hay! Chung thủy thời thượng nhỉ
Ngả mũ chào mi! Thế giới ảo vi
 
Từ cõi nào thuyền uyên nguyên rời bến
Tiễn em đi sao rỉ máu tà dương
Bước lưu vong khua niềm đau nghiệt ngã
Em mời ta nhấp nháp rượu bạc tình
Ôi! Tuyệt diệu! Tháng tư mười hai mưa bỉ ngạn
Đào mộ kỳ duyên xây trên đỉnh oan khiên!
(Hoàng Hôn Rỉ Máu)
 
Thật vậy, sáng tạo trên thơ nghĩa là phải sáng tạo trên ngôn từ, kẻ làm thơ có nhiều bản lĩnh để đưa thơ trở về bản lai diện mục của thi ca. Thơ Sa Chi Lệ hồn nhiều, mà xác cũng nhiều. Phải chăng, ta cứ ngỡ như thằng điên diễn kịch/ hề ngu si trò xiếc điệu nghê thường. Nhà thơ nói vậy, như tự phỉ báng hạ thấp bút lực thơ mình. Phải thế không? Kẻ trí thường tỏ âm thầm lặng lẽ, nhưng dưới trăng hào khí tang bồng loang loáng trên nguyệt rỉ máu hoàng hôn.
 
Thơ hay là vậy.
 
Hồn quá khứ ngấu nghiến vừa tỉnh giấc
Quạt có bên trời mây gió túi ngây thơ
Em xé nát tim người! Ta gom lại
Liệm lá rừng tơi tả mảnh thủy chung
 
Ta ngửi khói nguồn thư tình treo cổ
Cõng nỗi buồn nặng trĩu tóc mây sương
Bóng đèn đường ngu ngơ soi bỡ ngỡ
Không còn ai! Còn ai! Chia sẻ nhịp ly hương
 
Người đi tuổi xếp hai hàng kẻ
Đuổi bắt hư không hạnh phút đầy?
Em ơi! Trăng sáng mười hai nhỉ!
Chàng Vũ điên cuồng, sao biết ta cay!
 
Nửa gánh tang bồng vung gươm hồ thỉ
Thì sá gì nguyệt Rỉ Máu Hoàng Hôn!...
(Hoàng Hôn Rỉ Máu)
 
 
Ghi chú: Bài nhận định tản mạn,
              tặng Nhà thơ Sa Chi Lệ.
              Sau gần 50 năm, tao ngộ…
 
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Thư trang Quang Hạnh
Tháng 06, năm 2020


  Trở lại chuyên mục của : Ngô Nguyên Nghiễm