NGÔ NGUYÊN NGHIỄM



Ý Niệm Về Phong Cách Sáng Hóa Ngôn Từ
Trong Thơ CA DAO
 
   Du ngoạn vào khu vườn ngôn ngữ thi ca, điều cảm nhận sơ nguyên là sự thẩm thấu nguyên thần của hồn thơ. Người họa sĩ khi điểm nhãn vào linh tượng trong tranh, thần  khí sẽ hòa mình trong tính không đạo vị. Họa phẩm bất chợt nhập nguyên khí mà hóa thân linh động sấm chớp giữa hồn tranh.
   Thơ cũng vậy, cái huyễn hóa xuất thần trong ngôn từ chính là điểm mấu chốt tô vàng dát ngọc đưa hình tượng thơ bật sáng tinh khiết sáng hóa, như giọt tinh quang cho nhan sắc thơ ảo diệu phi thường.
   “Len lén.../ Gót ngà / Thu úp mặt cười” dĩ nhiên khách tha phương cũng bất chợt cảm thấy bổn phận mình cũng phải len lén đột phá nhẹ gót ngà bước nhẹ vào nguyên khí mùa thu. của nhà thơ Ca Dao. Cái hồn nhiên  giữa giọt nắng hồng ngọt ngào, có được bao nhiêu giọt thời gian chờ đợi thời khắc sát na để  thu đan chiều/ rẻo linh hồn khát cháy một mùa xa...
     Một dòng thơ thư tịch vừa tinh khiết, vừa ngây thơ ngơ ngác ... Vời vợi thu... vời vợi chiều. Thật vậy, sự tĩnh lặng của len lén thu giữa một cõi nguyên sơ, hình như tất cả lắng đọng của một thế giới quan tịch tịnh, vời vợi gió, len lén vén tà hoa, để thu đan chiều bỡ ngỡ như “... gửi mùa cúc thắm mộng đoàn viên”.
     Khách du hành trong một quyển khí thanh tân, bất chợt ngơ ngác định thần xòe tay hứng lại thời gian, thu vừa len lén bay qua nhẹ nhàng kỳ diệu như  thế. Chính ngôn từ tinh hóa cho thơ đã réo gọi cho nét thu tinh khiết, vừa vời vợi gió nâng hoàng hôn, khiến nẻo xưa dài rảo qua hồn ngơ ngác. Len lén thu  đã chọn lọc ngôn từ nhiều tính  tịch tĩnh không hư, đầy nội lực.
     Bài thơ hoàn thành, ngoài tài hoa và thần khí khai nguyên của thi nhân, chắc chắn phải hội đủ bốn yếu tố tinh quan như là nguyên lý tứ đại (đất/ nước/ gió/ lửa): ngôn ngữ, hình ảnh, tính nhạc, sáng hóa. Thơ Ca Dao hình như bước sâu sắc trong ngôn ngữ và tính tịch lặng như thế, nên vô tình tạo nên một thế giới quan u uẩn, len lén, nhẹ nhàng. Ngôn từ dĩ nhiên theo hồn người, nên mới có những bước đi quang quả trong ngoại cảnh cư trú riêng mình. Nửa giọt thu buông, nửa giọt đàn rơi, nửa giọt hư không, nửa khúc chênh vênh... khiến sương trắng đọng ngại ngần bờ mi..  Tại không gian nầy, đầy hình tượng, đầy mật ngữ ( sic), và nhiều tư hướng hóa sinh trong thơ, khiến nhà thơ vướng nhiều vào đạo vị, nên bước hẳn vào một thế giới lẻ loi, nhiều mộng khúc trong ngôn ngữ.
Tha nhân thử cùng chiêm ngưỡng thi khúc Nửa Giọt Tỳ Bà:    
 
Tỳ bà
nửa giọt đàn rơi
Tịch tang như giếng sầu khơi giấc hồng.
 
Tỳ bà
nửa giọt hư không
Tình tang...quạnh buốt lối mong trăng thề.
 
Tỳ bà
nửa giọt đam mê
Cung thương lả xuống bộn bề mưa bay
 
Tỳ bà
nửa giọt hương say
Nốt thăng, giáng đọng hiên ngày buồn tênh
 
 Tỳ bà
 nửa khúc chênh vênh
Đường tơ khúc rẽ chênh vênh sợi buồn 
 
Tỳ bà
tỳ bà ơi
Giọt sầu tuôn...
(Nửa Giọt Tỳ Bà)
 
    Bước vào thơ, khác gì khách lữ tham quan là một tri ngộ  cũng phải là khách tài tử tài hoa với tri thức nghệ thuật. Nên thế giới và thần khí của thi nhân cũng là điều quan tâm, để đạt được đồng khí tương cầu. Như vậy, mới hoạt nhiên ấn chứng được cho ngôn từ trong tác phẩm, chắc chắn là một phát kiến tư duy trong những con chữ sáng tạo mới hóa sinh . Thơ của mỗi không gian nhà thơ đầy sắc thái sáng tạo riêng tư đó, một thế giới tự sinh tự diệt. Và cũng chắc chắn là vậy, nên khi thơ rơi là đã chắt lọc từ tâm hồn, từ tài hoa biệt lập. Và vì vậy, ngôn từ thơ mới ẩn náu sâu kín trong trái tim thi sĩ, không thể lẫn vào nhà thơ khác được. Và cũng chính vì vậy, tôi rất đồng ý về nhận định của nhà văn Tiểu Nguyệt  trong thi phẩm Làm Sao Thôi Mưa Bay :” Nhà thơ Ca Dao rất nhạy cảm với những chuyển đổi chung quanh đời sống, dầu là một”chút gió,chút nắng”. Rung động theo “chút nắng”, “chút hoang hanh, “chút vàng xưa”, “chút mộng vàng”, chỉ có một tâm hồn tinh tế, rộng mở, phóng khoáng mới “nắm bắt” được.Mỗi thứ “một chút thôi”, cũng đủ làm nên cung bậc khẽ khàng, quyến rũ!....Với một tâm hồn an nhiên, rộng mở như vậy, nhà thơ có thể ”lang thang gót gió” với “một nửa”-“nửa vạt tối”, “nửa hoàng hôn”, “nửa mảng lạnh”, hay xa hơn nửa , là “một nửa” của”tháng đời lênh đênh” Chỉ “một nửa” thôi , mà mọi thứ như bay bổng, ngút ngàn, lênh đênh, chơi vơi, xa ngái”.
     Quả thật, trong ngôn từ gieo nhẹ nhàng vào thơ, hình như người thơ cũng rất ân cần thả bóng chữ trong một cung cách lặng lẽ, lênh đênh, chơi vơi, xa ngái như vậy. Sự cung hiến tao nhã, li ti , hồn hậu trong lựa chọn chữ nghĩa cũng rất nhẹ nhàng, như sợ rằng  Buông xuôi tay/ gieo khúc hát/ trôi chiều...Ảnh tượng bất chợt bên hiên mưa, ngày đã cạn còn âm thầm  lang thang về phía hoàng hôn tím ngắt., phải chăng thảng thốt, ngơ ngác ảo giác vàng nhạt của từng hạt nắng làm đột biến u uẩn mờ nhạt phiến mơ nồng?
     Ngôn từ được ẩn hiện lấp lánh trong suốt chặng đường thơ đi. Những  hạt chữ sử dụng đưa đẩy không gian vào những thời khắc bất ngờ, khiến thơ vụt mới , lặng lẽ trôi đi như một tân thi, bất ngờ giúp cho người đi đường vụt nhìn lại thảng thốt, chậm bước theo bước ngôn thi : “ Ngày bất chợt/ rơi bên lề khoảnh khắc mưa giông/ Rụng xuống đáy chiều / ngày xưa miền mộng thắm/ Không đủ ấm/ rẻo hồn xưa môi ngậm/ đẫm hiên lòng bất chợt một cơn mưa”.
      Hình ảnh như xảo thuật, khi áp dụng chữ nghĩa cho thơ khá đặc thù và độc lập, Chính nét bóng chữ trừu tượng của ngôn từ, đã là phương cách sáng tạo độc tôn riêng tư, giúp cho thơ Ca Dao có một phong thái mới, như một họa phẩm hiếm hoi :
         Ngửa bàn tay
        thầm đến nụ hồng xưa
        mười ngón tay khẳng khiu
        miền bể dâu chua chát
        Vén tà trăng
        nấp cơn mưa nặng hạt
        (Bất Chợt Hiên Mưa)
 
      Sự đồng điệu từ một bộ môn nghệ thuật thơ, lại có thể xuyên qua nét nhìn cách tân biến hóa hảo tưởng trong sân khấu tranh tương đồng. Thơ được đồng cảm tài hoa, biến thiên sang hình tướng lung linh sắc màu như một họa phẩm. Hình ảnh ngôn ngữ trong bài thơ, cũng có lúc là cảm hứng đồng điệu chuyển biến sang nét cọ trừu tượng tuyệt diệu. Vén tà trăng, hình ảnh  có thể tân ngôn, nhưng chính sự trừu tượng của bản thể, lại là một ngẫu hứng, sáng tạo trong họa phẩm tượng hình thú vị...
     Kết cấu trong thơ Ca Dao thực chất khắc đọng nhiều hình ảnh mỏng manh, gần như chỉ chực chờ thời gian tan vỡ. Chính vậy, những trầm lắng nhẹ nhàng mờ như khói sương, bãng lãng như chút tơ vương hiu quạnh. Không liêu trai, nhưng thực chất mơ hồ như nhuộm buồn lãng đãng giữa đêm khô. Chìm đắm trong dòng thơ đầy siêu tưởng, như ôm bóng chữ chìm ngấm vào hành trình chạm ngõ vào những gì đang có và những gì như không thể có. Những vật cảnh mong manh  hóa hiện trên tâm thức (sic) cũng có thể có, cũng có thể không. Thể hiện thử xem trong câu, ai đẩy gió về (có thể không hiện hữu), để bóng nguyệt tan từng mảnh (có thể hiện hữu). Phải chăng , ảnh tượng trăng soi bóng nước và từng vòng tròn chu luân trăng vỡ ...
      Phương cách biểu tượng trong hình  ảnh và quy cách sáng hóa ngôn từ, khiến thơ hành trình trong một phong thái huyễn . Chính vì, vạch được lối đi riêng trong khu vườn sáng tạo cho riêng mình giúp thơ nhiều hơi thở sinh khí. Từ đây, ngôn từ là phương cách lập dựng thiết yếu trong thơ Ca Dao giúp những yếu tính khác như hình ảnh, tính nhạc, sáng hóa đã được lập trình logic hòa quyện một cách chơn phương, đầy nét đạo vị. Ví dụ:
 
NHẶT NẮNG
 
Nhặt nắng  
Làm sợi buộc tình sót lại
Chút hương chiều
Lặng lẽ giục mùa đi
 
Nhặt nắng
Buộc hồn hoa
Gói sóng thiên di
Theo giọt sáng
Gởi mầm Ngâu tháng bảy
 
Nhặt nắng
Làm dây buộc niềm vui xưa ấy
Thả trôi theo lồng lộng tơ trời
 
Xin sợi nắng
Gởi giùm ngày sóng sánh khơi vơi
Gởi nụ ấm đã vời xa biệt biệt
 
Ngày nhặt nắng ...
Buộc hồn hoa
tha thiết...
(Nhặt nắng)
 
   Với tôi, khách bên đường chợt  thấy rằng : “Không gian thơ hôm nay, có một cánh chim hoàng hạc hạo nhiên, bay vụt từ cành cây vô ưu.vừa nhẹ nhàng, vừa len lén, cõng trên vai thêm đầy hình tướng  sáng hóa mới cho thơ. Trân trọng thay”.
 
   NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
      Thư trang Quang Hạnh 
SG, ngày Rằm tháng 4, năm Tân Sửu (2021)
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Ngô Nguyên Nghiễm