NINH GIANG THU CÚC

 
HOẠN THƯ GHEN VÌ YÊU???
 
Cuộc hôn nhân giữa Hoạn Thư và Thúc Sinh dưới cái nhìn của những người chung quanh thời ấy, đó là một cuộc hôn nhân khập khiễng về đẳng cấp xã hội thời phong kiến.
Bản thân Hoạn Thư là kẻ đang sống trong guồng máy ấy, đang tự hào trong cái gọi là vọng tộc: “…Vốn dòng họ Hoạn danh gia / Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư/ Duyên đằng thuận nẻo gió đưa / Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày…
Tôi không tin đấy là cuộc hôn nhân duyên đằng thuận nẻo gió đưa, mà là do một điều gì đó rất tế nhị, rất thâm cung bí sử của nhà họ Hoạn để một vị quan đầu triều, Thượng Thư bộ Lại chịu hạ mình kết thông gia với một thương nhân, hay nói trắng ra là một lái buôn; lại nữa thuận nẻo gió đưa sao đám cưới rồi mà 
hai kẻ yêu nhau ấy; hai vợ chồng ấy quá đủ điều kiện để sống bên nhau thì hà cớ chi phải chịu cảnh người đầu sông, kẻ cuối sông như vậy? Phận cát đằng có hề nương tựa cây tòng, cây bách Thúc Sinh lúc nào đâu mà bảo là duyên đằng thuận nẻo. Phải chăng đó chỉ là một cuộc hôn nhân hình thức để cô tiểu thư họ Hoạn được tiếng có chồng, đám cưới xong Hoạn tiểu thư vẫn thong dong ở trong phủ đệ nhà mình, còn Thúc Sinh tức chàng Kỳ Tâm họ Thúc vẫn “…Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri”. Hoàn cảnh không có gì trắc trở để đôi vợ chồng trẻ ấy không được sống bên nhau, nếu thực sự họ yêu thương nhau thì không ai làm như thế. Vợ chồng gì mà một vài năm mới gặp nhau ít buổi. Vậy ta nghĩ sao về câu cổ thi dành tặng cho đôi lứa “nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. Về phần Thúc Sinh có thể một trong hai trường hợp:
1. Gia đình Thúc Sinh muốn dựa hơi chốn quan gia để có chút thơm lây và hãnh diện với đời.
2. Bản thân Thúc Sinh muốn được tham chính vào chốn quan trường bằng uy tín của nhà vợ. Còn với Hoạn Thư, Thúc Sinh chỉ có sợ nhiều hơn yêu. 
 
Bây giờ, ta đặt vấn đề về Hoạn Thư và ta hỏi – Hoạn Thư có yêu chồng không? – Là đàn bà – tôi khẳng định: không có chút tình yêu nào Hoạn Thư dành cho Thúc Sinh cả. Người xưa từng bảo: “Lấy chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn hang rồng cũng đi”, huống gì Hoạn Thư chỉ về Lâm Tri với cha con Thúc Sinh cho trọn niềm vợ hiền dâu thảo, mà cô tiểu thư này đâu có chịu làm. Chẳng bù cho các cô công chúa lá ngọc cành vàng của triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam, khi các công chúa “hạ giá”, tức là lấy chồng; họ đều vui vẻ về nhà chồng làm dâu làm vợ. Điển hình như công chúa Đồng Xuân, con của vua Thiệu Trị, em út của vua Tự Đức. Sau vì phạm lỗi nên vua Đồng Khánh đã ban cho tên Phục Lễ, vợ của phò mã Nguyễn Lâm. Công chúa Tịnh Hảo, vợ của phò mã Đặng Huy Cát, đều về quê chồng ở nông thôn làng Chí Long huyện Quảng Điền, làng Thanh Lương huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Họ cũng chăm sóc ruộng vườn khoai lúa như bao người phụ nữ đảm đang của giới bình dân. Việc làm của các cô công chúa ấy là chứng minh cho tình yêu chồng vợ của người đàn bà Á Đông thuần túy.
Vậy thì tại sao Hoạn Thư không có hành động đẹp  
như trên? (tôi không dùng cụm từ trước xưa: “xuất giá tòng phu”, nó quá tuyệt đối, sẽ không hợp lắm trong xã hội bây giờ).
Bằng vào những suy luận trên, tôi khẳng định một lần nữa là Hoạn Thư không có tình yêu với Thúc Sinh, chỉ có chút nghĩa vợ chồng “từ xa”.
Có người sẽ không đồng ý với lập luận trên và đặt câu hỏi:
- Không yêu sao lại ghen?
- Xin thưa, Hoạn Thư ghen đâu phải vì yêu mà chỉ muốn chứng tỏ quyền lực mình trước đối thủ, ghen để thỏa mãn sự chiếm hữu mang tính ích kỷ rằng Thúc Sinh là của ta, ngươi không được đụng vào, đụng vào là dở sống dở chết đấy. Và lúc nào Hoạn Thư cũng đóng vai của kẻ bề trên “…Ví bằng thú thật cùng ta / Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên…” Kẻ dưới - đây không phải ám chỉ tình địch mà là với Thúc Sinh đấy, bởi tất cả cơn cớ ấy đều do Thúc Sinh gây ra. Nếu Thúc Sinh nghe lời Thúy Kiều kể hết sự tình “lỡ dại” của mình cho Hoạn Thư nghe thì bọn Ưng, Khuyển đâu có cơ hội đốt nhà bắt cóc Thúy Kiều, và Hoạn Lão phu nhân đâu có báo thù thay cho con gái mà đánh phủ đầu Thúy 
Kiều “…Nào là gia pháp nọ bay / Hãy cho ba chục biết tay một lần / A hoàn trên dưới dạ rân / Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào / Trúc côn ra sức đập vào / Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh…
Trận đòn làm cho Thúy Kiều chết đi sống lại của Hoạn Lão bà bà dành cho Thúy Kiều khiến Hoạn Thư phần nào hả dạ, vì trước khi cho Ưng, Khuyển đi bắt Thúy Kiều, Hoạn Thư đã quyết tâm “…Làm cho cho mệt cho mê / Làm cho đau đớn ê chề cho coi / Trước cho bỏ ghét những người / Sau cho để một trò cười về sau…
Thành ra cái ghen của Hoạn Thư không có nỗi đau đớn khổ sở của một người đang yêu bị người yêu phụ bạc, không quay quắt, xốn xang, quên ăn, bỏ ngủ của kẻ bị phụ tình, mà chỉ duy nhất có sự tức tối vì cái vật sở hữu của mình bị kẻ khác qua mặt hớt tay trên, nên quyết quậy đảo phá phách cho đáng đời thằng chồng bội phản, những đòn vọt, những đối xử “…Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi”.
Đúng ra là Thúc Sinh lãnh chịu nhưng vì bảo vệ cái gọi là gia phong, danh giá của nhà họ Hoạn và vì lòng tự tôn tự ái, Hoạn Thư giấu kín nỗi niềm cay đắng không để cho ai biết mình là kẻ bị bỏ rơi, nên thay vì hành hạ Thúc Sinh nàng đã bắt Thúy 
Kiều làm vật thế thân, nhưng lại làm như độ lượng lắm “…Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen / Xấu chàng mà có ai khen chi mình…”.
Đó chẳng qua là một cách nói để tự phỉnh phờ mình mà thôi! Suy cho cùng, trong vụ việc này anh chàng Thúc Sinh là kẻ thắng lợi. Ngồi vắt chân trong tiệc tẩy trần, một bên có vợ cùng đối ẩm, một bên có “hoa nô” hầu rượu, hầu đàn với cõi lòng tan nát “… Cùng trong một tiếng tơ đồng / Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm…
Đừng tin những giọt nước mắt của Thúc Sinh, gã đang khóc vờ đấy! Bởi vì tiệc rượu tan thì tiệc tình cũng khai mạc “...Người vào chung gối loan phòng” còn thì giờ đâu mà nhớ đến “…Kẻ ra tựa bóng đèn chong canh dài...”
Đọc đến đoạn ấy tôi đau lắm, đau cho thân phân đàn bà nói chung và đau cho Thúy Kiều, đau cho cả Hoạn Thư. Thật ra cả hai người đàn bà ấy đều đáng thương như nhau, đều là nạn nhân của kẻ chơi liều nói ngông, của kẻ quen thói bốc rời, đã từng ba hoa “… Trăm điều hãy cứ trông vào một ta...” Thế nhưng khi tai họa đến với người đã từng “…Trước còn trăng gió sau ra 
đá vàng..” thì gã tình nhân này phán một lời nghe mà nổi da gà vì sự tráo trở, trơ trẽn “…Liệu mà xa chạy cao bay / Ái ân ta có ngần này mà thôi…” Chao ôi! Một cuộc tình kết thúc không có hậu chút nào! Nhưng, Hoạn Thư sau khi đã cùng mẹ bàn mưu tính kế để hãm hại Thúy Kiều; lòng tự tôn đã thỏa, cơn tam bành lục tặc đã được vỗ về yên giấc, thì lòng nhân hậu, bản chất và thiên lương của người đàn bà đã trở về. Nàng âm thầm tạo cơ hội và giúp đỡ tư trang cho Thúy Kiều hộ thân, ngầm “mở cửa” cho Thúy Kiều ra khỏi Quan Âm các, ra khỏi vòng kiểm soát của nhà họ Hoạn, đó là cái nhân tốt, hạt mầm thiện mà người nghiên cứu Phật pháp Nguyễn Du đã cày ải vun xới thâm canh trên mảnh ruộng phước cho Hoạn Thư… Nhân gieo thì quả gặt. Quả tốt ở đây là lúc Thúy Kiều được Từ Hải giúp sức để ân đền oán trả. Trong “phiên tòa xét xử” bà chánh án Thúy Kiều đã tuyên bố tha bổng tội nhân Hoạn Thư với suy nghĩ: “...Tha ra thì cũng may đời / Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen / Đã lòng tri quá thì nên / Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay...”. Đến đây ta thấy cái phi trượng phu của anh chàng họ Thúc khi Thúy Kiều: “…Cho gươm mời đến Thúc lang / Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run...” Người đọc phì cười cho sự hèn nhát của gã này. Trong hoàn cảnh nào ta cũng thấy được sự hèn nhát của Thúc Sinh, con người chỉ biết ăn chơi giá áo túi cơm, động đến việc gì là co vòi thúc thủ. Mà lạ thay gã này luôn được ưu ái, thay vì trách phạt kẻ bạc tình, thì Thúc Sinh lại được Thúy Kiều ban tặng “...Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân / Tạ lòng để xứng báo ân gọi là…”. Lại suy cho cùng nữa, trong cuộc tình này chỉ có Thúc Sinh là người thụ hưởng nhiều nhất. Không biết lúc ở Lâm Tri, Thúc Sinh đã trả bao nhiêu bạc để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, sau khi được chiêm ngưỡng dung nhan “…Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên...” và suốt một năm làm chủ nhân tòa thiên nhiên ấy, bây giờ lại được gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân thì quả là tên này nhận được món lãi quá hời. Chỉ thương cho Thúy Kiều – nhưng không sao, bao dung, nhân hậu, là tố chất của đàn bà mà! Với một gã đàn ông như Thúc Sinh làm sao Hoạn Thư yêu được để mà ghen. 
 
MỘT VÀI THẰNG CON CON
SAU  CHÂN NGỰA CỦA KIM TRỌNG
 
Chắc hẳn chúng ta ai cũng mừng, vì thấy trẻ con trong xã hội bây giờ được nhiều đãi ngộ, từ gia đình đến cộng đồng, đa số được học hành tử tế, được cha mẹ chăm bẵm từ miếng ăn giấc ngủ đến cái áo tấm quần, ngày ngày đi học chiều chiều đi chơi. Vì vậy nghĩ lại mà thương cho con nít thời xa xưa bị thiệt thòi đủ thứ - đến miếng thịt chó mà cũng bị cấm cản (Con Nít Không Được Ăn Thịt Chó – Nguyễn Công Hoan). Con nít ngày xưa là thành phần để phục vụ cho người lớn. Chúng quạt hầu cho người lớn, ngủ đấm bóp tay, chân, lưng, cổ khi người lớn mỏi mệt, lau bàn quét bụi trong nhà, quạt lò nấu nước pha trà, thắp đóm châm thuốc cho người lớn phì phèo, ôm tráp điếu chạy theo hầu các vị đang nằm trên võng hay ngồi trên lưng ngựa… 
Ninh Giang Thu Cúc58
Khi đọc Truyện Kiều với : “…Đề huề lưng túi gió trăng Sau chân theo một vài thằng con con…” Tôi hình dung ra cảnh hai thằng bé ấy đang vất vả ôm một tráp văn phòng tứ bảo và đồ nhật dụng chạy lút cút sau chân ngựa của cậu chủ hào hoa. Tôi còn nghĩ là chúng nó khát nước và đói bụng nữa đấy – thấy thương quá phải không? Túi gió trăng cậu chủ mang là cái túi trừu tượng mà lại thong dong trên yên ngựa, còn vật dụng thực thể lại ngự oằn lưng trên đôi vai bé nhỏ của hai chú tiểu đồng – có bất công không? Khi tôi vừa đủ lớn để nghe được chuyện thi cử thời quân chủ xa xưa, rồi qua Lều Chõng của Ngô Tất Tố, và Bút Nghiên của Chu Thiên, thấy mấy vị công tử con các Chánh tổng, Lý trưởng ngất ngưởng khoác tay nải đi tung tăng. Còn các chú tiểu đồng gánh một gánh nặng nào lều, nào chõng, nào lương thực, áo quần, chăn nệm chạy theo các sĩ tử đến bở hơi tai. Tôi thương cảm quá. Công lao là thế, nhưng đến khi bảng hổ đề danh bái tổ vinh quy, xênh xang áo mão, võng lọng rợp đường, chẳng nghe vị Trạng nguyên, Bảng nhãn nào nhắc đến công hãn mã của mấy chú tiểu đồng!?
  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc