NINH GIANG THU CÚC
Thành Kính Tưởng Niệm
20 Năm Ngày Thị Tịch
Sư bà DIỆU KHÔNG (1905 - 1997)
Thành Kính Tưởng Niệm
20 Năm Ngày Thị Tịch
Sư bà DIỆU KHÔNG (1905 - 1997)
Thế danh: Hồ Thị Hạnh Tên thân mật: Cô Tám Pháp danh: Trừng Hảo Pháp hiệu: Diệu Không Năm sinh: 1905 tại Huế Quê quán: làng An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên Huế Giáo phẩm: Đại lão Ni Hòa Thượng |
Cho phép người biên soạn nói qua một chút: tiền thân của sư bà Diệu Không: - chắc là một ngôi sao văn khúc được đầu thai vào gia đình vị nhất phẩm đại thần qua các giai đoạn hưng phế của Nguyễn triều. Đó là, Thượng thư bộ Học kiêm Bộ Lễ Hồ Đắc Trung, sau này khi tiểu thư Hồ Thị Chỉ được vua Khải Định nạp phi thì Thượng thư Hồ Đắc Trung mới được tấn phong là Quận công Quốc Trượng (nhạc phụ vua Khải Định).
Là con gái út của vị quan đầu triều cùng phu nhân Châu Thị Lương. Cô Hạnh được sống trong tình yêu thương của song thân và hai bà chị gái, một bà là phu nhân của hoàng thân Ưng Úy - mẹ của nhà bác học nguyên tử Bửu Hội, sau này là sư bà Diệu Huệ (tiểu thư Hồ Thị Huyên).
Một người chị thứ hai là tiểu thư Hồ Thị Chỉ, bà hoàng phi sầu muộn của vua Khải Định.
Nhìn chân dung của tiểu thư Hồ Thị Hạnh, hẳn không ai không cảm mến dung nghi nhu mì diễm lệ và nét nhân ái, trí tuệ tỏa sáng, nét tài hoa trên toàn gương mặt mỹ miều. Nhưng quan niệm nhân sinh của cô tiểu thư này lại khác với bao khách hồng quần (là yên vị thụ hưởng những đặc ân đặc lợi mà cuộc đời đã hào phóng ban tặng)
Thiên hướng sống cho mọi người đã có sẵn trong trái tim đa cảm, trong phong cách sống của một cô gái đoan trang, nết hạnh, được học hành và giáo dục đến nơi đến chốn. Cô biết cảm thông và chia sẻ nỗi bất hạnh của bao cuộc đời chung quanh bằng hành động thiết thực xẻ áo nhường cơm, những việc làm ấy là tiền đề cho sự xuất gia cầu đạo xiễn dương chánh pháp của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni sau này - để từ một tiểu thư trở thành nữ tu Diệu Không.
Thời son giá cô đã có dịp theo phụ thân đi dự hội chợ ở Phnôm Pênh, trong phái đoàn đi dự hội chợ triển lãm do cụ Thượng thư Hồ Đắc Trung lựa chọn ấy có một gương mặt, một tên tuổi mà như định mệnh đã an bài cho cô gặp một chướng duyên (chướng duyên hiểu theo thuật ngữ Phật học) bắt đầu cho bước đường hành đạo từ bi ban vui cứu khổ.)
Thượng tá Cao Xuân Xang, thuộc Cơ mật viện là bạn đồng liêu vong niên của cụ Thượng Trung và là thành viên trong phái đoàn đi Cao Mên vào năm 1929, trong cuộc du hành quan san diệu vợi ấy, có những lúc dừng chân nghỉ ngơi; và các bậc tri thức quan trường lại có dịp bàn đến quốc gia đại sự, đến sự xâm lược của thực dân Pháp. Trong các buổi cao đàm khoát luận ấy, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng Hồ Thị Hạnh với tư tưởng cầu tiến, xin phụ thân cho tham dự và tham gia bàn luận. Bằng lối chính luận hùng hồn, bằng tấm lòng yêu nước của một công dân, cô đã làm cho các đấng mày râu nể phục. Riêng quan Thượng tá Cao Xuân Xang đã nhìn cô với ánh mắt quý trọng.
Cao Xuân Xang vốn xuất thân từ một gia đình khoa bảng, là con trai của Đông các học sĩ Cao Xuân Dục. Ông có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, nên tuy làm quan nhưng cảnh nhà thanh bạch gieo neo, góa vợ sớm, ông phải làm thân gà trống nuôi sáu (6) đứa con, nhưng không vì vậy mà xao lãng bổn phận với dân với nước, xuất xử phân minh.
Sau vài lần bàn luận, và sau vài lần qua mọi người, cô tiểu khuê các này hiểu được gia cảnh đơn chiếc của quan Thượng tá. Cô suy nghĩ và đi đến quyết định là xin phép song thân được kết hôn cùng ông quan góa vợ và đang mang trong cơ thể hàng tỉ con vi trùng lao (cook) ở giai đoạn thập tử nhất sinh. Ở thời đại đó với đất nước Việt Nam này, tây học còn phôi thai và dân ta còn mang nặng định kiến “Phong lao cổ lại tứ chứng nan y” thì quyết định của vị thiên kim tiểu thư này là một quả bom nguyên tử nổ giữa gia đình Thượng thư Hồ Đắc Trung và gia tộc…
Sau nhiều lần dỗ dành phân phô điều hơn lẽ thiệt, tất nhiên có cả giận dỗi la rầy nhưng vẫn không lay chuyển, không đổi thay lời yêu cầu và quyết định sắt đá của con gái, ông bà Thượng thư đành thúc thủ đầu hàng với lời tự an ủi mang chút chua chát khôi hài. Thôi, con muốn là trời muốn… (đây là suy diễn của người biên soạn).
Và chuyện gì xảy ra - đó là một đám cưới đầy đủ nghi thức và nghi lễ của đất Đế Đô với cau lồng rượu ché, với lọng tía tàng vàng, rượu nồng pháo đỏ đưa nàng về dinh thất quan Thượng tá Cao Xuân Xang để lên ngôi kế thất, và kế mẫu của 6 đứa con côi cút đang chờ bàn tay tế độ của bà mẹ kế, của bồ tát Quan âm cảm ứng tùy thời hiện…
Qua (11) mười một tháng lửa hương (chẳng hiểu có mặn nồng không?) thì quan Thượng tá Cao Xuân Xang vĩnh biệt người vợ trẻ với đứa con măng sữa và sáu đứa con riêng để về lòng đất lạnh. Đứa con đầu của bà quả phụ Cao Xuân Xang được cha đặt tên là Cao Xuân Chuân.
Vào những năm thuộc thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Ông Cao Xuân Chuân là Tiến sĩ Nguyên tử học đồng nghiệp với người anh con dì (sư bà Diệu Huệ) là giáo sư Bửu Hội.
Với hai mươi lăm tuổi đời đã thành quả phụ một nách bảy con, chao ôi! Nỗi đoạn trường làm sao kể xiết, nhưng với nghị lực, đức kiên cường quả cảm, cộng với phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ đã giúp bà lèo lái gia đình mẹ góa con côi xuôi chèo mát mái. Người đàn bà đức hạnh ấy làm tròn bổn phận thờ chồng nuôi con, nỗi niềm hương khói đều gởi vào vần điệu mỗi khi ngồi bên ngôi nhà vĩnh cửu của người chồng vắn số:
Đắp điếm cho nhau chút gọi là
Hẳn người thanh khí thấu cho ta
Bơ vơ trước núi chim tìm tổ
Ngơ ngẩn bên mình trẻ gọi cha
Cây cỏ như cười người mệnh bạc
Non sông nào phụ kẻ tài hoa
Muốn lên nắm thử quyền ông Tạo
Thì biển trầm luân lấp phẳng qua
(Thăm mộ - thơ Diệu Không)
Đạo hạnh đã ươm mầm trong A Lại Da thức. Ruộng phước đã được cấy cày - song song với việc tề gia nội trợ dạy con đèn sách, bà bước vào hoạt động Phật sự đầu tiên với “An Nam Phật học hội” mà hội trưởng là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
Con đường của vị chân tu đạo hạnh cứ thế tiếp tục từ tại gia cư sĩ, ngũ giới tam quy, đến xuất gia thành nữ tu nâu sòng đạm bạc, rồi tiến lên bậc giáo phẩm uy nghi đa đoan Phật sự, đào tạo ni chúng, xây dựng già lam đóng góp tài nguyên vật lực cùng các đồng đạo, pháp đệ pháp huynh, thành lập Viện đại học Vạn Hạnh để có nơi chốn đào tạo nhân tài tăng chúng phụng sự đạo pháp, đồng thời với những hoạt động nhập thế để nâng cao giá trị nữ giới ngoài xã hội, như cùng phu nhân Ưng Úy và hoàng phi Hồ Thị Chỉ mở mang tiểu thủ công nghệ hàng nội hóa năm 1932 với tâm niệm:
Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên
Kinh tế nâng cao bước nữ quyền
Gánh vác giang sơn thân gái Việt
Duy trì nòi giống đất Rồng Tiên.
(Thơ Diệu Không)
Tuy hoạt động Phật sự không ngừng nghỉ với các chức trách:
1. Đại diện hội An Nam Phật học
2. Ủy viên Hội đồng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam
3. Ủy viên Thường trực ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế
Bà vẫn dành nhiều thì giờ cho công việc sáng tác, và có nhiều tác phẩm giá trị như: Khuyến tu (thơ), Giáo dục phụ nữ (văn), Câu chuyện đạo lý (văn), Diệu Không thi lục… cùng nhiều tác phẩm dịch từ chữ Hán như: Thành duy thức luận, Hiển Phật luận…
Năm 1952 Người đã cùng với Pháp huynh Trừng Nguyên Thích Đôn Hậu sáng lập nhà in Liên Hoa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ấn hành kinh sách và báo chí của Phật giáo. Liên Hoa Nguyệt san cũng ra đời từ đấy do ngài Đôn Hậu làm chủ nhiệm và bà làm quản lý kiêm biên tập viên cho tờ báo này. Đồng thời, bà cộng tác với các báo Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang… với ngòi bút đa năng đa dạng, qua nhiều mảng từ dịch thuật đến lý luận, văn xuôi, thơ. Đường luật là mảng thơ sở trường của nữ sĩ Diệu Không.
Người nữ tu sĩ tinh thông này đã từng viết thư cho Tổng thống nước Pháp, là Mandes France để yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương trả đất nước Việt Nam lại cho chủ quyền dân Việt vào năm 1954 trước khi chiến trận Điên Biên Phủ kết thúc.
Về việc làm này trong bộ sách “Nữ sĩ Việt Nam cổ cận - hiện đại” soạn giả Như Hiên đã bình luận: “Hành động sáng suốt hùng hồn trên chứng tỏ tấm lòng yêu nước thiết tha của nữ tu sĩ Diệu Không đáng khâm phục! Hẳn là bức thư của bà vào thời điểm đó ít nhiều cũng đã gây tiếng vang cho nữ giới Việt Nam ra nước ngoài? Phải chăng đây là một hạnh nguyện của ni sư nữ sĩ đã được thực thi? Vì chỉ ít lâu sau Hiệp định Geneve được ký kết giữa các đại diện bốn bên. Ai cũng biết rằng, hội nghị này đã trải qua bao năm tháng bàn luận, soạn thảo với biện pháp chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17 để chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Cuối cùng thì Hiệp ước Geneve được ký kết vào ngày 20.7.1954”.
(NSVNCCHĐ, trang 570, NHNNH)
Giai đoạn Phật giáo Thừa Thiên Huế bị chính quyền nhà Ngô đàn áp (1963) các hàng giáo phẩm đã tìm mọi đối sách để bảo vệ sự tự do tín ngưỡng của phật tử, và ngăn chặn mọi hành động phá hoại tự viện chùa chiền của chế độ độc tài này. Ni sư Diệu Không được cử làm đại diện vào Sài Gòn thương thuyết cùng Ngô triều, cuộc thương thuyết không đạt kết quả, bà quyết định tự thiêu nhục thân để cúng dường Tam Bảo, để nói lên sự phản đối chế độ độc tài, thức tỉnh lương tâm của những con người không có lương tri, và yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm giải quyết thỏa đáng năm nguyện vọng của Phật giáo đồ.
Để giữ sự sống mang lại nhiều lợi ích cho đạo pháp ở giai đoạn lửa bỏng dầu sôi này, mà ni sư Diệu Không là linh hồn của ni chúng, của toàn thể tín nữ tại gia, của phong trào tranh đấu, nên tăng sĩ Thích Quảng Đức đã xin thay thế bà Diệu Không để tự thân thắp lên ngọn đuốc kêu gọi sự tự do bình đẳng tôn giáo vào ngày 11.6.1963 tại ngã sáu Sài Gòn.
Cuộc tự thiêu của ngài Thích Quảng Đức thành công viên mãn trước bao lực lượng đàn áp của xe vòi rồng, lựu đạn cay… nhục thân của vị tu sĩ đã thành tro bón tưới cho niềm hy vọng xanh màu chánh tín của toàn dân tộc, toàn thể Phật giáo đồ, nhưng điểm chói ngời của vị thánh tử đạo là một trái tim, trái tim nguyên lành tươi rói đã hóa thành khối kim cương bất tử của ngài, của vị Bồ tát, đã làm chấn động dư luận thế giới, sự xúc động tột đỉnh của toàn dân miền Nam nước Việt lúc bấy giờ. Chí thành thông thánh - sự chí thành trong hạnh nguyện của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã được mười phương chư Phật gia trì…
Trong không khí căng thẳng giữa chính quyền và tôn giáo, những bậc cao tăng thạc đức đã sát cánh kề vai để gìn giữ ngôi nhà Như Lai. Bằng mọi biện pháp, 2 vị ni sư là bà Diệu Không và Diệu Huệ đã tổ chức nhiều cuộc họp báo để nói lên tiếng nói của kẻ tay không đã bị xe tăng lựu đạn lưỡi lê đàn áp và tiêu diệt. Giáo sư Bửu Hội, con trai của ni sư Diệu Huệ và cháu gọi bà Diệu Không bằng dì ruột đã nhiều lần lo lắng cho sự an nguy của mẹ và dì, trước sự can trường dũng cảm không chùn bước bởi họng súng và nhà tù để bảo vệ chánh pháp…
Sự can thiệp để được ra khỏi nhà tù trong một lần ni sư Diệu Không bị bắt giam của giáo sư Bửu Hội (lúc đó giáo sư Bửu Hội đang hợp tác cùng chính quyền Ngô Đình Diệm) đã làm bà Diệu Không phật ý và bà Diệu Huệ cho là giáo sư Bửu Hội đã đi ngược lại nguyện vọng của Phật giáo đồ, của mẹ và dì - nghĩa là giáo sư đứng về phía đối phương…
Những năm Pháp nạn bao nhiêu tăng ni, phật tử bắt bớ giam cầm, tù đày, tra khảo. Ni sư Diệu Không đã từng cùng pháp lữ chịu điều đau đớn, nhưng với lòng kiên định của một Như Lai sứ giả bà xem chuyện ấy chẳng là gì, nếu có chỉ là một kỷ niệm lao tù.
Cùng cảnh tăng ni bị bắt giam
Bao ngày đói rét thảy đều cam
Một lòng vị pháp thân nào tiếc
Vạn kiếp theo thầy lợi chẳng tham
Sống chết phù du trường đại mộng
Nhục vinh huyễn hóa cảnh già lam
Chịu nhiều oan trái càng sanh phước
Lịch sử ghi thêm nét thánh phàm.
(Thơ Diệu Không - 1963)
Dọc dài theo hành trạng của một ni sư trên lộ trình vị pháp quên thân, xiễn dương giáo pháp ban vui cứu khổ của đấng cha lành, tấm thân ngũ uẩn đã dần dần bị luật đào thải của thời gian chi phối, không còn ngược xuôi vạn lý để làm bao việc lợi đạo ích đời. Bà quay về ngôi chùa Hồng Ân là công trình xây dựng đầu tiên trong Phật sự của bà để làm chức sự trụ trì dạy dỗ ni chúng ở đây và đóng góp tịnh tài tịnh vật cho các cơ sở cô nhi…
Những năm cuối thập kỷ bảy mươi (1978) của thế kỷ XX, bà thường đau yếu, pháp thể bất an. Có một lần đại chúng trong ni tự đã tưởng Người thu thần thị tịch. Mọi người đang vây quanh thiền sàng hộ niệm vãng sanh, cố nén lòng không làm kinh động, nước mắt chảy quanh mi khi nhìn sư phụ, sư tổ đã ngừng hô hấp. Thế nhưng trong hàng ni chúng nhỏ tuổi có ai đó đã không kiềm được và cất tiếng khóc to… Và lạ chưa sư bà bỗng dưng mở mắt tỉnh táo, nhịp tim trở lại bình thường, đại chúng kinh ngạc bàng hoàng và vui mừng khôn xiết. Từ đó bà mạnh dần sau sự tái sinh kỳ diệu, tiếp tục lãnh đạo ni chúng phụng sự Phật Pháp thêm 19 năm nữa mới an nhiên thị tịch ở tuổi 92 vào ngày 22.8 năm Đinh Sửu (23.9.1997).
Với 53 hạ lạp bậc nữ lưu tu sĩ này đã hành đạo độ đời không một ngày ngừng nghỉ, đã đào tạo bao thế hệ ni chúng tiếp tục kế thừa sự nghiệp trên đền bốn ơn nặng dưới cứu khổ tam đồ của sư phụ Diệu Không, một trong những học trò xuất sắc của Người là ni sư Trí Hải.
Nhục thân bà được an trí trong bảo tháp cạnh chùa Hồng Ân, gần đó là ngôi mộ song tán của cố Thượng thư Hồ Đắc Trung cùng phu nhân Châu Thị… trong không gian u nhã thấm đẫm đạo vị.
Quê hương Thừa Thiên Huế rất tự hào đã sản sinh một cô con gái trinh nguyên đã vì nghĩa cả, hy sinh cho hạnh phúc của bao người mà hành động phi thường là cầu hôn một người đàn ông góa vợ, bịnh hoạn ngặt nghèo…
Phật giáo Thừa Thiên Huế phước lượng không thể nghĩ bàn, khi đào tạo nên một thích tử lương đống đầu đàn trang nghiêm giới luật, để tiếp dẫn hậu lai, kế thừa mạng mạch - mà tiếng thơm còn vọng thiên thu.
Văn học Phật giáo Thừa Thiên Huế hạnh lạc biết bao bởi có một nhà báo, một nhà thơ thông tuệ…
Và phụ nữ Thừa Thiên Huế qua bao thế hệ, hôm nay và mai sau từ hàng xuất thế, đến chúng tôi những kẻ duyên mỏng nghiệp dày đang ngắc ngoải giữa dòng đời hệ lụy bỗng thật an lạc và giải thoát khi vọng nhớ đến sư bà Thích nữ Diệu Không.
Ninh Giang Thu Cúc
(Trích từ bản thảo “Nữ Lưu Miền Hương Ngự”)