NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự (6)

   
HOÀNG HƯƠNG TRANG

Họ tên: Hoàng Thị Diệm Phương
Năm sinh: 1937
Quê quán: Vân Thê, Hương Thủy,
Thừa Thiên Huế


PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VĂN HÓA
 
Nữ sĩ Hoàng Hương Trang có tên khai sinh là Hoàng Thị Diệm Phương. Chào đời vào một ngày cuối xuân năm Đinh Sửu (tức ngày 3 tháng 4 năm 1937) tại đường Gia Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên; quê ở làng Vân Thê thuộc huyện Hương Thủy (bây giờ là thành phố Huế mở rộng).
Được sinh trưởng trong một gia đình nho phong nề nếp, nhưng rồi song đường lần lượt khuất núi sớm, cô con gái út được nuông chiều trong ba anh em; phải nương tựa vào nhau, và bằng ý chí tự lập - cô nữ sinh Đồng Khánh đã vươn tới những thành công nhất định trong sự nghiệp một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà văn, một họa sĩ...
Hoàng Hương Trang nguyên là giáo sư môn Văn và Hội họa các trường trung học, nguyên giáo sư Đại học Mỹ thuật Saigon và TP HCM. Giải thưởng: Giải Nam Phương Hoàng Hậu (Thiếu nhi 1948 Huế), Giải vẽ biểu mẫu nhà máy xi măng Long Thọ Huế (1958), Giải Văn học Vì Trẻ thơ do UNESCO ….
A ha! Cái biệt danh "Diệt Tuyệt Sư Thái" trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được giới văn lâm Sài Gòn phong tặng cho nữ sĩ Hoàng Hương Trang từ trước 1975 đến nay ưng hay oan thế nào. Có lẽ chúng ta phải tìm hiểu kỹ, bới tận gốc, trốc tận rễ - xem nguyên nhân nào đã biến một cô gái kiều mị, một phụ nữ đa cảm (không có tố chất đa cảm thì làm sao làm nghệ thuật) trở thành một người đàn bà sắt đá lẫn đanh đá, lạnh lùng qua những trang viết lý luận phê bình bằng giọng điệu sát phạt không khoan nhượng với bất cứ ai, với bất cứ tuổi tác cao thấp trong làng nghệ thuật mà bằng "biệt nhãn" bà thấy ở họ có vấn đề là bà mổ xẻ không thương tiếc. Vì thế nhiều người bảo bà là kẻ ưa gây sự, hàm hồ chưởi bới vung tàn tán...
Điều ấy là phần đánh giá của giới chuyên môn và công chúng bạn đọc. Riêng Ninh Giang Thu Cúc tôi khi thực hiện công trình này - công trình tôn vinh các nữ sĩ của quê hương Thừa Thiên Huế là làm bằng tất cả lòng kính trọng và sự công bằng không thiên vị cho một tình cảm riêng tư, hay một định kiến tốt xấu tị hiềm, mà chỉ bằng vào sự đóng góp tài trí, công sức lớn lao cho gia đình, quê hương Tổ quốc Việt Nam, của các nữ lưu hậu duệ quốc mẫu Âu Cơ, qua bao giai đoạn thăng trầm hưng phế riêng chung từ cá nhân đến cộng đồng xã hội.
Nữ sĩ Hoàng Hương Trang là một trong các vị nữ sĩ mà Ninh Giang Thu Cúc tôi giới thiệu ở hợp tuyển "Nữ lưu miền Hương Ngự".
Ninh Giang Thu Cúc
 
Thơ Tình Và Tình Yêu Của Nữ Sĩ HOÀNG HƯƠNG TRANG
 
Một người con trai làm thơ của xứ Huế chúng ta đã từng khẳng định:
Khi yêu không đắn đo gì
Phân phô chừ biết nói vì cớ sao...
(ĐC - NĐ Thư)
Thế nhưng, với con gái Huế khi yêu thì lại khác, hình như ít khi họ bị "tiếng sét ái tình" chi phối, mà họ "đắn đo" âm thầm tìm hiểu - bởi tình yêu của người con gái đối với con trai bao giờ cũng bắt đầu bằng sự cảm phục ngưỡng mộ tài năng, đức hạnh nhân phẩm và khi đã yêu rồi thì họ nguyện "chết một đời" cho tình yêu ấy (không biết tôi có bị ghép tội chủ quan áp đặc với ý nghĩ của bạn đọc là phủ binh phủ, huyện binh huyện không đây?).
Nét đặc trưng của đa số con gái Huế là chung thủy trong tình yêu. Cả cuộc đời hình như họ chỉ yêu một lần duy nhất, nếu thuận buồm xuôi gió, thuyền yêu cập bến hôn nhân thì đó là phúc phận, bằng không họ ôm lòng chịu đựng mọi bất hạnh trái ngang, đào sâu chôn chặt...
Nhưng, chúng ta đọc mảng thơ tình của Hoàng Hương Trang, của một nàng thơ Huế, chúng ta mới thấy được cái bản lĩnh, sự bộc trực của tác giả - cho dù đó là chuyện tình của chính tác giả, hay nhân vật xưng tôi trong thơ chỉ là sự hư cấu, vay mượn để Hoàng Hương Trang từ tình yêu này, nói đến "tình yêu" khác - thì người đọc vẫn thấy sự biểu đạt này dữ dội quá, đào cùng tát cạn quá và ngay thẳng ngang tàng như bản chất của một nữ anh hùng Lương Sơn Bạc (?!).
Hoàng Hương Trang hay nhân vật của Hoàng Hương Trang đã từng được yêu và từng say đắm trong tình yêu của một thời tuổi trẻ - nhưng rồi đường tình nổi cơn gió bụi, người tình vì ngàn lẻ một lý do nào đó đành quay lưng sấp mặt với nàng thơ.
Và thế là "còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi". Sự căm thù ấy, sự thất tình, thất vọng ấy đã được nữ sĩ xâu chuỗi thành 23 bài thơ để bạn đọc có thi phẩm Túy ca.
Túy ca - hát trong cơn say. Người xưa và người thơ Hoàng Hương Trang hôm nay cùng gặp nhau ở chỗ "Dụng tửu phá thành sầu".
Ô hay! Rượu đắng tình đau
Người trong ảo ảnh cũng sầu như ta
Rượu hay nước mắt chan hòa
Ai say? Ai khóc? Là ta hay người?
(Túy ca 4)
Khóc cho mình, khóc cho người, khóc cho đời, đó là trạng thái chung của bao cô gái bị tình phụ, nhưng ở Hoàng Hương Trang thì lại khác; không những bà khóc, cười, mà còn chửi nữa trời ạ. Nhưng khổ nỗi là bà chửi hay như hát - cho nên người đọc vẫn thấy thích khi đọc "Trường đoạn" chửi của Hoàng Hương Trang:
"Không ngủ được, dậy làm thơ chửi đổng
Tiên sư đời, cái giống u mê
Trăm năm ai đã chán chê
Yêu nhau cũng thể trò hề múa men
Đèn màu bật, hoa chen lá trỗi
Nhạc tưng bừng, kèn nổi trống khua
Thủy chung ai bán mà mua...
 
Gió thoảng mát qua mành liếp cũ
Thức dậy đào lưng hũ nếp than
Nâng ly độc ẩm đêm tàn
Mồ cha cuộc thế, ngâm tràn thơ say!
Chẳng có miếng đưa cay nhấm nháp
Chẳng đốt đèn ấm áp đêm thâu
Rót thêm ly nữa quên sầu
Trời cao thăm thẳm, đỏ ngầu hơi men
Tiên sư đứa bon chen danh lợi!
Mả mẹ phường phản bội tình chung!
Chửi tràn vung vít lung tung
Rót thêm chén nữa để nung nấu hờn
Ly rượu tràn ướt trơn đất lạnh
Ngã vùi say, trong trận lốc tình
Ôm chân tượng đá đinh ninh
Vuốt ve những tưởng người mình dấu yêu
Trong cơn say, phiêu diêu ân ái
Mặc trần truồng phơi phới thịt da
Tình người cũng thể tình ta
Chim quyên hót cuối vươn xa tỉnh dần
Nhìn chung quanh, bâng khuâng kinh ngạc
Đêm qua say, thân xác mình đâu?
Mặt trời soi cảnh bể sâu
Mất còn có nghĩa gì đâu mà buồn!
(Khuya say, Hoàng Hương Trang 1971)
Uất hận, cay cú, vật vã, quằn quại vung tàn tán cũng chẳng cứu vãn được gì, lại đành tự an ủi mình:
Mặt trời soi cảnh bể dâu
Mất còn có nghĩa gì đâu mà buồn
Phỉnh phờ mình như vậy thôi chứ dễ gì... bởi nhân vật của Túy ca đã bao lần:
Khóc đi cho vỡ tiếng cười
Cười đi cho vỡ trăm lời lệ say!
A ha ha! Ngửa bàn tay
Đong đưa quờ quạng tìm dây tử thần...
Thì người đọc đã hình dung ra trạng thái tận cùng bi phẫn của cuộc tình oan khốc... biết nói gì, viết gì để chia xẻ với người thơ, với nhân vật trong thơ!
Tình là dây oan mà! Nhưng nhân sinh tự cổ có ai thoát khỏi sợi dây mềm như tơ dẻo như kẹo mạch nha ấy đâu! Từ một người trên ngôi cao chín bậc đã bao lần:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi...
Cho đến gã thi sĩ cùng đinh lang thang đi chở gió cũng ngất ngây điên loạn bởi cuộc trăm năm đứt đoạn nửa chừng...
Còn với phụ nữ ư! Chỉ cần một ánh nhìn, một cử chỉ chăm bẵm tế nhị của người đàn ông mà họ ngưỡng mộ yêu thương là họ đã tự xem mình như hoa có chủ và ôm lòng chờ đợi chuyện trầu cau trăm năm duyên phận đá vàng, để một đời thắt lưng buộc bụng lo tròn tứ đức tam tòng, quên mình vì giang san nhà chồng. Bao người con gái thế hệ chúng tôi suýt soát nhau 5 - 7 tuổi đều có chung ý niệm ấy. Hoàng Hương Trang cũng vậy; nhưng khi chạm đến thực tế phũ phàng, bà không cam chịu "im hơi lặng tiếng" nuốt nước mắt vào trong như bao người đàn bà khác:
Dã quỳ ngẩng mặt cười kiêu bạc
Len lén đêm về khóc chút duyên"
(Thơ Ninh Giang Thu Cúc)
Với bản năng ngang tàng trời phú, và bản lĩnh được trui luyện qua bao va chạm với cuộc tình đầy thiên tai trắc ẩn, oan khiên đã biến người con gái dịu dàng khuôn nếp, thành kẻ lãng tử cuồng ngông:
Nát đá phai vàng
Hoa tàn nguyệt khuyết
Trăng lu chìm vào mây biếc
Cỏ ôm mồ, gió quạt xanh thơm
A ha, quả trứng bát cơm
Nén nhang khói tỏa trong cơn say cười
A ha, thấy rõ mặt người
Từ phương nào lại tươi cười với ta?
A ha ha! A ha ha!
Người hay ta?
Ta hay ta?
Sao môi cười đó vỡ òa lệ rơi...
Đập tan chén rượu ê chề
Nổ tung men ứa lê thê chuỗi cười
Khói hương mộ xám bời bời
Vẽ trong tiềm thức tên người tên ta
Nhà hiền triết, nhà thơ Tago đã từng bảo: "Tình yêu là hành vi cao cả nhất của tâm hồn, là kiệt tác của con người".
Macxim Gorki cũng từng viết: "Tình yêu là thơ ca của cuộc đời. Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là tồn tại".
Đúng vậy! Cho nên nhân vật của Túy ca chỉ "tồn tại" mang niềm u uất tháng lụn ngày tàn:
Gác khuya đốt nến hai hàng
Gom bao kỷ niệm ẩn tàng trong tôi
Liệm sâu tận đáy quan tài
Chôn sâu ngày tháng, hình hài, tuổi tên
Cuộc tình đã trót lênh đênh
Tan theo bọt sóng, biết tìm nơi đâu..
(Túy ca 3)
Biết không tìm lại được vì chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng quên thì không quên được. Yêu và hận, càng yêu càng hận, càng hận càng yêu. Nàng thơ của Túy ca cứ bị vây hãm trong trận đồ ma mị, càng vùng vẫy càng bị siết chặt như chiếc vòng Kim cô trên đầu Tôn Hành Giả Mỹ Hầu Vương... Khi trái ngọt ở vườn địa đàng không còn hấp lực với A Đam ta hãy đọc bài "Cuộc tình trái đắng" để chia nỗi đau cùng tác giả:
Kiếp sau xin chẳng làm người
Đớn đau dằng dặc, vui cười bao nhiêu?
Yêu người chẳng được người yêu
Lời chung thủy đó như diều bay cao
Chỉ còn một trái tim đau
Chỉ còn một kiếp u sầu xót xa
Chết đi xin làm hồn ma
Để đi trả mối thù ta yêu người
Để đòi món nợ một đời
Để đòi cho được một lời thề xưa
Ô hay, chợt tỉnh cơn mơ
Cuộc tình trái đắng ngẩn ngơ gọi thầm
(CTTĐ - Hoàng Hương Trang)
Với Túy ca, ta càng đọc càng đau - đau cho đời, đau cho tình. Trời ơi! Giữa cõi nhân gian dâu bể này thử hỏi có bao nhiêu cuộc tình duyên trọn vẹn, nên vợ nên chồng đến đầu bạc răng long, và có bao cuộc tình dở dang cay đắng, e rằng nếu đem đong đếm thì tỉ lệ chẳng cân bằng, tiếng khóc bao giờ cũng nhiều hơn nụ cười. Nỗi đau dài như nước mắt, chỉ phải tội vì tự tôn, tự ái, vì đủ thứ ràng buộc nên các cô các chị cứ cắn răng ngậm bồ hòn khen ngọt. Chỉ có nhân vật của Túy ca là anh dũng, là can đảm bộc bạch hết nỗi khổ niềm đau, sự bất hạnh của cuộc tình tan vỡ, mà sự mất mát thua thiệt bao giờ cũng về phần con gái đàn bà. Hậu quả của sự rạn vỡ là một vết thương không bao giờ kín miệng, một trầm kha thương tật,  một u nhọt ung thư đã vỡ mủ vô phương cứu chữa:
Thuốc nào chữa được bệnh sầu
Tim khô máu cạn nát nhàu tâm tư
Tay buồn mười ngón bỏ dư
Tóc ngôi rẽ lệch mắt mù đợi trông
Xác thân bỏ lạnh mùa đông
Phổi ung khói thuốc mịt mùng âm u
Nửa khuya cất tiếng thầm ru
Vỗ về giấc ngủ thiên thu mộng người
Từ anh làm lỡ tình tôi
Xa nhau để giết một đời yêu thương
Tuổi nào áo lụa môi hường
Tuổi nào hò hẹn cuối đường lá bay
Tuổi nào mộng ngút trời mây
Anh neo tình ái cho đầy biển yêu
Bây giờ con nước dâng triều
Biển âm vang động, bọt bèo cuối truông
Bây giờ vô vọng tình buồn
Chứng nan y đó ngọn nguồn bởi anh.
(Nan y - Hoàng Hương Trang)
Tình yêu đổ vỡ là ngọn nguồn của bao bi kịch - bao biến thái tâm tính của kiếp người. Người mình yêu vừa là thiên thần lại vừa là ác quỷ, tình yêu song phương thủy chung tương ứng sẽ là lực đẩy cho đôi bên viên thành sự nghiệp; và hôn nhân là ga cuối đưa nhau về cư ngụ bến yêu thương, hạnh phúc nồng nàn như nắng mật ong đầu hạ, vợ chồng nâng nhau sải cánh giữa trời rộng đất dài. Trân trọng nhau như lời xưa giáo huấn "Phu phụ tương kính như tân".
Còn chẳng may duyên tình dang dở thề hẹn phôi pha cau trầu chưa bén "tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" thì một trong hai đương sự sẽ là nạn nhân, sẽ là vạn cổ chi thù như cha ông ta từng quy kết... Túy ca là bằng chứng của sự vạn cổ chi thù đó vậy.
"Túy ca" là một bản cáo trạng dành cho những ai quay lưng sấp mặt với khối tình chung thủy của nàng thơ.
"Túy ca" là bản trường ca kết quặn, là lời truy điệu thống thiết, tiễn biệt một tình yêu sâu nặng nồng nàn của một người phụ nữ tài hoa phong vận gởi đến một người yêu đã xa cách nghìn trùng.
"Túy ca" – Vâng, say hát - hát lúc say. Tôi nhớ Bạch Cư Dị cũng có một "Trường hận ca". Phải chăng đấy là: Phong vận kỳ oan... của kiếp văn nhân nghệ sĩ.
Túy ca, 23 bài thơ máu lệ ra đời vào năm 1971, xuất bản 1972 do Nhà xuất bản Huyền Trân Sài Gòn ấn hành.
Nhưng rồi cái gì cũng có luật bù trừ vì trời chẳng ngoảnh mặt với ai
Sau bao giai đoạn lao lung khổ ải trong trường tình đoài đoạn. Trong thất vọng ê chề của cuộc hôn nhân không tình yêu bảo chứng mà chỉ có tính toán lợi dụng đê hèn bằng cuộc tình giả tưởng vợ chồng nhạt thếch gối chăn... Có ai ngờ ân sủng cuối đời lại đến với nàng thơ khi tóc xanh đã pha màu khói sương hư huyễn, tay run gối mỏi trên bước phiêu bồng ngựa nản chân bon, nàng đã gặp lại chàng sinh viên thời hoa mộng của tuổi dại khờ 17 băng trinh.
Cuộc tình e ấp đầu đời thiếu nữ ấy - tưởng đã trôi theo mây khói phù du mơ hồ của thời cắp sách, ai ngờ lại trùng lai sum họp ở tuổi xế chiều khi hai bên đã no đầy thương tật. Phải chăng đó là tặng phẩm của trời đã ban phát cho khách văn nhân!
Nhân vật Túy ca đã bơi lội thỏa thuê hoan lạc trong niềm hạnh phúc muộn màng và thảng thốt kêu lên:
Ai đem cơn gió tình cờ
Xô nghiêng thuyền cũ vào bờ bến xưa
(Biển - Hoàng Hương Trang)

HOÀNG HƯƠNG TRANG - Cung Chiêu Anh Hồn…

Có một cuộc hội ngộ - một Tao Đàn vô tiền khoáng hậu, một đêm thơ huyền ảo liêu trai - mà người điều khiển chương trình kiêm trưởng ban tổ chức, kiêm khổ chủ là lão bà bà Diệt Tuyệt sư thái Hoàng Thị Diệm Phương có biệt hiệu thời con gái là "Phương ba de" tức nữ họa sĩ, thi sĩ Hoàng Hương Trang còn có biệt danh là Hỏa Diệm Sơn từ cái tên Hoàng Diệm Phương.
Buổi họp này được tổ chức tại tư gia của nữ sĩ có địa chỉ 2/2A Tăng Bạt Hổ, TP HCM, vào đêm trừ tịch Nhâm Thân Quý Dậu (1993). Đêm nguyệt tận đất trời như một màng lụa đen bí ẩn. Khách mời toàn những khuôn mặt vĩnh cửu trên thi đàn dân tộc - họ về đây từ thượng giới bằng những chuyến xe bus cuối cùng và dò dẫm nương theo ánh lửa bập bùng của các nồi bánh chưng đang sôi sùng sục trên bếp ấm, của một góc sân nhà hai bên phố vắng. Họ vân tập về theo lời mời trân trọng của chủ nhân và đêm họp mặt có cái tên gọi rất thân mật, rất bình đẳng, rất ngông như phong cách vốn có của người phụ nữ làm thơ này "Uống rượu với người xưa".
Trong vuông sân nhỏ nhưng ấm cúng với 33 vị thi tiên nhiều thế hệ (cả trong và ngoài vùng lãnh thổ VN) cùng chủ nhà đối ẩm hàn huyên, bậc thi hào đại lão là tác giả của Bình ngô đại cáo và nữ học sĩ, người dạy lễ nghi trực tiếp cho vua Lê Thái Tôn đang ngậm ngùi nhắc lại nỗi oan vườn vải đầy máu lệ... (!)
Tố Như tiên sinh đang thắc mắc hỏi Hoàng Hương Trang: Này túc hạ, liệu sau này có ai cảm thông niềm đau đứt ruột của ta chăng?
Và một nữ sĩ ngang tàng không thua gì chủ nhân về bút pháp đã phá và cả cảnh ngộ riêng tư của duyên tình... bà cụ miệng nhai trầu môi cắn chỉ rất duyên, ghé tai hỏi nàng thơ: Em có mời Chiêu Hổ?
Từ mảnh đất láng giềng phương Bắc hai đại biểu Tống - Đường; văn học đỉnh cao của nhân loại đang xì xồ kể lại giai thoại sửa thơ Vương An Thạch, vì còn lại mới đi có một thôi đường mà đã nghẹn ngào lẩm bẩm: Đê đầu tư cố hương
Cô công chúa bé bỏng bỗng thành quả phụ khi vừa tuổi đôi mươi đang sụt sịt bao lời Ai Tư Vãn. Cứ thế và cứ thế năm câu ba chuyện cho đến 2 vị khách cuối cùng là một tú tài.
Một tuồng rách rưới con như bố
Ba chữ ê a vợ chán chồng
Cho đến anh chàng nửa Tàu nửa Việt si tình đợi người yêu mà điếu thuốc cứ cháy lụi dần trên hai đầu ngón tay gầy guộc.
Trống điểm canh, phút giao thoa đất trời sông núi tống cựu nghinh tân - cũng là lúc chủ khách nói lời chia biệt ngân nga:
Chúc cho muôn kẻ ở trên đời
Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người
(TX)
Thú thật là đọc xong 276 câu ngũ ngôn ở bài "Uống rượu với người xưa" tôi phục lăn chiên cái sự tinh nghịch, dí dỏm, và thông tuệ của tác giả quá chừng.
 
HOÀNG HƯƠNG TRANG Với Cây Cọ và Nét vẽ
 
Hội họa là một ký hiệu thẩm mỹ không bằng ngôn ngữ văn tự, người ta không thể cảm nhận cái hay, cái đẹp như qua giọng ngâm thơ mượt như nhung của Hồ Điệp hay tiếng hát cao vút trong veo của Thái Thanh...
Hiểu và cảm hội họa là bằng ý, tài hoa của người họa sĩ thể hiện ở chỗ pha trộn màu sắc và trải từng nét cọ lên "toan" để ký thác những ý, những tình mục đích tối cao là phục vụ cái đẹp của cảnh sắc, của đất trời cỏ cây hoa lá. Có nhiều trường phái cho mỗi họa sĩ chọn để thể hiện sự tài hoa, thông tuệ và thiên hướng mà họ muốn biểu cảm.
Tựu trung người họa sĩ tự kim cổ đông tây đều mang trọng trách là tạo dựng cái đẹp để dâng tặng cuộc đời, tùy theo sự cảm thụ của người thưởng ngoạn mà tuổi tên của tác phẩm và tác giả trường thọ hay yểu mệnh.
Với bộ môn nghệ thuật thứ tư này tôi là kẻ ngoại đạo, thành ra với bao tên tuổi danh họa tôi chỉ nhớ lỏm bỏm được mấy người như Bùi Xuân Phái (Phố Phái), Tề Bạch Thạch và Leonardde Vinci với họa phẩm người phụ nữ có đường nét mềm như lụa cùng nụ cười thiên cổ sầu vương... Bức họa chân dung ấy đã bất tử trong giới yêu hội họa của cả hành tinh này.
Nữ sĩ Hoàng Hương Trang là một người phụ nữ mê hội họa, yêu hội họa, say hội họa cũng bằng với say tình, nhưng rất may cuộc tình này chưa một lần phản bội bà qua bao năm tháng, kể từ ngày hai bên mới ngỏ lời yêu mà chứng nhân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế từ năm 1957; rồi trường Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn 1961 được đi nghiên cứu Mỹ thuật Á Châu tại Tokyo Nhật Bản năm 1963 và bà là giáo sư của Đại học mỹ thuật Sài Gòn từ 1972 đến 1978 cũng như đã từng dạy môn này cho các trường trung học. Tranh của bà được chọn treo ở Viện bảo tàng Tòa thánh Vatican và ở bộ sưu tập gia đình họ Kosco Illinoise . Tình yêu hội họa của bà đã được đền bù xứng đáng. Công bằng mà nói lên cảm nhận thô thiển của người thưởng thức (NGTC) là tranh của bà phần nữ tính hơi nghèo, hay đó cũng là nét biểu trưng cho đức tính, cho nghị lực của người phụ nữ này vậy?

 

  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc