NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự


 
 
 
TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG

-Họ tên:
Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương
-Năm sinh: 1937

-Nguyên quán: Vĩ Dạ, Huế
-Hiện ở: 339/10 Lê Văn Sỹ,
           P13, Q3, TP HCM
   
Tiểu Sử TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG
Theo ngọc phả của Phủ phòng Tuy Lý Vương thì họ tên đầy đủ của nữ sĩ là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, hiệu Thượng Hiếu, pháp danh Nguyên An, bút hiệu là Tôn Nữ Hỷ Khương, nếu thân mật thì mọi người hay gọi là Giỏi - đó là tên cưng do phụ thân đặt cho. Bà sinh vào cuối mùa Hạ năm Đinh Sửu (dương lịch mồng 8 tháng 7 năm 1937).
Hỷ Khương là con gái út của lão Thi bá Vương Tôn Ưng Bình Thúc Giạ Thị và đệ nhị phu nhân Nguyễn Thị Nhạn.
Nữ sĩ có một thời ấu thơ rất hạnh phúc dưới gối mẹ cha trong không gian êm ả hiền hòa, với trăng nước hữu tình của Vĩ Dạ thôn thơ mộng, cùng cảnh trí hưu đình trí sĩ ở Chu Hương viên mà chủ nhân là Nguyên soái Tao Đàn Hương Bình Thi Xã - nguyên là một vị cận thần của Nguyễn triều, trải dài theo hoạn lộ từ 1904 đến 1933, cụ cáo lão về vui thú điền viên với tấm lòng thanh thản là qua ba mươi năm đóng góp công sức trong vai trò "Phụ mẫu chi dân" đã trọn bề trách nhiệm để khi rũ bỏ áo mão cân đai, thoát vòng cương tỏa, không hề bị ray rứt lương tâm vì mặc cảm sâu dân mọt nước…
Bởi thế cụ đã có một khổ ca trù nói lên tâm nguyện của một vị quan thanh liêm:
Mừng đến bến ba mươi năm bể hoạn,
Lái con thuyền lèo lạt hãy còn nguyên.
Ngoắc ông câu cậy gởi con thuyền,
Ôm sách cũ lại theo miền núi cũ.
Biết đủ dầu không chi cũng đủ,
Nên lui đã có dịp thời lui…
Vâng! "Biết đủ" là nhân cách lớn của một nho gia!
Là hậu duệ trong một gia đình mà bút nghiên vốn là nghiệp dĩ lưu truyền, phải chăng khi còn là một thai nhi vừa tượng hình trong bụng mẹ - Hỷ Khương đã được nghe thơ, chất thơ đã thấm đẫm vào từng ngóc ngách tế bào, từng vi ti huyết quản để lúc mở mắt chào đời giữa cõi hưu đình cao sang mà thanh bạch, Hỷ Khương đã vô cùng giàu có bởi được thừa hưởng một gia sản văn chương quý báu vô ngần từ năm đời kế thế…
So với "thần dân bách tính" như cố nữ sĩ Ngân Giang làm bài tứ tuyệt lúc 6 tuổi thì người con gái lá ngọc cành vàng hoàng thân quốc thích có truyền thống từ hai vị "thất thịnh Đường" làm thơ hơi muộn - đến 8 tuổi Hỷ Khương mới làm bài tứ tuyệt đầu tay là bài: "Gói quà cô Phẩm tặng", sự nghiệp văn chương của Nữ sĩ Hỷ Khương bắt đầu từ 4 câu tứ tuyệt đầu đời:
Cô Phẩm đem cho một gói nầy
Mở ra thì thấy cả khoai tây
Rứa mà em tưởng là phong bánh
Em chạy loanh quanh méc với thầy
Những ngày thơ dại tung tăng bắt bướm hái hoa trong ngôi nhà và khu vườn của Chu Hương Viên bên dòng sông bến nước lồng lộng đất trời, bên tình thương của nghiêm phụ và hai bà mẹ kính yêu, Hỷ Khương còn may mắn nhận được sự chăm sóc dạy dỗ từ một người có trình độ nho học mà cụ Vương Hồng Sển thường bảo là "sợ quá" - người đó là thầy khóa Thâm, một phụ tá đắc lực của cụ Ưng Bình trong nhiều lĩnh vực về Hán học, Hỷ Khương là học trò môn chữ Hán của thầy Khóa Thâm.
Thầy khóa Thâm được xem như một người ruột thịt trong quãng đời thơ trẻ của Hỷ Khương, thầy là thành viên thường trực ở Chu Hương Viên trong từng giai đoạn thịnh, suy… sinh… diệt…
Hỷ Khương gặp một trở ngại lớn trên đường học vấn - học đến năm thứ tư của trường Nữ học Đồng Khánh thì buộc phải nghỉ vì bị bệnh ở nhà tịnh dưỡng… Sau đó nhạc sư Nguyễn Hữu Ba thấy Hỷ Khương có năng khiếu âm nhạc nên xin phép cụ Ưng Bình cho Hỷ Khương vào học trường Quốc gia âm nhạc ở Sài Gòn, nhưng được một thời gian ngắn thì phải bỏ học vì cụ Ưng Bình không xa con gái rượu được. Trong cái rủi không được tiếp tục đến trường, thì cái hạnh phúc lớn là được gần gũi để tiếp thu cái mạch văn chương của phụ thân, nếu không chưa chắc Văn đàn Việt Nam có được một Hỷ Khương hôm nay và mai sau.
Dọc dài theo ngày tháng thần tiên, lúc làm cô tiểu đồng với bím tóc trái đào xinh xắn lút cút theo cha lúc dâng ly rượu, lúc đọc bài thơ… rồi không biết tự lúc nào theo tuổi đời cô đã trở thành người trợ lý thông tuệ, người phát ngôn cần mẫn của nghiêm đường. Nhờ chất giọng phong phú với mọi thể loại ca ngâm, Hỷ Khương đã chuyển tải bao nhiêu tác phẩm của cha già đến với đông đảo bầu bạn, khách thơ, đến với công chúng gần xa từng ái mộ thơ ca của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bằng giọng ngọc trời ban, bằng kỹ thuật học hỏi từ các nghệ sĩ ngâm ca, diễn hát thường đến giao lưu với Hương Bình Thi Xã, nên Hỷ Khương đã làm cho chủ soái Hương Bình Thi Xã rất hài lòng, rất sung sướng với những niềm vui do cô con gái rượu đem lại, người con gái út mà cụ Ưng Bình tự hào xem là người bạn nhỏ tri kỷ tri âm:
Cha con ta là đôi tri kỷ
Chung bóng chung hình giữ nước non
Giữa mùa xuân năm Tân Sửu 1961 cụ Ưng Bình tạ thế, sau tuần hiếu sự - Hỷ Khương vào Sài Gòn để lo việc xuất bản tác phẩm của cụ, ấy là tập "Đời Thúc Giạ" rồi sau đó Hỷ Khương định cư luôn ở Sài thành cho đến bây giờ.
Huế Cố Đô và Hương Bình Thi Xã vun bồi nuôi nấng hồn thơ của nàng tôn nữ, nhưng Sài Gòn mới là vùng đất cho Hỷ Khương sáng danh sự nghiệp văn chương, Hỷ Khương cộng tác với nhiều tờ báo: Phổ Thông tạp chí, Dân Ta, Lành Mạnh, Bút Hoa… và một số Nguyệt san Phật giáo: Liên Hoa, Từ Quang…
Hỷ Khương tham gia Tao Đàn Bạch Nga của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ vào thập niên 60 (thế kỷ XX).
Hội viên của thi đàn Quỳnh Dao, hội thơ này được thành lập năm 1962 do  nữ sĩ Cao Ngọc Anh làm hội chủ, hoạt động tại Sài Gòn, Hỷ Khương được phong tặng "Quỳnh Dao Chi Bảo".
Hội viên của Trung tâm Văn Bút Việt Nam năm 1970, chủ tịch là Linh Mục Nguyễn Thanh Lãng
Năm 1964 Hỷ Khương in tập thơ đầu tiên có tên gọi "Đợi mùa trăng", nội dung mang nỗi đau của người dân trong thời tao loạn, được nhận những phản hồi tốt từ phía độc giả bởi tính thời sự.
Năm 1966 Hỷ Khương lập gia đình, đám cưới được cử hành tại Sài Gòn vào mùa xuân (ngày 16/3/1966). Chồng Hỷ Khương cũng là người Huế, ông làm quản lý cho Viện bào chế của dược sư Phạm Doãn Điềm, viện bào chế này nằm ở đường Trần Hoàng Quân, quận 5, đôi vợ chồng trẻ thời kỳ này cùng cư trú tại đấy cho gần nhiệm sở. Phu quân của Hỷ Khương tên Trần Bá Thuỳ, nguyên là một hướng đạo sinh, một thiếu sinh của đoàn Trần Quốc Toản, Ấu trưởng Ấu đoàn Trần Quốc Toản, liên đoàn Trần Quốc Toản thuộc đạo Thừa Thiên. Vì thế từ nhỏ ông đã có đời sống tự lập, tháo vát trong mọi cảnh ngộ, biết nhẫn nại trong mọi tình huống… Nhẫn nại, tháo vác, tự lập, là những đức tính cần phải có của một hướng đạo sinh:
Với hai bàn tay anh xây dựng cuộc đời,
Với bản tính trời cho anh tự lập nên người.
Không ỷ lại
Không kiêu căng
Không đua đòi
Không phá phách:
Hiền hòa
Mực thước
Thành thực
Bao dung…
……………………
Trong cuộc hôn nhân này hai người cùng chung nguyện ước:
Hãy nuôi dưỡng tình thương
Sống mãi trong lòng người
Sống mãi giữa cuộc đời
Anh và tôi
Chúng ta cùng nguyện ước.
(Trích: TVACNƯ - TNHK)
Hành trình hoạt động văn hóa văn nghệ của Hỷ Khương gặp nhiều thuận lợi. Sau "Đợi Mùa Trăng" được dư luận đánh giá tốt, năm 1970 Hỷ Khương cho xuất bản tập thứ hai: "Mộng Thanh Bình" cũng như "Đợi Mùa Trăng", "Mộng Thanh Bình" ra đời đúng thời điểm mà cả dân tộc Việt Nam quá khổ đau vì chinh chiến, Hỷ Khương đã nói thay tiếng nói của vạn tấm lòng trước thảm họa quốc phá gia vong, giai đoạn đầu của thập niên 70 tại miền Nam nước Việt có những tên nắm quyền sinh sát nhưng nặng máu con buôn đầu cơ chính trị lợi dụng chiến tranh để làm giàu trên máu xương đồng loại, vì thế họ đâu muốn nghe hai tiếng hòa bình hay thanh bình, ai nói đến hòa bình, thanh bình là xem như “phạm húy…”.
Ngôi sao văn khúc của Hỷ Khương có tả phụ hữu bậc nên nhận được nhiều sự ái mộ, đóng góp của những người xung quanh: Một trong những người chắp cánh thăng hoa cho thơ Hỷ Khương là họa sĩ Vũ Hối, người họa sĩ, nghệ sĩ tài hoa này đã phóng bút bao nhiêu thi phẩm của Hỷ Khương thành những bức thư họa tuyệt tác, thủy họa lung linh, mà nét tung là trùng trùng ngọn ba đào nghiêng ngửa và nét hoành là chiếc bách đang vượt sóng đến bến văn chương…. Thủy họa và thủy tự của nghệ sĩ Vũ Hối đã cuốn hút cái nhìn của người thưởng ngoạn trong nước và hải ngoại.
Đồng khí tương cầu là cái gốc để những người làm văn chương nghệ thuật xích lại gần nhau, bao nhiêu bằng hữu trong và ngoài Quỳnh Dao thi hội đã viết tặng Hỷ Khương những vần thơ tâm huyết tương tri, một phần nhờ nhuần gội ơn mưa móc của năm đời tổ phụ, một phần do khả năng tự thân của Hỷ Khương để nhận được sự đồng cảm của bao khách hàn mặc, nếu thiếu sự đồng cảm thì làm sao mà chỉ hai tiếng đồng hồ, nhà thơ nhà báo Hà Thượng Nhân ở bên kia đại dương diệu vợi lại họa xong cả tập thơ "Hãy cho nhau" của Hỷ Khương khi mới rời bệnh viện về nhà - (ở tiểu bang Cali).
Bao nhiêu ngón đàn sáo tài hoa của các nhạc sĩ, đã nâng giọng ngâm, câu hò của Hỷ Khương thấp cao từng cung bậc để bâng khuâng thấm đẫm lòng người, và hẳn trong làng thơ nhạc bằng hữu của Hỷ Khương, ít ai quên được giai thoại khá thú vị trong mối quan hệ thơ nhạc giữa Hỷ Khương và giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê.
Thơ ca và âm nhạc là hai bộ môn có sự liên quan mật thiết, âm nhạc chắp cánh cho thơ bay cao bay xa trong không gian trong sáng thật sự của văn chương và nghệ thuật, mối quan hệ thơ và nhạc của Nữ sĩ Hỷ Khương và nhạc sư Trần Văn Khê sẽ có chính kiến của người biên khảo trong phần cảm nhận tác phẩm của Hỷ Khương qua hai bài thơ mang tựa "Cung đàn tri kỷ tri âm".
Sau khi hai tập thơ Đợi Mùa Trăng Mộng Thanh Bình ra đời tên tuổi Hỷ Khương đã được khẳng định ở thi đàn. Năm 1974, hai nhà nghiên cứu phê bình văn học là Nguyễn Tấn Long và Phan Canh đã đưa Hỷ Khương vào "Thi nhân Việt Nam" (bộ 2) bản thảo đã được duyệt đang chữa bản in thì công trình bị ngưng do nhiều lý do...
Sau 1975 do ảnh hưởng bao khó khăn chung riêng của thời hậu chiến nên mãi đến 1996 Hỷ Khương mới tiếp tục cho ra mắt đông đảo bạn đọc tập văn xuôi có tên "Hồi ức về cha tôi - Ưng Bình Thúc Giạ Thị". Là một người con gái chí hiếu với cha mẹ, Hỷ Khương đã trân trọng giữ gìn và in ấn lại các tác phẩm của cụ Ưng Bình, trong gia tài văn học phong phú đa dạng của Lão vương tôn thi bá ấy có vở tuồng Đông Lộ Địch, cụ phóng tác từ kịch bản Le Cid của Corneille từng công diễn năm 1928, xuất bản 1936 tái bản 1959. Đây là vở tuồng cụ Ưng Bình làm với cả tâm huyết được công chúng ái mộ… Vì thế Hỷ Khương ao ước có cơ hội, có điều kiện để dựng lại vở tuồng ấy, người đáp ứng nguyện vọng và mơ ước cháy bỏng của Hỷ Khương là GS. TS triết học phương Đông Thái Kim Lan - một người ăm ắp hoài niệm Huế, đang dạy học và định cư ở CHLB Đức đã hơn 40 năm. Trong dịp về nước vào năm 1999 với tấm lòng yêu quý nghệ thuật, yêu quý đất nước quê nhà, yêu quý di sản văn chương của cụ Ưng Bình và trân trọng tấm tình của người con gái cụ. Bà Thái Kim Lan đã hoan hỉ tài trợ toàn phần kinh phí để dựng lại vở tuồng Đông Lộ Địch, vở tuồng đã được công diễn tại các thành phố lớn của Việt Nam và hải ngoại (Đức) từ năm 2000 đến 2002.
Hiếu đạo là nguyên lý bất biến dù trong cảnh ngộ nào chữ hiếu cũng phải đặt ở hàng đầu, Hỷ Khương đã làm được điều ấy đối với hai đấng sinh thành, cụ bà thân mẫu của Hỷ Khương sống thật hạnh phúc với vợ chồng con gái út và cháu ngoại, tuy sinh vào cuối thế kỷ XIX nhưng cụ có tư tưởng rất hiện đại tân tiến - những ngày cuối đời cụ thường căn dặn vợ chồng Hỷ Khương là sau khi cụ mãn phần, cứ hỏa táng và đem tro rải xuống sông thay vì thổ táng rườm rà, mặc dầu trước khi cụ mất - mười sáu năm, Hỷ Khương đã lo làm sinh phần để dành cho cụ. Cụ minh mẫn nhẹ nhàng ra đi vào tuổi 97. Thật tuyệt vời một lão phu nhân cựu trào của kinh đô Huế.
Các tác phẩm của Hỷ Khương tuần tự ra đời đến 2006 tổng số là 8 tác phẩm. Số lượng tác phẩm chưa nhiều nhưng không phải là ít, mà điều đáng bàn đâu phải là số lượng…
Người con gái út cưng yêu của nhà thơ nhà văn hóa lớn Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Nguyễn phu nhân, cô cựu nữ sinh của Đồng Khánh yêu kiều, một nữ cư sĩ của nhà Phật, một phụ nữ Huế, một người vợ Huế, một người mẹ Huế đã làm đúng những điều mà người cha kính yêu đã giáo huấn thời son trẻ:
Lời xưa di huấn thời son trẻ
Con vẫn mang theo suốt cuộc đời.
(TNHK)
Tấm lòng hiếu để với cha mẹ, nhân cách thơ của Hỷ Khương đã thuyết phục được đa số công chúng yêu thơ. Thơ Hỷ Khương đã được Thân Trọng Sơn dịch ra tiếng Pháp và đã có hồi âm tốt từ bạn đọc nước ngoài điển hình là Giáo sư người Bỉ Bernard Uhoda. Thơ Hỷ Khương cũng được khắc lên đá, in bằng thư pháp, lên lịch năm 2004, và được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Bao nhiêu năm nay các tạp chí như: Sài Gòn Giải Phóng, báo Giác Ngộ, báo Thanh Niên, Văn nghệ Trung ương, báo Tài Hoa Trẻ, tạp chí Toàn Cảnh, báo Thế giới Mới, Văn hóa Nguyệt san, Sông Hương Nguyệt san, Văn hóa nghệ thuật, Văn hiến Việt Nam, Nhà đẹp, Người đẹp Việt Nam... cũng đã có bài về Hỷ Khương. Ngoài những chương trình về Hỷ Khương ở Sài Gòn làm thì năm 2003 CLB Văn hóa Huế tại Hà Nội đã làm cho Hỷ Khương một chương trình thơ khá hoành tráng với một không gian ấm cúng chan hòa tình cảm, với những lời phát biểu của các quan khách tham dự, với những làn điệu ngâm diễn mượt mà của các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Đàm Liên, NS Văn Tân… và ngón đàn tranh mượt như lụa của nữ nhạc sỹ Thanh Hương. Có lời phát biểu rất chân tình của GS Vũ Khiêu, anh hùng lao động ngành văn học, nhạc sĩ Trần Hoàn... và đặc biệt là những lời phát biểu của Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê về thơ của Hỷ Khương, về mối liên quan thơ nhạc của Hỷ Khương và Trần Văn Khê, về sự đồng điệu đồng cảm giữa tình thơ ý nhạc, đẹp như thơ, trong sáng như thơ, và lãng mạn như thơ.
Khi Ninh Giang Thu Cúc làm tập biên khảo này thì nữ sĩ Hỷ Khương đã tròm trèm tuần thất thập, người thơ này vẫn hồn nhiên tươi trẻ, vẫn đôn hậu, an nhiên và đang sống bình an hạnh lạc với phu quân và các con, con trai đầu của nữ sĩ vì sinh khó nên cháu bị bệnh, nhưng rất hiền lành, dễ thương, con trai thứ hai là kỹ sư xây dựng có vợ cùng ngành, Hỷ Khương có một cháu nội trai gần 5 tuổi, thuộc nhiều thơ của bà và đọc rất hay.
Thùy Khương trang là tổ ấm của Hỷ Khương và cũng là nơi họp mặt của bao khách văn chương bốn phương tựu hội, cũng đàn, cũng phách, cũng xướng họa ca ngâm mỗi lần… mỗi dịp… khiến ta liên tưởng và nghĩ đến sự tái hiện của Hương Bình Thi Xã xa xưa, có lẽ người viết hơi ngoa ngữ một chút, vậy xin được gọi Thùy Khương trang là Tiểu Hương Bình Thi Xã, và để khỏi dài dòng Ninh Giang Thu Cúc xin mượn hai vế đối của giáo sư Vũ Khiêu để kết thúc phần tiểu sử Tôn Nữ Hỷ Khương:
 Ngự lĩnh Hương Giang đồng báo Hỷ,
Ngọc đường kim mã xuất giai Khương.
  
Phần tác phẩm của Tôn nữ Hỷ Khương đã được Ninh Giang Thu Cúc giới thiệu đầy đủ trong tác phẩm “Hành trình thơ của một Công Tằng Tôn Nữ”
 


  Trở lại chuyên mục của : Ninh Giang Thu Cúc