VINH HỒ


Đọc Thơ Ca Dao

Thơ là tiếng lòng, là trí tuệ, là thần hồn của con người.
Kỳ diệu của thơ là vẻ đẹp, chân, thiện, lung linh ẩn hiện trên trang thơ, làm mê hoặc lòng ta với bao cảm xúc, soi sáng, với vô số những đồng cảm, cảm thông, thích thú, hạnh phúc.
Thơ Ca Dao có được sự mê hoặc thích thú đó.
Khi đọc thơ Ca Dao, tôi đọc chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu, thưởng thức từng chữ, bị quyến rũ bởi ngôn-ngữ-thơ mới mẽ, một cõi thơ êm ả thanh bình, êm như tơ trời, nhẹ như sợi khói, dịu dàng như sông trôi.
Bên ly cà phê thơm ngát, buổi sáng yên bình, chỉ có tiếng chim líu lo ngoài vườn, lòng tôi hân hoan vô hạn. Thơ Ca Dao có cái gì đó rất mới lạ, rất riêng. Khó thấy mà cũng khó hiểu, khó tiếp cận.
Một tâm hồn thơ đầy nữ tính, khoáng đạt, thanh cao, có chiều sâu. Bí ẩn. Tiềm tàng.
Tôi như khách lạ đứng ngoài cửa nhìn vào bên trong, một thế giới thơ lấp lánh những con chữ sinh động. Tôi xem thêm nhiều tranh ảnh, đọc thêm một bài tuỳ bút của Ca Dao, để hiểu thêm cái thế giới nội tâm sâu sắc, một cõi miền thi ca hấp dẫn.

1. Tôi cảm nhận trong cõi miền thi ca ấy có tiềm ẩn một cái gì đó rất đời, rất đạo, rất thiền.
Có sự trung dung, hài hoà, thanh thoát, tao nhã, yêu thương. Không tìm thấy một sự gì cực độ, tột đỉnh, chót vót trên nỗi buồn xé tim gan, như "trên ngọn tình sầu" héo hắt của Du Tử Lê, như "ta về" tê tái của Tô Thuỳ Yên, hay như "đoạn trường tân thanh" đứt từng đoạn ruột của Nguyễn Du.
Thế giới thi ca của Ca Dao trung dung, êm đềm, nhẹ nhàng, tịch lặng, cô liêu, khá gần gũi với thơ Nguyễn Trãi:

Trong tạo hoá có cơ mầu,
Hay đỗ hay dừng mới kẻo âu.
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu.
(Trích bài Bảo kính cảnh giới bài 26)

Và cũng an nhiên tịch tịnh, phảng phất hương thiền, gần gũi với thơ Mãn Giác Thiền Sư:

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
(Ngô Tất Tố dịch)

Tôi muốn dẫn chứng thơ đạo của Nguyễn Trãi, thơ thiền của Sư Mãn Giác, để nhận diện rõ hơn bức chân dung thơ Ca Dao. Có thể nói trong thơ Ca Dao có ẩn chứa đạo và thiền một cách kín đáo, sâu xa. Hãy đọc tuỳ bút Ca Dao sẽ thấy tác giả vén cánh cửa tâm hồn:

"Ngắm nẻo rơi của lá, tôi chợt hiểu ra rằng :”Cuộc đời là vô thường, là duyên sinh giã mộng, là sắc tức không, là không tức sắc …
Bài học từ sự rơi của lá đã cho tôi điều vô giá trong đời. Không biết tại sao lá được như thế? Phải chăng lá đã có được cái hạnh biết lắng nghe? Nghe mà không phản ứng, nghe mà không lên án, nghe mà không thù hận, nghe mà không trả đủa, nghe mà không cố chấp...
Tôi thèm được như lá: nghe để hiểu mình hiểu người, nghe để cảm thương mình thương người, nghe để cảm nhận cuộc đời này là vô thường, nay có, mai không để mong an lạc cho mình, cho người..."
(Trích bài ĐƯỜNG RƠI CỦA LÁ)

Hãy đọc 4 câu thơ Ca Dao sau đây, như một lời bộc bạch chân thành:

Lễnh loãng sắc không, sen khô thời kinh niệm
Nghe vô thường rụng mấy hạt long đong
Nghe hanh hao bóng mùa về tàn tạ
Vạt tơ chiều mỏng mảnh giữa hư không
(Trích bài Hanh Hao Sắc Tím Tháng Ba)

Bước vào cõi thơ Ca Dao, lữ khách là tôi bước rất nhẹ, khe khẽ, rón rén, bởi chính mùa thu cũng len lén, chẳng chút vội vàng:

Len lén thu.. len lén... gót tơ thơm
Biển nâng sóng
bồng thu,
gửi xuân nồng đầy đặn
Dặm hồng dài ấm hồn biển mặn
uống rẻo chiều
cạn cốc mộng miền êm
và... góc vườn
cũng theo thu
hương
len lén...
...ngọt mềm
(Trích bài Len Lén Thu)

Thơ Xuân Diệu thời tiền chiến cũng có cái không-gian-thơ mong manh dễ vỡ, dễ đứt như thế:

Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn.
(Trích bài Chiều, Xuân Diệu)

Thơ Ca Dao rất đời, sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm sầu khổ với tha nhân:
Tình ơi! Ngơ ngác vần thơ
Tình ơi! Vỗ giấc đêm trơ phím đàn
Tình ơi! Lỡ nhịp song lang
Tình ơi! Lỡ nhịp! Ngỡ ngàng dây buông
(Trích bài Khúc Hát Tình Rơi)

Sự quyến rũ lớn nhứt trong thơ Ca Dao nằm ở ngôn-ngữ-thơ, cho thấy nữ tác giả có ý hướng sáng tạo, có nỗ lực làm mới thơ qua ngôn ngữ tạo nên phong cách riêng, rất Ca Dao. Đúng như giáo sư Thi ca học , thi sĩ Paul Valéry người Pháp đã nói:
"Thơ là một nghệ thuật của ngôn ngữ."
Trong 12 bài đăng trên FB/Vinh Ho, bài nào cũng có nhiều từ ngữ mới lạ, tạo nên sự thích thú trong tôi, như bài "Len Lén Thu" xin trích dẫn sau đây:

Thu úp mặt
vén tà hoa
rẻo linh hồn khát cháy
Vời vợi thu
nâng hoàng hôn
gót tơ thơm
Biển nâng sóng
bồng thu
uống rẻo chiều
miền êm

Có một nhà thơ nổi tiếng mà tôi quên tên, nói rằng "nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ" muốn lấy được một chữ phải mất "hàng tấn quặng ngôn từ". Nói như thế thì bài thơ "Len lén thu" ở trên có tới 10 chữ mới, nữ tác giả Ca Dao chắc phải trả giá đắt gấp 10 lần.

2. Ngoài Ngôn Ngữ, sự Hoài Niệm trong thơ Ca Dao như mật ngọt, như lụa là, có thể làm đắm say bao tâm hồn muốn quay về dĩ vãng, muốn sống lại một thời vàng son trong quá khứ xa mờ đâu từ cõi miền vô thức cô liêu nào? khó hình dung, khó xác định, nhưng có thật, luôn ẩn hiện, chơi vơi, mơ hồ, miên man, vô định, vô hình, vô ảnh.

Ngày trôi hững hờ qua cửa
Gót chiều đưa nhẹ hạt mưa
Hiên thưa liêu xiêu dáng lụa
Mưa về gọi nhớ ngàn xưa
Mưa giăng bụi mờ quán xá
Cô liêu một thoáng hương xa
Phố thị hồn xưa đâu tá
Buông hờ suốí tóc kiêu sa
(Trích bài Làm Sao Thôi Mưa Bay?)

Cũng có thể đó là một khúc xuân xưa, một mùa xưa, nơi miền vô thực:

Khúc xuân xưa, tủi phận chiều khép ngõ
Nẻo đời vui hoang phế với bể dâu
Chiều nhập nhoạng khói hương miền vô thực
Rẻo mộng tàn đắp đổi với mùa xưa
(Trích bài Hanh Hao Sắc Tím Tháng Ba)

Ca Dao mở ra một thế-giới-thơ hài hoà, thanh bình, êm ả, nhẹ nhàng, đậm đà hương thiền đạo vị.
Nếu có khổ sầu thì cũng kín đáo, ẩn khuất, thường dùng gam màu-nhạt để làm nhẹ bớt niềm đau.

Áo xưa theo chiều biển động
Xin đời triều nhẹ vô tư
Đêm nghe đất vươn mầm sống
Với tay xin miền vô ưu
(Trích bài Với Tay Xin Miền Vô ưu)
 
Thôi về, ẩn bóng trăng suông
Thôi về, má phấn nhòe loang giấc hồng
Thôi về, thôi những đợi trông
Thôi về, cất giữ hiên lòng tịch câm
(Trích bài Khúc Hát Tình Rơi)

3. Về thể thơ, Ca Dao nhuần nhuyễn các thể 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, giữ vần rất chỉnh, và để làm mới thường ngắt câu qua hàng.
Riêng thể thơ ĐL/TNBC rất điêu luyện, tác giả đã thổi vào đó một làn-gió-mới về ngôn ngữ thơ mới mẽ, làm cho thể thơ đầy luật tắc khắt khe cổ kính này trở nên mượt mà, êm nhẹ.
Về bố cục của các bài thơ rất chặt chẽ, thường có những câu lặp lại nơi đầu khổ như các điệp khúc trong bản nhạc.
Tóm lại, thiển nghĩ nhờ có sự nỗ lực làm mới ngôn-ngữ-thơ đã làm cho thơ Ca Dao trở nên đẹp mượt mà mới lạ về hình thức; chuyên chở tư tưởng triết lý Đông phương sâu xa thâm thuý về cuộc đời dâu bể mà tác giả đã từng trải qua.
VINH HỒ
Orlando, June, 30, 2021


  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ