VINH HỒ

 
RẮN TRONG TÍN NGƯỠNG, VĂN HOÁ


-Theo Kinh Thánh: 
 
Từ thuở khai thiên lập địa, Chúa Trời đã tạo ra Adam cùng muông thú sống trong Vườn Địa Đàng. Thấy Adam buồn vì không có ai tâm sự, đợi khi Adam ngủ, Chúa Trời lấy một mẩu xương sườn hóa phép thành một cô gái xinh đẹp đặt tên Eva và dạy rằng:
-“Hết mọi cây trong vườn chúng con có quyền ăn, trừ cây biết lành biết dữ ở giữa vườn, nếu ăn vào chúng con sẽ chết.” Đó là Cây Đời Sống (Tree of Life).
Hai người sống hạnh phúc bên nhau.
Một hôm, con rắn “quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng” đến cám dỗ Eva rằng:
- “Ăn trái đó không chết đâu, trái lại mắt bà sẽ mở ra và trở nên giống như Chúa.”
Eva không cưỡng lại được sự cám dỗ, hái rồi đưa cho Adam cùng ăn. Sau khi ăn, hai người thấy mình lõa lồ nên xấu hổ mới hái lá mà che, sau bị Chúa Trời trục xuất ra khỏi Vườn Địa Đàng, Chúa phán:
“… vì thế cái chết xảy đến với tất cả loài người bởi con người là tội lỗi.”
Chúa cũng trừng phạt con rắn: “phải đi bằng bụng, và phải ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời rắn”.
 
Với người theo đạo Thiên Chúa, rắn là loài bị chúc dữ, tượng trưng cho tội ác, quỷ quyệt, hiểm độc, cám dỗ, ghen tị, thù dai, cũng là biểu hiện của Satan.
 
- Khoảng năm 1250 trước Công Nguyên, Thiên Chúa chọn ông Môi Sen giải phóng dân Israel khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Chúa cho ông Môi Sen cây gậy có thể hóa thành con rắn để dân chúng tin theo. Thủ lãnh Môi Sen đem dân Israel ra khỏi Ai Cập, băng qua Biển Ðỏ, vào Ðất Hứa, nơi có nhiều sữa và mật ong. Thế nhưng dân không biết ơn lại phiền trách Chúa. Ngài nổi giận cho những con rắn lửa có cánh cắn chết nhiều người. Môi Sen lại phải khẩn cầu cho dân và Chúa đã phán:
- “Ngươi hãy làm một con rắn lửa và đặt nó trên cán cờ. Ai bị rắn cắn mà nhìn thấy nó thì sẽ được sống”.
Cây trụ với con rắn bằng đồng này còn tồn tại mãi đến đời vua Hezekiah của Do Thái.
 
-Theo thần thoại Hy Lạp:
 
Medusa là quái vật có khuôn mặt người với mái tóc là những con rắn độc và tia nhìn có thể biến các sinh vật thành đá. Dũng sĩ Perseus đã tiêu diệt Medusa bằng cách nhìn hình ảnh phản chiếu của Medusa trên tấm khiên bằng đồng bóng loáng khi giao chiến.
Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy.
 Esculape thấy vậy mới cầm gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Sau đó, có một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại dược thảo để cứu con rắn đã chết. Từ đó ông đi tìm các loại dược thảo trong núi để chữa bệnh cho con người. Esculape được xem như thần bảo hộ của các thầy thuốc. Để khắc họa thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh.
 
-Theo người Ai Cập cổ và nhiều dân tộc khác: 
 
-Rắn lột da được biểu trưng cho sự tái sinh, hồi phục, luân hồi và bất tử, rắn được xem là thần hộ mạng, thần thịnh vượng, thần tái sinh, rắn là biểu tượng của thánh thần, sự thông thái và khả năng tiên tri. Thần rắn Pep là một trong những vị thần được tôn thờ. Trên vương miện bằng vàng của các hoàng đế Ai Cập (pharaoh) thường có chạm trổ hình rắn hổ mang tượng trưng cho thần hộ mạng. 
Tục thờ rắn phổ biến quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp, rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.
Ở châu Úc, các thổ dân tôn sùng rắn, vì rắn tượng trưng cho tính âm, nguồn nước, có liên hệ mật thiết với nông nghiệp.
Rắn thần Quetzalcoatl (rắn lông chim) được người Aztec tôn thờ và được tìm thấy trên các cấu trúc trong thành phố cổ Teotihuacan tại Mexico.

-Theo người Ấn Độ và Campuchia:
 
Ở Ấn Độ rắn được xem như thần thánh, là biểu tượng của sự tái sinh, bất tử. Hàng năm, lễ hội rắn được tổ chức với hy vọng sẽ đem lại sức khỏe và những điều tốt đẹp cho con người. Kiến trúc cổ của Ấn Độ thường có hình ảnh các vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn ngang mình. Trong thần thoại Ấn Độ, quỷ Kaliya biến thành rắn hổ mang giết hại nhiều người, cuối cùng thần Krishna giết được Kaliya và nhảy múa trên đầu con quỷ ấy.
-Chùa ở Campuchia có hình rắn chín đầu gọi là thần rắn Naga được trang trí trên các góc mái, lan can, cột cờ... mà về hình thể gần giống như rắn hổ mang với cái mang phình ra rất to, trong cái mang đó có nhiều đầu rắn, thường là 7 đầu. Dân Campuchia tin rằng vương quốc Khmer là do vua Rắn sáng lập. Rất nhiều đền đài tại xứ này được tạc hình rắn trên tường.
 
-Theo người Việt Nam:
 
Người Việt đa số cho rắn là con vật độc ác, tinh quái, xảo quyệt, nhưng cũng có một số ít thần thánh hóa rắn, thờ cúng rắn như một vị thần, mong rắn không làm hại người.
 
VINH HỒ
(Sưu tầm trên NET)
  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ