VÕ THẠNH VĂN


THINH QUANG
Một Mẫu Người Quân Tử

 

 
 
Cũng tương tự như trường hợp Cụ Hà Thượng Nhân, tên tuổi của nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu, học giả THINH QUANG tôi cũng đã được nghe từ lâu, từ những ngày còn học Trung Học Đệ Nhất Cấp ở quê nhà miền Trung. Cho mãi đến hơn mười năm trước đây, năm 2000, đối với nhân vật xứ Quảng lẫy lừng nầy tôi cũng vẫn còn chỉ dám giữ thái độ kính nhi viễn chi. Và rồi, khi Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi, thời điểm ấy do ông Trần Ngọc Ảnh làm chủ tịch, khoảng năm 2008, tổ chức một buồi đại tiệc vinh danh Cụ tại nhà hàng Dynasty thuộc thành phố San Jose… tôi mới có được cơ duyên gặp gỡ Cụ một đêm trước đó, tại tư gia Giáo Sư Nguyễn Liệu (nghiathuc.com).
 

Chân dung học giả Thinh Quang
 
Buổi tiệc rượu tại nhà giáo sư Nguyễn Liệu hôm ấy quy tụ khoảng 30 nhân sĩ và văn nghệ sĩ chọn lọc được mời đến chung vui. Cũng như tôi, nhiều người được gặp và biết Cụ lần đầu; ngay cả chủ nhân, ông bà Nguyễn Liệu, dù biết danh Cụ từ lâu, hằng nửa thế kỷ. Tuy là nhân vật chính, Cụ THINH QUANG cùng phu nhân xuất hiện thật sớm, rất đúng giờ, khi số khách mới chừng 15 người. Điều nầy làm tôi bắt đầu để ý đến con người nhỏ nhắn nhưng bề thế, nghiêm túc nhưng thân thiện, chững chạc mà vui tươi… Và hơn thế, tôi rất có mỹ cảm với đức khiêm tốn và lòng tự trọng của Cụ. Trong cái vỏ đạm bạc bề ngoài ấy, con người nầy có một sức thu hút bí ẩn. Chắc chắn không phải tự nhiên mà một người có thể thủ đắc những đức tính cao quý ấy, hẳn là Cụ đã liên tục tinh lọc, dồi mài, trau chuốt, hàm dưỡng phép tu thân.
 
Là một trong những người ít tuổi nhất trong buổi tiệc, nên tôi bị ngồi xa Cụ nhất. Và, tuy được chủ nhân giao cho công tác làm MC điều hợp sao cho buổi tiệc rượu trôi chảy… tôi vẫn chưa dám đến gần Cụ, mà chỉ chọn một vị trí và khoảng cách xa vừa phải. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi lại có dịp quan sát toàn diện buổi tiệc. Đã là tiệc rượu, và với biệt tài mời rượu của chủ nhân, thì không khí vô cùng vui tươi, cởi mở, thân thiện… nhưng suốt 3 tiếng đồng hồ, tôi nhận thấy Cụ vẫn giữ nét ung dung, chững chạc, phải chăng, chừng mực, khiêm nhu, từ tốn, nhỏ nhẹ, linh hoạt… của giây phút ban đầu, lúc bước vào bàn tiệc rượu chảy thịt vơi, cho đến lúc tiệc tàn. Từ đó, lòng kính trọng của tôi đối với Cụ cứ theo thời gian mà tăng dần… Tựu chung, tôi thấy nơi Cụ một mẫu người trung dung, từ cách phục sức cho đến dáng vẻ tự nhiên, từ lời ăn tiếng nói đến ánh mắt nụ cười, từ cách thăm hỏi xã giao đến cách đứng ngồi, từ những lời phát biểu ân cần cho đến cái bắt tay thân thiết ấm áp… Cung cách khiêm hạ, nhún nhường của Cụ đã hấp dẩn tôi ngay từ giây phút đầu. Đồng thời, trong đầu óc tôi, hình ảnh của Cụ xuất hiện rõ ràng dần với những nét biểu trưng của phong thái Quân Tử ngày xưa.
 
Rồi những năm tháng sau đó, được đọc qua một số trong 50 tác phẩm của Cụ, và cùng với nhiều trao đổi emails qua lại, điện đàm… tôi càng thấy rằng những nhận định dè dặt ban đầu của tôi về Cụ tương đối chính xác. Đây là một mẫu người rất quen thuộc… đâu đó, quanh ta trong đời sống thường nhật của xã hội hiện đại, tuy hiếm. Nhưng, có lẽ hình ảnh của Cụ là hình ảnh của một bậc Sĩ Phu, một giai cấp Quân Tử đậm nét mà chúng ta thấy nhiều hơn trong văn học, trong các xã hội lý tưởng Nho Gia ngày trước. Và Cụ, theo ngu ý, cũng có lẽ là một trong những mẫu người Quân Tử hiếm hoi còn sót lại sau cùng của cuối thế kỷ 20 và đầu thiên niên kỷ thứ 3 nầy. Cũng chính vì lòng yêu kính dành cho Cụ mà tôi không nề hà dùng đến cả sở đoản của mình khi viết những dòng nầy. Nguyên là, từ thuở thiếu thời, tí kiến thức ít oi về chữ Nho mà tôi có được là do tôi học lóm. Và, môi trường mà tôi đem chút vốn liếng ít oi ấy ra thi thố là các đình miếu bỏ hoang ven rừng, bờ suối… trong những khi theo ông Cụ thân sinh đi nhữi chim cu hoặc nhữi chim quốc… ngồi buồn mò mẫm đọc các câu đối trên những cặp liễng hay các bảng đại tự bụi phủ thời gian, nhện giăng, rêu mốc…
 

 
Nói đến giai cấp Quân Tử (tôi muốn trang trọng viết hoa hai chữ Quân Tử), người ta nghĩ ngay đến triết thuyết Khổng Mạnh. Triết thuyết ấy đã đưa ra một tiêu chuẩn và cố đào tạo một mẫu người toàn thiện theo tiêu chuẩn ấy, toàn hảo về phẩm hạnh, về nhân cách (Nhân, Nghĩa, Lễ, Tín) và về khả năng tri thức (Trí). Những điều lớn lao ấy tôi chưa dám lạm bàn, nhưng có lẽ an toàn cho tôi khi thẩm định một người Á Đông có đức độ lớn thì triết thuyết ấy có thể lấy làm khuôn mẫu để dựa vào đó mà cân nhắc, so sánh, đối chiếu, suy luận… Nhớ lại, trong buổi tiệc “tắm rượu” tại tư thất giáo sư Nguyễn Liệu hôm đó, tuy Cụ là nhân vật chính, được chính thức vinh danh, nhưng cung cách Trung Thứ của con người ấy đã chinh phục được lòng kính quý của tất cả mọi người. Nhìn quanh, Cụ chỉ nhỏ hơn Cụ Hà Thượng Nhân vài tuổi, và có lẽ Cụ cũng chỉ kém ông thân sinh tôi năm mười tuổi thôi. Cung cách của Cụ nói lên chữ TỐN mà đạo Quân Tử cũng thường nhắc đến.
 
Chính chữ TỐN trong Cụ đã làm Cụ sáng rực rỡ một cách tự nhiên vô tình. Người Quân Tử gồm bách hạnh. Trong “bách hạnh” của người Quân Tử, có lẽ đức Khiêm Tốn khó học nhất, nhưng cũng dễ đánh mất nhất, nhất là đối với những người đã thành danh, có một sự nghiệp (văn chương) lớn như Cụ. Và có lẽ đức TỐN là cái đức mà người Quân Tử phải học hỏi, trau dồi, mài giũa và giữ gìn hàng ngày… suốt một đời… cho đến lúc mãn phần. Một điều nghịch lý, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thực hành được, đó là, người Quân Tử càng cao danh vọng thì càng cần phải khiêm tốn. Và chính cái đức Khiêm Tốn ấy làm cho người Quân Tử rực rỡ chói lọi giữa mọi người. Ngược lại, bọn tiểu nhân chỉ cần có 1 chút thành công nhỏ (cho dù do bon chen vay mượn đập gõ kiếm chác…) đã thấy kiêu khí hiện lên trên dáng dấp, trên nét mặt kiêu hãnh, trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử… và cái kiêu khí ấy càng lớn lao chừng nào thì càng làm cho dáng dấp, gương mặt và sự nghiệp của kẻ tiểu nhân càng u ám, càng đen tối, càng dơ bẩn chừng ấy.
 
Chính cái đức từ tốn, khiêm hạ, nhún nhường của Cụ đã khiến cho cung cách ứng xử của Cụ nghiêm túc nhưng vẫn thân thiện, trang trọng nhưng không xa cách, cẩn trọng mà không quá chi ly dè dặt. Bởi cung cách ấy mà tuy tôi kính cẩn xưng ”con” với Cụ, nhưng Cụ vẫn gọi tôi là “thi hữu” hoặc “văn hữu” dù rằng tôi biết mình chưa xứng đáng. Trong lãnh vực văn chương thi phú và kể cả tuổi tác, đối với Cụ, tôi ví được như hình ảnh một tên lãng tử đứng dưới chân Thái Hằng, hoặc có thể ví như một tiểu tăng khép nép dưới chân núi Tu Di. Tôi nhìn lên Cụ như Thái Sơn, như Bắc Đẩu, như một vị Đại Lão Tiền Bối đạo cao đức trọng thì quả là không có gì quá đáng.
 
Những ý nghĩ và lòng kính ngưỡng của tôi đối với Cụ thuộc về vấn đề chủ quan, hoàn toàn chỉ có tính cách riêng tư. Nhưng, khi phải động bút viết về Cụ, tôi vẫn cứ ngại rằng những ấn tượng tốt đẹp mà tôi dành cho Cụ ngay từ phút ban đầu đã làm cho tôi nhận xét về Cụ thiếu chính xác. Tôi vẫn cứ sợ rằng những tình cảm bổng bột của mình khiến tôi thiên vị khi nói và viết về Cụ không được quang, minh, trung, thực. Tôi cũng e rằng hình ảnh lớn lao của Cụ trong lòng-tôi-nhỏ-bé khiến cho tôi nói và viết về Cụ thiếu đắn đo tư lường minh bạch. Bởi đó, tôi ráng lục lọi trong mớ kiến thức ít oi của mình về một mẫu người mà Đức Khổng, Thầy Mạnh đã vẻ ra làm khuôn thước để đào tạo một giai cấp mà tung vào đời hầu làm quan phụ mẫu chi dân khi nhập thế; hoặc nhỡ nếu phải xuất thế thì cũng là bậc sư phụ đào tạo và hun đúc sĩ tử cho nước nhà mà truyền thừa mai hậu. Đó là mẫu người Quân Tử trong đạo Nho.
 
Bởi đó, để nhìn rõ “chân dung” của Cụ chính xác hơn, qua một lăng kính khách quan hơn, tôi muốn nhờ mẫu mực mà Nho Gia đã dùng làm khuôn thước chuẩn tắc và phương tiện (Tứ Thư: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) để hun đúc và đào tạo giai cấp Sĩ Phu, Quân Tử mà nói và viết về Cụ. Qua khuôn thước mẫu mực ấy, một người quân tử phải có bách hạnh, nhưng tựu chung, hội đủ “ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). [Trong Tứ Thư thì Luận Ngữ là bộ sách nói nhiều về đạo Quân Tử và đầy đủ hơn hết. Khái niệm về đức Nhân được nhắc đến 109 lần, khái niệm Người Quân Tử: 107 lần, khái niệm Lễ: 74 lần, khái niệm Đạo: 60 lần]. Trong Ngũ Thường thì hết 4 điều chú trọng về đào tạo phẩm hạnh (Nhân, Nghĩa, Lễ, Tín) mà chì có một điều duy nhất đề cập đến khả năng học vấn hiểu biết (Trí).
 

 Trước tiên, xin lạm bàn về chữ Trí. THINH QUANG, một nhân vật mà được học giới, văn giới và báo giới công nhận là một người đa tài, đa năng với các danh xưng như: Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Báo, Học Giả, Nhà Nghiên Cứu, Bình Luận Gia… với một công trình đồ sộ gồm trên dưới 50 tác phẩm, một người uyên bác thong thạo 4 ngôn ngữ (Việt, Hán, Pháp và Anh ngữ) thì khỏi luận bàn cũng đủ thấy cái TRÍ của nhân vật nầy. Chẳng những khỏi phải luận bàn mà còn chẳng có ai dám dị nghị. Qua 50 tác phẩm đủ mọi thể loại, người ta thấy được tinh thần “trí tri cách vật” của Cụ. Tinh thần của một Nho sinh, suốt đời "học không chán, dạy người không mỏi", lúc nào cũng chỉ muốn đem cái Đạo của Thánh Hiền ra giúp người và giúp cho đời ổn định. Điều quan trọng là những tác phẩm ấy không phải để độc giải trí, mua vui những khi trà dư tửu hậu, mà, đọc để hiểu biết và yêu thương; đọc để thông cảm và hướng thượng; đọc để am tường và xây dựng. Có thể nói được là toàn bộ những tác phẩm của Cụ là cả một chủ trương đào tạo về hiểu biết và dồi mài về nhân cách trong thinh thần “văn dĩ tải đạo.”… Đó là một công lớn, cái công của một nhà văn hóa… Cũng bởi đó mà Cụ được vinh danh là một Nhà Văn Hóa. Và do bản chất khiêm nhu hiền hòa từ ái… mà Thi Văn Đàn Đồng Tâm, do nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhà văn Tạ Xuân Thạc chủ trương, đã phát hành một tuyển tập vinh danh Cụ với Tiêu đề là “THINH QUANG, Nhà Văn Hóa Thầm Lặng.”
 
Sau chữ Trí thì đức Nhân là một đức mà từ đó mọi nhân đức khác phát sinh và liên tục xoay quanh. Một người mà “học không biết chán” (rành 3 ngoại ngữ), “dạy không biết mỏi” (với 50 tác phẩm mang nhiều tính giáo dục)… thì THINH QUANG quả là người có lòng Nhân to lớn lắm vậy. Khởi đầu của bốn đức tính căn bản là chữ Nhân. Tùy vào căn cơ, khả năng của từng người học trò mà Đức Khổng Tử nói về chữ Nhân khác nhau, nhưng tựu chung, Nhân có nghĩa là nhân tính, cái cốt lõi đạo đức của con người. Nhân là tính mà Trời phú cho con người khi con người xuất hiện và được trang bị thích hợp để đặt họ vào vị trí trung tâm của vũ trụ, làm chủ vạn vật. Lòng nhân ái do nhân tính bẩm sinh mà có. Đã làm người phải biết "chuyên vào việc nghĩa để giúp dân, kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa" (Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi). Cái TRÍ của bậc Quân Tử chỉ là “điều kiện ắt có,” nhưng các đức khác như Nhân, Lễ Nghĩa, Liêm Sỉ, Tín… mới là “điều kiện đủ.”
 
Người ta phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân là lấy cái ĐỨC mà phân biện. Chính cái ĐỨC mới là cái gốc. Tài chỉ là ngọn mà thôi. (Đức giả bổn giả, tài giả mạt giả).
 
Qua bộ Luận Ngữ, tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà Nhân được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Thông thường, "nhân" là một nguyên tắc đạo đức trong Khổng Học. Nhân được Đức Khổng coi là cái quy định bản tính con người thông qua Lễ Nghĩa, quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội. Nhân cũng có thể hiểu là Trung Thứ, tức là Đạo đối với người, giữa con người với nhau. Trung: làm hết sức mình, Thứ: suy từ lòng mình ra mà biết lòng người. Trung thứ là sống đúng với mình và mang cái đúng đó ứng xử tốt với người. Kỳ sở bất dục, vật thi ư nhân.
 
Tóm lại về chữ Nhân, thì Nhân là yêu người. Chỉ những người có đức Nhân mới biết yêu người. Nhân Chính là đạo làm người --sống với mình và sống với người. Nhân của Khổng Tử còn bao gồm nhiều đức khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm trang, cẩn trọng, cẩn thận trong công việc), kể cả Lễ Nghĩa Liêm Sĩ. Qua con người THINH QUANG, tôi còn thấy hiện rõ những đức tình cao quý vừa nói: Lễ Nghĩa Liêm Sỉ, bởi từ lòng Nhân mà có và vây quanh bổ túc cho chữ Nhân. Bốn chữ Lễ Nghĩa Liêm Sỉ được các pháp gia thời Xuân Thu Chiến Quốc gọi là Tứ Duy (Thương Ưởng, Lý Tư, Hàn Phi Tử…). Tứ Duy là 4 giềng mối lớn của một nước. Chính giềng mối nầy làm chấn hưng dân tộc nước đó. Xem thế thì đủ biết Lễ Nghĩa Liêm Sỉ quan trọng và cần thiết đến mức độ nào.
 
Sau đức Nhân, thì chữ Lễ là điều mà tôi muốn nói trước tiên về Cụ THINH QUANG. Sách Lễ Ký cho rằng nếu một người biết giữ Lễ, nghĩa là nếu người ấy biết tuân theo những định luật của trời đất, sẽ đạt được thiên lý, và sẽ sống thuận nhân tình. Thầy Mạnh Tử thì cho rằng nếu một người biết chuyên lo làm việc nghĩa, thì người ấy sẽ được bồi dưỡng khí hạo nhiên của trời đất nơi chính mình. Nói cách khác, nếu ta luôn làm điều hay lẽ phải, trong bất kỳ trường hợp nào ta cũng cố xử sự cho hay cho đẹp, cho hoàn toàn thì tức là ta đã thực hiện được sự hoàn thiện... Nếu nói theo từ ngữ Đại Học, thì làm việc Nghĩa, là làm theo điều hay lẽ phải, ta sẽ làm cho ánh sáng Minh Đức trong ta tỏa sáng dần ra bên ngoài và cảm hóa được chung quanh.
 
Lễ là điều gì hợp lý. Lễ Nghĩa là đầu mối của con người. Lễ cổ xúy tình tương thân, tương ái, tương nhượng, tương kính. Theo KhổngTử, người toàn thiện là người có phẩm chất đạo đức phù hợp với Ngũ Thường, trong đó Nhân được đặt lên hàng đầu. "Người Quân Tử lấy đạo Nghĩa Thành làm căn bản, dùng Lễ để thi hành, biểu lộ bằng đức Khiêm Tốn, hoàn thành nhờ chữ Tín" (Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi). Vậy, con người phải biết Khắc kỷ phục lễ, bởi "Người không có lòng nhân, dùng lễ sao được? Người không có lòng nhân dùng nhạc sao được?" (Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?).
 
Cũng có thể nói Lễ là phương tiện để con người sống hài hòa trong cộng đoàn xã hội hầu tạo cho mình hạnh phúc và sự kính trọng. Từ đó, ta rút ra được một vài bán công thức: “Kính mà thiếu lễ thì khó nhọc, cẩn thận mà thiếu lễ thì nhút nhát, cương dũng mà thiếu lễ thì loạn, thẳng thắn mà thiếu lễ thì nóng gắt" (Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ. Dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giáo). Như vậy, lễ là cơ phận đóng vai trò điều chỉnh hành vi con người, làm cho con người ứng xử với nhau tốt đẹp hơn trên căn bản lấy Thứ làm trọng. Nhờ có "Thứ" mà con người biết "Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì chớ áp dụng điều ấy cho người khác." (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Hoặc: “Thiếu lễ, lấy gì lập thân. Không biết phân biệt phải trái, lấy gì để biết người" (Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử đã, bất tri lễ vô dĩ lập dã. Bất tri ngôn, vô dĩ tri nhân dã). Quân tử khác với tiểu nhân là ở chỗ biết Lễ, bởi đi theo đường chính, nắm được đạo Trung Dung, biết được Mệnh Trời," do nơi người Quân Tử đạt tới chỗ cao thượng (Quân Tử thượng đạt).
 
Cung cách xã giao trong cộng động nhân loại với ngôn từ tốt đẹp là Lễ. Một trong những đặc điểm nổi bật của con người toàn thiện là mối quan hệ của họ với cộng đồng xã hội chung quanh. Khổng Tử nói: "Quân tử thân với tất cả mọi người mà không tư vị, kẻ tiểu nhân tư vị mà không thân với ai." (Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu). Ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy. Vì vậy, khi nêu ra những mối đặc trưng của người Quân Tử, Khổng Tử đã xem xét mối tương quan giữa tính thật thà chất phác (bẩm sinh Trời cho) với học vấn: "Chất phác thắng văn vẻ thì quê mùa, văn vẻ thắng chất phác thì cứng nhắc. Văn vẻ và chất phác đều nhau, mới nên Quân Tử" (Chất thắng văn tắc đã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân nhiên hậu quân tử). Ấy là đạo Trung Dung của người Quân Tử vậy.
 
Bởi đó, có thể nói được, THINH QUANG là một con người uyển chuyển khéo léo, trên khả thượng, dưới khả hạ… do từ Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín mà ra, mà có. Vì xét cho cùng, một cách giản dị, Lễ: định luật tự nhiên …. Nói đến định luật thì phải nói đến tiết độ: Lễ Nhượng. Lễ: lề luật thiên nhiên, nó chính là thiên lý. Lễ là nghi lễ, là tất cả các bổn phận con người đối với trời đất, tổ tiên. Lễ là những cách cư xử tiếp nhân, đối vật. Lễ là thanh lịch, khéo léo. Lễ là phong tục, tập quán hay nói đúng hơn là tất cả những gì gọi là thuần phong mỹ tục. Học thuyết Khổng Mạnh cũng chủ trương rằng muốn được lòng người khác, con người ta phải luôn luôn khiêm cung, nhún mình, trọng người. Chính vì thế mà khi nói đến Lễ, ta thường liên tưởng đến hai chữ Lễ phép, Lịch sự. Lễ chi phối mọi hành vi cử chỉ của con người, những cách giao tiếp của con người. «Lễ không cho phép đi quá trớn, quá giới hạn, mực thước đã qui định, không cho phép xâm phạm quyền lợi của người khác, vũ nhục, khinh khi hay sàm sỡ với người khác.” Nhìn cung cách chừng mực của Cụ THINH QUANG làm cho tôi nhất quyết rằng Cụ giữ chữ Lễ rất mực và nghiêm khắc với chính mình, nhưng yêu thương hòa ái thông cảm và khoan nhượng đối với tha nhân.
 
Bây giờ xin được lạm bàn đến chữ Nghĩa của nhà văn học giả THINH QUANG. Cũng theo Luận Ngữ, Nghĩa là không hành động theo lối riêng tư. Cho nên Nghĩa trước hết phải được hiểu là mọi cách cư xử hẳn hoi. Nghĩa cũng là sự công chính, sự chính trực, cho nên sự bất nghĩa thường được hiểu là gian tà, bất lương, bất chính. Tôn chỉ người Quân Tử là phải sống sao cho quang minh chính đại, dẫu phải nghèo hèn cũng cam. Như thế, còn hơn là theo đường gian tà mà được hưởng giàu sang phú quý. Đức Khổng nói: «Ăn cơm hẩm, uống nước lã, co tay mà gối đầu trong cảnh đơn bạc như vậy mà người có đức vẫn lấy làm vui. Nhưng nếu vì bất nghĩa mà trở nên giàu có và sang trọng, thì ta coi cảnh ấy như mây nổi.”
 
Từ đó, chữ Liêm đối với Cụ càng quan trọng. Liêm có nghĩa là thanh liêm, liêm khiết. Liêm là trong sạch, thanh bạch. Một người Liêm Khiết luôn luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, giữ cho thanh danh mình được trọn hão. «Liêm là thấy của người, không ham được một cách phi pháp.” Thế nên Quản Tử cho rằng: “Không che đậy điều xấu, tức là đức hạnh vẹn toàn.” Và như thế có nghĩa là “Liêm có mục đích bồi dưỡng và kiện toàn nhân cách.” Nếu Lễ Nghĩa là đại pháp để trị người thì Liêm Sỉ là đại tiết để giúp con người nên người. «Vì nếu không Liêm thì cái gì cũng lấy, không Sỉ thì việc gì cũng làm. Liêm không màng lợi lộc, chỉ cốt sao cho hẳn hoi trọn vẹn.” Suốt một đời, Tên tuổi THINH QUANG chưa hề mang bất cứ một tai tiếng nào, và chưa hề có điều tai tiếng nào có thể làm lu mờ đức Liêm Khiêt của Cụ. Cụ đã sống một cuộc đời tiết sạch giá trong như nhiều người đã biết.
 
Đức tính lạm bàn kế tiếp là chữ Sỉ. Người xưa thường đề cao chữ Sỉ và xem trọng như những nhơn đức khác. Sỉ là biết xấu hổ. Sỉ là biết xấu hổ mỗi khi mình làm điều gì xằng bậy. Và Sỉ là không làm điều sằng bậy, chứ chẳng phải nhắm mắt làm bậy rồi xấu hổ vì cái bậy của mình… Xấu hổ không phải là vì tiền bạc thua người, áo xống kém người, nhưng xấu hổ vì đã không làm tròn phận sự mình, là không giữ đúng vai trò chức phận mình… Sỉ là xấu hổ vì những điếu xằng bậy mình đã nghĩ, đã làm. Đức Khổng khen Tử Lộ: «Mặc áo vải cũ rách, đứng chung với những người mặc áo lông hồ lông hạc mà chẳng hổ thẹn, đó là trò Do vậy!». Ngài còn nói thêm: «Kẻ sĩ chuyên tâm cầu đạo, nhưng còn hổ thẹn vì nỗi áo xấu, cơm thô, thì chưa đáng được nghe bàn luận đạo lý.” Luận Ngữ cho rằng: “Điều đáng xấu hổ, là trong lòng gian ác, xấu xa mà bên ngoài dùng lời nói hay, bộ tịch khéo léo, cung cách lịch sự để che đậy; bên trong thì oán ghét người mà bên ngoài lại vờ thân thiết.”
 
Mạnh Tử thì cho rằng: «Biết xấu hổ rất hệ trọng với con người. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt đã bỏ mất tấm lòng hổ thẹn của mình rồi. Khi đã không còn có liêm sỉ như mọi người, thì làm sao mà còn là giống người được nữa!» Những kẻ không còn biết Liêm Sì thì chẳng chuyện gì dơ bẩn trái đạo mà chúng chẳng dám làm. Hạng nấy ăn cắp vặt, nói láo như ranh và rồi còn già họng chối bai bải… đôi khi còn đổ vạ ngược cho kẻ khác. Cụ THINH QUANG, kẻ sĩ liêm khiết, nhờm chán và khinh bỉ sự gian manh dối trá ấy. Chẳng những thế, Cụ đã từng từ chối đứng chung hàng với bọn nầy. Và càng hơn thế nữa, chẳng những Cụ không đứng chung hàng, mà còn không đứng gần những con người bất cố liêm sỉ. Dĩ nhiên, bọn tiểu nhân ấy lồng lộn oán trách Cụ, nhưng sự thật giản dị là “Đức của người quân tử như gió, hạnh của kẻ tiểu nhân như cỏ rác, gió thổi thì cỏ rạp" (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển).
 
Nhân đức sau cùng trong Ngũ Thường là TÍN. Linh Mục Học Giả Cao Phương Kỷ, qua tác phẩm nghiên cứu, so sánh, đối chiếu “Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo,” ngài đã nói rằng chữ Tín không phải chỉ giản dị là mình phải trung thực đáng tin để tạo được niềm tin nơi kẻ khác, mà hơn thế nữa, và quan trọng không kém, là mình phải biết tin người (Tín). Để tin người, chính mình phải có chữ TRÍ và chữ DŨNG. Có trí để phân biệt phải quấy đúng sai chân giả… và một khi đã biết chân giả rồi, phải có đủ can đảm bản lãnh khí phách (Dũng) để thực hành điều mình biết. Đó là Tín vậy. Đối với một kẻ hậu sinh sơ giao như tôi, mà ngay từ những ngày đầu, Cụ đã tin cẩn giao cho một vài công việc. Điều nầy làm cho tôi cảm động và cố gắng giữ mình sao cho khỏi bất xứng, giữ sao cho khỏi làm Cụ thất vọng. Và, phần Cụ, những gì Cụ hứa với tôi, dù sau bao năm dài tưởng chừng như Cụ đã quên, thế mà Cụ vẫn nhớ và chu tất hoàn mãn. Đó là một chữ Tín rất lớn nơi Cụ, từ một bậc Trưởng Thượng đối vối đám hậu sinh.
 
Để chứng minh những điều vừa trình bày trên về chữ Tín, xin đan cử một kỷ niệm giữa Cụ và kẻ hậu sinh viết những dòng nầy. Một kỷ niệm riêng tư giữa một tên tuổi lớn, Nhà Văn Nhà Báo Học Giả Nhà Nghiên Cứu Nhà Phê bình Văn Học THINH QUANG… với một tên hậu sinh cùng quê quán ái mộ Tài Đức của Cụ là tôi. Nguyên là, trong bài TỰA mà Cụ đã viết cho bộ Kinh Vô Thường của tôi, Cụ đã ban cho tôi chữ THIÊN. Chữ ấy lớn lao quá, tôi ngại ngần không dám nhận và đã thỉnh ý một vài vị nhân sĩ [trong đó có Giáo Sư Nguyễn Liệu, nhạc sĩ Trần Điềm, giáo sư Nguyễn Cao Can, Cư Sĩ Lãn Vân… cùng nhà thơ Dzạ-Chi và nhà văn Nguyễn Quang (vietluan.org)]… Tất cả đều có ý kiến rằng nên tôn trọng quan điểm của Cụ. Tuy vậy, lo lắng quá đến bần thần suốt cả tuần, tôi bèn liều mạng viết thư cho Cụ, xin phép Cụ bỏ bớt 2 mẫu tự Ê và N trong chữ THIÊN. Như thế, chữ THIÊN chỉ còn lại là THI mà thôi. Cụ không chịu, và bảo rằng một đời Cụ, suốt 80 năm đọc thi thơ sách báo… và suốt 70 năm cầm bút… cùng với tư cách và 50 tác phẩm của Cụ đủ để bảo đảm những gì Cụ viết về tôi không lầm lẫn và Cụ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chữ THIÊN đó. Cung kính bất như tuân lệnh, tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng theo, tuy trong lòng đầy lo sợ.
 
Để tạm kết luận đôi điều về Nhà Thơ, Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Phê Bình văn học, Nhà Nghiên Cứu, Học Giả THINH QUANG, tôi có thể khẳng định rằng đây là một trong những mẫu người Quân Tử, một trong những bậc Sĩ Phu cuối cùng, xét theo tiêu chuẩn Khổng Mạnh, của cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 và khởi đầu cho thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Nơi con người nầy, tất cả mọi đức hạnh đều sở đắc. Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín Liêm Sỉ… đều có. Bởi Ngũ Thường sung mãn, nên Tứ Duy cũng đầy đủ. Từ những đức hạnh căn bản ấy, nơi con người Cụ toát ra một cung cách hấp hẩn kín đáo. Đó là một mẫu người Trung Dung nhưng mềm mỏng uyển chuyển, nhún nhường nhưng tự tin, chừng mực nhưng lịch lãm. Nơi Cụ, người ta thấy sự nhanh nhẹn nhưng thư thái, nhàn dật, tiêu sái. Nơi Cụ, người ta thấy được tính cẩn trọng nhưng hài hòa thân thiết gần gũi. Đức khiêm hạ, từ tốn, khoan hòa… đã làm Cụ sáng rực rỡ một cách phong lưu nho nhã.
 
Quả thật, Cụ đã sống một đời xứng đáng với kỳ vọng mà Cụ Tổ đã đặt tên cho con trai của Người cách đây 90 năm: TRẦN DŨ KHIÊM (khiêm cung, khiêm nhu, khiêm tốn, khiêm nhượng, khiêm hạ, khiêm từ, khiêm ái…). Và suốt gần một thế kỷ qua, Cụ đã sống xứng đáng với bút hiệu mà chính Cụ (và cùng với hiền nội của mình, Anna DIỆP-TRÂN, ái nữ của Bang Trưởng Đồng Hương Hội Hải Nam - Thu Xà, một Hồng Nhan Tri Kỷ 70 năm dài) đã chọn cho chính mình như một ước mơ và lý tưởng đạo đức suốt đời phải theo, một đời phải đạt: THINH QUANG (ánh sáng trong trẻo của một con người có đức vọng --theo Hán Việt Tự Điển, Đào Duy Anh). Góp bài cùng anh chị em văn nghệ sĩ để ấn hành một Tuyển Tập kỷ niệm Thượng Thọ 90 của Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Thơ, Kịch Tác Gia, Nhà Biên Khảo, Học Giả, Nhà Văn Hóa THINH QUANG, dường như hầu hết mọi người đều nói về cái TÀI của con người đa năng đa diện nầy. Riêng tôi, tôi chỉ dám nói về cái ĐỨC của Cụ qua cái nhìn chủ quan và phiến diện của mình.
 
 
Hậu Sinh Võ Thạnh Văn
 viết tại Phù Hư Am, April 25th, 2012.
 
 
 
THINH QUANG
Danh Nhân Xứ Quảng

 
THINH QUANG -- Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, kịch tác gia, nhà biên khảo, nhà văn hóa, học giả. Tên thật: Trần Dũ Khiêm, sinh năm 1923 tại Thu Xà. Gia nhập làng báo năm 1943. Từng cộng tác với Dân Báo, Thanh Niên Đông Pháp, Tin Mới, Sport Jeunesse de L’Indochine, Tin Điển, Tiếng Chuông, Ngôn Luận, Trắng Đen, Dân Nguyện, Khỏe, Tin Sớm. Chủ báo: Trường Sơn, Dân Luận. Sau năm 1975, làm Chủ Bút các báo: Hồn Việt, Trắng Đen, New York Time, Trí Thức, Viễn Xứ. Tác phẩm: Văn Hóa Đông Phương, Chú Mẽng Tiểu Truyện, Tiếng Chuông, Hối Hận, Đôi Đũa, Trên Đường Quan Lộ, Con Rắn Lửa Huyền Diệu Trong Nền Triết Học Đông Phương, Bí Mật Hy Mã Lạp Sơn, Hỏa Thiêu Thiên Đàng, Khiết Linh, Nắng Thôn Đoài, Mưa Bên nầy nắng Bên Kia, Hoa vàng Trong Thạch Động, Mối Tình Vương Giả, Kiếp Hồng Nhan, Những Loài Hoa Dại, Như Hạt Sương Mai, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Huyền Nhiệm Hy Mã lạp Sơn Tân Biên, Bí Ẩn Của Cái Chết, Tiếng Hú Hoàng Hôn, Bão Rừng… vv…
 
Xuôi Nam ngược Bắc miệt mài
Giạt trôi đất trích nối dài nghiệp thân
Cung. Nhu. Khiêm. Hạ. Chuyên. Cần
Khảo. Biên. Dịch. Thuật. Luận. Bàn. Thư. Kinh
 
VÕ THẠNH VĂN
Trích QUẢNG NGÃI ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
(chưa có cơ duyên xuất bản)
 
 
MỘT ĐỜI
CUNG HIẾN
[Chân Dung THINH QUANG
Nhà Văn Hóa Thầm Lặng]

 

 
 
Lòng người tuôn nước chảy
Miệt mài vẫn trôi xuôi
Tình tràn như sóng vỗ
Suốt một đời chưa nguôi
 
***
Khe lạch rót vào suối
Suối đổ dồn vào sông
Nước sông hồ lai láng
Tưới xanh những cánh đồng
 
Tâm tình dâng mạch ngọt
Âm ỉ từ nguồn sâu
Sương rừng khuya rớt giọt
Trăng đêm rụng khuê lầu
 
Nước từ đi biền biệt
Làm mây khói hoàng hôn
Mây tụ mưa nhuần nhã
Ướt đẫm những tâm hồn
 
Tâm người rộng đông hải
 Chí người cao trường sơn
Ơn người mưa luân vũ
Nghĩa người lụt giòng sông
 
***
Một đời ong mữa mật
Một đời tằm nhả tơ
Một đời dài cung hiến
Một đời đẹp trang thơ
 
Phù Hư am, Vùng BẮC VỊNH
Tháng Ba, ngày 25, 2012

VÕ THẠNH VĂN
 
  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn