VÕ THẠNH VĂN

 
Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA
 
NGỠ MẮt MÔI XƯA (10/12)
Cảm nhận: 
Ca Dao
 
Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn là một nghệ sĩ biểu hiện trong tác phẩm của anh những cảm xúc sâu xa. Anh còn là nhà thơ dùng chữ chắc, chuẩn, gọn nhưng diễm lệ. Câu thơ thì gãy gọn vững vàng, trang nhã, đẹp đẽ. Nhà thơ còn là một nghệ sĩ luôn để tâm hồn và trí tưởng tượng dồi dào của mình vào tác phẩm tạo ra cho người đọc sự truyền cảm.
 
Trong NMMX, viết về một mối tình đẹp, thực và sống. Nét bút phớt nhẹ qua, đã tạo nên những câu thơ thanh thoát. Tính cách nhẹ nhàng ấy là do cách dùng chữ, chọn âm, phối màu. Tạo nhịp thơ chỉ là một phần nhỏ. Phần chính là do cảm hứng thành thật phơi phới như cánh bướm vờn hoa, làm lời thơ bay lên dịu dàng, mềm mại như muốn thoát vòng tục lụy.
 
Chúng ta hãy đi vào những khổ thơ của phần 10 trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa.”
 
#91.
sợi tóc nào bay
qua hồn rất chậm
ta nghe từng chặng
đường phố bụi cay
 
Chỉ một sợi tóc nhỏ, rất nhỏ thôi, nhưng gợi lên một nỗi nhớ rất lớn, len chầm chậm qua hồn thi nhân trong một không gian vừa hờ hững vừa bâng khuâng. Sợi tóc mỏng manh thôi là sợi tơ nhỏ bé sẵn sàng rung động theo những xao xuyến với hoàn cảnh bên ngoài làm người thi sĩ thổn thức, nghe bước chân lạc loài qua “từng chặng đường phố bụi cay.” Chỉ vài nét phóng bút mà ta đã có ấn tượng về thời gian khôn cùng và không gian vây hãm tâm hồn kín đáo, cô đơn, trầm mặc của thi nhân.
 
#92.
nắng rắc rây mưa
trên vai gầy guộc
đôi tay bắt vuột
một thuở đón đưa ...
 
Các mùa thời gian dài rộng nối nhau đi qua nhưng dáng xưa còn ở lại. Ở lại và lưu trú trong cảm nhận của nguời đọc qua thơ của tác giả. Ở lại trong trái tim xúc động sâu lắng của người thi sĩ. Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời hạnh phúc và khổ đau của mỗi người có lẽ chính là dấu ấn tình yêu đã để lại trong lòng những cung bậc cảm xúc vui, buồn, nhớnhung, hối tiếc… “đôi tay bắt vuột/ một thuở đón đưa” là một sự hối tiếc lay động tâm can. Đoạn thơ làm người đọc bị thu hút với nhiều mến thương, bi lụy, quyến luyến, hối tiếc… vì đã để vuột một mối tình thơ mộng.
 
Cuộc đời dài rộng thế, các mùa nối nhau đi qua như thế nhưng thực tại vẫn còn ở lại, đang là… Không có gì vô nghĩa, chẳng có gì vô duyên, sự sống chảy trôi tiếp diễn đón những điều mới mẻ nhưng người xưa nay về đâu, một thuở dành cho nhau nay còn đâu! Thi nhân, người có cảm xúc mãnh liệt thì tất nhiên dĩ vãng không thể bị xóa nhòa bởi thực tế mà luôn giữ chút gì của ngày xưa trong trái tim đa cảm.
 
#93.
qua đọt tình buồn
trên lưng tình hận
dáng ai lận đận
vọng ấm lời suông
 
Khổ thơ mang một nỗi buồn bao la thu hút, thương nhớ xa xôi. “Đọt tình buồn,” “lưng tình hận” cách dùng chữ có sức đem lại cho người đọc cảm giác ngưng đọng, man mác mênh mông, một nỗi buồn thấm thía xâm chiếm tâm hồn. Khổ thơ như diễn tả cuộc tình đã chia ly, tác giả dường như trút hết xuống từng con chữ đong đầy những nỗi niềm, người đi về nơi nao ai có biết! Cả khổ thơ dường như mang đầy tâm trạng cô đơn, quạnh quẽ. Tâm trạng cô quạnh đó được thi nhân dàn trải diễn tả trong những câu thơ chỉ 4 chữ nhưng đầy nhạc điệu gây xúc động lạ thường!
 
#94.
ta thấy trăng chau
chân cầu nước rút
vịnh chia mấy khúc
lạc dấu thuyền câu
 
Vài hình ảnh thôi đã thấy một không gian buồn rũ đầy ấn tượng: Không gian có “ánh trăng chau” (hình tượng nhân hóa), có nước cạn dòng trơ “chân cầu nước rút” khô khốc, có thuyền tình đi lạc dấu xưa… Tất cả là dấu hiệu của sự chia lìa, xa cách. Khoảng không gian vời vợi được miêu tả bằng vài nét chấm phá khiến người đọc hình dung ra khoảnh khắc thời gian nhạy cảm với những bâng khuâng nuối tiếc, dư vị ngậm ngùi, xao xuyến… Không gian đầy hơi lạnh của đơn độc làm nên cảm giác khao khát vòng tay ấm áp.
 
Tạo hóa cho người ta gặp cái hay cái đẹp, liền đó bắt người ta phải chịu đựng cái buồn, cái khổ, cái tàn úa. Phải chăng cái hình bóng của bản ngã, của cá tính bao giờ cũng phảng phất qua mọi trạng thái của tâm hồn, qua suy nghiệm chiếu rọi về cuộc đời?
 
#95.
ai ngâm thơ tình
trong đêm tịnh khẩu
buốt băng khuê đẩu
giây phút trụy tinh
 
Tiếng ai ngâm thơ rơi vào khoảng yên lặng của không gian quạnh quẽ: “ai ngâm thơ tình/trong đêm tịnh khẩu” một cảnh quan trong suốt, lặng thinh như đã hiểu rõ lòng người, như đọc được một nỗi buồn đong đầy thương nhớ. Tiếng ngâm trong đêm đã dẫn người nghe vào âm thanh, qua hình ảnh rồi đến cảm giác một cách thần tình.
 
Phải có cảm xúc tinh tế mới nghe được, mới thấy được những biến chuyển của âm thanh trong không gian qua giọng ngâm thơ trong đêm vắng. Thử tưởng tượng giọng ngâm khi lên cao, khi chơi vơi thánh thót, khi nỉ non, khi trầm lắng, khi dồn dập… trong đêm yên ắng như hòa hợp với khúc ngâm trong lòng người thưởng thức... “trong đêm tịnh khẩu-buốt băng khuê đẩu...” từ ngữ dồi dào của thi nhân đã khơi nguồn cho cảm xúc, gợi lên cái cảm giác lạnh lẽo giữa bầu trời yên ắng mênh mông. Lòng người dù sắt đá đến đâu cũng phải se lại và nỗi buồn hiện lên trong tâm khảm. Ngọn bút của thi nhân trong đoạnthơ đưa đến cho ta một cảm giác rờn rợn, bồi hồi rung động trước cảnh quan sâu rộng của cảnh vật và cái huyền bí của trời đất bao la.
 
#96.
xin cho mây qua
xin cho mưa gội
cho tình chín vội
đỏ hạt khổ qua
 
[Xin phép nói riêng một chút về từ “khổ qua” (苦瓜). Từ này gốc Hán Việt. Chữ “khổ” (苦) có bộ “thảo.” Theo Từ Điển Hán Việt của Thiều Chửu, “khổ” có nhiều nghĩa: 1. Đắng 2. Khốn khổ 3. Tân khổ vv…“Qua” (瓜): Các loại dưa có quả đều gọi là “qua.” Tiếng Việt và tiếng Hán “khổ qua”(苦瓜), danh từ, là trái “dưa đắng”,“mướp đắng.” Ca dao VN có câu: “Đói lòng ăn trái khổ qua / Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười. Âm “qua” chữ Việt, động từ, là đã trải hết, đã xong, đã thuộc về quá khứ. “Khổ qua” là khổ tận. “Khổ tận” thì “cam lai,” đắng hết thì ngọt đến, hết lúc cực nhọc sẽ đến lúc sướng vui.]
 
Có mối tình nào không sóng gió gập ghềnh, tình duyên nào không trắc trở, nhiêu khê? Lạnh lẽo của cuộc đời làm cho con người càng có cảm giác đơn độc, càng khao khát sự ấm áp, chở che vượt qua bao chông chênh, vấp váp. Mong mỏi cho cuộc tình dài lâu, mong ước sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại, để đến với hạnh phúc vô bờ là chuyện thường tình của đôi lứa đang yêu. “xin cho mây qua…/ đỏ hạt khổ qua”, đoạn thơ trùng tự, dùng 2 chữ “qua” (cùng một chữ mà có thể hiểu là danh từ hay động từ) một cách nên thơ, duyên dáng và cố ý chơi chữ. Trong quá trình “thành, trụ, hoại, không” của trái khổ qua, ví như trái đắng của tình yêu, “chín đỏ” là trái đang ở giai đoạn “không.” “Không” để bước qua chu kỳ mới: thành, trụ,... Ở chu kỳ mới này hy vọng sẽ không “để lỡ, sẽ không còn cảnh“đôi tay bắt vuột / một thuở đón đưa” này chăng?
 
#97.
cho thẫm giấy xanh
cho hồng mực đỏ
bài thơ cuối vở
đọng giọt nắng hanh
 
Lời thơ êm dịu, tha thiết, lưu loát. Đó là cái cảm giác ngọt lịm lúc ban đầu, sự mong ước một cuộc tình ngọt ngào, đằm thắm, lãng mạn như thơ. Mong muốn cuộc tình với “Ngỡ Mắt Môi Xưa” mãi đẹp. Thi nhân đã tạo nên một bức tranh tình yêu giản dị nhưng đầy màu sắc bằng cảm xúc: “thẫm giấy xanh – hồng mực đỏ” rất tươi mát, rồi “giọt nắng hanh” mùa hè đi hoang vào bài thơ tình trên trang giấy thơm nồng... Thi nhân tô màu cho cuộc tình.
 
Màu sắc, ánh sáng được mô tả tinh tế chính là màu sắc ánh sáng của tâm hồn thi nhân níu giữ cái nhìn của người đọc, cảm thấy cái gì đó rất hư huyễn phù hợp với những biến chuyển của tâm hồn, đâu đó đọng lại một nuối tiếc mơ hồ khiến một nỗi buồn lan rộng và gây cho người đọc một cảm xúc nhẹ nhàng mà thấm thía.
 
#98.
cho bướm vẫn qua
cho ong còn lại
xin cho nụ dại
nở ngát đài hoa
 
Vẫn là mong ước cho cuộc tình còn mãi với thời gian, phảng phất chút hương vị mơ hồ của mối duyên tình thơ mộng. Thật không có gì vừa bâng khuâng vừa sâu lắng ý nhị cho bằng cái niềm yêu ban đầu thầm nở thật xuân tình như kia. Âm điệu thơ đều đặn, chậm rãi với những từ ngữ được sử dụng cho ta biết cái tình cảm rạo rực trong giây phút im lặng trong đêm đầy nghệ thuật.
 
Thật tài tình, trong đoạn thơ thi nhân khép lờ lững thời gian và không gian tự nhiên theo một trật tự thích hợp và rất khêu gợi nhưng có đôi phút giây im ắng đầy ý nghĩa mà hiệu lực khơi sầu mạnh mẽ tràn lan.
 
#99.
lệ tình long lanh
như sương ngấn tích
sóng hồ ngọc bích
bằng bặt thu xanh
 
Khổ thơ ngắn cho ta thấy được tâm hồn thi nhân đa cảm, mối tình canh cánh nặng mang, lòng ngơ ngẩn khi nhìn thấy cảnh hồ thu ngập hơi sương lạnh, biết bao tình cảm ngổn ngang trong lòng. Đoạn thơ như vang động trong lòng ta một khúc nhạc thu dìu dặt nhớ nhung“lệ tình long lanh/ như sương ngấn tích…” mối tương quan giữa cảnhvật và tâm hồn tạo một nỗi buồn man mác thổi tạt qua lời thơ.
 
Giữa cảnh vật ấy, tình cảm thi nhân lan rộng một cách dễ dàng gây cho người đọc một cảm xúc nhẹ nhàng thấm thía. Sự giao hòa giữa tình và cảnh tạo cái duyên dáng êm nhẹ trong khổ thơ khiến ta thấy sự hòa hợp linh diệu thầm kín giữa người và tạo vật làm cho tâm hồn ta nao nao vì một tình ý nào xa vắng mệnh mông, ẩn hiện mập mờ, nhưng cũng vì đó mà thu hút làm cho chúng ta rung cảm.
 
#100.
tiếng guốc ai về
có ta thức đợi
âm vang vời vợi
từng bước so le
 
Thi nhân thao thức đợi nghe “tiếng guốc ai về” trong đêm thanh vắng. Âm thanh của tiếng guốc là vật liệu mà tác giả dùng một cách sành sỏi, nhẹ nhàng để tạo ra một sự liên tưởng về một gót hài thanh tú. Bút pháp đơn giản nhưng tài hoa vẽ nên những hình ảnh, âm thanh, đường nét linh động tạo nên một bức họa vô cùng đẹp đẽ. Nhà thơ Võ Thạnh Văn với cách dùng chữ tinh vi, chữ nào chỗ ấy, ý nghĩa phân minh chẳng khác nào một nhạc sĩ lành nghề sử dụng một ngón đàn lão luyện bấm phím nào đáng phím ấy phát ra những âm thanh trong trẻo.
 
Bằng nghệ thuật già dặn tuyệt vời, thi nhân đã viết nên bài thơ kết thành một khối thống nhất, ngân nga, các câu theo nhau trôi chảy, không chữ nài ép, không vần nào cưỡng gợi cho người đọc một ấn tượng về một nỗi buồn dài và lặng, rung động mãi mãi trong tâm hồn người đọc…
 
Ca Dao, Khánh Hoà, 2022.


  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn