VÕ THẠNH VĂN

Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA

NGỠ MẮT MÔI XƯA (3/12)
Nguyệt Nguyễn


Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN là một thi sĩ đương đại, đã sáng tác không ngừng nghỉ, thêu dệt những áng thơ lồng lộng tình trường của liêu trai chí dị, trong sáng và mãnh liệt,.. Những áng thơ của thi nhân họ VÕ đã trở thành một THIÊN TRƯỜNG THI TỨ TUYỆT diễm tình. “Ngỡ Mắt Môi Xưa” quả thật là một “Diễm Tình Ca” của bậc tài tử thênh thang mây gió, long lanh tinh tú, đầy ắp sông nước, mây khói phù hư… nơi cõi trần dung tục.

Qua thiên tình sử liêu trai ấy, ta thật ngỡ ngàng và rung động tận cùng với bút pháp sung mãn, đầy nội lực, chữ nghĩa thâm viễn mà không kém phần tình tứ, lãng mạn, thần thái bay bỗng. Từng con chữ, từng dòng thơ rung chuyển tâm hồn người thưởng ngoạn. Cái duyên dáng của thơ Võ Thạnh Văn cứ trôi chảy miên man vô tận như dòng suối mùa xuân ven rừng lan thơm ngát. Ở nơi đó, ẩn hiện bóng dáng giai nhân tuyệt sắc, trong giấc mơ, khi đêm về, giữa không gian mờ ảo. Thơ chàng như sương, như khói. Gót hài người ngọc sãi bước trên xác lá khô của mùa thu ươm gió heo may và lành lạnh, để tìm đến thiền am Phù Hư... Phù Hư am là nơi mà nhà thơ ẩn dật khép mình trốn đời, lánh đời trầm ngâm niệm chú cho kiếp nhân sinh phù mộng.
 
Chúng ta thử đi vào những bước đường tình lãng mạn của thi nhân, qua từng đoản khúc:

21.
“ta thấy người về
“mây nghiêng bóng xế
“hình lan bóng quế
“chập chờn cơn mê


 Giai nhân tuyệt trần như hoa lan thơm phức, sang trọng, qúy phái, làm mây phải nghiêng và buổi chiều tà rờn rợn liêu trai phải xế vội, nhà thơ đã dùng từ "bóng quế" tượng thanh, tượng hình. Có phải chăng, giai nhân chỉ về trong giấc mơ của nhà thơ đang trong cơn mộng. Mùi hương giai nhân là hương phong lan. Một loài vương giả chi hoa. Ôi mỹ nhân tuyệt vời trong mộng ảo, sang quý tuyệt trần, từng đi về với nhà thơ trong mơ. Và nàng, quả tình đã khiến nhà thơ ngây ngất trong tình mộng liêu trai. Một đời, đâu dễ được yêu người trong mộng. Khi tỉnh thức, nhà thơ có tiếc nuối chăng? Hay là tình của thiên thu mộng ảo làm tâm hồn chơi vơi, lâng lâng như rượu mạnh… để say đắm mãi và còn chập chờn trong ý thức vô biên. Cũng có thể giai nhân đã từng một thời dâng hiến tình yêu cho Phù Hư Dật Sĩ. Bây giờ, tuy nàng đã xa, chỉ còn đi về trong những cơn mơ thôi. Dù có hay không, bốn câu tứ tuyệt trên chứng tỏ nhà thơ cũng là người si tình bậc nhất thiên hạ, hơn cả Nã Phá Luân đại đế.

22.
“đôi mắt vẫn trong
“đáy sâu hồ thẳm
“má còn hồng thắm
“mùa phượng trổ bông.


Dù nhà thơ cố làm cho những cú pháp vần điệu trôi chảy tự nhiên… nhưng ở đây, chúng ta vẫn thấy được một cách mạch lạc, từ những câu thơ trước, để biết nhà thơ Võ Thạnh Văn nghĩ gì mà viết bốn câu thơ (trong khổ #22) này. Chắc chắn, chàng đã nhìn thật kỹ vào mắt tình nhân, ở đôi mắt đẹp vẫn sâu thẳm, như luôn đón nhận những gì mà nhà thơ dâng hiến… để mất hút trong bình yên bão quét của yêu đương. “Má còn hồng thắm." Khi người phụ nữ đã trải qua những giông bão cuả tình yêu mà má vẫn hồng thắm thì thật là giai nhân được xếp vào hàng tuyệt sắc. Kiểu như Nguyễn Du diễn tả về sắc đẹp Vương Thuý Kiều khi mới được vớt lên từ sông nước Tiền Đường: “Trên mui lướt thướt áo là / Tuy dầm hơi nước chưa loà bóng gương.” Giai nhân của Phù Hư Dật Sĩ đẹp rực rỡ như phượng vỹ đang khoe sắc, mùa dâng hiến tình yêu. Bốn câu thơ trên cũng đủ cho chúng ta biết dù giai nhân của nhà thơ có những trận tình bão táp vẫn còn mặn nồng hương sắc mỹ nhân.

23.
“mắt hạt huyền khuê
“sáng ngời bích ngọc
“sang thu mời mọc
“trăng rụng bờ mê.


Bốn câu thơ nầy cũng để phụ hoạ thêm đôi mắt giai nhân cho lộng lẫy, sáng ngời và đen như hạt huyền ngọc, lung linh sáng như ngọc bích. Thời gian ấn định một mùa yêu đương lãng mạn là mùa thu có gió heo may, để nàng thèm chui vào lòng người yêu, mà không cần nói một lời, đủ thổn thức dâng ngập lòng đê mê. Mùa thu mời mọc hay thi nhân cuốn hút?! Chỉ có hai người mới biết cuộc lữ hành của tình yêu mê đắm ái ân đến đâu. Tình yêu ấy đã làm trăng kia phải ghen tuông đến rụng bờ mê. Chúng ta đọc câu cuối cũng ngất ngư với trăng vàng rơi rụng trước nhan sắc giai nhân, với nét đam mê tình tứ, với sức lôi cuốn mãnh liệt… mà Thượng Đế đã ân ban cho Tổ Mẫu EVA, và đám con cháu sau nầy, từ thuở tinh khôi trong vườn lạc viên có tên EDEN luôn âm ỉ sóng gió Nguyên Tổ, trong Khởi Nguyên, Cựu Ước.

24.
“Má lúm nụ sim
“môi thề chuyên nhất
“đêm ta nhập thất
“sầu gợn qua tim


 Nhà thơ luôn mơ hình bóng người đẹp, với cả mắt, cả má, cả môi. Người tình gợi nhớ nhất cũng là ba địa điểm tôn nghiêm nầy. Chúng luôn khiêu gợi, khêu khích, mời mọc… để đối phương ngây ngất. Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc. Ở đây thi sĩ đã tỏ bày quá rõ ràng sức đam mê, sự mong muốn đã làm con tim chàng héo uá mà người trong mộng thì muôn trùng xa, chỉ đi về thoáng chốc trong mơ, hư ảo. Đôi môi mọng đỏ ấy như nụ sim chín chờ người. Đôi má hồng nồn nộn ấy cứ như múi mít thơm lừng hơi hướng quê hương. Đôi mắt hồ thu lung linh ấy toả sáng, dù diệu vợi mơ hồ, cũng đủ soi lòng tác giả bước đi trên lối mòn tình xưa. Với thi nhân, thì mắt môi má là biểu tượng của tình yêu, của dĩ vãng, của mộng mơ, và của ước vọng hạnh phúc nhân sinh dung dị.

25.
“ta ủ trầm hương

“đọc kinh đại tụng
“buổi chiều nắng rụng
“môi mắt thê lương.


 Bốn câu thơ đã làm tâm hồn đang nhớ người yêu bỗng trở về với thực tại tu tâm niệm chú. Nhà thơ như đang tĩnh lặng trong hương trầm thơm để lời kinh mầu nhiệm trong buổi chiều hắt hiu nắng vàng còn vương toả mùi thiền. Thi nhân nhìn lại chính mình, sau những đêm mộng mơ, cho đến giờ nầy đây, môi mắt cũng còn vương nỗi buồn chờ đợi. Với khung cảnh lặng thầm của một không gian tĩnh mịch, chỉ núi non sương khói và thời gian dần trôi để lòng người muốn tìm quên lãng những cuộc tình sóng ngợp đã qua, đã thuộc về dĩ vãng. Đó là thực tại của một thiền sư mang nặng tình yêu và cảnh giới bên bờ tiểu ngô. Bốn câu thơ này cũng làm cho ta tịnh tâm và dường như trút bỏ được hết nợ trần khi câu kinh khe khẻ hoà vào bóng hoàng hôn ảo diệu. Thanh sắc còn, nhớ mong còn. Và, nhà thơ tài hoa của chúng ta, vẫn còn xa con đường giải thoát diệu vợi.

26.
“thắp vội hương đăng
“cầu em vạn phúc
“ta viết di chúc
“để lại trên băng.


Quá say sưa và mãn nguện khi đọc đến khổ thơ 26 nầy. Một cuộc tình đã xa, có mấy ai chúc người mình yêu được vạn phúc! Giai nhân tự hỏi: “Nếu người tình lỡ ấy hạnh phúc thì làm gì còn nhớ nhung mình nữa.” Nhà thơ VTV quá khôn khéo, khi viết những câu thơ làm mát dịu lòng người đã từng ôm ấp quấn quít nhau, mà vì lý do nào đó họ phải xa nhau. Di chúc gì mà để lại cho người tình xưa? Có thể là những lời yêu thương mật ngọt mà thôi. Tưởng rằng nhà thơ giấu kín trong tim mình, hoá ra di chúc được viết trên băng. Băng tan, di chúc vữa. Hỡi ơi! Người xưa ơi! Giai nhân ôi! Vẫn một lòng tin tưởng nhà thơ còn ghi dấu trong tim hình bóng mình?! Cũng có thể nhà thơ muốn tâm hồn thanh bạch để quên đi quá khứ, nên để hình bóng nàng tan theo băng giá, tan theo hương trầm thơm muôn thuở của câu kinh và thiền ca trần thế.

27.
“ta gọi mây trời
“về làm nhân chứng
“vạch tìm thi hứng
“trong giọt buồn trôi.


Bây giờ, nhà thơ đang tìm quên, và có thể quên được bóng dáng giai nhân. Không. Chàng cứ gọi mây trời đi! Mây là tay lãng tử mãi mãi thênh thang lang bạt kỳ hồ khắp bốn phương trời. Nên mây có làm chứng được đâu, chỉ hứa cuội và làm chứng cuội mà thôi. Rồi mây sãi cánh giang hồ trong quên lãng. Chẳng qua nhà thơ ngụ ý là chưa chắc mình quên được người xưa! Đúng là khi buồn mới làm thơ hay được, nên chi nhà thơ Võ Thạnh Văn không cần gì vạch tìm thi hứng nữa. Nó đang ở trong tâm hồn nhà thơ đó! Đối với Phù Hư Dật Sĩ, thì chắc chắn trong kho tàng Kinh, Điển, Luật, Tạng, Tân Ước, Cựu Ước, Vệ Đà, Thánh Ngôn, Mật Chú… đã đem đến cho chàng nhiều thi hứng, thần hứng, uyên bác, hàn lâm… thì mặt khác, mắt môi và hình bóng giai nhân đã đem đến vô vàn nhã hứng, dư hứng, hứng khởi, hứng thú, hào hứng, ngẫu hứng vô tận, vô cương.

28.
“ta niệm linh phù
“(tịnh thanh thần chú)
“em say thuốc lú
“guồng tơ rối mù


Đúng là nhà thơ có nhiều bùa chú và thần chú để làm cho giai nhân (người tình) xiểng liểng, mê man, bất tỉnh nhân sự trong tình yêu. Nàng đi vào đường tình rối mù rối mịt như tơ vò, mà không tài nào thoát ra khỏi đó, dù chỉ một giờ, một ngày. Con đường tình ấy rối mù như trận Ngư Phúc Phố của Khổng Minh Gia Cát. Hay là, nàng đã say, như say thuốc lú, như lậm bùa mê… làm ngây ngất tâm thần đang mùa dâng hương lễ bái. Mê thuật tình trường của thi sĩ quả là cao siêu đáng nể, công lực của bùa mê thuốc lú đã được thi nhân luyện công phu và đã đạt được đến cảnh giới siêu phàm… Kết quả là, cả hai, chàng và nàng, đều quên mất lối về. Như Nguyễn Khắc Hiếu đã diễn tả trong Tống Biệt: “Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai …” Tiểu nữ thuộc hàng hậu sinh, xin cung tay đãnh lễ và bái phục sư phụ...

29.
“tàn một mùa hoa
“ong về lối cũ
“chờ mùa nước lũ
“ta đón người qua.


Thi nhân Võ Thạnh Văn quá tuyệt vời khi viết lên những câu thơ ví von, nhiều hình ảnh, giàu nhạc tính và đầy ắp ấn tượng. Sau cuộc ái ân, hoa lá tả tơi, ong bướm xác xơ… không gian như chìm đắm trong yên ắng và hai người đã mỏi mệt, muốn bình yên ngơi nghỉ. Chờ khi đam mê say ngập tình ái… Và, chờ cho đợt sóng tình kế tiếp dâng cao trở lại, mà nhà thơ đã ẩn dụ như "Chờ mùa nước lũ / Ta đón người qua…" Để rồi cái vòng lẫn quẩn của ái ân tình nghĩa gừng cay muối mặn lại diễn tiếp. Dù cho ong bướm tả tơi, nhưng với thi nhân thì trở nên ngọt ngào hơn, mãnh liệt hơn, để cho chàng và nàng (nhất là nàng, người giai nhân kỳ nữ) cuồng quay trong mê đắm hương hoa, thanh sắc, nhục thể phù vân cõi tạm.

30.
“tình trong cơn mơ
“đẹp như lan ướp
“bướm ong nườm nượp
“phấn nhụy xác xơ.


Một lần nữa, thi nhân lại đổ cho tình chỉ ở trong mơ mà thôi, không vướng mùi tục luỵ. Chàng đã biến hoá phù phép thật lão luyện, trộn lẫn quá khứ và hiện tại, kéo dài hiện tại đến tương lai! Dù tình mộng hay thực, thi nhân đã tài tình ví von ảo diệu làm người thưởng thức lắm ngạc nhiên. Từng đoản khúc thơ, đi từ tâm trạng này sang tâm trạng khác, cũng chỉ là tình yêu thôi. Một tình yêu thiên hình vạn trạng. Võ Thạnh Văn là nhà thơ hiện đại nhất đưa thi ca lên tuyệt đỉnh mù sa của ái tình nhuốm chút thiền vị, được lăng kính kinh Phật Thừa chiếu sáng, nên rất nhiệm mầu, lung linh hoa ảnh. Thơ chàng mãi là thế, để trần gian bớt bụi bặm, để tình yêu vẫn ngọt ngào từng cung bậc, để người tình luôn thủy chung bên chàng dù trong quá khứ xa xôi, dù trong cõi mộng mị mơ hồ liêu trai huyền hoặc.
 
Đến đây, ta hình dung một cách rõ ràng, qua 10 khổ thơ trên, thì thi nhân họ VÕ, người có tâm hồn cao siêu thoát tục giữa cuộc đời bấn loạn. Chàng có mái tóc tuyết trắng tinh khôi, đôi mắt sáng và nụ cười hiền của bậc CHÂN NHƯ ĐẠO HẠNH. Nhưng với tình yêu phái đẹp, có lẽ chàng có khá nhiều giai nhân mê mệt vì con người chàng đầy nghệ thuật sống, với thơ với rượu, với trà và với giai nhân. Những hấp lực từ người đàn ông lịch lãm ấy, có thể đưa nàng thơ đến mê cung của lâu đài tình ái, mà hồng nhan tri kỷ thà chết, để dâng hiến, trong giờ phút truy hoan, còn hơn theo đuổi những le lói mơ hồ trong diệu vợi xa xôi…. Bởi vậy, thi nhân phải khép mình tu niệm và ở ẩn lánh đời, để tôn thờ những mối tình đã và đang đi qua đời chàng đến nghẹt thở trong hạnh phúc. Mọi thứ vẫn cứ thế, miên man, bất tận. Heraclitus, một triết gia Hy Lạp, 500 năm trước Công Nguyên, từng nói: “Đời là dòng chảy.”

 Xin tri ân thi nhân nhiều thật nhiều.

 HOUSTON, USA, 18 tháng 1 năm 2022
 Nguyệt Nguyễn.

 
ĐỆ NHẤT HỒNG NHAN TRI KỶ
[Trong "Ngỡ Mắt Môi Xưa," VTV -- Phần 3/12]
Bài cảm nhận: Nguyễn Cẩm-Thy
 

Căn cứ vào Văn Học Sử Trung Quốc, thì Tô Đông Pha có 7 người vợ, nhưng họ Tô vẫn xem Triêu Vân là Đệ Nhất Hồng Nhan Tri Kỷ… Tại sao? Duyên cớ? Vì đâu? Bởi, với thời gian thì cái đẹp của nhục thể luôn là cái đẹp dễ mất nhất. Cái đẹp của Tứ Đại Mỹ Nhân rồi thì cũng chỉ có giá trị thời gian chừng mực, trong một giai đoạn, được tiểu thuyết hoá. Mà cái đẹp ấy, với nhiều người, tuy hiếm quý như châu ngọc, nhưng không phải ai cũng có duyên sở hữu. Nó là một thực thể mong manh dễ vỡ dễ mất của thanh sắc, ai cũng biết, ai cũng thấy, mà không phải ai cũng mê mệt. Người quân tử thường không phải hạng người hiếu sắc, mà họ chuộng đức.
 
Người tình trong mộng của Phù Hư Am Chủ Võ Thạnh Văn, chắc chắn phải là người đẹp, đẹp theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng…. Và nét đẹp ấy, chắc chắn còn đẹp hơn, khi bóng dáng người đẹp đã lui vào quá khứ. Giờ đây, bóng dáng giai nhân chỉ mập mờ ẩn hiện, thấp thoáng mờ tỏ. Và cái đẹp ấy, để được tác giả nhớ thương trân quý lâu dài… chắc chắn phải là cái đẹp của tâm hồn, của đức hạnh, của mẫu nghi, của dung mạo đoan chính.
 
Với một người cả đời đọc sách Thánh Hiền, hiểu biết rộng, uyên bác và trọng đức… chắc chắn tác giả có một số quy tắc chuẩn mực để chọn một người tình. Hình ảnh 2 bà Nga-Hoàng, Nữ-Anh nhị vị phu nhân của vua Thuấn là những hình ảnh đẹp. Nhiều, còn nhiều những bậc hiền ngoan thục nữ, tỷ như: Sái Cơ vợ Chiêu Vương, Trang Cơ vợ Trang Vương nước Sở, Ngu Cơ tỳ thiếp của Sở bá Vương Hạng Võ, nàng con gái vua nước Tề, làm dâu nước Vệ, hoá chồng… Mạnh Quang vợ Lương Bá Loan, Đào Anh người hoá chồng nước Lỗ… Còn nhiều. Còn muôn vạn đàn bà con gái trong đời đáng mặt anh thư nữ kiệt… Ta hãy xét xem, Hồng Nhan Tri Kỷ của tác giả Ngỡ Mắt Môi Xưa thế nào mà được chàng khắc cốt ghi tâm một đời cúc cung trọn nghĩa, vẹn tình…
 
* * * * *
Xưa nay tình yêu nam nữ vốn luôn hiện hữu nhiều cung bậc như lãng mạn, mơ mộng, thiêng liêng, cao thượng, phàm tục, bi đát, đắm đuối, si mê... Đến với phần 3 của thiên trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa” của nhà thơ Võ Thạnh Văn, chúng ta sẽ bắt gặp hết tất cả những cung bậc ấy, qua 10 khổ thơ tiếp theo. Mở đầu phần 3 là đoạn tác giả đưa ta vào giấc mộng, ở đó ta bắt gặp bóng người giai nhân năm cũ, xuất hiện một cách hết sức nhẹ nhàng và tinh tế, như mộng, như mơ, như bóng mây qua, như hơi gió thoảng.
 
21.
ta thấy người về
mây nghiêng nắng xế
hình lan bóng quế
chập chờn cơn mê
 
Trong cơn mê ngủ, những giấc mơ chập chờn mộng mị từng đêm của tác giả luôn ẩn hiện thấp thoáng một hình bóng giai nhân. Phải chăng vì quá nhớ mong mà làm cho người ta thường hay mộng mị? Quả thật, rất đáng trân quý những giấc mơ có bóng dáng người mình thương. Thời gian là buổi chiều tà xế bóng, không gian huyền hoặc, dáng người ẩn hiện chập chờn trong hư ảo, tạo cho người đọc cảm giác vừa thật, vừa mơ, chợt có, chợt không. Điều này đã làm nên nét độc đáo rất riêng biệt trong phong cách sáng tác của Võ Thạnh Văn. Nét riêng biệt ấy là cái style, cái bút pháp, cái văn phong, cái phong vận, cái phong cách, cái phong thái, cái thần thái… của từng tác giả. Style c’est l’homme là thế. Cung cách nói lên con người… mà lâu nay, người ta vẫn thường dịch: "Văn tức là người."
 
22.
đôi mắt vẫn trong
đáy sâu hồ thẳm
má còn hồng thắm
mùa phượng trổ bông
 
Ở khổ thơ #22 nầy, chúng ta có thể thấy rằng, dù trong cơn mơ mộng chập chờn như thế, vậy mà nhà thơ của chúng ta vẫn nhìn rõ đôi mắt trong veo sâu thẳm của người yêu. Và đôi má thắm hồng như thuở tình vừa chớm nở, vào mùa phượng trổ hoa đỏ thắm góc sân trường quen thuộc. Tôi thích hình ảnh mùa phượng trổ bông, người ta lưu luyến chia tay mối tình đầu vừa đau, vừa đẹp. Đã có rất nhiều ca từ nói về mối tình đầu hồn nhiên trong veo ấy. Nhưng có lẽ, niềm đau đáu và nỗi nhớ thương dìu dặt suốt những tháng dài triền miên, trở thành cơn mộng mị giữa ranh giới thực và mơ, thì chỉ có trong thơ của Võ Thạnh Văn là ta dễ dàng bắt gặp nhất. Ánh mắt, bờ môi của người giai nhân năm xưa đã cột chặt trái tim của tác giả suốt những năm tháng dài dằng dặt dâu bể... Điều này được nhà thơ thể hiện rỏ hơn ở khổ thơ tiếp theo.
 
23.
mắt hạt huyền khuê
sáng ngời bích ngọc
sóng thu mời mọc
trăng rụng bờ mê
 
Đẹp làm sao đôi mắt long lanh xanh biếc như hạt “huyền khuê." Tác giả ví đôi mắt giai nhân lung linh sáng như vì sao Khuê trong nhị thập bát tú. Đẹp như viên “bích ngọc.” Tác giả dùng điển tích Trương Hoằng đời nhà Chu chết ở đất Thục. Ba năm sau đào mã thấy máu chưa tiêu mà hoá ra sắc biếc. Có lẽ ý tác giả muốn nói rằng đôi mắt giai nhân có màu xanh biếc vì thuỷ chung và có chút hận ly biệt chăng?! Tác giả còn ví đôi mắt ấy đẹp yên bình dường mặt nước hồ thu. Tất cả chỉ gợn nhẹ qua lòng người thi sĩ như gọi mời, như đưa đón, như ru ngủ những lời yêu thương nồng nàn da diết. Trước đôi mắt gợi tình say mê ấy, thật khó cho bậc lãng tử tình si không chìm vào cơn sóng tình say đắm.
 
Vầng trăng kia rụng vào bờ mê, hay chính tác giả thừa nhận rằng mình đã làm rơi trái tim mình vào thi vị tình yêu ngọt ngào của người giai nhân. Miền đất Quảng xa xôi nóng cháy ấy, nơi tác giả được chào đời và lớn lên một thời thơ ấu ngắn ngủi, làm sao có thể sinh được một người tài hoa? Hay là, những cội tùng, cội bách, cội cổ mai… mọc trên núi cao, trong những kẽ đá, trên đỉnh Ly-Băng hay vòm Yosemite bốn mùa tuyết phủ, quanh năm thiếu nước… mà phải oằn mình lớn lên với năm tháng, nên mới có những nhánh cành đâm ngang chém dọc, tạo ra những thế thanh, kỳ, cổ, quái?!... Hay là miền đất khô cằn quanh năm hạn hán Trung phần ấy là địa linh nên tất yếu phải sản sinh ra kỳ nhân, hào kiệt?!
 
24.
má lúm nụ sim
môi thề chuyên nhất
đêm ta nhập thất
sầu gợn qua tim
 
Dường như người thi sĩ đa tình của chúng ta không chỉ ngất ngây chìm sâu vào đôi mắt ái tình, yêu đương huyền hoặc ấy. Mà, đôi má hồng lúm sâu nụ sim tím, bờ môi giai nhân từng thề nguyền, hẹn ước cho một cuộc tình dài lâu cũng được tác giả nhớ như khắc như in tận tâm thức, và cả trong tri thức. Để đến mãi bây giờ, (trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa được trước tác trong khoảng thời gian năm 2000), những giây phút nhập thất, thiền định mong gạn lọc làm lắng lại lòng mình… thì gương mặt mỹ miều năm xưa lại hiện ra, gợi lên một phút nhói lòng cho tác giả. Ta có thể cảm nhận trái tim của nhà thơ Võ Thạnh Văn vẫn mãi bồi hồi thổn thức với hình dung thiên kiều bá mỵ năm xưa. Đã nhập thất trì tụng… mà còn cảm được “sầu gợn qua tim.” Khổ thật. Khoản khổ tâm nầy là tình luỵ chăng?
 
25.
ta ủ trầm hương
đọc kinh đại tụng
buổi chiều nắng rụng
môi mắt thê lương
 
Nơi đoạn thơ này ta bắt gặp được sự chạnh buồn của tác giả. Sau những tháng năm dài rong rủi, thi nhân về "ủ trầm hương, đọc kinh nhật tụng..." ta có thể cảm nhận được sự sâu lắng và nỗi buồn cô độc của một người tuổi đã xế chiều, mỏi bước giang hồ phiêu bạt, với "môi mắt thê lương." Môi mắt nào thê lương? Môi mắt của tác giả hay môi mắt của giai nhân? Có lẽ cả hai, vì ngăn trở, vì xa cách, vì Sâm Thương đôi ngã, vì âm dương nóng lạnh, vì tây đông cách biệt dặm vời? Phải chẳng môi kia giờ đã nhạt khô, và cô đọng bên trong đôi mắt là nỗi buồn sâu thẳm, mênh mông xa vắng? Đến đây, giọng thơ của “Ngỡ Mắt Môi Xưa” như chùng xuống và lắng đọng lại làm cho người đọc không khỏi bần thần, cảm xúc bồi hồi, ray rức, bàng hoàng… trong một buổi chiều thê lương nắng rụng…
 
26.
thắp vội hương đăng
cầu em vạn phúc
ta viết di chúc
để lại trên băng
 
Đến khổ thơ này, tác giả của chúng ta dường như rơi vào cảm giác của tuyệt vọng tình yêu. Như bao bậc chính nhân quân tử, người thi sĩ tài hoa của chúng ta cũng chúc em một đời "vạn phúc." Hình ảnh "thắp vội hương đăng / cầu em vạn phúc" là việc làm hết sức cao thượng trong tình yêu. Đến giây phút cuối của cuộc tình không trọn vẹn, thì việc cuối cùng là chúc phúc cho nhau. Ở đây tác giả và người yêu trong không gian xa cách và thời gian biền biệt nhiều năm, vậy mà Võ Thạnh Văn vẫn hướng nguyện cầu cho người-tình-lỡ được "vạn phúc."
 
"Ta viết di chúc / Để lại trên băng." Người đời thường viết di chúc để lại những giá trị vật chất, còn với một tâm hồn thơ lãng mạn thì Võ Thạnh Văn đã viết di chúc cho một cuộc tình lên phiến băng giá. Mà băng giá là băng giá bào?! Băng giá của đỉnh Tuyết Sơn nghìn năm tuyết phủ, hay băng giá của ngọn Hằng Băng tan chảy vào mùa hè, khi thời tiết ấm áp?! Trong thế gian có nhiều kẻ yêu nhau, nhưng thử hỏi được mấy người có tấm lòng như thế? Và đến với khổ thơ tiếp theo, ta sẽ thấy nỗi buồn trong ông lại dâng cao vời vợi.
 
27.
ta gọi mây trời
về làm nhân chứng
vạch tìm thi hứng
trong giọt buồn trôi
 
Đó là nỗi buồn cô độc, cô độc tuyệt đối, khi quanh mình chẳng còn lại gì, chẳng còn lại ai. Chỉ có mây trời làm nhân chứng cho tình yêu son sắc của ông. Và rồi, từ những nỗi buồn ấy đã làm nên hồn thơ Võ Thạnh Văn đầy chất trữ tình, lãng mạn, phiêu hốt, xuất thần. Thơ trở thành nơi cho ông trút cạn nỗi niềm, cho những giọt buồn im trôi dịu nhẹ, và cũng là nơi trú ẩn cho một tâm hồn đầy thương tích, do trúng mũi tên vàng của Cupid trong thần thoại cổ Hy-Lạp. Nói chung, đó là thần thoại cổ đại La-Hy. [Cupid, con trai của Nữ Thần Tình Ái Venus trong thần thoại La Mã].
 
Hình như được Tạo Hoá sinh ra, chỉ có loài người mới cảm thấy cô độc; còn loài vật, chúng chỉ tìm nhau vào mùa động tình với mục đích truyền sinh, theo chủ trương “Tạo Hoá hiếu sinh” của Thượng Đế. Mà, với con người, nỗi cô độc đó là phước hay hoạ? Vì mãi đơn độc, khi loài người tìm thấy nhau, họ biết trân quý. Con người, trong giới sáng tạo, càng cô đơn, càng có những tuyệt phẩm. Có triết gia nào đó, nói: “Thiên tài chỉ nẩy nở trong thinh lặng và cô độc.” Cũng có một danh ngôn khác, khẳng định rằng “Những vĩ nhân ảnh hưởng nhân loại nhiều nhất là những vị sống xa xã hội loài người nhất”… Môi-Sen, Khuất Nguyên, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Đức Thích Ca, Chúa Giê-Su, Mẹ Teresa (de Calcuta), Thánh Gandhi… được xếp vào hàng siêu nhân tuyệt thế nầy. Như thế, đối với con người cô đơn và cô độc Phù Hư am chủ, tác giả Ngỡ Mắt Môi Xưa, là may hay rủi, là phước hay hoạ… khi chàng rơi vào tình trạng cô đơn cùng cực?!
 
28.
ta niệm linh phù
(tịnh thanh thần chú)
em say thuốc lú
guồng tơ rối mù
 
Để tháo gỡ những khúc mắc của lưới tình như “guồng tơ rối mù,” vì giai nhân say thuốc lú khi đi vào mê lộ… Tác giả đã nhiếp tâm trì tụng thần chú, và xem đó như một loại “linh phù.” Khi nói đến “Thanh Tịnh Thần Chú,” phải chăng tác giả muốn nói đến Tịnh Tâm Thần Chú và Tịnh Thân Thần Chú trong Bát Đại Thần Chú… mà bậc tu hành thường dùng, như một diệu dược, để gột rửa và bài trừ những tạp niệm, để giữ yên ổn thân tâm, để triệu thỉnh thần minh hộ trì… Khi trì niệm thần chú, nhất thiết hành giả cần giữ cho thân tâm thanh tịnh, không có ý mong cầu oai lực thần thông, cũng không chấp mê phiền trược. Nhưng, ở đây, tác giả, lòng còn đầy thanh sắc ái dục… với một mối tình lung linh châu ngọc… thì điều ấy đối với tôi, những hiểu biết của tác giả về Phật pháp có vẻ như là những uyên bác của một học giả hàn lâm hơn là kinh nghiệm của một hành giả thực chứng.
 
Khi con người ta rơi vào trạng thái chơi vơi, không có điểm tựa cho cuộc đời mình, thì họ thường trở về với Đạo. Đó là một cách tự trấn an và chỉnh đốn lại tâm tính của chính mình. Ở đoạn thơ này, thì có lẽ, tác giả của chúng ta cũng thế. Dường như ông muốn thoát khỏi mạng lưới ái tình đang vây bủa, để tâm mình được thanh tịnh nhẹ nhàng. Và giai nhân kia cũng say "thuốc lú" mà quên hết bao điều về ông, về những kỉ niệm ngày xưa. Quên, điều đó quá khó. Chẳng phải dễ dàng gì khi lòng rối tơ vương. “Tình võng” trói chặc và bao vây tứ bề, với thứ ái tình như sấm như sét như mưa như bão… thì quên, là điều bất khả, đối với cả hai, thi nhân và giai nhân. Nhớ thương, mơ tưởng… là nỗi riêng rất riêng. Đoạn Trường Tân Thanh: “Nỗi riêng càng lắc càng đầy…” (Tiên Điền Nguyễn Du). Mơ mà không gặp thì quả là khổ tâm. Khổ mà không được tỏ bày lại càng khổ hơn. Cho nên, “Nỗi riêng, riêng chạnh tất riêng, một mình…” (ND/đttt).
 
29.
tàn một mùa hoa
ong về lối cũ
chờ mùa nước lũ
ta đón người qua
 
Rồi cuộc tình buồn cũng đến hồi kết thúc, như mùa phượng hồng thôi khoe sắc đỏ sân trường. Chỉ còn lại bướm ong về qua lối cũ xếp cánh đợi chờ ngủ giấc đông miên. Ở đây tác giả dùng hình ảnh "chờ cơn nước lũ," phải chăng đó là phong cách ẩn dụ để nói lên tiếng lòng của mình. Một cảm xúc yêu thương dâng trào như nước lũ, như phù sa mùa nước nổi… chỉ dành để đón, để đưa, để đợi, để chờ, để mong, để nhớ… hình ảnh giai nhân của lòng chàng. Kiểu đón đưa thăm viếng của họ Võ tương tự như một giai thoại về thi sĩ Bùi Giáng. Vào một mùa mưa nước lớn, bất chấp hiểm nguy, thi sĩ họ Bùi đã bơi chiếc thuyền thúng đi thăm người tình vào mùa bão lụt miền Trung năm nào… [?!]. Và, cũng là hình ảnh của một vị thiền sư trong “Câu Chuyện Một Dòng Sông” đã bơi chiếc khoái thuyền đi thăm người tình vào mùa lụt lớn ở Tích Lan. [?!].
 
Kết thúc phần 3, ta có thể khẳng định cơn mơ tình của thi nhân quả thật là tuyệt đẹp. Trong thơ Võ Thạnh Văn, qua “Ngỡ Mắt Môi Xưa,” không hề có đổ vở, không hề có bội bạc, không hề có tình phụ… Nếu có chăng, thì chỉ có cách trở do những yếu tố ngọai tại mà thôi… Nếu có xa cách thì cũng chỉ là những xa cách không gian, địa lý… Nhưng dù cách ngăn trắc trở thế nào thì lòng tác giả vẫn nguyên vẹn thuỷ chung như nhất. Tình của tác giả vẫn nguyên vẹn sáng lung linh chập chờn khói sương huyền ảo… Hình ảnh giai nhân vẫn quyến rũ vô ngần. Ta có thể giả định, về mặt thời gian, cả giai nhân và thi nhân, không có giây phút nào xa rời nhau… vì lòng họ luôn luôn có nhau, gần nhau, sưởi ấm cho nhau, truyền tải cho nhau năng lượng từ tình yêu tinh khôi tuyệt bích. Tình yêu quả là một mầu nhiệm. Tình Yêu là món quà quý nhất, trong tất cả mọi món quà, mà Thượng Đế đã ban tặng loài người.
 
30.
tình trong cơn mơ
đẹp như lan ướp
bướm ong nườm nượp
phấn nhụy xác xơ
 
Ong bướm vờn quanh lấy mật… mà không bao giờ làm hại hoa… Nhưng, “phấn nhuỵ xác xơ…” Bởi đâu? Điều nầy cho ta thấy được một tình yêu lãng mạn và vô cùng mãnh liệt trong thơ Võ Thạnh Văn với hình ảnh "bướm ong nườm nượp / phấn nhụy xác xơ." Có thể nói, dù trong cơn mơ, nhưng niềm khao khát yêu thương của nhà thơ rất tha thiết, rất chân thật, rất rõ nét, rất gần gũi. Phải thừa nhận rằng trong tình yêu linh thánh đầu đời của đôi lứa, luôn ẩn hiện những say mê trần tục (phấn nhuỵ xác xơ) đi kèm. Và dĩ nhiên, với nhà thơ của chúng ta, cũng không ngoại lệ. Nhưng bằng ngòi bút tài hoa lão luyện thượng thừa của mình, tác giả đã mượn hình ảnh bướm, ong, hoa, nhụy, gió, sương, sông, trăng, nước, tuyết, bão, băng, giá, đá, rêu… để thể hiện sự khát khao mãnh liệt đó một cách thanh cao, thoát ly trần tục, không vướng chút bụi hồng. Điều này hết sức tinh tế, làm nên những giá trị riêng biệt trong thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn. Đẹp. Cái đẹp mộng mơ tuyệt bích của tuổi học trò, với những cánh hoa “vương giả chi lan” ép khô vào trang sách.
 
* * * * *
Đến đây, ta biết Võ Thạnh Văn, một con người cô đơn cùng cực. Ông là “cây sậy biết suy tư” như triết gia Pascal đã nói. Nhà động vật học Darwin, (một khoa học gia cận đại khám phá tổ tiên loài người là khỉ), cũng phát biểu: “Người là động vật duy nhất nhận biết mình cô đơn.” Thay vì trách cứ hằn học nỗi bất hạnh đời mình, thì ông đã biến những bất hạnh ấy thành những vần thơ, với thi ngữ thanh cao trong sáng, óng mượt tơ nhung, đẹp như trăng, như hoa… ngọt ngào như đường, như mật...
 
Thơ Võ Thạnh Văn, dĩ nhiên kén người đọc, nhưng, những tâm hồn mẫn cảm nào thấu hiểu và rung động được những lời thơ của thi nhân, thì có lẽ là do cuộc đời người ấy đã từng có kinh nghiệm đau thương trong tình ái… Hoặc vì người ấy quá nhạy cảm mà cõi lòng mong manh, héo hon, dễ vỡ, dễ tổn thương… vì thơ ông khơi gợi tính triết lí rất cao, ray rức, khắc khoải, bất hạnh…
 
Tóm lại, thơ Võ Thạnh Văn hàm chứa một quan niệm và triết lý chấp sinh diệu vời... có tình, có nghĩa, có ĐẠO, có ĐỨC, có thuỷ, có chung… Xưa nay, từ tạo thiên lập địa, từ cổ chí kim, từ đông sang tây: Người đa tài, đa tình, đa đoan… chắc chắn phải vướng vào nghiệp chướng: Đa sầu, đa cảm, đa khổ, đa luỵ… Và như ai đó đã nói: “Trong tình yêu, người nặng tình là kẻ chịu nhiều thiệt thòi nhất.” Nhưng, Phù Hư am chủ Võ Thạnh Văn là người biết “Thuận thiên dĩ mệnh.”
 
NGUYỄN CẨM-THY
Viết tại Thư Viện TP Bạc Liêu,
Rằm Nguyên Tiêu, mùa Xuân Nhâm Dần 2022.
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn