VÕ THẠNH VĂN

Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA
 
“NGƠ NGÁC TUỔI CÀI TRÂM”
Người viết: Đào thị Tố Nga
[Bài CẢM NHẬN, phần 4/12, “NGỠ MẮT MÔI XƯA”].

 
Một năm có 4 mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nếu tiết Lập Xuân, thời điểm bắt đầu mùa Xuân, khí hậu ấm áp; thường có những cơn mưa phùn bất chợt. Mưa phùn --thứ mưa hạt nhỏ li ti. Có nơi gọi là mưa bụi –hạt mưa như những hạt kim sa rắc lên mái tóc những cô gái trẻ, như để trang điểm thêm cho sắc đẹp tuổi thanh xuân, làm bung lên nhánh tóc lóng lánh, tăng thêm vẻ tươi xinh của các cặp tình nhân đang cùng nhau daọ phố hay cùng nhau đến trường…
 
Trái với mùa Xuân, thì ngày Đông Chí là những ngày giữa mùa đông lạnh, mưa, gió, bão, lụt, ướt… Mùa nầy, người ta cần sự ấm áp. Cảm giác thật lạnh lẽo khi ta chỉ có một mình. Cái lạnh chỉ mất đi, và có được sự ấm áp đủ đầy khi hai người yêu nhau được ở bên nhau… Nơi nào có tình yêu, tình yêu thương thật sự đúng nghĩa, nơi ấy có hạnh phúc. Nơi nào có 2 người, nơi ấy không còn cô quạnh.
 
* * * * *
Hạnh Phúc, Yêu Thương… là những hiện tượng thuần cảm giác –Feelings. Những cảm xúc ấy thường bất ngờ hiện ra để rồi mất đi, không theo một thứ tự, lớp lang, không được sắp xếp vào một không gian cố định nào, cứ thế mà đến, cứ thế mà đi… nối tiếp hay đứt quãng; vụng dại mà trong sáng, đon sơ mà thanh khiết… với muôn vàn hương sắc của thuở mộng mơ chất chứa đầy hoài bão, mà có khi hi vọng lại trở thành tuyệt vọng… Nhưng dù gì, nhiệt huyết vẫn còn đầy... Ta bắt đàu đọc lại trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, phần 4/12, bắt đầu từ khổ thơ #31 đến #40.
 
Từ khi nào, cơ duyên chi mà chúng ta đã gặp nhau, quen nhau, rồi yêu nhau. Không biết. Khi ta nhìn thấy giữa sân trường, một cô bé, thật bé –rất bé, như đang tuổi cài trâm, bơ vơ, ngơ ngác giữa đám đông… Thương cảm từ đó. Ta tự nhiên thấy mình lớn hơn, cao hơn, phải có trách nhiệm chăm sóc, lo lắng và yêu thương cô bé ấy… Và tình yêu nguyên sơ đã bắt đầu. Đơn giản, tự nhiên… vì chúng ta đang đi học, cùng trường hoặc cùng môi trường... Tương lai phía trước, là cả 2 cùng cố gắng trau dồi, cùng nhau vẽ vời, soạn thảo một tương lai, khi đang ở vào thời gian đẹp nhất của đời người, ngời sáng thanh xuân…
 
(31) 
em đi lập xuân
ta về đông chí
trở cơn mộng dị
tay trắng công huân
 
Tình yêu thời đi học chỉ là những cái nắm tay; những ánh mắt trao nhau; một bàn tay phủi nhẹ bụi mưa trên mái tóc người đi bên cạnh; lúc ngồi bên nhau, cùng nhau mơ ước tương lai, cùng nhau vẽ nên những bức tranh đẹp đẽ, không cần giấy, không cần bảng vẽ, không cần màu tô… Những bức tranh xuất phát từ những gì chưa có. Hiện tại, “họ” chỉ là những sinh viên, với 2 bàn tay trắng… chưa tạo được chút danh phận nào cho riêng mình, lập tí công với đời (tay trắng công huân).
 
Nào có gì lạ, thân phận nữ nhi, đang tập làm người lớn, bên anh, cảm giác được che chở, được chăm lo, được vỗ về. Mơ ước của em rất đỗi bình thường; một mái nhà nhỏ và một tình yêu lớn (anh –em đã có). Chúng mình bên nhau, dù mưa hay nắng, dù trời ấm hay lạnh, vẫn thấy ấm lòng, vẫn thấy chứa chan hạnh phúc… [Saint Exupery, một nhà văn triết gia, tác giả những kiệt tác Le Petit Prince, Pilot de Guerre, Vole de Nuit, khẳng định: “Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng”]. Thậm chí chỉ vài hạt mưa bụi rắc lên nhánh tóc em, cũng làm xiêu lòng người trai đang yêu, đến nỗi… quên luôn sách vở cơ mà…
 
(34)
nhánh tóc kiêu sa
ngủ vùi một thuở
trong từng trang vở
ướt buổi thu sa
 
Thật nhạy cảm và lãng mạn. Chàng trai thấy được và ngửi được cả mùa thu trên mái tóc người yêu… Với anh, một chàng trai mới lớn, như một thân cây đang phát triển, tràn đầy nhựa sống, luôn muốn tự khẳng định mình giữa trời xanh bát ngát, giữa xã hội muôn vẻ, giữa tình yêu muôn màu… Thật lý tưởng, một lý tưởng đơn sơ, bình dị, khiêm tốn, căn bản: Một mái ấm gia đình thôi chưa đủ… mà những gì tác giả muốn gởi đến người yêu, nhiều hơn, xa hơn và cao hơn… Một vị trí trong xã hội, một sự bao bọc chở che toàn diện, một mái nhà không những đẹp mà vững bền, những bữa cơm không những no mà ngon miệng, để bạn đời không phải lo toan…
 
Từ đó, nàng yên tâm, cứ như một con ong chăm chỉ, suốt đời lo xây dụng một tổ ấm an toàn có đầy đủ bầy, đàn, con, cháu… Chàng phải như một con Bướm (biểu tượng của Tình Yêu và Ánh sáng) mang lại cho nàng sự rạng rỡ trong công danh, sự nghiệp, để “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau“ --một nền tảng vững chắc cho tổ ong tương lai. Vì thế, người con trai thời chiến, xếp bút nghiên theo việc đao binh, lên đường đi du học và tu nghiệp phương xa.
 
(32)
em theo dấu ong
ta lạc đường bướm
nên tình mới chớm
đã sớm long đong
 
Vì tương lai, vì trách nhiệm, vì bổn phận, vì lý tưởng… họ xa nhau. Xa nhau là đã long đọng. Khoảng cách địa lý xa xôi, cách trở, chỉ được gặp người yêu trên những bức thư và những tấm ảnh gởi gắm đầy tràn tình cảm, nhớ nhung, những lời động viên, nhắc nhở khéo, những giận hờn vu vơ, trẻ con… mà cũng đủ làm động lực để họ thực hiện bổn phận, làm tròn trách nhiệm với sự kỳ vọng của gia đình, và cả của hai bên đôi lứa đang ôm ấp mộng tình, mộng đời…
 
Cuộc đời, cứ tan rồi hợp, hết hợp lại tan… Cái lẽ hợp tan luôn tái diễn. Bởi đó, rồi họ lại về bên nhau, lại cùng nhau… quấn quít, như gió là nhân tình của mây… Và, để tìm nhau trong chốn không gian vô tận, gió lại đi đường mây, còn mây thì về lối gió; luôn tìm cách để gặp nhau. Khi ở cùng nhau, gió đẩy đưa mây rong ruổi khắp chốn giang hà, không bao giờ rời… Dù trong cõi thiên hà vô vàn cám dỗ, nhiều lắm rủ rê của các vì tinh tú luôn lấp la lấp lánh chung quanh….
 
(33)
ta đi đường mây
em về lối gió
tình từ dạo đó
lịm ngất ngây say
 
Tình yêu không thể thiếu sắc màu, nhờ đó tăng thêm hương vị cho cuộc sống. Bức tranh tình yêu đậm nét chẳng cần sơn nước, sơn dầu… Như tất cả mọi cuộc tình thời trẻ, những tình tiết trong tranh của chàng thi sĩ phảng phất trong mơ, nào là lá thư tình màu xanh (hi vọng,) giàn hoa màu tím (mang nét thủy chung), và những trang thư tình đầu của chàng trải dài suốt một sườn đồi đầy bông cải vàng nở rộ. dựng lên trước mắt độc giả một bức tranh viên mãn của tình yêu đôi lứa, nỗi vui sum vầy, no đầy hạnh phúc trong tương lai….
 
“thuở đọc thư xanh
“dưới giàn hoa tím (#35)
 
cùng với:
 
“trang thư tình đầu
“vàng như bông cải (#36)
 
Hạnh phúc biết bao (trong giấc mơ), ta đang tưởng tượng nụ cười và gương mặt ngời sáng của hai người trai trẻ trong cơn mơ của thi nhân… sao đẹp quá chừng…
 
Có những giấc mơ đẹp và có hậu… Lại có những những giấc mơ, không có được cái kết như ta muốn, tuy rằng rất đẹp… Phải chăng, đây cũng là sự kiện có thực trong cuộc đời mỗi người. Riêng cho trường hợp của thi nhân và người yêu của chàng, khi cả hai, cùng chưa đủ “lớn,” chưa đủ “trưởng thành” để bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu mình đang có… khi những nắng mưa cuộc đời luôn nặng trĩu đôi vai chàng trai (#38): Rồi em sẽ đi… Vâng, rồi em sẽ đi… và… Định luật đương nhiên của lẽ hợp tan lại bắt đầu.
 
(39)
ngày em ra đi
bầy chim thôi hót
ta bỏ giờ học
nằm đọc kinh Thi
 
Bản lĩnh đàn ông cũa thi sĩ Võ Thạnh Văn chính là ở đây… Như một lời than thở, kèm theo tiếng thở dài: ”Rồi em sẽ đi…” (#38). Buồn không? Đương nhiên là buồn, rất buồn là đằng khác… Đau không? Rất đau, đau đến xé lòng… Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hình ảnh dựng xây cho tương lai… đều sụp đổ… [Với cùng một khúc thơ, một tản văn mà cảm xúc của mỗi người đọc có khác nhau… Lại còn tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh bên ngoài tác động. Cái “cảm” ấy cũng không giống nhau trong những thời điểm không cùng nhau]…
 
Cách đối phó duy nhất cúa chàng là “bỏ giờ học“ để “nằm đọc Kinh Thi.” [Kinh Thi, một trong 5 bộ sách kinh điển của Nho Giáo, tổng hợp thơ ca vô danh, kết tinh của một nền văn học. Trong đó, miêu tả toàn cảnh xã hội, phong tục, tập quán của Trung quốc xưa]. Trong pho sách Luận Ngữ, Khổng tử có câu: “Bất học Thi, vi dĩ ngôn” (không học Kinh Thi, làm sao biết ăn nói). Phương pháp chữa bệnh đau tình thật lạ của một cá nhân kẻ sĩ. Một người trai mang trong mình chí lớn, đầy ước mơ cung kiếm… có một trái tim bao dung, nhân hậu, không giận hờn, dễ quên lãng, sẳn sang tha thứ…!
 
Với kẻ sĩ đức hạnh, trong lúc bất như ý, thì lấy việc đọc sách để rèn luyện nhân cách, rèn luyện tâm hồn, di dưỡng tâm tính là những thái độ và hành động không ngoan chính đáng? Thoạt nhìn, là một biện pháp tiêu cực… Nhưng không, đó là lẽ xuất xử tuyệt vời của một tâm hồn và nhân cách cực kỳ tự tin, đầy ắp triết lý nhân sinh quan “thuận thiên tri mệnh” của Nho gia. Để rồi đi đến quyết định cuối cùng, khi tâm hồn thăng bằng, nghị lực đã lấy lại, sức sống và ý chí lại vươn lên.
 
(40)
mai ta cũng đi
khi sông nước gọi
đá rêu buồn rượi
mùa trăng vu quy
 
Vâng, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Phận làm trai phải trả nợ non sông, dặm nghìn da ngựa. Đó là “Nam nhi trái” mà Nhà Nho Nguyễn Công Trứ đã đề cao. Đó là triết lý Chấp Sinh của Uy Viễn Tướng Công. Đoạn kết của giấc mơ, không giống như một phần độc giả (trong số có tôi) mong muốn, nhưng ngược lại, có lẽ chúng ta cùng thấy rất sảng khoái, rất khâm phục cái CHÍ LÀM TRAI của thi sĩ… Một cái kết là lạ, nhưng khí phách, ngang tàng, hào sảng… Ôi đẹp đẽ làm sao… Cái đẹp của công lao hãn mã, đổ mồ hôi trên lưng ngựa chiến.
 
Có phải chính NIỀM TIN vào tình yêu thương sâu đậm, chân thành của cả hai dành cho nhau?! Có phải nét ngây thơ trên gương mặt của cô gái “ngơ ngác tuổi cài trâm” làm lòng chàng dậy sóng, tim chàng loạn nhịp ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên?! Lòng nhân hậu và một trái tim khoan dung, sẵn sàng tha thứ khi tình yêu đổ vỡ… Có phải chính những bản chất hơn người kể trên làm cho con người ta (chính thi sĩ) bỗng chốc lớn hơn, suy nghĩ trưởng thành hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn, tích cực hơn, đầy tính nhân văn hơn…?!
 
* * * * *
Theo thiển ý, để có thể quên đi một mối tình, thật khó, bởi Tình Yêu là một phần của đời sống, mà Đấng Thiêng liêng đã ban tặng con người. Nhưng quên đi tình yêu cá nhân để góp phần xây dựng một tình yêu cao cả hơn, như tình yêu đất nước, thì chỉ có ở những con tim và khối óc đủ lớn… Rất cảm ơn PHDS Võ Thạnh Văn, khi ông ưu ái giúp tôi có cơ hội nói lên những suy nghĩ của riêng mình --qua giấc mơ của chính Ông –Có lẽ, thi nhân đã cảm được sự háo hức, thích thú khi tôi được cầm trong tay bản thảo thi phẩm Ngỡ Mắt Môi Xưa?
 
Thời gian, một giờ chóng qua, một ngày mau hết. Một tờ lịch đã xé, là ngày ấy không còn. Nhưng những ký ức đẹp, khi ta còn trẻ, sẽ trở thành những hồi ức rất quý lúc giấc mơ chợt hiện chợt tan, chập chờn trong giấc mộng, mà không cần lập trình, không theo thứ tự, có khi chỉ là một số các dữ kiện tự kết nối từ những bất trắc, những lắng lo, những bất như ý xảy đến từ ban ngày, có ít nhiều liên quan… Chỉ khi đọc kỹ thi phẩm Ngỡ Mắt Môi Xưa do tác giả PHDS Võ Thạnh Văn trao tặng, tôi chợt nhận ra, hãy tôn trọng giấc mơ, hãy chấp nhận giấc mơ như một phần của đời sống. Kính mong độc giả của trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa, chấp nhận và cảm thông với những xúc cảm chủ quan, nhỏ nhoi, được diễn đạt vụng về của riêng tôi… Chân thành cảm ơn quý độc giả.
 
Saigon, tháng 12/2021
Đào thị Tố Nga


 
  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn