VÕ THẠNH VĂN

Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA
 

THƠ TÌNH CHẾT YỂU qua Ngỡ Mắt Môi Xưa
Bài: PHƯƠNG MAI, Đức Quốc
 

 
Võ Thạnh Văn là tên thật, cha mẹ đặt cho khi chào đời. Phù Hư là bút danh, mang ước mơ và chủ trương của người nghệ sĩ. Phù là trôi, nổi; Hư là hư không… Phù Hư Dật Sĩ, nghĩa đen là một kẻ sĩ mai danh trốn đời có tên là Phù Hư. Quả thật là một thái độ khiêm tốn. Nhưng, một mâu thuẫn hiện diện nơi đây là: Khi dùng tên thật ký tên dưới những tác phẩm của mình, người nghệ sĩ phải bãn lĩnh và cao ngạo, đầy ắp tự tin… Văn Hào Lâm Ngữ Đường, tác giả “Một Nghệ Thuật Sống Đẹp, 1947” từng nói: “Ai viết văn làm thơ mà không dám ký tên thật của mình thì người ấy chưa phải là một nhà văn nhà thơ lớn.”
 
* * * * *
 
Toàn bộ 480 câu thơ trong thiên trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa,” nói chung, và 40 câu thơ trong phân đoạn 5/12 (mà tôi, PM, viết cảm tác) nói riêng, là một tình sử, một chân dung đích thực về mối tình trong trắng khôi nguyên của tên hàn sĩ ở ẩn trốn đời có tên Phù Hư, thuở thiếu thời của kẻ thư sinh mặt trắng. Tác giả là một nhà thơ tên tuổi, Võ Thạnh Văn, có bút hiệu là Phù Hư Dật Sĩ, người đã cầm bút trên 50 năm. “Ngỡ Mắt Môi Xưa” quả là một thiên trường mộng đầy ắp diệu kỳ của khách hào tình lắm vậy. Ta thử xét xem, Phần 5/12, của NMMX chứa đựng những gì.
 
#41:
“thuở trăng dậy thì
“dáng em kiều lộng  
“ta hé cửa động  
“đá dựng hàng mi
 
Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, chàng học trò mới lớn, gọi người yêu của mình là Nguyệt, là Trăng. Trăng đang dậy thì, chảy tràn sữa mật trinh nguyên xuống khắp tâm hồn chàng, nghe như "lồng lộng." Gió trăng, soi dọi ánh vàng vào lòng chàng đang ngây ngất… Và đôi mắt người tình, đôi mắt Nguyệt của vành trăng, ôi chao là đôi mắt diễm mộng khôn lường… Bóng trăng, là dáng Nguyệt, đi thoảng qua cửa động, nơi chàng trai đang trì tụng kinh khổ của tình đầu, thì đá cũng nhướng mắt nhìn theo, như "đá dựng hàng mi," làm chàng nơi sơn động như sắp lạc vào tiên động.
 
#42:
“má đồng tiền đôi
“lúm sâu, chín mọng
“niềm vui còn đọng
“đầy ắp mắt môi
 
Rồi khổ thơ tiếp, tình tứ, chao đảo, ngó nghiêng. Nếu khổ thơ #41 là mơ, thì khổ thơ #42 là thực. Chàng tả đôi má chín mọng, lúm sâu hai đồng tiền của người con gái, như in vào tiềm thức. Chàng thi nhân nhìn chi mà nhìn như kiếm như đao, để nàng e thẹn ửng đỏ chín mọng đôi gò má như quả bồ quân. Còn chàng thì mơ màng, có lẽ như muốn dâng nụ hôn đầu? Trên mắt trên môi giai nhân, tác giả đọc được niềm vui của con tim rạo rực thuở ban đầu của người tình e ấp.
 
#43:
“hồi trống tựu trường
“ngậm sương nặng trĩu
“tình ai ấp ủ
“tiếng guốc sầu vương
 
Đang xuất thần, đang mơ màng… thì tiếng trống vào lớp làm chàng tỉnh giấc, ngỡ ngàng tiếc nuối. Giây phút ấy chỉ còn nghe tiếng guốc vội vã gõ tên sân trường. Buồn ơi là buồn. Rồi tiếng guốc gõ nhịp xa dần trong sự vội vã vào lớp… Sương sầu trên lối vắng ngẩn ngơ. Lòng chàng trai si tình đã sầu ngây sầu ngất. Mà, trong tiếng guốc của người tình nữ sinh, chàng cũng nghe được nỗi sầu vương vấn, luyến tiếc. Tiếng trống tựu trường buổi sáng ấy, chắc hẳn là một buổi sáng mùa thu, sương nặng. Sương làm ẩm đục cả mấy hồi trống tựu trường.
 
#44:
“tiếng trống tan trường
“còn thơm nắng quái
“gót hài ái ngại
“gõ đau mặt đường
 
Yêu là chờ đợi, là khắc khoải, là hờn giận, là dỗi yêu. Thôi ta chờ đến giờ tan trường vậy. Nhưng nào ngờ, chỉ nhìn chỉ thấy và chỉ nghe nàng nện guốc dưới tia nắng quái, làm đau cả mặt đường. Tại sao mặt đường lại đau vì tiếng guốc của đôi chân nhi nữ? Nàng đang giận chăng? Hờn chăng? Ta đã làm gì thất thố chăng? Nắng đã lên, sương đã tan… Hồi trống tan trường, buổi chiều, giờ đây thơm mùi “nắng quái.” Nắng hoàng hôn của mùa thu chắc chắn đẹp, và theo sự nhạy cảm của tác gỉa, thì mùi nắng thơm còn mãi bâng khuâng…
 
 #45.
“buổi phượng sân trường
“rơi từng cánh đỏ
“ngày ta giấu vở
“sau chậu quỳnh hương
 
Con trai nghịch phá là chuyện thường. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò… Nhưng, con trai nghịch phá thần sầu như tác giả, sao mà có người yêu mới lạ? Hay nàng đã biết rằng ta giấu vở của nàng với hai khổ thơ sau, chàng bộc bạch: “ngỡ ngàng”… Ngày phượng đỏ rụng sân trường cũng ngày những ngày hạ sắp đến, đang đến, đã đến. Mùa chia cách đang cận kề. Hoa phượng được gọi là hoa Trường Thi, được nhiều ý kiến cho đó là quốc hoa của dân tộc... Chàng trai giấu vở (của nàng hay của chính chàng) sau chậu hoa quỳnh mà rong chơi, trốn thầy, trốn lớp, trốn học, cúp cours?
 
#46.
“từng đợt đông sương
“đọng trời nước sũng
“lòng ta chín ủng
“mấy thuở trầm ương
 
Tác giả tả mối tình của mình đã chín. Nhưng chín ở đây lại là chín non, chín héo, chín ủng, chín bói, chín cây. Chàng đã nhận ra những trò nghịch ngơm yêu quái của mình làm người yêu hờn giận. Ấy thế mà vẫn "ai đã ngẩn ngơ" sau giờ tan lớp. Ai là ai? Chàng hay nàng. Nàng ngẩn ngơ vì mất vở? Chàng ngẩn ngơ vì chợt thấy nét giận hờn trên môi mắt người yêu? Chàng hỏi chỉ để mà hỏi. Bởi tình còn đọng sũng nước trong lòng tác giả, như tâm hồn chàng và nàng chợt nắng, chợt mưa… như thời tiết trở mùa của tuổi mới lớn.
 
#47.
“ai đã ngẩn ngơ
“sau giờ tan lớp
“bướm ong nườm nượp
“rải phấn đầy thơ
 
Chàng yêu, nhưng đã biết những trò nghịch ngợm tai quái của mình gây rắc rối. Con gái khuê các nào mà yêu nỗi cái anh chàng rắn mắt ấy… Nhưng khi những nghịch ngợn của chàng làm người tình giận… thì chàng đâm ra lo lắng, hối hận, và muốn đền bù… Đền bù cách nào? Như hầu hết mọi cuộc tình đầu, chẳng bao lâu tình yêu chín ủng của chàng như đứa trẻ sinh sớm đã chết non, hình bóng nàng sớm tan vào trong sương, trong gió, trong nắng quái cuộc đời. Nàng sẽ qua cầu, để lại trong lòng chàng nỗi sầu vương day dứt, tới tận bây giờ mới làm thơ kể lể chuyện tình một thuở xa xưa ấy.
 
#48.
“thuở đó qua cầu
“lòng ta chia nhịp
“cho tình vừa kịp
“chín tới mùa ngâu
 
Thơ là người, như chính tác giả Võ Thanh Văn của ngày xưa cũng như hôm nay, Tình chàng vẫn thế. Mối tình như mùa mưa ngâu tháng bảy gửi về miền hạ giới thương yêu. Ngày ấy đâu rồi, ướt dầm dề như mưa như gió, thấm đẫm trong lòng chàng, nhà thơ Võ Thạnh Văn. Sợi nhớ, sợi thương dù chia tay mối tình còn vấn vương đến tận bây giờ, mỗi mùa mưa ngâu gợi nhớ những tha thiết chờ mong. Ta lại trách ta khờ dại. Ta lại trách ta khinh bạc… Duyên lành ta lỡ đánh mất hôm nay, biết bao giờ mới trở lại?!
 
#49.
“tình mỏng đẻ non
“nghĩa dày thiếu tháng
“em về cầu ván
“rẽ lối rêu mòn
 
Tình đầu, ôi những mối tình đầu long lanh châu ngọc. Mà tiếc thay, hầu hết (chỉ hầu hết thôi) những mồi tính đầu tự cổ chí kim, đều có chung dặc tính: Thiếu tháng, đẻ non. Vì thiếu tháng, đẻ non mà tình đầu thường chết yểu. Chết yểu là chết trước giờ định mệnh. Nghĩa là chết khi chưa tới số phải chết… Những mối tình đầu chết yểu ấy đã làm chảy biết bao giấy bút của đời, mà “Ngỡ Mắt Môi Xưa” của Phù Hư Dật là một bằng cớ. Những hoa trái từ những cuộc tình chết yểu ấy đã để lại bao công trình bất tử, đã sống hàng vạn năm… Mà nghịch lý thay, mối tình càng chết yểu thì tình sử ấy lại càng bất tử trong thế giới văn chương, thi phú.
 
#50.
“từng bước chon von
“mây chiều ráng nắng
“sương vờn lãng đãng
“khói động đầu non
 
Mối tình thuở học trò cứ lảng vảng trong đầu tác giả như thực, như hư, như mơ, như mộng. Mà hư thật, mà mơ thật, mà mộng thật… mà thật thật… Rất thật. Sợi nhớ sợi thương, dù chia tay mối tình còn vấn vương đến tận bây giờ mỗi mùa mưa ngâu, ta lại trách ta khờ dại. Rồi ta tưởng niệm. Rồi ta mặc niệm. Rồi ta lại mơ. Rồi ta lại mộng. Rồi ta lại hối. Rồi ta lại tiếc… Sau cuộc tình bất hạnh mà đẹp ngần ngật ấy, chàng trai, tác giả nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ còn lại gì? Chỉ là mây bay, chỉ là gió thoảng, chỉ là khói vờn, chỉ là sương rụng… Chỉ là những vần thơ lung linh óng mượt nuộc nà tơ lụa… như mây ráng năm màu giăng ngang bầu trời ngũ sắc…
 
* * * * *
Kinh Thi: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu…” Đàn ông có hồn cốt mới thật sự mạnh mẽ, thu hút cũng như phụ nữ có khí chất vậy. Sỡ dĩ đàn bà quý vì đàn bà là đàn bà… Những ai đã từng có cơ duyên đọc được những sáng tác của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, những sáng tác chưa được phổ biến… Tác giả, đáng lẽ phải chọn con đường công danh qua ngã khác, oai hùng hơn... như múa ba thước gươm trên lưng ngựa chiến… thì tác giả lại chọn con đường bút mực… Mà, theo Cụ Phan Bội Châu, qua bài phú “Bái Thạch Chi Huynh” gởi Cụ Nguyễn Thượng Hiển, thì con đường công danh qua văn chương chẳng vẻ vang gì lắm…
 
Tôi, phận nhi nữ, kẻ hậu sinh, không dám lạm bàn. Nhưng, lời lẽ của Cụ Phan chẳng qua chỉ là những lời cao biện, nhằm khích Cụ Nguyễn từ bỏ quan trường hoạn lộ để tham gia vào Phong Trào Đông Du và dùng uy tín lớn của mình, như một danh sĩ, để lôi kéo lòng yêu nước của sĩ phu thời bấy giờ… Nhưng, sự thực là con đường văn chương là con đường khó đạt nhất, nhưng lâu bền nhất… Thành quách đền đài, như Vạn Lý Trường Thành… có thể sụp đổ vì thời gian. Nhưng, văn chương vẫn còn đứng vững và thi gan cùng nhiều thiên niên kỷ, như Tân Ước, như Cựu Ước, đã 6,000 năm… như Homer của Hy Lạp, như Ly Tao của Khuất Nguyên và Kinh Thi của Trung Quốc… đã 3000 năm tuổi… Văn chương, chân trời vẫn thênh thang rộng, bởi còn nhiều mảnh đất phì nhiêu chưa khai phá. PHDS Võ Thạnh Văn là kẻ sĩ khiêm tốn nhưng đã âm thầm khai phá con đường cho riêng mình vậy.
 
Phương Mai, 2021, Berlin, Germany.
 

“CHÍN RỤNG TRÁI SẦU” – Bài cảm nhận: Ngã Du Tử
 
Mỗi đời người trên thế gian này, thuở học trò, nhất là thời học trung học đệ nhị cấp – tuổi biết yêu, chắc chắn ai cũng ngấm nghé, để ý và ấp ủ một đối tượng khác phái. Đó là lẽ tự nhiên của loài người. Dường như, “Ai cũng nhớ buổi đầu non nớt ấy / mãi theo chân nhưng chưa dám tỏ tình.” Chính chuyện mãi theo em, mãi ngập ngừng… nên nhớ hoài môi mắt người xưa, một đời mộng mị không phai.
 
Rồi bất chợt, sau nầy, hôm nào đó, có một bóng hồng thấp thoáng giống như ngày ấy, tức thì tâm thức bừng sống dậy và hình bóng xưa mờ ảo hiện về. Lòng thi nhân chợt bừng bừng nở và cảm xúc thơ chảy dài như suối, lan toả ra tận đại dương tình bất tận. Từ ấy, với Võ Thạnh Văn, “NGỠ MẮT MÔI XƯA” ra đời? Với trường thi tình ca như khúc biến tấu vang vọng trong tâm thức hiển thị thành ngôn ngữ. Sao mà thú vị vậy thi sĩ ẩn dật Phù Hư?!
 

  • * * * *
 
Ta đi dần vào chi tiết. Với phần 5/12 (NMMX có 12 phần, mỗi phần có 10 khổ thơ), tôi, Ngã Du Tử kẻ viết bài nầy, cảm nhận như thiên tình sử diễm lệ ấy mãi bềnh bồng theo nhịp sóng đời, nhẹ nhàng mà tha thiết, dịu êm và có chút gì luyến tiếc một thuở ngây ngô xưa xa, rồi cứ vỗ vào bờ trái tim trong tâm hồn thi nhân, hình bóng kiều lộng và kiêu sa. Cái kiều lộng ấy cũng đủ khả năng làm cho đá tảng sơn động cũng si mê, cũng ngỡ ngàng chớp dựng hàng mi. Trăng là trăng dậy thì, thuở nàng 15. Nhưng, đó là trăng giai nhân, trăng tri kỷ.
 
41.
thuở trăng dậy thì
dáng em kiều lộng
ta hé cửa động
đá dựng hàng mi
 
Cái thú vị của thi sĩ họ Võ là để ý đến và nhớ từng nét trên khuôn mặt của bóng hồng xưa ấy. Má em ngày đó có 2 lúm đồng tiền chín mọng, nói cười mặn mà, duyên dáng… Niềm vui ấy thi nhân mãi mang theo một đời, cho đến giờ phút nầy, còn đọng lại đầy ắp trong tim, để nhớ hoài một bóng hồng thuở nọ. Nàng, nếu không là giai nhân diễm tuyệt cũng là một thục nữ kiều mị, nếu không là quốc sắc thiên hương thì cũng là thuyền quyên, dáng hạc… để chàng thi nhân còn thương còn tiếc, nhớ mãi bên đời, dù trải qua bao gập ghềnh sóng gió.
 
42.
má đồng tiền đôi
lúm sâu chín mọng
niềm vui còn đọng
đầy ắp mắt môi
 
Buổi hẹn hò ấy có lẽ chưa tỏ bày điều gì chăng?! Hay chỉ nhìn ngắm dáng em vui vầy cùng bè bạn trong sân trường rồi mộng mơ và đúc kết thành tình nồng thắm trong ngăn tim ấp ủ của thi nhân? Khi hồi trống trường vang vang, em vào lớp, ôi chao nặng trĩu “tình ai ấp ủ,” trong sáng như pha lê thuở mới biết yêu. Lãng mạn và đẹp vô cùng. Rõ ràng thế hệ thi nhân và tôi, tình yêu học trò thuở ấy sao mà tuyệt thế, cứ mãi ngập ngừng không dám ngỏ lời yêu, dường như sự thiêng liêng ấy chúng ta không dám đụng đến, sợ sẽ vỡ một điều gì vô cùng hệ trọng. Trái tim non nớt ngày xưa quả là đáng quý, đáng yêu một thuở… nhưng đáng trân trọng suốt khoảng đời người. Cái đẹp tinh thần ấy làm sao thời đại này còn có được?! Có lẽ vì thời buổi ấy, chúng tôi được học về đạo, đức, lễ, nghĩa… khá đầy đủ, được hun đúc đều đặn trong mỗi cấp học?!
 
[Có người nói rằng, mỗi thời một khác. Bây giờ hiện đại, sẽ khác thời các anh. Đúng. Mỗi thời một khác nhưng đạo đức chuẩn mực làm người thiện lành, mực thước thì không thay đổi. Tất cả đều do giáo dục mà ra cả. Gìn giữ và phát triển vô cùng khó. Một nền giáo dục tệ hại sẽ phá hoại chuẩn mực ấy. Sở dĩ bây giờ tình yêu tuồi học trò bị “ô nhiễm” trầm trọng, bởi sự giáo dục công dân, đức dục quá tồi tệ. Nhân cách của mỗi cá nhân hình thành bắt đầu từ vỡ lòng, tiểu học đến trung học…].
 
Với khổ thơ 43 nối tiếp, “hồi trống tựu trường nặng trĩu và tiếng guốc sầu vương” cho trái tim non ai ấp ủ bấy lâu trong im lặng đợi chờ. Tiếng trống tụu trường, rồi tiếng trống vào lớp sao mà nặng trĩu. Tiếng trống giục giã làm ngẩn ngơ nuối tiếc lòng trai. Tiếng trống nặng nề, ể oải như quyện với sương mai đặc quánh sân trường. Chẳng những lòng trai khắc khoải mà lòng cô gái nữ sinh cũng như sầu vương trĩu nặng qua từng tiếng guốc. Đó là sự đồng cảm của hai con tim rung động vì nhau.
 
43.
hồi trống tựu trường
ngậm sương nặng trĩu
tình ai ấp ủ
tiếng guốc sầu vương
 
Tình tự trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa” tiếp diễn, chúng ta mới thấy“tiếng trống tan trường thơm mùi nắng quái,” làm gì có trên thế gian này, nếu không phải là thi sĩ cảm nhận. Chỉ có giới thi nhân thực sự mới khám phá được điều vi diệu đó. Khổ thơ này là một thi ảnh tuyệt vời, một bức hoạ lung linh, một chân dung lấp lánh nét lãng mạn vi tế. Gót hài nào chẳng gõ xuống mặt đường, nhưng “Gót hài ai ngại / gõ đau mặt đường” mới là việc đáng nói. Nếu tiếng trống tựu trường nặng nề đẩm sương mai, thì tiếng trống tan trường đầy phấn khích, thơm mùi nắng quái hoàng hôn.
 
44.
tiếng trống tan trường
còn thơm nắng quái
gót hài ai ngại
gõ đau mặt đường
 
Quay lại từ khởi đầu, khổ thơ #1 trong “Ngỡ Mắt Môi Xưa” của thi sĩ họ Võ, ta mới hiểu nỗi hoài vọng cũ còn lênh láng phù sa do tâm hồn nuôi dưỡng, đợi chờ bóng hồng xưa vẫn reo ca réo gọi, tưởng như thời gian chẳng thể xóa nhòa dĩ vãng: “ngỡ mắt môi xưa / về trong nắng nhuộm
/ sân trường phượng ướm
/ màu phấn son đưa.” Tiếng guốc bỏ lớp bỏ trường ra về của người con gái càng ái ngại cho nỗi cách xa một đêm chờ ngày mai đến lớp…
 
Vì thế mà ngày thu tựu trường, khi cánh phượng hồng còn luyến tiếc đợi chờ đàn bướm trắng thân yêu ngày nào quay về, làm rộn rịp mùa thi phượng nở khoe rực sắc màu. Khi tiếng trống giục giã mùa khai trường… chàng học trò lãng mạn si tình bèn giấu vỡ, lặng nhìn dáng em ngày nọ sau 3 tháng đợi chờ như thế nào? Khi lòng chàng đã chín ủng –sau 3 tháng hè tạ từ trong xa cách, dẫu là thơi gian xa cách tạm thời…
 
45.
buổi phượng sân trường
rơi từng cánh đỏ
ngày ta giấu vở
sau chậu quỳnh hương
 
Tuy 3 tháng hè xa cách tạm thời, nhưng lòng nhớ thương mong ngóng tích luỹ từng ngày trong 90 ngày đằng đẵng. Chỉ chừng ấy ngày tháng đau đáu nhớ thương … cũng đủ khiến lòng thi nhân chín ủng, chín héo, chín bói, chín mùi, chín rụng… Nhưng, tâm tình của kẻ đang yêu đẹp quá, thơ mộng quá, đầy ắp những suy tư đắn đo bồi hồi lãng mạn. Ba tháng hè nắng cháy, lòng chàng vẫn cảm thấy nặng nề ướt đẫm sương sớm… mà mấy thuở của nghìn sau còn thơm ngát hương trầm.
 
46.
từng giọt đông sương
đọng trời nước sũng
lòng ta chín ủng
mấy thuở trầm ương
 
Cho đến bây giờ, thời gian và không gian đã qua lâu rồi, chẳng biết đã bao nhiêu mùa luân lạc cách chia?! Tình đã chín ủng từ thuở tóc còn xanh, với trầm tích thời gian bao thuở “trầm ương,” vẫn còn nhớ hoài một thời ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Dù là “ai” đi nữa, trong 2 chủ thể, chàng và nàng, chắc chắn như phấn hương thi ca, sực nức mùi thơm thoảng dịu quá khứ thuở học trò hoa mộng. Đẹp và thơ mộng quá phải không các bạn yêu thơ? Chia cách, trắc trở, đau thương… đã dệt nên những vần thơ, những vần thơ đẹp long lanh đầy sắc, hương, nhuỵ, phấn…
 
47.
ai đã ngẩn ngơ
sau giờ tan lớp
bướm ong cánh chớp
rải phấn đầy thơ
 
“Một thuở qua cầu / lòng ta chia nhịp”? Tại sao không chung nhịp mà chia nhịp? Thì ra định mệnh nghiệt ngã. Thì ra con tạo khéo trêu ngươi? Cầu Ô Thước xưa, Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ mỗi năm một lần gặp nhau khi đàn quạ về bắt nhịp cầu tình yêu mỗi mùa Ngâu đến. Có lẽ tác giả cũng đã thấu hiểu tường tận sự “đành hanh quá ngán / chết đuối người trên cạn… (Ôn Như Hầu) nên chẳng oán hờn, buồn giận khi “tình mỏng đẻ non / nghĩa dày thiếu tháng.” Tác giả chỉ ghi lại và giải bày cảm xúc một thuở môi mắt người xưa, để trải lòng cùng chư bằng hữu, rằng tại sao “em về cầu ván / rẻ lối rêu mòn.” Thì ra, con người dù cố gắng đến đâu cũng không thể cưỡng cầu khi định mệnh sắp bày như thế. Một sợi tóc rụng cũng có số phận của riêng nó trong Tân Ước Kinh). Đó là lẽ “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” trong Kinh Dịch.
 
48.
thuở đó qua cầu
lòng ta chia nhịp
cho tình vừa kịp
chín tới mùa ngâu
 
Rồi kết thúc của cuộc tình, tuy không phải là một đoạn kết có hậu kiểu “Happy Ending,” như giới văn học Âu Tây chủ trương. Cuối cùng rồi mỗi người một ngã, đường đời hai hướng xuôi ngược. Một khi lối rêu mòn đã rẻ nhánh, nàng, về qua cầu ván. Có lẽ từ đó nàng rời sân trường. Phận gái một phương. Chính chuyên là thước đo chuẩn mực cho cuộc sống, cho hạnh phúc, cho bổn phận, cho tam tòng tứ đức. Nàng, lấy công dung ngôn hạnh làm kim chỉ nam. Còn chàng, về đâu?! Làm trai, bước đường vô định. Làm trai, mười phương tám hướng làm nhà. Làm trai, tha phương đất khách. Làm trai, một đời luân lạc, nổi trôi bồng bềnh.
 
49.
tình mỏng đẻ non
nghĩa dày thiếu tháng
em về cầu ván
rẻ lối rêu mòn
 
Từ buối ấy dường như hồn thi nhân du mục, du canh, du cư… Lúc thì lãng đãng trên chon von đèo dốc, treo tình trên vách núi; lúc thì bềnh bồng theo mây chiều ráng nắng; lúc theo sương vờn bãng lãng cùng hoàng hôn ngậm ngùi. Hoặc như khói động non ngàn thả hồn theo cuộc tình hồng một thuở mắt môi áo trắng còn vương vất sân trường… mà thời gian không thể phôi pha vọng về từ tâm thức phiêu lãng… rồi chảy dài cùng suối thời gian âm ỉ bất tận trong cuộc đời này. Đẹp, tuy trầm luân khắc khoải tơ tưởng, ngóng mong…
 
50.
từng bước chon von
mây chiều nắng ráng
sương vờn bãng lãng
khói động đầu non
 

* * * *

Kết: Quả tình, thi sĩ Võ Thạnh Văn và trường thi Ngỡ Mắt Môi Xưa, trong thi ca Việt Nam, xưa nay hiếm.
 
Ngã Du Tử  viết tại Sài Gòn
Tháng giêng / năm Nhâm dần (2022).



  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn