VÕ THẠNH VĂN

Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA
 
NGỠ MẮT MÔI XƯA  [6/12]
Ngô Thy Cúc, Long Xuyên
[Ngõ Nhỏ Tình Yêu]

 
Tôi ít khi viết văn xuôi. Và cũng hoạ hoằn lắm mới làm vài câu thơ tiêu khiển. Bởi, tôi vốn chủ trương giản dị, thưởng thức thơ văn thì rõ ràng là phong lưu nhàn hạ hơn là thức khuya cặm cụi làm thơ, viết văn. Nhưng, đôi khi, không viết không được… Tương tự như mấy đấng mày râu, thấy bóng hồng tha thước thoáng qua không thể không ngoái nhìn. Hảo hán mà ngữi mùi rượu thơm, bay trong tửu quán, không thể không gọi tửu bảo mang vài vò rượu ngon, uống với bát lớn. Rồi tình cờ, hôm nay, đọc được một thiên trường thi diễm mộng ngôn từ “NGỠ MẮT MÔI XƯA” của nhà thơ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, nên mạo muội để lại vài dòng cảm nghiệm.
 
51. Trên đọt mong manh 
Lòng ta nửa phiến 
Nửa neo cổ miếu 
Nửa gửi am tranh 
   
Đọt: nơi mong manh nhất, trên một thân cây, nơi không có chỗ để bám víu. Nơi ấy, gió đưa gió đẩy, mưa gội sương rây… Rồi thêm nắng, thêm bụi… Cho nên, việc rơi rớt héo tàn của “đọt” là điều không thể tránh khỏi. Khi con người rơi vào sự bế tắc thì người ta thường tìm đến chốn tâm linh, nơi "am," nơi "miếu" để trút bớt phiền muộn, hoặc tối thiểu cũng làm cho lòng mình vơi đi chút nào nỗi muộn phiền. Thi nhân của chúng ta, không có miếu, có đình, có tháp… để về, thì về chính cái am tranh của mình để di dưỡng cho tâm tính phiền muộn, để lấy lại thăng bằng cho tâm hồn an lạc vậy.
 
Và khi rơi vào sự lạc lõng, một cảm giác thật mơ hồ. Sự mơ hồ ấy được diễn tả bằng tán thán từ "dường như." Mà dường như, tác giả không còn quan tâm đến bước chân ai đi, bước chân ai về… Bởi, mệt mỏi chăng mà tác giả thấy cuộc đời nầy cũng chỉ là bến xe, bến tàu, bến thuyền. Cho nên, chàng không quan tâm đến điều gì nữa, khi trốn đời “phù hư” tạm bờ nầy và nằm quấn tròn như con sâu hay con tằm trong cái kén là am tranh am cỏ am đá trốn đời. 
 
52. Dường như ai đi 
Dường như ai đến
Cuộc đời là bến 
Xa cách sá chi 
 
Người thi nhân khẳng định: Bến đỗ là cuộc đời, cuộc đời là bến đỗ, thì chuyện cách xa cũng thường tình, nào có là gì. Người không quan tâm hay chính ai đó quá thờ ơ? Có lẽ cả hai. Nhưng rồi, cũng có chút hy vọng, mong chờ để rồi tự an ủi mình. “Cuộc đời là bến / Xa cách sá chi.” Đó chỉ là sự tự an ủi… Tự sâu kín trong tâm thức, trong tiềm thức… nhớ thương vẫn nhớ thương, mong chờ vẫn mong chờ… Làm sao quên được? Lấy gì để nguôi ngoai? Lấy gì để lấp đầy khoảng trống của đôi hài giai nhân đã để lại dấu vết trong hồn?
 
Thế nhưng, lẩn quẩn quanh co lạc lối trong vòng nhân sinh phiền trược, trong lòng mình ngổn ngang đầy khắc khoải thao thức… Kết quả là niềm hy vọng đã tan theo mây khói và rồi không còn chút gì để mà mong, mà nhớ. Nhưng quả thật thì cũng không phải giản dị như thế. Đã quyết thương ai một đời thì cũng cần nguyên một đời tròn để nhớ, để mong, để quên… Thật là mâu thuẫn… Tình yêu đã vuột khỏi tầm tay… Không còn là trái ngọt để nâng niu, không còn là mùa xuân để muôn hoa đua nở. Bao nhiêu mùa ngâu rồi cũng không buồn nhớ, mà vẫn cứ nhớ, chỉ còn một vài đọt xanh biếc, chẳng thể làm dịu nỗi đau trong lòng, mà, tất cả càng là sự gợi nhớ…
 
53. Rã rụng trái sầu 
Lá thu điệp điệp 
Vài đọt xanh biếc 
Quên bẵng mùa ngâu 
 
Không còn "cuộc đời là bến.” Đã biết rằng không có bờ bến đi về, nhưng, vì khi tuyệt vọng, thi nhân còn phải thốt lên "biết đâu bờ bến?” Biết đời là bến. Nhưng, bến nào, nơi đâu? Ra sao? Ai về? Ai ở? Nơi đâu? Ai kẻ rời bến ra đi? Ra đi rồi có trở về? Khi nào trở về? Bến vẫn đợi mong? Sự thật là không ai ghi được dấu chim qua trời. Không ai biết được đường phương bay. Tương tự, không ai vẻ được dấu rắn bò trên đá? Đã không dấu, không vết, không tích, không hành trạng… thì chuyện nhớ quên có còn cần thiết? Mà đã không dấu, không vết, không tì, không tích… thì mong mỏi đợi chờ mà chi?
 
54. Xoá dấu chim di
Biết đâu bờ bến 
Đọc thư thắp nến 
Mắt nhậm mùa thi 
 
Đọc thư trông chờ dưới ánh nến đến phải đau mắt? Hay vì phải học bài thi ư? Một nỗi đau đến tột cùng mà thi nhân muốn xoá đi trong tâm trí. Rồi thi nhân tìm đến với thơ như một hầm trú ẩn, một hầm trú ẩn an toàn. Và từ đó, nơi căn hầm trú ẩn ấy, dường như có một nguồn cảm hứng dạt dào và cũng rất đam mê, thành tựu. Thành tựu? Quả thật nguồn vui tao nhã của thi nhân, lấy thơ làm bầu bạn… đã thành tựu. Với thi từ lung linh, bóng bẩy, mượt mà, tình tứ… thi nhân đã đi vào lòng người, đã làm rung động những con tim bình dị… như gió rung đọt cây, như dầm khuấy nước bến sông chờ… Thi nhân tự ví mình như con tằm thì phải nhả tơ, như loài ong phải mữa mật… trong tự nhiên, trong thiên nhiên, trong gió mây, trong cuộc đời. Quả thật, thiên nhiên thuộc về giai cấp nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ của bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn.
 
55. Mùa tằm nhả tơ 
Mùa thơ rụng trứng 
Ta tìm thi hứng 
Trong gió bâng quơ 
 
Ý niệm bướm hút nhuỵ, tằm nhả tơ, ong mửa mật… thì hiểu được. Nhưng, thế nào là “thơ rụng trứng?” Và mùa nào là mùa “thơ rụng trứng” trong 4 mùa xuân hạ thu đông? Hay là, thơ có mùa riêng cho việc “rụng trứng?” Mà “rụng trứng” là rụng ra sao, để làm gì, kết quả là điều gì sẽ xảy ra, sẽ thành tựu khi trứng rụng??? Hoặc giả, theo Phù Hư am chủ Võ Thạnh Văn,  thì ”trứng thơ” sẽ sinh ra thơ chăng? Cái “trứng thơ” ấy ai ấp, ấp ra sao, thời gian bao lâu thì “trứng” nở… Quái. Cái ông thi nhân nầy cực kỳ cổ quái. Tôi đã từng đọc thấy đâu đó, ông từng nằm trong am đá, nghe ma ngáp bên ngoài sơn động về khuya…
 
56. Mưa rây giang đầu 
Tình về cuối ngõ
Mắt sâu vò võ
Thức suốt đêm thâu 
 
Có mưa bụi, mưa ngâu, mưa phùn, mưa rây… ở đây như “mưa” muốn chia cắt: Nơi giang đầu, nơi cuối ngõ. Ta thấy thấp thoáng một mối tình để rồi nỗi đau lại về và hằn lên đôi mắt quầng sâu sau nhiều đêm thức khuya, thao thức, trằn trọc, mất ngủ. Đêm thuộc về giới nghệ sĩ. Mưa cũng là môi trường mà giới nghệ sĩ ươm tơ, kết kén. Mưa gọi dấu hài về? Mưa trút nơi giang đầu? Chân về cuối ngõ? Có một liên hệ nhân quả nào nơi đây chăng? Hay là, mỗi khi đấu giày về cuối ngõ nhỏ, là tác giả biết ngay, vì bão mưa giang đầu báo tiệp?
 
57. Chờ cuộc mưa ngâu 
Chập chờn mờ tỏ
Ai về cuối ngõ 
Dằng dặc trăng thâu 
 
Quả là mâu thuẫn, lúc thì "quên bẵng mùa ngâu” (#53). Giờ thì, "chờ cuộc mưa ngâu" (#57). Đây chắc phải là đêm rằm hay mười sáu, trăng sáng suốt đêm. Mưa ngâu chỉ một lần trong năm mà Ngưu Lang và Chức Nữ đã chờ đợi mỏi mòn. Cuộc mưa nơi đây ví như cuộc đời người. Ai đi, ai về? Đây là hình bóng ai mà “chập chờn mờ tỏ?” Là một hình bóng lẫn khuất trong những nhành cây hay những chập chờn dưới bóng trăng? Một cuộc đợi chờ tưởng như vô tận suốt 365 ngày đêm đằng đẵng nơi căn nhà cuối ngõ, chỉ một bước chân đơn lẻ lầm lũi đi về. 
 
58. Chớp biển mưa nguồn 
Gió giay bão giật 
Nỗi sầu mữa mật     
Dòng dòng thác tuôn 
 
Ánh trăng sáng tỏ mà lòng ngừơi như nặng trĩu. Khi cơn bão qua rồi để lại trong lòng người một nỗi đau không gì bù đắp được như muôn dòng thác đổ không bao giờ dứt. Mà giả dụ cơn gió không đi qua, bão không bay lại mà ê ẩm từng tế bào, mà "đay, nghiến" từng thớ thịt, mà quặn thắt tim gan. Thử so sánh, dù cơn giông bão có xé nát bầu trời, cũng không là gì so với nỗi đau trong lòng. 
 
59. Đau từng phân vuông 
Mối tình gốc bật 
Thương em vắt mật 
Đợi quỳnh nhả hương  
 
Ôi! Chỉ một nửa tâm hồn đau thương cũng đủ làm con tim tan nát và cả một đời người thê lương. Nỗi đau ở đây là đau từng centimètre. Dẫu có yêu em đến thế nào thì mối tình kia cũng chỉ là dấm chua, mật đắng. Khi một mối tình bật gốc, ta nhìn thấy gì? Nó đổ như một bức tường, như đất trụt, như núi lở. Lâm cảnh ngộ ây, chỉ biết tự an ủi mình bằng cách "đợi" mà không biết đến bao giờ dấu chân Tình cũ quay về, chẳng biết đến khi nào đoá hoa tình lỡ trổ nụ, và chẳng biết khi nào cánh hoa tình ấy tỏa hương.
 
60. Rêu đẫm sương mai 
Từng viên gạch ngủ 
Trên thành quách cũ 
Dế khóc tàn phai   
 
Tiếng dế kêu hay tiếng vạt sành nghe đã buồn não nuột. Ở đây Người nghe được tiếng dế khóc than, ắt hẳn phải có nội công thượng thừa, hoặc một nội hàm sung mãn, hoặc một nội tâm thiền tịnh đến một mức độ nào đó thì mới nghe được tiếng của côn trùng rỉ rich về khuya. Từng viên gạch như ngủ không biết tự bao giờ trên những thành quách đã rêu phong. Qua phần 6/12 nầy, tôi mạo muội đặt tên thay tác giả, là “NGÕ NHỎ TÌNH YÊU.” Vì là, nơi con ngõ nầy (La Porte Étroite) có một mối tình thật lãng mạn, vừa nẩy nở, chợt bay đi… được đi thẳng vào thi ca. Và từ đó, nó trở thành bất tử với thời gian sau trước, cũng như với không gian năm châu đại lục.
 
* * * * *
 
Tâm hồn con người, nhất là những con người nghệ sĩ luôn bén nhạy trước mọi sự, mọi việc, tri cảm và rung động ở một giai tần cao, thì cuộc đời quả là nhiều bất ngờ và mâu thuẩn… Có những xa lạ dường thân quen. Có những thân quen dường như vạn kiếp. Có những dòng thơ mới đọc mà ta có cảm giác như đã từng đọc từ thuở nào. Có những nghệ sĩ mà công trình tim phổi của riêng họ dường như có sẳn trong lòng ta từ bao kiếp… Ta có cảm tưởng là chính người nghệ sĩ ấy, hay chính xác là thi sĩ, nói hộ lòng ta, bộc bạch dùm ta những điều mà chính ta không thể dùng ngôn ngữ của mình để diễn đạt được… Chính khả năng truyền cảm mà người nghệ sĩ thủ đắc là một chức năng quan trọng và cần thiết cho xã hội, bất cứ xã hội nào. Chức năng đặc biệt nầy của giới nghệ sĩ, là tinh hoa đặc thù của mọi ngôn ngữ, văn hoá của mỗi dân tộc riêng biệt và của loài người nói chung vậy.
 
Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn quả là một nghệ sĩ tài hoa đích thực. Ông ta vừa đa tài, vừa đa dạng, vừa đa cảm, có lẽ theo nhau cùng với những đa luỵ, như những hệ luận tất yếu phải xảy ra… Người nghệ sĩ ấy là một Nhiếp Ảnh Gia nghệ thuật, một Thi Sĩ với đầy đủ khiêm tốn để xuất, để xử, để tránh đời, để ẩn dật, và từ đó ông nhìn đời bao quát, để có thể ghi được những hình ảnh thiên nhiên núi non mây gió sông nước tuyệt vời và viết được những dòng thơ óng mượt phụng hiến dâng đời... Nhưng, để có được những vần thơ “Ngỡ Mắt Môi Xưa” ấy, chắc hẳn tác giả, nhà thơ phds Võ Thạnh Văn, phải có một tình yêu mãnh liệt, phải có một khổ đau tận cùng, và phải tìm kiếm một thời gian dài trong vô vọng…
 
Ngõ Nhỏ Tình Yêu - Thơ Thy Cúc
 
“Mắt môi ai thật hiền 
“Nơi ngõ nhỏ yêu thương 
“Bao mùa trăng tròn khuyết
“Tình ai còn vấn vương 
 
NGÔ THY CÚC, Vĩnh Long, VN.
 


  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn