VÕ THẠNH VĂN

 
Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA
 
ĐÔI LỜI CẢM TÁC
Trường thi “NGỠ MẮT MÔI XƯA” - Phần 9
Tác giả: VÕ THẠNH VĂN
Người đọc: Út Trần.

 
Tôi yêu văn học nghệ thuật, đặc biệt là bộ môn THƠ…, theo tôi, thơ là hoàng hậu của tất cả mọi thể loại văn học và nghệ thuật. Thơ, lời thơ nói lên được tình người, tình đời và tính cách của người thơ một cách tự nhiên, không che khuất. Tôi yêu những vấp ngã và cả những nỗi đau trong cuộc đời, trong cuộc tình vì đó
là lẽ thường trong cuộc sống. Nhưng, lại càng yêu hơn, thơ có tác dụng di dưỡng tâm tình, làm phấn chấn lòng người. Thơ không sầu mị, vì sau những nỗi đau ấy là sự thong dong, thênh thang bước tiếp, không gục ngã. Vì người thơ hiểu rằng, tất cả… tất cả chỉ là phép thử, thử tôi, thử bạn có vững vàng trước giông bão cuộc đời và tình trường.
 
Qua 10 đoản khúc, 9/12, trong 12 Phần của trường thiên thi “NGỞ MẮT MÔI XƯA,” cho thấy nhà thơ Võ Thạnh Văn rất chân thực khi viết lên những mộng mị, nuối tiếc… khi trải qua cơn đau đời, đau tình tan vỡ. Nhà thơ đã ghi lại nỗi nhớ nhung, từng cơn mơ vụng khi đêm về, chăn chiếu thênh thang mà người xưa biền biệt, không còn gần gũi nữa. Từ cơn đau nhè nhẹ, hờn giận ngỗn ngang cho đến cơn đau vùi, và…còn đau hơn thế nữa nhà thơ phải thốt lên 2 chữ “thống hận.” Nhưng may thay, tựa vào thiền quán, kinh Vệ Đà, qua lời dạy của Phật trong kinh Lăng Già, “thấy trăng, hãy quên đi ngón tay,” đã giúp nhà thơ hiểu được giông bảo chỉ là phương tiện để ta hiểu thêm chân, thiện, mỹ của cuộc đời, của tình người. Nhà thơ đã thong dong bước từng bước, nhìn đời thật trang nghiêm. Và từ đó, nhà thơ nhận ra yêu cuộc đời, dòng chảy mênh mang, vì
nét đẹp của cuộc sống đầy tình người chất ngất.
 
Xin mời bạn hãy đọc qua từng khổ thơ để thấy tâm tình chân thật của nhà thơ trước cuộc tình tan vỡ và nỗi đau đời dai dẳng trong lòng chàng. Thơ là người, “Ngỡ Mắt Môi Xưa” thể hiện đúng mức và cho chúng ta thấy được hình ảnh một nhà thơ mà trong lòng luôn âm ỉ vấn vương hình bóng người cũ, dù lòng chàng vẫn muốn quên, hãy nghe nhà thơ tâm sự:
 
#81. “chăn chiếu thênh thang
“trong cơn mơ vụng
“phiến hờn chín rụng
“nụ hờn ngữa ngang
 
Dù là mơ, dù là mộng, mơ trong cơn mơ, mộng trong giấc mộng… nhưng những giấc mơ cũng cho thấy rõ cái hờn giận về một tan vỡ “ngữa ngang” trong tiềm thức. Rồi từ đó, hờn trách người đi đã ra đi biền biệt không tăm hơi. Dù sầu “mang mang” để gối sầu chiếc bóng, nhà thơ vẫn đợi bóng người về, nhà thơ chung thủy của chúng ta trách người đi để “gối thêu mộng tẻ / đợi hoài bóng loan.” Xin hãy đọc tiếp khổ thơ #82:
 
#82. “sầu dâng mang mang
“gối thêu mộng tẻ
“tình ai phụng lẻ
“đợi hoài bóng loan
 
Cuộc tình ấy quá lớn. Qui phượng cầu hoàng. Phụng vẫn chờ đợi bóng Loan. Giông tố của tan vỡ đã để lại trong lòng nhà thơ nỗi buồn thầm kín và sâu đậm. Từ buồn vương “mang mang” đến nỗi đau “thống hận.” Tác giả đã cố quên, nhưng nào có quên được, dù trong cơn mơ, dù trong giấc mộng. Trong cơn “thống hận” đau buồn chất ngất ấy, nhà thơ đã từng thức suốt đêm dài, từ đêm tối đến gà gáy sáng, rồi đến bình minh ló dạng. Đêm trắng cuộc tình. Đêm trắng miên mang. Đêm trắng của niềm mong, nỗi nhớ.
 
#83. “giông gió cuộc tình,
“nghiêng chao thống hận
“cố quên mấy bận
“gà gáy bình minh
 
Nỗi đau của thi nhân chín muồi, đến không lời nào bày tỏ đầy đủ những hờn giận yêu thương cho cuộc tình tan vỡ. Người thơ bèn tìm đến trú ẩn an nhiên nơi tịch lặng kinh Phật, như một biện pháp, như một cứu cánh. Nhà thơ đã học cách làm thinh của thiền quán, tập không than vãn mà đem nỗi đau cất sâu vào tận đáy lòng. Tịnh khẩu và thiền quán đã giúp nhà thơ nhìn lại cuộc tình, nhìn lại chính mình, đêm từng đêm, qua lời kinh tiếng kệ. Lời kinh ấy như dòng suối mát, có tác dụng tẩy trần, gột rửa tâm linh, làm mới lại những mỏi mệt tâm hồn. Lời Kinh như hương trầm thơm ngát.
 
#84. “ta học làm thinh
“suốt mùa tịnh khẩu
“đêm nhìn khuê đẩu
“tụng rã lời kinh
 
Tác giả, nghe kinh và tụng kinh Lăng-Già, hiểu được cảnh giới thánh trí tự chứng, qua nỗi đau đời với lời kinh thâm viễn, vi diệu. Lời Kinh như Phật nhũ.Từng câu kinh bất khả tư nghì và siêu việt ngôn ngữ. Nhà thơ trong cảnh giới nội chứng đã bậc ra lẽ trời, lẽ người. Từng câu, từng chữ “thơm ngát hoàng hoa.” Chàng thi nhân khổ luỵ ấy đã mang Kinh lên đồi tuyết, lật chậm từng trang, tụng rã từng lời, và chứng ngộ nét đẹp của sự thật, của chân lí, của Kinh, của Đạo, của đời, của tình yêu.
 
#85. “buổi đọc lăng già
“sau đồi tuyết rụng
“từng trang nhật tụng
“thơm ngát hoàng hoa
 
Và, cũng từ đó, trong cơn đau đời vật vã, như cánh chim hoàng ly rực rỡ, hót vang lúc sống, trầm tư lúc chết. Cánh chim hoàng ly ấy đã yêu tha thiết bạn tình, mà trong cơn hấp hối, đã nhả toàn bộ tim óc để chứng minh tình yêu của mình với người bạn tình. Thật là thi vị, trong cơn đau khổ tột cùng, nhà thơ đã ẩn dụ khúc tình thi của mình trong yêu thương say đắm, sống chết vì bạn tình, như chim hoàng ly –một loài chim cao khiết, sống tận núi rừng xa, sắc lông vàng óng ánh, xinh đẹp, hót hay, tình tứ và chung thuỷ.
 
#86. “cánh chim hoàng ly
“trong cơn hấp hối
“mửa lời trăn trối
“dệt khúc tình thi
 
Dù vẫn tự nhủ lòng hãy quên đi người đã làm trái tim mình tan vở qua tập tành lời kinh tiếng kệ, nhưng chàng, vẫn là chàng, chàng thi sĩ đa tình của chúng ta thể hiện vào thơ của mình rất thật, rất chân thật, rất nhân văn,vẫn chưa hết mộng mơ si tình, nhà thơ vẫn mơ màng, tưởng như giai nhân tìm về với mình, nơi chốn cũ, nơi tình xưa. Chàng hình dung được, nàng có mặt quanh đây, đâu đây, rất gần, rất thật… Qua con đường vắng, ít người qua lại, dẫn vào thảo am… từng bước sen vàng đi qua thảm nhung Bích Ty. Có phải dấu chân nàng chăng? –Không. Không tăm hơi. Không một đấu vết! Nàng ơi, nàng nơi đâu? Nàng về rất khuya? Ra đi thật sớm? Nàng về lúc sương đêm đã đẩm? Nàng ra đi lúc sương sớm chưa tan? Hình bóng giai nhân chỉ hiện hữu trong mơ, trong mộng, rất liêu trai.
 
#87. “trên thảm bích ty
“biết đâu manh mối
“chân ai một tối
“đẫm giọt sương si
 
Đằng sau nỗi đau vật vã của tình hận văng vẳng lời kinh Lăng Già trong tiềm thức, nhà thơ như thực chứng của vô thường, sự tàn phá của thời gian… Chàng nhận ra, tất cả đều phôi phai. Tất cả đều hư mất. Chẳng ai khóc cho những triều đại đỗ nát, cho những cung điện đền đài hoang hoá, cho những hoàng triều rực rỡ một thời… Nhưng rồi cũng chỉ còn lại là phế tích hoang vữa mà thôi. Hoàng thành rồi đổ nát. Gạch đá đều rêu phong. Thời gian. Bàn tay của thời gian. Ảnh hưởng của vô thường. Thời hoàng kim qua rồi. Tình ta đã xa rồi. Sao ta tiếc nuối. Cớ sao ta lại vật vã, bi thương?!…
 
#88. “ai khóc phế hưng
“trên đài điện nát
“hoàng thành vữa cát
“rêu đá mủ mưng
 
Khi cơ duyên đến, đến nhẹ nhàng, đến tình cờ, rất bất ngờ. Chỉ thoáng nhìn một áng mây trôi và như một phép lạ, và cũng bởi từ đó, nhà thơ của chúng ta chợt bừng, chợt sáng… về thay áo thụng, ngất ngây mùi thơm hương Vệ Đà, quên đi những đau buồn giông gió tình đời luôn bay theo trong ly hợp thoáng qua. Sau cơn tỉnh thức, sau cuộc liễu ngộ, nhà thơ chợt tỉnh thức thật sự, không nghi hoặc, không nghi ngờ… Chàng như một con người mới vừa bước ra khỏi cõi trần ai đa đoan đa luỵ. Từ đó, nhà thơ bước tiếp trong tự tin, trong tỉnh thức.
 
#89. “ta thấy mây qua
“về thay áo thụng
“đọc kinh dạ tụng
“thơm hương vệ đà
 
Qua rồi cơn mộng mị. Qua rồi nỗi đau thương. Thi nhân nhận ra cuộc đời còn vạn niềm tin yêu phía trước. Từng bước trang nghiêm, nhà thơ yêu từng bước chân vững chãi đặt trên mặt đất như một chứng tích thể hiện sự sống trong trời đất dạt dào yêu thương, đầy ắp tình đời, thấm đậm tình người. Thi nhân bước đi từng bước chậm rãi và trang nghiêm. Đó là những bước chân tỉnh thức. Đó là những bước chân của tin yêu. Đó là những bước chân của hiện tại. Thi nhân xem đó là những bước chân hành khước của các bậc Du Tăng. Quả là những bước chân liễu ngộ.
 
(#90. “từng bước trang nghiêm
“ta đi hành khất
“tình đời chất ngất
“dào dạt trong tim
 
Khổ thơ #90 cho thấy nhà thơ Võ Thạnh Văn là một thi sỹ đa tình đa cảm, nhưng
rất chân thực, làm gợi nhớ trong tôi lời thơ “yêu ai, cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét…” (Phùng Quán). Và nơi đây, với nhà thơ Võ Thạnh Văn, khi đau cơn tình hận… cứ mộng mị, cứ hoài đau, cứ tự thú, cứ bộc bạch, cứ thực nhận với đời, với người. Nhà thơ đã không che dấu những mất mát trong tình yêu đã gây dấu ấn tang thương sâu đậm đến mộng mị, hoài cảm, hoài thương, hoài hối, hoài tiếc. Thơ phải thực. Thực, mới cảm được cỏ cây hoa lá, mới chạm được lòng người.
 
Và thi nhân cũng như mọi người, từng nhìn cuộc tình qua đi trong tiếc hận. “Ngỡ Mắt Môi Xưa” trở lại, qua từng cơn mộng mị, đêm hàng đêm, mong nhớ người xưa trở về. Nhưng than vãn về những điều vỡ nát qua đi để mà chi, vì cuộc đời và tình người còn mênh mông, thênh thang chỉ chờ ta bước từng bước tiếp nối. Trên đây chỉ là những cảm nhận của riêng tôi, đầy chủ quan, khi đọc được Phần
thứ 9 (40 câu) trong 12 Phần (480 câu) của thiên trường thi “NGỠ MẮT MÔI XƯA” của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn.
 
Có thể nói được, nơi đây, qua 40 câu thơ lụa là óng mượt của một ngọn bút tài
hoa, tác giả đã thực chứng về bản lai của tình yêu không bi luỵ, nên đã gác bỏ những riêng tư của chính mình, của tiểu ngã nhỏ hẹp, để tự hoà tan tình yêu vị kỷ tự lòng mình hoà vào đại ngã mênh mông của vũ trụ tình người. Phúc thay. Lành thay.
 
Út Trần, Sài Gòn, VN
Những ngày đầu năm Nhăm Dần, 2022.


  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn