VÕ THẠNH VĂN

Các Cảm Nhận Về NGỠ MẮT MÔI XƯA

NGỠ MẮT MÔI XƯA (1/12) -- phù hư dật sĩ võ thạnh văn
thơ Võ Thạnh Văn – Lời Bình: Nguyễn Xuân Dương


1.
“ngỡ mắt môi xưa
“về trong nắng nhuộm
“sân trường phượng ướm
“màu phấn son đưa
 
Mở đầu ta đã hiểu mắt môi xưa đã xưa lắm rồi. Từ thuở tuổi của những mùa phượng ướm đỏ rực sân trường được sắc nắng hè nhuộm nên càng rực hồng. Tuổi của mối tình đầu thánh thiện nhưng dại khờ. Giờ mái đầu dã nhuộm màu sương gió ngồi để mà hoài nhiệm. Rồi biết bao kỉ niệm về những đôi mắt và làn môi nồng nàn đắm đuối biết đâu họ chưa dám một lần để lại cho nhau nụ hôn đầu đời trước ngày giã biệt...
 
2.
“mắt có về không
“môi chưa thấy tới
“tay xa vời vợi
“dài mỏi mắt trông
 
Tất cả đều đã xa xôi, xa đến ngàn trùng, xa đến thăm thẳm. Dù có mỏi mắt trông cho hết một kiếp người cũng chẳng thể nào đôi mắt ấy, làn môi ấy dù chỉ một lần xích lại. Chẳng thể nào trở về được nữa thi nhân ơi!
 
3.
“ta thấy em về
“trong cơn mê tỉnh
“má môi tròn trỉnh
“ứa nắng chiều quê
 
Dẫu có về chỉ là trong những cơn mê. Cơn mê nào về người ta yêu mà chẳng đẹp chẳng duyên, chẳng thánh thiện như một thiên thần. Em vẫn vẹn nguyên như đang tuổi thơ ngây, tuổi học trò. Má môi em vẫn tròn trịnh và ánh mắt em vẫn đắm đuối làm ứa cả ánh nắng bình yên của những chiều nơi thôn giã
 
4.
“ta mơ thấy em
“má môi mọng chín
“đôi tay phong kín
“như búp sen đêm
 
Khi thì nhìn thấy em trong cơn mê, trong vô thức. Giờ lại thấy em về hình như đã gần gũi hơn, cận kề hơn nhưng vẫn nguyên dáng hình thánh thiện ấy và phải chăng có sự gần gũi nên trong khát khao đã nhuốm màu phồn thực. Gò má làn môi mọng chín như đang đón đợi được trìu mến ái ân. Thi nhân cảm nhận được rằng kể từ ngày giã biệt đôi bàn tay của em chưa một lần mở ra để nắm cầm tay ai, ve vuốt thân hình ai. Ôi đôi bàn tay vẫn phong kín như búp sen hàm tiếu chỉ hé mở dâng hương cho riêng thi nhân- người biết tôn thờ và đón đợi em về- Những cơn mơ làm cho hồn thi nhân chìm đắm cũng là điều ta có thể hiểu được.
 
5.
“ta thấy em qua
“bước chân kiêu dị
“thiên kiều bá mị
“hài ngọc rụng hoa
 
Đến đây nếu cứ dùng ngôn ngữ của đời thường thì không thể chuyển tải hết những thông điệp mà mắt môi xưa muốn gửi gắm cho thi nhân dù đó chỉ là giấc mơ. Chỉ là thoảng qua trong đêm mờ ảo mà thi nhân vẫn nhận biết được bước chân của em rất kiêu dị. Kiêu dị là thế nào ta chỉ có thể lờ mờ đoán định. Phải chăng bước chân của em rất kiêu sa và dị biệt không thể trộn lẫn được trong cuộc người ồn ã. Bá mị là gì? Những ngôn từ không có trong từ điển. Tôi cứ phải ghép nối các từ riêng lẻ với nhau phải chăng đôi hài ngọc ngà như những búp hoa giữa cõi trân ai có một sức ma mị làm bá chủ tâm hồn thi nhân. Có lẽ chỉ có thể tóm lại tất cả những gì thuộc về em không thuộc vào cõi trần tục này mà ở đâu đó bên ngoài một thế giới của cõi thần tiên. Sự ám ảnh của một ảnh hình đã mất bao giờ cũng có một sức nặng siêu phàm đè nặng lên tâm hồn thi nhân.
 
6.
“em có biết không
“tóc xưa lộng gió
“một thời còn đó
“phượng đỏ bờ sông
 
Vẫn biết là trong mơ mị mà thi nhân vẫn buông vào đây một câu hỏi vì hình như trước mắt thi nhân đã hiện hữu một con người có mái tóc mây đang tung bay giữa một chiều lộng gió. Vẫn vẹn nguyên cả một thời xưa cũ, một thời thơ ngây của tuổi học trò với những mùa hè những cây phượng rực đỏ sân trường, rực đỏ những bờ sông. Có nhiều điều sẽ chết đi nhưng mối tình đầu luôn thuộc về bất tử...Dù bây giờ gió bụi thời gian đã cố tình che mờ tất cả thì trong ký ức của thi nhân vẫn đẫm màu rõ nét để thi nhân đưa em trở về với quá khứ- Quá khứ của mắt môi xưa...
 
7.
“gió thoảng qua song
“ngỡ em về vội
“thang lầu nắng dọi
“từng vạt hồng trong
 
Chỉ là NGỠ thôi mà sao xót xa lòng đến vậy. Em về vội vàng rồi em ra đi. Bóng em khuất dần nơi cầu thang của căn nhà xưa cũ- thời mà người ta chỉ làm cầu thang ở phía ngoài nhà. Phải chăng đã có những cái cầu thang như thế cho những lứa đôi được có cõi đi về của riêng nhau? Như những chàng trai cô gái dân tộc Thái, Mường hò hẹn. Em đã đi rồi chỉ còn từng vạt nắng hồng gieo vào lòng anh bao điều tiếc nuối...
 
8.
“tình vẫn tóc xưa
“chùm môi chín tới
“tay dài lóng với
“vời vợi cơn mưa
 
Tất cả những gì mà tôi cảm nhận được ở đây là để minh chứng một điều Võ Thạnh Văn luôn sống trong thế giới của vô thức và hoang tưởng. Cũng gần giống với hoàn cảnh của Thúy Kiều trong hai câu thơ: “Gió đưa sịch bức mành mành Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao” Tôi nói gần giống vì Thúy Kiều bừng tỉnh còn biết mình chiêm bao thôi chứ không phải là nàng Đạm Tiên đã về. Còn thi nhân của chúng ta cứ chìm sâu vào thế giới hoang tưởng khi chỉ một cơn gió thoảng qua song mà vẫn cứ nghĩ đó là em đã về...
 
9.
“ta qua hẻm quen
“nghe mùi hương lạ
“phấn thơm cỏ lá
“son lạnh màu trăng
 
Có lẽ đã rất, rất nhiều những buổi chiều và cũng rất nhiều những ban đêm Võ Thạnh Văn đã là người mộng du qua con hẻm quen của ngày xưa cũ nhưng vẫn nhận ra giờ chỉ còn mùi hương xa lạ... Một mùi hương không làm cho thi nhân mê đắm vì đó chỉ là mùi hương của phấn thơm cỏ lá, mùi hương của son từ màu trăng lạnh chứ không phải mùi hương nồng nàn quyến rủ tỏa ra từ mái tóc em, tỏa ra từ hơi thở của làn môi xưa và biết đâu đấy đối với người mộng du hoang tưởng thì ánh mắt nhìn của người yêu xưa cũ cũng tỏa hương ngạt ngào...
 
10.
“trở giấc liêu trai
“còn nồng da thịt
“bóng đêm mờ mịt
“thoang thoảng quỳnh mai
 
Cuối cùng thì Võ Thạnh Văn cũng đã bừng tỉnh và hiểu ra rằng đây chỉ là giấc liêu trai thôi chứ không phải những gì hiện hữu trong đời. Nhưng cũng thật kì lạ vì thi nhân vẫn cứ bị những kỉ niệm của quá khứ ám ảnh. Vẫn cảm nhận được sự nồng nàn của thịt da em ngày ấy còn mãi trong anh và nó đã là hành trang sẽ cùng thi nhân đi hết cuộc đời. Giờ đây nó được hiện hữu từng đêm, từng đêm vào trong những đóa hoa quỳnh, hoa mai trong khu vườn lặng lẽ có chút quạnh hiu của thi nhân. Chắc chắn đã rất nhiều đêm thi nhân không ngủ cứ ngồi ngắm mãi, ngắm mãi những đóa hoa quỳnh, hoa mai để luôn được tận hửơng mùi da thịt nồng nàn được em kí gửi cho anh từ ngày giã biệt ...
 
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Bắc Ninh, 2018.

 
TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP CHƯA NHÒA CHÂN DUNG… (*)
Bùi Lê Dung đọc và gới thiệu NGỠ MẮT MÔI XƯA
(Phần I -  từ khổ thơ 01 -- 10)

 
Trong thế giới thi ca, nghệ thuật… TÌNH YÊU vốn là đề tài muôn năm cũ, nhưng đồng thời cũng luôn rất hiện thực, rất mới, chảy tràn những cảm xúc chất ngất tinh khôi…
Đề tài với tên gọi “Ngỡ Mắt Môi Xưa,” tập trường thi tứ tuyệt của Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN, mặc nhiên đã đánh thức những sắc điệu tình yêu diệu vời sâu lắng! Nó không chỉ đem đến những cảm xúc tự tình ngủ yên, mà còn giúp  người đọc tự thân mở ra muôn cánh cửa suy tưởng trong lòng mình để nhận lấy mầm hạnh phúc diễm tuyệt từ một tình yêu vượt bến trăm năm …
* * *
Phần 01 với 10 khổ thơ 4 chữ, đã chạm khắc nên một chân dung tình yêu son sắt giữa cõi nhân trần nhiều hệ luỵ và quên lãng! Tấu khúc tình yêu với nỗi nhớ thương mang đậm hương vị nồng đượm rất thật của cuộc đời mặn nhạt chua cay:   
1.
ngỡ mắt môi xưa
về trong nắng nhuộm
 
sân trường phượng ướm
 
màu phấn son đưa
 
Hình ảnh “sân trường phượng ướm” gợi ra một thế giới ngây thơ trong sáng của thời áo trắng cặp sách hai buổi sang chiều đi về! Phải  chăng, trong tâm thức mỗi đời người, đó vẫn là một đoạn đầu đời thánh thiện rưng rưng vẻ đẹp thuần khiết ban sơ… Sắc phượng đỏ dường như càng rực nở trong “ màu nắng nhuộm!” Hình ảnh “mắt môi xưa” đánh thức một nỗi nhớ thẳm sâu, vừa sáng ấm tinh khiết vừa nồng nàn tình tứ thiêu đốt đắm say của một thời, của một buổi! Hình ảnh ngỡ như đơn phác mà dồn nén ngập tràn xiết bao cảm xúc, dồn dập như bão nổi, như sóng ngầm!
Ngôn từ dung dị, nhuần nhị… nhưng  đồng thời biến tấu lắng đọng sắc hương “màu phấn son đưa” tạo nên Tình & Ý mênh mang, đánh thức tình yêu và tin yêu, làm hồi sinh những mạch đời còn đọng khô ngủ giấc mien trường trong suy tưởng… Để rồi, trong trùng trùng chia xa, cách trở, nhớ thương vời vợi:
2.
mắt có về không
môi chưa thấy tới
  
tay xa vời vợi
dài mỏi mắt trông
Mạch cảm xúc dạt dào tiếp nối không dừng với hình ảnh đam mê tình lụy thật ngọt ngào say đắm. Ước mợ, mộng mị và mong đợi,… rồi thao thức tự hỏi “mắt có về không / môi chưa thấy tới…” run rẩy trong nỗi nhớ lớp lớp sóng xô “tay xa vời vợi/ dài mỏi mắt trông”…
Điệp ngữ “ta thấy, ta mơ…” được lặp đi lặp lại (K. 3, 4, 5) vừa luyến láy, tạo nhạc điệu, vừa khắc họa một sắc điệu tình yêu son sắt, miên viễn nhớ mong. Đó là lời tự tình ủ men mật ngọt, tràn trề những cảm xúc tình tứ, ngọt ngào, khẳng định nồng nàn một tình chung trong nỗi nhớ thiết tha, không một giây phút lãng phí trong nguôi quên… 
Trong đau đáu nỗi niềm khát khao tái hợp, hình ảnh “em về” hiển lộng, với bao vẻ đẹp ngời ngợi, đam mê, mời mọc, thánh  thiện, thuỷ chung như nhất: 
3.ta thấy em về
trong cơn mê tỉnh
má môi tròn trỉnh
ứa nắng chiều quê
quả là hình ảnh hồn nhiên chân chất giữa đời thường, chất liệu rất thực nhưng khi xen đan trong nỗi nhớ, dưng không lại sáng ấm lên thật quyến rũ, ấp đầy những cảm xúc tươi nguyên tinh chất!
Rồi đến khổ thơ thứ tư:
4.
 ta mơ thấy em
má môi mọng chín
  
đôi tay phong kín
như búp sen đêm
Với những nét chạm khắc của ngôn từ, chân dung tình yêu khởi từ  một hình tượng vừa rất thực, vừa trĩu nặng yêu thương: “má môi tròn trĩnh /  ứa nắng chiều quê “ lại vừa mang cái bay bổng của hương vị đợi chờ với đôi cánh thiên thần vút cao vì một tình yêu nồng cháy  “bước chân kiêu dị /  thiên kiều bá mị / hài ngọc rụng hoa!” Hình ảnh đẹp vừa nồng nàn hơi thở cuộc đời vừa lãng mạn phiêu bồng đầy sức chiêu hồn!
5. ta thấy em qua
bước chân kiêu dị
thiên kiều bá mị
  
hài ngọc rụng hoa
Chính cái cảm xúc dồn nén, ngời ngợi đó, giúp người thưởng ngoạn hình dung, cảm nhận tràn trề bức chân dung tình yêu bí ẩn mà mỗi con người chúng ta đều đã cất giữ cho riêng mình!... Vì thế, đó không còn là câu chữ nói về  tình yêu mà là chính tình yêu đang cất lên tiếng hát... Câu thơ khuấy động tâm tư và làm dậy lên những cảm xúc của tâm trạng được yêu và đang yêu, của dâng hiến chân thành...
 
6.em có biết không
tóc xưa lộng gió
một thời còn đó
phượng đỏ bờ sông
Không dừng ở đó, bức chân dung tình yêu trong nỗi chia xa, mong đợi của một tình chung son sắt “tóc xưa lộng gió / một thời còn đó /  phượng đỏ bờ sông” (K6)
 đã trĩu mang nỗi đau và hơi thở của đất trời ngây sững:
7.gió thoảng qua song
ngỡ em về vội
thang lầu nắng dọi
từng vạt hồng trong
 
Niềm ước mơ hội ngộ đã được diễn đạt thật tế vi khoảnh khắc thay đổi diệu kỳ đến từng mạch sống… “tình vẫn tóc xưa/ chùm môi chín tới / tay dài lóng với/ vời vợi cơn mưa.”
8.tình vẫn tóc xưa
chùm môi chín tới
tay dài lóng với
vời vợi cơn mưa
Theo bước chân người đang yêu, ta chợt nhận ra những ngõ ngách đời thường khi “ta qua hẻm quen…“ vẫn mãi sáng ấm lên nhờ cái sức sống của tình yêu muôn thuở: “nghe mùi hương lạ“  Ngay cả nơi trần lụy nhất, cũng ngạt ngào hương mật  “phấn thơm cỏ lá / son lạnh màu trăng.“ 
9.ta qua hẻm quen
nghe mùi hương lạ
phấn thơm cỏ lá
son lạnh màu trăng
Giữa cõi nhân trần, trùng trùng cát bụi,  giữa những biến thiên thời cuộc, cách núi ngăn sông… thì trong trái tim yêu đương son sắt, một tình chung vẫn luôn là những hình ảnh phải yêu đến ám ảnh, mãi mãi là những ký ức tươi nguyên, một thế giới yêu thương thật ấm nồng:
K10 -  trở giấc liêu trai
còn nồng da thịt
bóng đêm mờ mịt
thoang thoảng quỳnh mai
2 câu thơ đẹp thánh khiết mà cũng rất đổi dung tục trần thế, bởi tình yêu ngọt mật nơi thế gian này, vốn dĩ đa luỵ vì đa đoan nghìn mối tơ vò!  
Nếu hình ảnh “giấc liêu trai” gợi vẻ đẹp nồng nàn huyền hoặc của hư ảo huyễn mộng, thì  hương vị thấm đẫm tình trần “còn nồng da thịt” lại khẳng định một hiện thực  si luyến  tình tứ đắm say…
Nhưng bất ngờ là ở 2 câu kết :
bóng đêm mờ mịt
thoang thoảng quỳnh mai  
Không và Có? Sắc tướng nhiệm mầu! Nội Tâm và Ngoại Cảnh giao thoa!... Phải chăng vẻ đẹp huyền nhiệm đó cũng chính là vẻ đẹp của cuộc sống vượt qua dâu bể thăng trầm “bóng đêm mờ mịt “  để nở hoa liên miên bất tuyệt mãi mãi rạo rực những tình xuân “ thoang thoảng quỳnh mai…?” Phải chăng đó là cảm xúc của một tình yêu vượt ra khỏi ràng buộc hữu hạn, để cùng hòa nhịp đập theo hơi thở sự sống, đạt đến cái vô cùng.
Hình ảnh nối tiếp hình ảnh, trùng trùng điệp điệp, tiết tấu nhẹ nhàng, rung lên những giai âm đồng điệu… Trong mỗi hình ảnh, ngôn từ thể hiện,  dường như có cả góc độ thu hình  của nghệ thuật nhiếp ảnh và sắc màu hội họa phối hợp thật tinh tế nhẹ nhàng với nghệ thuật dựng hình đặc trưng, đã góp phần tạo nên những hình ảnh Thơ, vừa giàu tính biểu tượng vừa rất chân thực, có sức thuyết phục lớn… Những dòng thơ Ngỡ Mắt Môi Xưa mở ra một không gian vô tận của tình trần si luyến và một không thời gian vô biên độ của lòng ngườI, giúp  người thưởng ngoạn  tìm được những thăng hoa trong thế giới nội tâm của chính mình.
* * *
Mỗi trang thơ lật giở, là mỗi  giữ gìn, đánh thức lại những sắc hương cuộc sống, là một tấc lòng long lanh châu ngọc mong được sáng lên giữa cõi nhân trần!… Phải chăng, chỉ những người sống trọn vẹn với thơ, bằng tài hoa, bằng sự nhạy cảm vi tế… mới đem đến cho thơ chất cảm xúc nguyên khôi, tinh chất được ủ men dậy men, bởi một chiều sâu tư duy rất lạ... và thực sự đã “tẩm” vào người đọc “đóa nhụy thanh tươi” …
 Bùi Lê Dung, MELBOURNE, Australia, March 12, 2022
 (*) “Ba nghìn thế giới về qua / Từ vô lượng kiếp chưa nhòa chân dung”…  (thơ Võ Thạnh Văn).

 
 

 


  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn