VÕ THẠNH VĂN


Kính giới thiệu với quý vị thi phẩm

LƯU LÃNG CA
(Lời TỰA: Võ Thạnh Văn) 
của nhà thơ NGUYỄN DUY TOÀN,
bút danh Lưu Lãng Khách,
một thi nhân đất Quảng

 
Nếu triết gia là trí tuệ của nhân loại, thì nghệ sĩ là giác quan. Thi ca là ngôn ngữ đầu tiên và cuối cùng của con người. Chính văn hóa, mà thi ca là đại biểu tinh túy, đã nối kết một dân tộc và làm cho dân tộc ấy độc đáo, duy nhất, lớn mạnh, độc lập, trường tồn. Người xưa dùng thi ca để làm sáng cái đức sáng của người quân tử (Minh minh đức, minh minh chí...Luận Ngữ). Văn dĩ tải Đạo.
 
Lưu Lãng Khách là một nhà thơ, một nghệ sĩ. Qua thi tập LƯU LÃNG CA của nhà thơ miền Núi Ấn Sông Trà ấy, ta có thể thấy những đề tài nổi bật sau đây: (a) Tính khí giang hồ (b) Bóng dáng Quê Hương (c) Hình ảnh song thân (d) Nghĩa Tình bằng hữu và (e) Duyên thắm chồng vợ, nghĩa nặng phu thê. 
 
Ta sẽ lần lượt thưởng lãm ng i bút tài hoa của chàng trai lãng mạn, đa tình và duyên dáng Lưu Lãng Khách, bút danh của Nguyễn Duy Toàn, xuyên suốt những đề tài nổi bật trên. Tuy nhiên, những phân tích và trình của người viết bài TỰA nầy hoàn toàn có tính chủ quan.
 
GIANG HỒ RÉO GỌI
 
Ca dao tục ngữ Việt: “Đi một ngày đàng, học một tràng khôn”… Hoặc, “Đi cho biết đó đây”… Sử Gia Tư Mã Thiên, đã từng ngao du sơn thủy 10 năm trước khi bị cung hình và viết bộ Sử Ký lừng danh thiên cổ… Lời văn và hình ảnh sống động của Sử Ký nhờ vào những tháng ngày rong ruổi giang hồ của Long Môn Tư Mã…
 
Tiếng gọi bốn phương có sức kêu mời mãnh liệt mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm và khí phách mới nghe, mới cảm và mới dám đáp trả… Lưu Lãng Khách là một nhà thơ giang hồ. Đầu thế kỷ 21, xứ Quảng, có một chàng trai lãng tử với túi thơ, bầu rượu, cây đàn cùng con tim chất ngất lãng mạn. Chàng trai của miền đất địa linh nhân kiệt Núi Ấn Sông Trà ấy, đã từng đặt chân qua khắp 3 miền Trung Nam Bắc, mà tượng trưng là Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Chàng xuôi Nam ngược Bắc, zigzag, không kể trước sau theo một thứ tự ưu tiên nào --theo thời gian, không gian, địa lý.
 
Những địa danh chàng đã đi qua với đầy ắp kỷ niệm, được nhắc đến trong gần 150 bài thơ của thi tập LƯU LÃNG CA. Ta có thể đọc thấy và ghi nhận: Vũng Tàu, Hòn Gai, Cát Bà, Qui Nhơn, Nghĩa Lĩnh, Đền Thượng, Phong Châu, Hiền Lương, Tràng Kênh, Bạch Đằng, Hội An, Cát Tiên, Đồng Nai, Nha Trang, Hồ Gươm, Thê Húc, Hồ Tây, Lãng Bạt, Thủy Nguyên, Yên Tử, Chùa Thiên, Đền Tháp, Ba Bễ, Bạch Hạc, Sông Lô, Sông Hồng, Sông Đà, Thanh Hóa, Hạ Long, Kinh Bắc, Tiêu Tương, Miền Tây, Phương Nam, Phong Nha, Vạn Bội, Tiêu Sơn, Trúc Lâm, Cổ
Loa, Dục Tú, Hoàng Giang, Phù Lưu, Đông Ngàn, Tam Sơn, Yên Phong, Hòn Bà, Cổ Lũy, Thanh Hóa… Hầu hết thơ ca, tác giả làm ra từ suốt dọc đường ngang dọc ấy… 
 
Từ giang hồ lấm bụi
Quen muôn phương là nhà
Bước độc hành rong ruổi
Dệt thành Lãng Khách Ca (LLK, LKC)

 
Hoặc:
 
Giũ áo muôn phương còn lấm bụi
Tiêu dao chưa phỉ chí tang bồng
Chừng nghe gác lạnh chiều mưa đổ
Một thời mã thượng mới sang sông (LLK, HBGH)

 
Cuộc đời tác giả, có thể nói được, là cuộc đời lang bạt xa nhà, xa quê, xa song thân, xa bằng hữu, xa cả vợ con máu thịt xương da… Âu cũng là một phần của mệnh số tài hoa… Và sự thật là, Lưu Lãng Khách yêu tha thiết cái mệnh số lưu lạc ấy.
 
Xuôi Nam ngược Bắc thơ đầy túi
Xuống bể lên nguồn rượu ché vơi
Hạ giới thần thi chưa diện kiến
Tiên bồng thánh tửu đã trăm hơi (LLK, VC)

 
Hoặc:
 
Người đi một sớm thu vừa đến
Bỏ hạ tàn theo giấc mộng đời
Vẫn hoài vương mắt môi trìu mến
Hằn lên năm tháng nỗi chơi vơi (LLK, HTH-2)

 
Thậm chí, anh tâm sự với hiền thê, cũng là bạn thiết, cũng là hổng nhan tri kỷ… rằng mai sau, khi anh ra đi về miên viễn của đất trời uyên nguyên, thì anh vẫn là anh, chàng nghệ sĩ của dọc ngang sông núi, của mòn gót phong trần, của lưu linh đất khách:
 
Dù anh tắt nắng ai ơi!
Vẫn còn anh của một thời dọc ngang (LLK, DA)

 
BÓNG DÁNG QUÊ HƯƠNG
 
Lý Bạch, chàng trai Tây Vực… cỡi con ngựa ốm ra đi, với những câu thơ nổi tiếng “Cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương.” Những câu tứ tuyệt của thi nhân họ Lý sống mãi từ thời Sơ Đường cho đến ngày nay… Nhưng, cái “sầu” của họ Lý là cái sầu của kẻ xa nhà vì thú ngao du. Ở đây, cái đau của Lưu Lãng Khách là cái đau của ly hương vì một ý hướng… “Đêm nay gió lạnh trùng khơi / Quê hương còn mãi những lời mẹ ru (LLK).” Con người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về… 
 
Quê hương là nơi chân ta có thể rời đi, nhưng tim ta vẫn mãi mãi gởi gắm nơi đó… Đó là tâm trạng “Thân cư đất khách, tâm tại cố hương.” Lưu Lãng Khách, người con của Quê Hương linh tú, Ấn Trà, tự khai báo lý lịch trích ngang của chính mình. Anh gắn liền với Quê Hương. Quê Hương hoài thai anh, ôm ấp anh, khí thiêng sông núi đã hun đúc nên anh, sau khi cha mẹ cho anh tấm hình hài…
 
Lớn lên từ rơm rạ
Bên Trà Giang lở bồi
Quen thiên tai bão lũ
Cơ bần từ trong nôi
Anh! Chàng trai núi Ấn
Từng vui cùng rạ rơm
Từng buồn như lính trận
Từng ơn người thảo thơm
Hay mơ đời tươi sáng
Đến với người quê anh
Trẻ già thôi nước mắt
Sớm chiều vui an lành
Không chịu làm cá bống
Quanh quẩn nước chè hai
Làm cá kình biển động
Lòng đau những canh dài
Mẹ thương anh níu giữ
Anh lấy gì nuôi thân
Lấy gì lo cha mẹ
Sớm chiều gọt vuông sân!
Dẫu Trà Giang bẩn đục
Vẫn là sông quê mình
Mẹ mong anh hạnh phúc
Lê bước đời phiêu linh
Cha ngồi đau bóng núi
Mẹ nằm úa hình sông
Ngày trở về cố xứ
Tím một trời thu đông
(LLK, A-CTNA)

 
Vì, chỉ có người xa xứ mới hiểu quê hương yêu dấu ra sao? Nó thuộc về, nó là mảnh đất cha mẹ gặp nhau xây dựng gia đình, là nơi lớn khôn của ta và khi ta đi xa vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền bát gạo thật cực chẳng đã, thật chẳng đặng đừng… mới đành từ bỏ nơi cắt rốn giấu nhau, để làm kẻ tha phương cầu thực.
 
Hãy biết rằng anh chàng trai núi Ấn.
Viết trang đời trên những bước phiêu linh.
Cười ngạo nghễ kiếp phong trần tứa lệ.
Bán thanh xuân mua chút mộng an bình (LLK, CHRA)
 
Rượu anh uống say đâu từ kiếp trước
Rủi gặp anh thần thánh cũng say nhừ
Đời ô trược anh quên mình khuôn thước
Rã hồ cầm gối mộng nát kinh thư (LLK, CHRA)

 
Xuyên suốt 150 bài thơ trong những dòng thơ LƯU LÃNG CA, anh có nhiều bài thơ nói về Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, cũng như có nhiều bài thơ nói về dịp NOEL linh thiêng của đất trời tôn giáo. Nhưng, chẳng có cái Tết nào anh hạnh phúc, chẳng có một NOEL nào ngôi Hai nhập thể mà lòng anh ấm áp. Chẳng có NOEL nào nuôi thỏa hồn anh thao thức –những khắc khoải siêu hình… Cho dù đó là mầu nhiệm Giáng Sinh, như dòng chữ La-Tinh trong kinh Cựu Ước diễn tả: “Verbo Cargo Facto Est.”
 
Đêm nay đêm mồng một Tết
Vẫn còn ai đứng bên trời
Còn ai mơ nồi bánh tét
Nghẹn ngào gọi cố hương ơi! (LLK, KBT)

 
Hoặc:
 
Nửa đời cơm áo nhiêu khê
Ngày đi lận đận đêm về lao đao
Nhìn trăng lồng lộng trên cao
Nhớ quê vội áo mão vào theo trăng (LLK, NQ)

 
Dù đi đâu, dù lang bạt nơi nào, dù gót chân phiêu lãng dừng lại bất cứ vùng đất xa lạ phương nao… lòng anh vẫn đau đáu nỗi thương quê, nhớ quê, mong được về lại quê… Nỗi mong ngóng ấy làm thi nhân miên man thao thức, trăn trở, hoài vọng…
 
Rời vịnh Hạ về thăm làng Cổ Tích
Hồn Văn Lang sống dậy thuở Lang Liêu
Viếng Đền Thượng từ đỉnh trời Nghĩa Lĩnh
Thấy Phong Châu máu nhuộm khói lam chiều (LLK, KLD)
 
Mười năm rã, trở về thăm đất mẹ
Ấn Trà xưa! Đâu non nước mỹ miều (LLK, LCN)

 
Bất cứ nơi đâu, nhìn thấy bất cứ những gì… thi nhân Lưu Lãng Khách, tác giả thi tập Lưu Lãng Ca cũng nhớ đến cố hương… nơi mà từ đó anh bấm bụng dằn lòng ra đi, và từ đó, anh luôn mong ngóng ngày về…
 
Hơn nửa đời phiêu bạt
Hồn lạc hướng mù phương
Nhờ hải đăng soi sáng
Kịp thấy trời cố hương (LLK, HĐVT)

 
Hồn quê, qua hình ảnh sông nước, qua thấp thoáng bếp lửa, qua mái tranh nghèo, qua khói bếp mẹ hiền, qua mây chiều, qua khói đá, qua dáng núi, qua bờ đê, qua mùi vị chén rượu quê nhà, qua ao hồ làng mạc… Tất cả đều linh thiêng gợi nhớ. Nam Hải Điếu Đồ than thở: “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa…” (ND, ĐTTT).
 
Từ độ bỏ phương trời bao mộng đẹp
Ta về đây nhóm bếp giữa quê hương
Mây phiêu lãng buồn đâu từ vạn kiếp
Cũng về theo đổ lạnh xuống đêm trường
. . .
Khều bếp lửa ta quên đời mưa gió
Rượu quê nhà như có đượm ngàn hương
. . .
Người ra đi mong sớm ngày trở lại
Kẻ quay về mơ tiếng gọi ngàn phương
Ngọn lửa đốt máu giang hồ cháy mãi
Rải âm thanh lạc điệu giữa đêm trường
. . .
Lửa bỗng khóc như nói lời trăn trối
Ta bỗng cười như mới được đầu thai… (LLK, BLTQ)

 
Lưu Lãng Khách, thi nhân luôn mong ngóng ngày trở lại. Lòng mong ngóng ấy, gieo vào lòng anh ý niệm núi rừng ngỏ lời kêu gọi mời mọc anh về… Chỉ có nhà thơ, với tâm hồn nhạy cảm diệu vời của thi nhân… chỉ với tình yêu quê hương sâu đậm, thao thiết… mới nghe được âm thanh của vạn vật cỏ cây sông núi ao hồ… lên tiếng mời gọi.
 
Ta hát mãi bên đồi hoang huyễn mộng
Biết đâu chừng cây cỏ đã tri âm
Từ dạo ấy chưa một lần trở lại
Để lắng nghe tâm sự của núi rừng (LLK, BCHX)

 
Hoặc:
 
Trăng bến cũ quên rồi câu tống biệt
Sao trăm năm còn nợ khúc tương phùng
Anh về đây chỉ có trời đất biết
Giọt kiêu hùng thấm lạnh nước trên sông (LLK, TLHA)

 
Thương quê, nhớ quê, mong ngóng quê… anh đành giấu kín trong lòng, chỉ ước mơ trong tâm tưởng, chỉ thăm viếng trong những giấc mộng, cơn mê… như Tiên Điền Nguyễn Du đã ngậm ngùi thốt lên:“Mây Tần khóa kín song the. Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.” (ND, ĐTTT).
 
ĐẠO HIẾU -- SONG THÂN
 
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, qua Lục Vân Tiên, thì “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.” Cũng có một câu nói được truyền tụng sâu rộng trong dân gian, “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…” Thập Giới của Môi-Sen (Ten Commandemants) về đạo hiếu mà người Ki-Tô Giáo xem trọng như một TÍN ĐIỀU bắt buộc, bất khả dị nghị… không bàn cãi… Đó là: Điều Răn thứ 4: “Thảo Kính với Cha Mẹ.”
 
Thời đại nầy, không c n như cái thời mà Đức Khổng Phu Tử khuyên con cháu về đạo HIẾU, như “Phụ mẫu tồn bất khả viễn du…” Cái thời mà cha mẹ c n sống, con cái, nhất là con Trưởng Nam, không được đi xa, nếu có việc cần ra đi, thì cũng phải cho cha mẹ biết nơi đến, và thời hạn nhất định chừng mực… “Du tất hữu phương…”
 
Nhiều đêm xuân nhớ mẹ
Trường canh rỏ lệ mờ
Mộng hồi hương chửa chín
Nỗi niềm gửi trang thơ (LLK, LKC)
. . .
Anh về lay bóng núi
Anh về gọi hồn sông
. . .
Cha nằm như núi ngủ

Mùa thu vừa đi qua (LLK, CNNNN)
 
Nhưng, trái lại, vào thời đại A Móc (@): Làm trai, phải lên đường, phải xông xáo, phải ra khỏi lũy tre làng để cầu công danh… Ngay cả thời Phong Kiến trước và sau Đức Vạn Thế Sư Biểu, thì Trương Nghi, Tô Tần, Trần Bình, Hàn Tín, Lưu Bang, Tôn Tẩn, Bàng Quyên, Ngô Khởi, Trương Lương, Khổng Minh… đều phải ra đi, đi khỏi làng… Hơn hai nghìn năm sau, Lưu Lãng Khách cũng cùng một ý hướng ấy. Ra đi để tìm sinh lộ, tìm hứng khởi, tìm sáng tạo… Ra đi để làm trai…
 
Trở về thăm mẹ chiều nay
Dường nghe nắng phía hiên tây thở dài (LLK/TTVL)

 
Hoặc:
 
Con trở lại cố hương một chiều hanh hao nắng
Mùa cha đi trút nốt cánh vàng rơi
Mây Thiên Ấn tựa hình cha ẩn hiện
Sóng Trà Giang như tiếng mẹ ru hời (LLK, MCĐ)

 
Ra đi để sống, để nghe, để thấy, để biết nhớ thương… Ra đi là khám phá… Điều quan trọng là ra đi mà vẫn gắn liền với gốc gác cội nguồn; ra đi mà còn trở về; ra đi mà làm vẻ vang dòng tộc… dù việc ra đi ấy có cô độc, có thiếu thốn, có quạnh hiu… cũng đành. Ra đi mà thờ cha kính mẹ trọn niềm… Vạn hạnh hiếu vi tiên. Ra đi nghìn dặm mà Lưu Lãng Khách kính cẩn đội chữ HIẾU lên đầu.
 
Áo sổ chỉ trùng dương thèm tay mẹ
Xe gãy sườn hẻm vắng khát tình cha
Ai tạc khắc vào hồn ta rất nhẹ
Nỗi đìu hiu bám rễ trước hiên nhà (LLK, TCĐ)

 
Thiếu cha vắng mẹ, anh lạc loài, anh bơ vơ… Biết thế, nhưng rồi anh lại ra đi… Giản dị, vì anh làm trai đúng nghĩa, bốn phương hải hồ giục anh đi… sông núi quê cha đất mẹ gọi anh về… “Trượng phu thoắt đã động l ng bốn phương…” (ND, ĐTTT).
 
Trải chuyện đời dâu bể
Người ngồi tựa dáng non
Ba ơi! Giờ bóng núi
Đã úa gầy rêu rong (LLK, VCB)

 
Hoặc:
 
Chắc là nhớ mẹ già nơi cố quận
Chiều ba mươi c n vọng ngóng con về
Chắc là thương cha ngồi khêu bếp lửa
Đêm giao thừa bánh tét rựng hồn quê (LLK, XĐTXM)

 
Chuyện đời đầy bất trắc. Dòng đời đầy bất ngờ. Cảnh đời đầy trái ngang… Những dự định luôn bất như ý. Ước mơ thường bất thành… Chuyện trở về, nhiều lần, chỉ còn là hứa hẹn suông… Một đời người luôn dang dở…
 
Buổi ấy con về thu tang tóc
Nghi ngút trầm hương di ảnh cha
Mộ chí đìu hiu chưa cỏ mọc
Vĩnh biệt thân sinh mắt lệ nhòa
Cha đi! Mới biết, về ăn Tết
Già đầu ai bảo hắn mồ côi
Mà con ngồi khóc như đứa trẻ
Ngậm ngùi xuân đến gọi cha ơi! (LLK, XĐCV)

 
Và:
 
Thiên Ấn cha nằm đau núi ngủ
Trà Giang mẹ đứng xót sông trôi (LLK, XXM)

 
BẰNG HỮU CHI GIAO
 
Lưu Lãng Khách có người bạn thơ đồng hương. Đó là nhà thơ tài hoa lận lận Ba La Nguyễn Lâm Anh. Phần mình, mình lưu lạc. Phần bạn, bạn lênh đênh… Bởi sóng đời xô giạt, bởi con nước chia phôi, bởi bèo mây tụ tán, bởi bình thủy tương phùng… Càng ngày, bèo mây càng xa nhau vời vợi. Thời gian, xa đến 40 năm nhớ thương, mong ngóng, ray rức cội nguồn… và… Không gian, Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) – Cát Tiên (Lâm Đồng), đất trời xa ngái, hồn quê vời vợi, tình bạn man man…
 
Chớm bốn mươi năm hờn đáy cốc
Lòng hiu như cổ tự bên rừng
. . .
Hồn say ngất ngưởng nơi đầu gió
Nhớ người mái phố cũng rưng rưng (LLK, BANV)

 
Hoặc:
 
Đứng lặng bên hiên hồn gió thổi
Xiêu dạt về non lướt ngập ngừng
Cát Tiên thánh địa cuồn cuộn khói
Nhớ người đất Trích cũng rưng rưng (LLK, ĐXNB)

 
Đối với nhà thơ, mà tựu trung là Lưu Lãng Khách, thì ra đi và trở về là một. Hải hồ bốn cõi gọi ta đi. Sông nước quê hương réo ta về. Ra đi và trở về cũng chỉ là một chu trình nối tiếp của cuộc sống, của bước chân, của tâm thức, của kiếp người, của thân phận, của mong manh mây khói, của vân yên giang hà… Ra đi để trở về. Trở về rồi lại ra đi…
 
Còn đây “Bến cũ và dũng sĩ”
“Ngày về sao giống buổi ra đi” (LLK, NB)

 
Hoặc:
 
Đôi vần thơ đẫm đôi dòng lệ
Bóp trái tim này muốn vỡ ra
Một lần vĩnh biệt đành thôi nhé!
Mai đào hãy tiễn một tài hoa (LLK, KLA)

 
Một triết gia Âu Tây đã nói: “Tình bạn cũng như rượu, càng lâu càng ngọt ngào quý hiếm.” Bốn mươi năm tình bạn chia cách. Đủ. Quá đủ… Quá dư. Thời gian nghiệt ngã quá thừa… Ngạn ngữ Anh: “Muốn kết bạn với ai, hãy cùng nhau ăn hết vài đấu muối…” Nghĩa là phải chia bùi xẻ ngọt… cùng kinh qua gian truân… cùng đau lòng chia cách, khắc khoải, nhớ thương.
 
Ta tìm trong mộ chí
Ngoài vui buồn thế gian
Thấy người xưa như đã
Thấy hồn mình như đang (LLK, TT)

 
Hoặc:
 
Rượu bằng hữu mười năm chưa uống cạn
Thơ tri âm một kiếp vẫn nằm chờ (LLK, TCĐ)

 
TÌNH CHỒNG NGHĨA VỢ
 
Chữ DUYÊN của nhà Phật, thì cõi đời nầy, được làm người đã khó, gặp nhau càng khó hơn… Vợ chồng phối ngẩu là duyên lớn. Cho nên, phải trân trọng, phải vun quén, phải tô bồi, phải giữ gìn… Người xưa bảo “Phu phụ như tân.” Vợ chồng nên đãi nhau như khách quý. Vì, “Trăm năm tình viên mãn. Bạc đầu nghĩa phu thê” (LLK). Tình nghĩa vợ chồng gắn bó xây dựng bền vững gia đình, do nhân duyên đại định… Gia đình là đơn vị chính, là tế bào gốc, là căn bản của xã hội, bất cứ xã hội nào…
 
Qua “Đài Gương Truyện,” Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nhắc nhở… “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu. Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương”… Hạnh phúc của vợ chồng, là vì nhau mà cố gắng, vì nhau mà tin tưởng và vì nhau mà thay đổi… Đổi thay là tự canh tân để hòa giải những bất đồng, dị biệt…
 
Kinh Thánh Cựu Ước chép: “Người vợ đức hạnh là vương miện của chồng.” Một danh ngôn khác, cũng từ Cựu Ước: “Người đàn bà đức hạnh quý hơn châu ngọc.” Ca dao tục ngữ nước nhà cũng nói “Vợ ngoan làm quan cho chồng.” Phải thành khẩn mà nói, nếu không có người vợ Như Nguyện đảm đương, nếu không có người nội tướng Như Nguyện để thi nhân an lòng, để nhớ thương, để tìm về… thì Lưu Lãng Khách không dệt được những vần thơ đầy ắp chân tình trong Lưu Lãng Ca… để “Thương tặng vợ hiền…” để cống hiến đời.
 
Từ gọi nhau chồng vợ
Rồi thêm mấy mặt con
Ta vẫn tình như thuở
Em vẫn ngời xuân son (LLK, NTPT)

 
Như Nguyện, tên người con gái chân quê, theo lời tác giả… là người tình, người bạn, người yêu, là hồng nhan tri kỷ… Cái tên Như Nguyện ấy, tác giả trìu mến gọi chẳng biết bao nhiêu lần, từ đầu, tới cuối, lan man suốt tập thơ… Đối với Lưu Lãng Khách, tình nghĩa phu thế ấy vô cùng thâm trọng, nặng niềm sắt son, keo sơn gắn bó. Chắc chắn, con người tình nghĩa thâm trọng ấy phải công dung ngôn hạnh. Một đời, dù luôn xa vắng, vẫn cúc cung tận tụy thờ chồng nuôi dạy con. 
 
Ngày tủi phận cười khan không bạn nhớ
Đêm đau lòng nhỏ lệ có em thương
. . .
Chỉ có em dâng ngàn chung rượu quý
Mùi nghĩa tình vị son sắc thủy chung
. . .
Cám ơn em dẫu quần khâu áo vá V
ẫn vui bên no đói nắng mưa đời
. . .
Cám ơn em! Dẫu đời bao khốn khó
Lắm chông gai vẫn vui bước song hành
Gỡ hộ anh những nỗi niềm trăn trở
Những thăng trầm khi tóc đã thôi xanh (LLK, COE)

 
Tác giả Lưu Lãng Khách dành hết tình yêu thương, sự trân quý và lòng biết ơn đối với người bạn đời Như Nguyện. Với người vợ Như Nguyện thủy chung, có chàng trai Duy Toàn chung thủy… Ngoài nét đẹp hữu hình (công dung ngôn hạnh)… những nét đẹp khác lung linh như châu ngọc ở người đàn bà, ấy là đức thủy chung như nhất, là keo sơn trọn niềm… Vợ chồng là nhân duyên trời định và chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận sâu sắc những đắng cay, ngọt bùi, hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mà họ trải qua. 
 
Bao năm tháng bồng bềnh phiêu bạt mãi
Vợ trong anh như kho báu để dành
Một sáng nọ giật mình ngoãnh lại
Thấy đường đời rụng trắng xuân xanh (LLK, BLG)
 

Kinh Thi: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.” Khi một người vợ có một người chồng tốt, điều đó dễ dàng nhận thấy trên khuôn mặt của cô ấy (Johann Wolfgang von Goethe). Một cuộc hôn nhân tuyệt vời không phải là khi 2 người hoàn hảo đến với nhau. Nhưng đó là khi một cặp vợ chồng không hoàn hảo học cách tận hưởng sự khác biệt của họ (Dave Meurer). Một cuộc hôn nhân tốt là một cuộc hôn nhân cho phép thay đổi và trưởng thành trong các cá nhân và trong cách họ thể hiện tình yêu của mình (Pearl S. Buck). Người chồng biết cách làm cho vợ cười, quả thật là người chồng tuyệt vời nhất trên đời (Nandita Saini). Hãy đọc tiếp những vần thơ “Thương tặng Như Nguyện” của Lưu Lãng Khách.
 
Ngoài danh thắng ruột rà không thể thiếu
Là tửu thi hoa nguyệt bạn và em
Với bằng hữu ta rót tình muôn phía
Với em, hề! Nhỏ mật xuống đêm đêm
. . .
Giờ luống tuổi chẳng xuôi Nam ngược Bắc
Cùng muôn phương ngồi cạn chén tương phùng
. . .
Giờ ta đứng giữa đất trời phương Bắc
Vọng phương Nam bưng mặt xót giang hồ
Sáng Hoa Lư dạ thương về cố quận
Chiều Đại La l ng lại nhớ Tây Đô (LLK, KTT) 

 
TẠM THAY LỜI KẾT
 
Sau khi duyệt qua 150 bài thơ trong thi tập Lưu Lãng Ca của nhà thơ Lưu Lãng Khách Nguyễn Duy Toàn, một thi nhân tài hoa của miền Núi Ấn Sông Trà, chúng ta đã thực chứng 5 điểm nổi bật, như đã phân tích và trình bày: (1) Lưu Lãng Khách là một Thi Nhân Giang Hồ, ông xuôi ngược hầu hết mọi miền và những danh lam của đất nước. (2) Nhưng, dù đi đâu về đâu… thì Quê Hương (hay cố hương) trong lòng ông vẫn là điểm tựa, là nơi để nhớ thương, để khắc khoải, để mong ngóng, để trở về. (3) Cùng với tấm lòng thao thiết với Quê Hương, thì, Đạo Hiếu với Song Thân cũng là một chất keo sơn, là sợi dây thiêng liêng vô hình gắn bó, nối kết, thắt chặc vững bền tình với nghĩa, đất và người. (4) Tình Bằng Hữu chi giao cũng là một chất keo sơn gắn bó khác, làm cho thi nhân trau dồi đức trung tín của chính mình, từ đó, có những câu thơ mọc cánh, bay bổng, phiêu nhiên. Cuối cùng, (5) Tình vợ chồng, nghĩa phu thê trước sau vẹn tròn hoàn mỹ.
 
Với kẻ viết bài TỰA nầy, Phù Hư Dật Sĩ, kinh qua ½ thế kỷ lưu lạc xứ người vạn dặm, từng gặm nhấm thân phận lưu đày, từng đau đáu ngóng mong ngày đoàn tụ trở về… thì Quê Hương là nơi đáng sống nhất và cũng là nơi đáng chết nhất, so với bất cứ nơi nào trên hành tinh nầy… Cũng đối với kẻ viết bài TỰA nầy, thì chẳng riêng gì miền núi Ấn sông Trà mới là địa linh, mà, bất cứ mảnh đất nào của Quê Hương VIỆT NAM, mà cha ông đã từng đổ mồ hôi để ấp yêu, để vun bồi, đã đổ máu để hy sinh bảo vệ… cũng đều là Địa Linh. Mà, đã địa linh, tất sinh ra Nhân Kiệt. 
 
Lưu Lãng Khách, người con trai làm thơ, đã lấy ba miền đất nước làm Quê Hương, đã xuôi ngược, đã đi đã về, đã nhớ thương, đã mong ngóng… Cũng từ đó, và, cũng bởi đó, mà những câu thơ đã phôi khai, đã kết tụ, đã mang nặng, đã đẻ đau, đã cho ra đời để cống hiến đứa con tinh thần có tên LƯU LÃNG CA. Xin ưu ái giới thiệu với chư bằng hữu văn nghệ. Xin hãy đón nhận LƯU LÃNG CA với tất cả độ lượng và hào phóng cùng với tinh thần thưởng thức văn nghệ cao độ… dành cho một người nghệ sĩ chỉ biết yêu thương và phấn đấu: LƯU LÃNG KHÁCH Nguyễn Duy Toàn.
 
Võ Thạnh Văn, phds, 2021
Viết tại Phù Hư Am,
Mùa trốn dịch Covid @2019-2021.
           
           
           
 

 
  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn