VÕ THẠNH VĂN

 
Thi Phẩm "MUÔN MỘT"
Tác Giả: Nữ thi nhân Trần Thanh Bình
 
 
1. Nghệ thuật đến từ thiên nhiên. Thiên nhiên thuộc về Thượng Đế. Thượng Đế là một nghệ sĩ sáng tạo vĩ đại nhất, trong mọi không gian và thời gian, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim. Trong nghệ thuật, thơ là hình thức phổ biến và phổ quát nhất. Thơ là Nữ Hoàng của Nghệ Thuật. Thơ là tinh chất của ngôn từ. Thơ, có thể ví như cốt lõi của danh mộc. Cho nên, dù vạn pháp vô thường, nhưng, nghệ thuật vĩnh cửu. Sáng tạo là làm bất tử những gì khả tử.
 
2. Sáng tạo là làm cho cái chưa hề có trở nên hiện hữu. Sáng tạo là làm cho những mông ảo lung linh mơ hồ sương khói trở thành hiện thực, cảm được, sờ được, ngửi được. Nơi đây, trên vài trang giấy hạn chế nầy, tôi muốn giới thiệu với tao nhân nhã khách, những bạn yêu thơ: MUÔN MỘT và tác giả của nó, một người làm thơ phái yếu, Nhà Thơ Trần Thanh Bình.
 
3. Trước khi nhà thơ Trần Thanh Bình cho ra đời MUÔN MỘT, trên trần gian nầy, của bất cứ thời đại nào, chưa hề có Muôn Một, vì giản dị là “nó” chưa được sáng tạo. MUÔN MỘT, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật khác, đều mang một thân phận chung, cũng kinh qua giai đoạn thai nghén, trăn trở, mang nặng, đẻ đau. Qua MUÔN MỘT, ta sẽ thấy được một phần, tương đối rõ nét, bản lai diện mục của người sinh ra nó.
 
4. Nhìn quả biết cây. Style c’est l’home. Văn (thơ) tức người. Thực ra, câu danh ngôn nổi tiếng ấy phải hiểu chính xác là “Cung cách, bút pháp, thi pháp, văn phong… chính là tác giả.” Hổ phụ sinh hổ tử, long mẫu xuất long nhi. Cây độc không thể sinh quả lành. Và, do đó, chúng ta chỉ có một cách duy nhất để hiểu được nữ thi nhân Trần Thanh Bình, là duyệt qua bút tích của Nàng, nơi đây là thi phẩm MUÔN MỘT.
 
5. MUÔN MỘT là một thi phẩm khiêm tốn, không đầy 100 trang giấy, với chưa đủ 100 bài thơ ngắn. Về hình thức, nữ thi nhân Trần Thanh Bình đã chọn thể lục bát, một thể thơ phổ biến nhất trong thi đàn nước nhà, tuy dễ làm nhưng khó hay. Điều lý thú bất ngờ là thi nhân chọn một số câu hạn định từ bài đầu đến bài cuối, không dài không ngắn, không thêm không bớt. Khôn ngoan và khiêm tốn luôn đi đôi, trong cách chọn lựa không khoa trương ấy.
 
6. [Thật sự thì cây bút Trần Thanh Bình đã thành danh, sau khi cho ra đời liên tục 4 đứa con tinh thần: Tác giả đã in 4 tập thơ (a) MÙA SANG, nhà xb Hội Nhà Văn VN (2017); (b) MƯA LÒNG, nhà xb Hội Nhà Văn VN (2018); (3) MÙA ĐÔNG TRONG EM, nhà xb Văn Học VN (2019); (d) ANH ĐẾN, nhà xb Hội Nhà Văn VN (1/2020)].
 
7. Những bài thơ ngắn đồng loạt trong MUÔN MỘT rất dễ đọc, dễ nhớ (nếu muốn). Nó như một công án, hoặc là thoại đầu, hoặc là một loại thiền kệ… Tuy nhiên, điểm thú vị kế tiếp là, sau khi đọc tiêu đề của bài thơ, chúng ta chỉ cần đọc câu thơ cuối (câu số 5) là chúng ta thấy ngay cái THÈME (le Thèse, Thesis) của bài thơ ấy. Sau khi nắm được ý chính của bài thơ, chúng ta trở lại đọc những câu thơ còn lại, từ 1 đến 4 là hiểu ngay mục đích mà tác giả muốn trình bày…
 
8. Thí dụ # 1: Bài thơ MỘT NGÀY. Để hiểu ngay tác giả muốn nói gì, hãy đọc câu chót, câu số 5: Một ngày yêu lút chân mây... Sau đó, chúng ta quay ngược lại đọc 4 câu trong bài ấy (từ câu 1 đến câu 4): “Một ngày bóc nõn giấc mơ / Lá vàng se sợi dây tơ thả diều / Lá non xanh mướt mùa yêu / Nắng hôn nách lá sương chiều hôn cây”... Bốn câu nầy chẳng qua chỉ là giải thích rõ thêm về MỘT NGÀY của tác giả mà thôi.
 
9. Thí dụ # 2: Bài thơ YÊU. Để hiểu ngay tác giả muốn kết luận như thế nào về quan niệm và chuyện “yêu” của mình, hãy đọc câu thơ số 5: “Hứng căng vồng ngực em chưa?” Sau đó, chúng ta đọc tiếp 4 câu còn lại trong bài thơ, để xem tác giả giải thích như thế nào, một cách chi tiết hơn: “Tôi yêu hồn chữ trong anh / Âm thầm cất giấu cao xanh nhận lờI / Âu lo cơn bão cuốn rơi / Không ai nhặt được lúc trời đổ mưa”...
 
10. Thí dụ # 3: Bài thơ CHIẾC GƯƠNG LÕA THỂ. Chúng ta đọc câu số 5 của bài thơ ấy: “Chiếc gương lõa thể đứng im.” Rõ ràng chiếc gương chỉ là chiếc gương bất động (đứng im). Vấn đề nằm ở chỗ lòng ta (hay cái nhìn và suy nghĩ của ta) giao động, và những đối vật, cái mà chiếc gương lõa thể phản chiếu ra bên ngoài, theo định luật quang học. Sau cùng, đọc cả bài thơ, từ câu 1 đến câu 4, Chúng ta sẽ thấy rõ ràng: “Hơi sương lưu dấu cô phòng / Bỏ quên sợi tóc thắt lòng trăng thơ / Bước chân dồn dập trong mơ / Nhặt lên nút áo... mắt ngơ ngác tìm...”
 
11. Điều thú vị kế tiếp mà tôi khám phá ra, từ MUÔN MỘT, ấy là: Tác giả, thi nhân Trần Thanh Bình là một người Hữu Thần (Deiste), có nghĩa là, thi nhân họ Trần tin có Trời Đất Thánh Thần… Theo các nhà Khoa Học, chính xác là các Nhà Sinh Vật Học, thì con người (vạn vật chi linh) là một động vật thuộc loài có vú, ăn cỏ, chủ trương hữu thần…
 
12. Vấn đề hữu thần của loài người biến thiên và biến hóa theo từng niên đại và vùng đất địa lý mà họ sinh sống… Bản chất con người, mong manh và mỏng dòn trước thiên nhiên, phải chống chọi với hoàn cảnh bất trắc và những loài thú dữ hung hãn vây quanh… họ phải dựa vào những uy quyền tuyệt đối bên ngòai để thống trị thiên nhiên và vạn vật…
 
13. Từ sơ khai, con người muốn sinh tồn hữu hiệu, phải gắn liền vào thiên nhiên và Thần Linh. Lúc còn hoang khai, tâm hồn giản phác, họ lẫn lộn giữa Thần Linh và những hiện tượng do Thần Linh sáng hóa, như Nước, Lửa, Mưa, Sấm, Chớp, Giông, Bão… Họ nhìn thấy dấu tay (finger prints) của Thần Linh (như Núi, Non, Khe, Suối, Sông, Hồ, Đá…) mà tưởng những thứ ấy chính là thần Linh. Họ khiếp sợ khi có địa chấn hoặc hỏa diệm sơn xuất hiện. Họ nghĩ đó là dấu hiệu của Thần Linh giận dữ.
 
14. Chúng ta gọi Thần Linh ấy bằng nhiều tên khác nhau: Tạo Hóa, Hóa Công, Thiên Chủ, Thượng đế, Ngọc Hoàng… Gọi gì cũng được, nhưng, cái Ông ấy là một loại SUPER POWER, có khả năng khai sáng và vận hành càn khôn vũ trụ, chi phối thiên nhiên và những định luật vật lý trong thiên nhiên… quản lý vòm trời, thiên hà và muôn triệu tinh tú…
 
15. Để chứng minh, tôi xin nêu ra bằng cớ xác thực. Trong gần 100 bài thơ, chưa đầy 100 trang giấy, nhà thơ Trần Thanh Bình đã gọi TRỜI đến 40 lần. Hãy đọc: Thời Gian, câu 4; Xuân Đắt, c/5; Vòng Tay, c/1; Yêu, c/4; Soi, c/1+/5; Chạnh Lòng, c/4; Không Có, c/4; Ngục Tù và Mãnh Sư, c/5; Lời Ru Bóng Núi, c/3; Chiến Chinh, c/2; Không, c/5; Giấc Mơ, c/3; Chớp Mắt, c/2; Sông Quê, c/1; Ngôi Sao Của Mẹ, c/3; Vết Đau, c/3; Ao Tù, c/3; Sinh Nhật Con Trai, c/5; Xuân Non, c/4; Ước, c/5; Nhớ Đông, c/3; Canh Bạc, c/2; Một Mình, c/5; Mộ Lá, c/5; Đắm Tình, c/5; Bóc Yếm, c/2; Kiếp Người, c/2; Vạn Nẻo, c/1+5; Xa Gần, c/3+5; Tôi Nghe Đọc Thơ, c/1; Giao Thừa, c/1; Tiễn Cha, c/2; Mắt Thơ, c/1; Người Thơ, c/5; Đêm Trắng, c/2; Giọt Buồn, c/1; Niệm Trăng, c/5; Đêm Tình Nhân, c/4; Thực Mộng, c/2; Đúc Tượng Thi Nhân, c/2; Men Quê, c/5; Cha Về, c/3; Vòng Tay, c/1. Trong khi đó, suốt hơn 3 nghìn câu TRUYỆN KIỀU của Thi Hào NGUYỄN DU, chỉ có 7 (?) lần tác gỉa (ND) kêu TRỜI…
 
16. Từ quan niệm Hữu Thần (Deisme) đó, con người là một sản phẩm tuyệt vời của Hóa Công (Creator), phải gắn liền với Thần Linh và Thiên Nhiên để sinh tồn, để hạnh phúc… Và, hơn bất cứ ai, một nghệ sĩ, phảỉ múc (recharge) lấy năng lượng và nguồn hứng khởi từ Thiên Nhiên để sáng tạo, dưới bất cứ hình thức hay phương tiện diễn đạt nào… TÌNH YÊU và QUYỀN NĂNG thuộc về THƯỢNG ĐẾ. Và cũng từ đó, con người dựa vào THƯỢNG ĐẾ để bước tới và mạnh dạn mà cật vấn CỘI NGUỒN của chính mình, tức Tình Yêu và Thân Phận. Con người khi chối bỏ Thần Linh (Nietzsche, một triết gia Hiện Sinh, lớn tiếng tuyên bố: “Thượng Đế đã chết rồi), thì cũng từ đó, con người mất định hướng, bước đi trong đêm đen giữa sa mạc mênh mông gió hú. Hệ quả là 2 trận thế chiến.
 
17. Con người, dù biết hay không, dù vô tình hay hữu ý, dù tình cờ hay có chủ đích… luôn luôn nhắm đến một mục đích duy nhất là truy cầu hạnh phúc, dưới nhiều phương tiện và hình thức khác nhau… Con người, dù dùng “Bánh Xe Lớn (Đại Thừa) hay Bánh Xe Nhỏ (Tiểu Thừa), thì những bánh xe lớn nhỏ ấy, cũng đều lăn đến mục đích tối thượng là Thiên Đường / Niết Bàn. Con đường mà bánh xe (lớn nhỏ) lăn qua là ĐẠO. Mà, ĐẠO xuất ư nguyên. ĐẠO có cùng một gốc: Chân, Thiện, Mỹ…
 
18. Tùy vào cơ duyên, tùy vào ngộ tính… mà một người, nhất là giới nghệ sĩ sáng tạo nhạy cảm, gần gũi với Thiên Nhiên và Thần Linh nhiều hay ít… Mà những nghệ sĩ sáng tạo (thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, Tiên tri thời Cựu Ước, hùng biện gia, kịch tác gia, chiêm tinh gia, kể cả những nhà ngoại cảm chân chính…) sáng tạo ra được những kỳ tích luôn có tính cách và hơi hướng của thần hứng. Những thần hứng ấy thường đến bất chợt, như một tiểu ngộ, bừng sáng trong một sát na, như một mặc khải…
 
19. Thú vị thay, khám phá kế tiếp, Trần Thanh Bình, nhà thơ nữ của chúng ta, qua MUÔN MỘT, cũng có những câu thơ xuất thần… mà bình thường, của một người bình thường, trong hoàn cảnh thông thường, không viết ra được… Những câu thơ xuất thần ấy, thường tìm thấy trong những câu số 5 của mỗi bài thơ… Thí dụ, chỉ xin trưng dẫn một số thí dụ tiêu biểu:
 
20. Hứng căng vồng ngực em chưa – Yêu, c/5 // Hồn quê soi mãi không mòn – Soi, c/5 // Càn khôn xoay thắt tơ vương - Cha Và Con, c/5 // Việt Nam biển khắc câu thề - Thông Điệp Hòa Bình, c/5 // Văn minh nhân loại... chánh... tà - Cách Li, c/5 // Hiếu sinh trời đất đủ đầy – Không, c/5 // Thánh đường khai mở thâm u - Chớp Mắt, c/5 // Thi ca chạm đáy yêu tinh - Thi Ca, c/3 // Hàng đêm tôi vẫn đi về - Sông Quê, c/5 // Ao tù gầy rạc nắng mưa - Ao Tù, c/5 // Hiếu sinh trời đất vô thường - Sinh Nhật Con Trai, c/5 // Một ngày yêu lút chân mây - Một Ngày, c/5 // Vòng tay thắp sáng bình minh - Vòng tay, c/5 // Hồn quê soi mãi không mòn – Soi, c/5 // Càn khôn xoay thắt tơ vương - Cha Và Con, c/5 // Việt Nam biển khắc câu thề - Thông Điệp Hòa Bình, c/5 // Văn minh nhân loại... chánh... tà - Cách Li, c/5 // Hiếu sinh trời đất đủ đầy – Không, c/5 // Thánh đường khai mở thâm u - Chớp Mắt, c/5 // Thi ca chạm đáy yêu tinh - Thi Ca, c/3 // Hàng đêm tôi vẫn đi về - Sông Quê, c/5 // Ao tù gầy rạc nắng mưa - Ao Tù, c/5 // Đất cao trời thấp hòa tan - Ước, c/5 // Niết Bàn giữa chốn cô liêu - Dấu Yêu, c/5 // Nhặt mây, trời gọi thì buông - Một Mình, c/5 // Mùa non trời đất sinh tồn - Mộ Lá, c/5 // Giọt sương soi giấc mơ về - Hôm Qua, c/5 // Nàng thơ ngây ngất nhập đồng - Cảm Xuân, c/5 // Tiếng lòng thoát xác bật then - Thi Sĩ, c/5 // Giấu đêm vào tóc niệm kinh - Bình Yên, c/5 // Vãn hồi ngửa mặt trắng tay - Kiếp Người, c/5 // Giọt sương soi thấu ban mai – Buông, c/5 // Chúa trời ban đức hồng ân - Buông, c/5 // Thuyền chìm vỡ đáy ngân hà - Tiễn Cha, c/5 // Bùa mê trời đất vẽ bày - Người Thơ, c/5 // Trò chơi con tạo sóng xô - Cô Đơn, c/5 // Hổn hà chẳng quản đêm thâu - Đêm Tình Nhân, c/5 // Niết Bàn thực mộng hư không - Thực Mộng, c/5 // Nàng thơ thoát lộ... toàn thân - Đúc Tượng Thi Nhân, c/5 // Vòng tay thắp sáng bình minh - Vòng Tay, c/5…
 
21. Samuel Rogers: THƠ là ngôn ngữ của Thần Linh. Thánh Augustine thì bảo: Thơ là men rượu say của Quỷ Ma [Có lẽ Thánh Nhân, một nhà Đạo Đức thuần túy, thấy Thơ có sức thu hút mãnh liệt làm say đắm lòng người…]. PJ. Bailey: Thơ thuộc về Thượng Đế… Tiếng (từ ngữ) THƠ (Poet, Poem, Poetry), gốc Hy Lạp: POIEMA, có nghĩa là một hình thức sáng tạo dùng ngôn ngữ ngắn gọn, nuột nà, óng mượt, có vần điệu… để diễn tả một cảm xúc hay ý tưởng, hoặc để truyền đạt một thông điệp nào đó… [Từ lâu, người Tây Phương cũng chủ trương “Văn dĩ tải đạo”].
 
22. Sách Luận Ngữ, Mạnh Tử phát biểu gọn gàng: “Thi: Khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán…” Đọc THƠ (Kinh Thi, thời ấy, kể cả LY TAO của Khuất Nguyên) có thể phấn khởi, có thể xem xét sự việc, hòa hợp được với mọi người, tỏ được sầu oán. Đọc suốt qua thi phẩm MUÔN MỘT, chúng ta thấy Trần Thanh Bình là một Thi Nhân đích thực. [Thi sĩ là người thấy được điều thi vị trong mọi sự, ngay cả trong khổ đau]. Với tất cả mọi khả năng thiên bẩm mà ông TRỜI ban cấp, mà qua đó, THI NHÂN dùng ngòi bút của mình mà làm đẹp cho đời, làm phong phú tình người…
 
VÕ THẠNH VĂN, PhDs.
Phù Hư Am, Mùa Trốn Dịch COVID-19, 2020.

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn