VÕ THẠNH VĂN

 
Trường Thi Lục Bát
“SÓNG THỊ THÀNH và EM” 
* Tác Giả: Ngã Du Tử
* Lời Tựa: Võ Thạnh Văn
 
Nguyễn Vỹ (1912-1971) một nhà thơ, nhà báo, nhà văn… đã nhận định về bản chất người dân Quảng Ngãi, trong bài thơ “Quảng Ngãi Quê Hương Tôi” rằng ”Dân tình bất ly / Dân trí bất nhược / Dân đức bất suy / Dân tâm bất khuất / Khí thiêng nung đúc / Văn chương kiệt phách hào hoa / Bất chấp cường quyền uy vũ.“ Nguyễn Vỹ là người Quảng Ngãi tiêu biểu, Ngã Du Tử cũng là một con dân xứ Quảng mang trong người đầy đủ bản sắc “quảng ngãi” mà Nguyễn Vỹ đã mô tả: Dấn thân, hiện thực, phấn đấu, liêm sỉ …
Đọc qua tập trường thi “Sóng Thị Thành và Em” của Ngã Du Tử, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Chi tiết hơn, phân tích cặn kẻ hơn, chúng ta sẽ thấy, sau khi đọc qua 131 khổ thơ, gồm 524 câu thơ, có tổng cộng có 3668 con chữ… Thơ Ngã Du Tử man man lưu loát như hành vân như lưu thủy, dằng dặc như nước chảy như hoa trôi… không có một bố bục nào nhất định theo bất cứ thứ tự hợp lý nào, từ đầu chí cuối.
Nhưng, chúng ta có thể thấy được những đề tài nổi bật mà nhà thơ muốn xoáy vào, muốn tô đậm qua 131 khổ thơ “Sóng Thị Thành và Em.” Những đề tài nổi bật đó là: (1) Dòng Đời Nghiệt Ngã (2) Quyết Định Ra Đi (3) Vốn Liếng ra đi: Vợ (4) Gian Truân Chờ Đợi (5) Ước Mơ và Hy Vọng (6) Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mệnh (7) Đồng Vợ Đồng Chồng (8)Vấn Đề Nhân Quả (9) Quê Hương Nguồn Cội (10) Bằng Hữu Chi Giao (11) Song Thân và Chữ Hiếu (12) Tác dụng và Sức Nâng Văn Chương. Ta lần lượt xét sâu hơn, từng điểm một.
 
(I)
DÒNG ĐỜI NGHIỆT NGÃ
(10). Miệt mài lầm lũi hôm mai
Thương em quãy gánh trên vai nhọc nhằn
Hằn từng đêm những vết nhăn
Thâm quầng con mắt buồn, trăn trở nhiều
Đời sống không trắc trở, nhiêu khê, nghiệt ngã… thì không phải cuộc đời. Cuộc sống luôn là trường thử thách, bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào… Có cuộc sống là có khổ đau, nhưng, vào thời ấy, thời mà tác động bạo liệt của nhân họa cộng vào với thiên tai bốn mùa sẵn có, làm cho cuộc sống vốn đau khổ, càng khốn cùng nghiệt ngã hơn… mà sức chịu đựng của con người có hạn –trừ những người buông xuôi đầu hàng.
Với ma quỷ yêu tinh, thì chẳng có gì đáng sợ hơn ma quỷ yêu tinh. Tương tự, đối với con người, thì chẳng có gì nguy hiểm đáng lo đáng sợ đáng đề phòng hơn loài người và lòng người. Và, đáng sợ hơn hết là thái độ kẻ cả đám loài người mang bản chất tiểu nhân hẹp dạ, của những kẻ đắc chí huyênh hoang tự cao tự đại tự tôn tự đắc tự mãn. Quả thật, lòng người là thứ còn đáng sợ hơn cả quỷ thần yêu tinh quỷ mị…
(6). Cung tay rút ruột thân tằm
Cho tơ vàng ánh trăm năm để dành
Đời sao lắm kẻ đành hanh
Vung tay ngổ ngáo giữa xanh đỏ vàng
Con người vốn bất lực trước thiên nhiên và những định luật khắc nghiệt của trời đất. Nhưng, thiên nhiệt vận hành và được chi phối vô tư bởi những định luật vật lý, khí tượng, khoa học, nhân quả của thời tiết. Thiên tai, loài người có thể, một phần nào tránh được, nếu không muốn nói là chế ngự một phần nào đó những tai ách do thiên nhiên đem lại. Nhưng, nhân họa khó tránh.
(15). Lạc nguồn sau một cơn mê
Cả dân ta khổ tứ bề lầm than
Cha ông ta, qua bao đời, đã chủ trương “thuận thiên giả tồn” hoặc “thuận thiên an mệnh…” mà mưu cầu sự sinh tồn, an bình và phát triển. Đó là thứ triết lý chấp sinh khiêm tốn, khôn ngoan, hài hòa… Nghĩa là tùy dòng nước mà bơi, tùy thời cơ mà biến, tùy thời tiết mà ẩn nhẫn, tùy thời thế mà sống… như mây trôi theo gió, lục bình trôi theo con nước. Mây vừa trôi vừa ngủ vừa mộng mơ. Lục bình vừa trôi nhấp nhô vừa trổ hoa vừa múa hát dưới ánh nắng mặt trời.
(59). Lỡ thời đành chịu thiệt hơn
Thế thời, ta giấu nổi buồn trăm năm
Đất đẹp sinh ra nghệ sĩ. Đất đai hoang vu bất trắc… sinh ra anh hùng. Không có miền đất Lam Sơn chướng khí không sinh ra Bình Định Vương Lê Lợi; Không phải là Tây Sơn núi hiểm không sinh ra Nguyễn Huệ; không phải thảo nguyên bát ngát nóng lạnh bất thường không có Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt… Đành rằng đất sinh ra người, nhưng con người lẫy lừng ấy phải kinh qua một chu trình dài của phấn đấu gian truân.
(9). Dòng đời như chuyện dòng sông
Bình yên cũng nhận, bão giông chẳng sờn
Ngã nào đo đếm thiệt hơn
Ngã nào trong đục trước sơn giang nầy
Ta không thể thay đổi thế giới nhưng ta có thể thay đổi chính mình. Việc cần làm là chọn lựa một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp. “Nếu bắt đầu thì có khả năng bạn sẽ nhận lấy thất bại, nhưng nếu không bắt đầu thì bạn đã thất bại rồi.” Lý tưởng, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cuộc sống quan trọng nhất là sự lựa chọn và bước tới: Phải ra đi. Nếu cơ hội không gõ cửa, hãy tạo ra một con đường, một lối đi, một cơ hội, một cánh cửa.
Với Ngã Du Tử, một chuyến đi với nhiều dằng co, rất bận lòng, đầy ắp ngậm ngùi… Bởi đó, người bạn thơ trẻ của chúng ta cần can đảm và nghị lực. Chàng luôn tỉnh táo quan sát, dò xét, chọn lựa, quyết định, bước tới, mỉm cười, tự tin, tỉnh táo, cương nghị, tháo vác, xông xáo, tự quyết, quyết đoán, chấp nhận rủi ro… Phải xoay xở. Cổ nhân dạy: “Cùng tắc bỉ, bỉ tắc biến, biến tất thông, thông tất cữu.” (Kinh Dịch).
(1). Bước ra từ nhánh Sông Quê
Có chàng Du Tử hướng về phương Đông
Quảy trên lưng khúc phiêu bồng
Tình tang câu hát gió lồng chân mây
 
(II)
QUYẾT ĐỊNH RA ĐI
CHẤP NHẬN BẤT TRẮC, GIAN KHỔ
Ra đi là một lựa chọn sinh tử. Ra đi là đối mặt với định mệnh, với khắc nghiệt, với gian truân. Ra đi là một thái độ thách đố, thách thức. Nhà thơ đất Quảng, Ngã Du Tử, đã lựa chọn sự ra đi, dù biết trước, đoán trước được, thấy trước được những gian truân phải đối mặt… một khi quyết định bỏ làng ra đi lang bạt vì nợ cơm áo, vì nợ làm trai, vì nợ sông hồ.
Tùng bách trở nên mạnh mẽ trong cảnh gió ngược, tuyết rơi. Kim cương hình thành dưới áp lực của hàng nhiều nghìn thước đất đá sỏi, và kinh qua hàng nhiều triệu năm thời gian… Cội mai rừng đẹp vì những thế đâm ngang chém dọc của cành nhánh khẳng khiu, và vì lớn lên giữa kẻ đá, 3 mùa khô cằn thiếu nước… Con người cũng thế, không đi qua sa mạc không bao giờ đến Đất Hứa. Không gian truân thử thách không bao giờ thành kiệt xuất .
(21). Giã từ quê quán, tre xanh
Thôi, ngày tháng ấy cũng đành chia xa
Vẫy tay chào những âm ba
Những ngày hò hẹn cùng ta tự tình
Ra đi, với Ngã Du Tử và hoàn cảnh của chàng, trước tiên là tránh tai họa, nói chính xác, đó là nhân họa. Vì nhân họa, do con người tạo ra và áp đặt cho con người, nguy hơn hổ dữ… Kế tiếp, sự ra đi của Ngã Du Tử là khám phá, là trưởng thành, là tôi luyện, là làm việc, là thể hiện bản năng làm trai, là sinh tồn, là lẽ sống, là lý tưởng, là tất cả. Nhưng, vạn sự khởi đầu nan…
Ngã Du Tử, xuất thân từ một gia đình đọc sách Thánh Hiền, biết lễ nghĩa liêm sĩ, biết tam cương ngũ thường, biết xuất xử, biết lui tới, biết trọng khinh, biết gần xa, biết lớn nhỏ, biết lịch lãm sự đời… Do đó, chàng biết cảm ơn đời, ngay những lúc gặp khó khăn nhất. Bởi, nếu không có khó khăn, ta sẽ không có cơ hội để hiểu mình, không trải nghiệm cuộc sống, và chẳng bao giờ thể hiện chính mình ở mức trưởng thành.
(65). Nhớ ngày canh cánh lo âu
Vàng thau chìm nổi buổi đầu đổi thay
Bao người đối diện đắng cay
Cũng đành chấp nhận cái ngày oan khiên
Bất cư nơi đâu, càng ngày, cuộc sống càng thắt chặt chiếc thòng lọng khắt nghiệt thời gạo châu củi quế. Thật sự, chẳng có gì trở nên dễ dàng hơn, mà chỉ là nhà thơ của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, thực tế hơn, khôn ngoan hơn, lịch duyệt hơn và kiên vũng hơn mà thôi.
(63). Trải qua bao nhịp quan hà
Mới hay rằng lắm phù sa quanh mình
Giục lòng gọi nắng bình minh
Rọi ngày cho ấm gieo tình sắt son
Hoàn cảnh bẽ bàng, oan trái, đắng cay, khắc nghiệt… không thể thay đổi. Thế nên, nhà thơ Ngã Du Tử tự điều chỉnh bản thân mình, qua tư duy, qua quan niệm, qua ý chí, qua sự quyết tâm. Đó là chọn lựa một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp. Không uốn được quả núi, thì uốn con đường quanh chân núi vậy.
(57). Ngày em còn thắm nét son
Cầu chữ Y, khắp Sài Gòn, ChoLon
Em gồng gánh anh và con
Khổ thân một thuở cùng non nước này
Một khi quyết định, không hối tỉếc, không quay lưng, chỉ có mở đầu, mỉm cười bước tới, nhìn vào tương lai, nhìn hướng mặt trời và làm nên một tương lai mới… dù xuôi ngược, dù bôn ba, dù chật vật, dù mệt mỏi thể chất…
(77). Về Bình Thạnh một sớm mai
Thuê vuông nhà nhỏ trăng cài gió mây
Ta về nhập cuộc hội nầy
Còn em xoay xở liền tay mọi bề
Một “vuông nhà nhỏ trăng cài gió mây…” chắc chắn vuông nhà ấy rất nhỏ, rách mái, thủng tường, tềnh toàng thậm tệ… Từ đó, quá khứ và bóng tối đã lùi lại phía sau, đã trở thành dĩ vãng. Không có việc gì là bất khả. Không có việc gì là không thể. Ra đi, chàng thi nhân trẻ nhiều sức sống đã dọc ngang đất người, nơi mà trước đây, được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông.”
 
(III)
VỐN LIẾNG VÀO ĐỜI
Từ ngàn xa xưa, Tô Tần, trước khi đeo 6 quả ấn vàng làm Tướng Quốc 6 nước, đã ra đi với chiếc xe song mã và tấm áo hồ cừu; thất bại trở về, bị bà chị dâu chế diểu. Trương Lương sau vụ ném chùy bất thành ở Bát Lãng Sa, đã ra đi với một quyết tâm trả thù cho nước Yên. Sau vụ luồn trôn giữa chợ chẳng vẻ vang gì, Hàn Tín ra đi với thanh trường kiếm và một mối thâm cừu.
Trương Nghi ra đi chỉ với ba tất lưỡi làm hành trang. Anh chàng lãng tử phong lưu miền Tây Vực ra đi với bầu rượu túi thơ và con ngựa gầy đói cỏ, đó là Lý Bạch. Lại có người phong lưu hơn, như Tô Đông Pha, trường hợp hiếm hoi, đã ra đi với 7 bà vợ, mà trong đó có Triêu Vân đã đi vào văn học Sử đời Tống…
45. Được làm một gái thuyền quyên
Là vô lượng phúc trên miền nhân gian
Nhủ lòng sống vẹn chữ tâm
Thị phi nào cũng sai lầm nhé em
Một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn Bạc cũng chỉ vác thanh gươm ra đi vì tránh nạn cường hào ác bà của đám người quyền thế gây ra nhân họa gieo rắc dầy dẫy tham ô bất bình… Biết bao hào kiệt ra đi chỉ với thanh gươm yên ngựa và một ý chí quật khởi làm vốn liếng và hành trang nhập cuộc...
(81). Này em đời lỡ long đong
Cũng đành chịu cảnh long đong cùng người
Thảo thơm sống giữa cõi đời
Mai sau trời đất nhớ lời nỉ non
Ngày nay, nhà thơ đất Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) ra đi với người vợ son trẻ, cành vàng lá ngọc. Đó là tất cả vốn liếng duy nhất mà Ngã Du Tử có trong tay. Đẹp thay. Lý thú thay. Lãng mạn tuyệt vời… Theo chủ quan của người viết Lời Tựa nầy, thì, sự ra đi của Ngã Du Tử đẹp và lãng mạn hơn chuyện ra đi của Trần Bình, Khoái Kiệt, Phàn Khoái, Anh Bố, Bành Việt, Chu Du, Gia Cát, Kinh Kha…
(27). Thương em từ lúc còn son
Trắng trong áo mới eo thon rạng ngời
Mùa vui chưa kịp rong chơi
Áo cô dâu mặc vào người theo ta
Chàng dắt vợ hướng về ánh mặt trời, về phương nam, về những hứa hẹn cuộc sống. Thương người vợ thục nữ, ngọc diệp kim chi, mà giờ đây, do hoàn cảnh mưu tìm cơm áo, tránh hoạn nạn… phải ra đi. Thương yêu trìu mến người vợ nhỏ, chỉ vì mình mà tin tưởng, vì mình mà dãi dầu, chỉ vì mình mà hy sinh. Bởi đó, không quý yêu, không được; không trân trọng, không phải; không hết lòng, không nên…
Tương lai phía trước. Hứa hẹn phía trước. Hạnh phúc phía trước. Thành công phía trước. Tất cả đều ở phía trước. Công việc của chàng là bước tới. Mọi sự khởi đấu bằng bức chân đầu tiên.
(7). Tôi em lỗi nhịp mùa sang
Áo xiêm thất lạc bên đàng trần ai
Ừ thì ngày ngắn, đêm dài
Chung lưng đấu cật miệt mài khổ cam
Ngã Du Tử, quả là thông minh, can đảm và gan lì… Có cứng mới đứng đầu gió… Cái “cứng” của thi nhân, được tôi luyện, được thôi thúc, được kiên vững và được bảo chứng bởi tình yêu, bởi tin yêu, và bởi hy vọng. Với Ngã Du Tữ, cuộc sống không bao giờ bế tắc thực sự khi còn hy vọng. Hoặc, không hề có chút khái niệm mất mát, lạc lõng, thất bại… một khi chàng còn có niềm tin làm chỉ nam và làm phương tiện.
(12). Thương em tôi dỗ với dành
Ráng lên em, mai xứng danh mẹ hiền
Này em, kiếp trước Giáng Tiên
Nên giờ đứng giữa hai miền Nam Trung
Một trong những hành trang của chàng Du Tử, chính là tình yêu người vợ trẻ. Cuộc sống không có tình yêu giống như một hoang mạc. Yêu vợ chính là yêu mình. Hãy để tình yêu, giống như ánh nắng ban mai, sưởi ấm trái tim mỗi con người. Ngã Du Tử đã thực sự truyền cảm hứng cho người vợ yếu, và, cho bất cứ những ai, sau nầy, đọc được những dòng thơ của chàng.
 
(IV)
GIAN TRUÂN TRƯỚC MẮT
Vạn sự khởi đầu nan. Ra đi, Mẹ dặn dò (35). « Mẹ rằng: Lập nghiệp quê xa / Đầu nan vạn sự trên xa xứ người.” Nghịch cảnh càng lớn, người ta càng phải phấn đấu, và do đó mà sớm trưởng thành. Gian khổ càng nhiều, thành công càng đẹp. Muốn đá thành ngọc quý, không thể không dũa mài. Đời ta, chọn lựa là của ta. Chọn lựa là bỏ cái nầy lấy cái kia. Chọn lựa là một hy sinh.
Cảm ơn đời những lúc ta gặp khó khăn, bởi nếu không có khó khăn, ta sẽ không có cơ hội để hiểu mình và trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành… Chàng thi nhân tin vào quan niệm “chân cứng đá mềm” của cha ông và động viên người phối ngẫu. Cụm từ “cũng đành chịu” (khổ thơ #81 dưới đây) nói lên quan niệm thuận thiên, xuôi theo trào lưu, là tùy theo con nước mà bơi theo dòng, là thuận thiên giả tồn… Đó là nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc.
(81). Này em đời lỡ long đong
Cũng đành chịu cảnh long đong cùng người
Ngã Du Tử đã áp dụng thuyết “Bootstrap Theory” của người Mỹ da trắng. Theo thuyết ấy, tự mình phải chống chèo xoay xở để tự kéo mình lên khỏi hoàn cảnh trái ngang bất như ý, tự mình vươn lên và ngoi lên khỏi vũng bùn suy sụp của hoàn cảnh, của nhân họa… Chàng cũng tin tưởng vào quan niệm “Lao động là vinh quang” của người dân cần cù lam lủ ham làm việc dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới của thổ dân Châu Mỹ La-Tinh…
(30). Này em gánh biển, trèo non
Vững đôi chân cứng đá mòn vui thay
Trong cuộc đổi đời, đất lạ, người lạ, cuộc sống mới lạ với trăm nghìn khó khăn chưa từng đối mặt, vợ chồng nhà thơ chỉ biết tin vào chính bản thân mình và tin vào nhau, người bạn đời chung lưng đấu cật. Trong hoàn cảnh đất mới, người mới… chắc chắn, họ phải chọn cuộc sống thường nhật đơn sơ, giản phác, khiêm tốn, thanh bạch… Từ đó, họ bất chấp, bất sá, bất kể… chỉ nhìn phía trước và bước tới.
(25). Ta còn nhịp đập chung say
Sợ gì em, những rủi may cuộc đời
Phải có một cuộc sống giản dị nhất, cùng ước vọng xa xôi nhất, dù ngày mai trời đông giá rét, tuyết rơi phùn thổi bão quét, dù đường dài vạn dặm gian khổ trước mặt. Cuộc sống của ta chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi ta biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những hứa hẹn của tương lai, của sức mình, của ý chí tự lập, của luật nhân quả…
(88). Cha dạy anh sống trên đời
Thẳng đường đi trước khóc cười bể dâu
Dặn lòng trong cuộc nông sâu
Ghìm cương nào quản vó câu gập ghềnh
Gian khổ luôn hiện diện. Bởi đó, sự đấu tranh luôn cần phải có thường xuyên trong cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua thật suôn sẻ, ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh và nghị lực như chúng ta cần phải có. Thật công bằng, không phải vô cớ mà mọi điều xảy đến với ta. Cuộc sống chìu lòng kẻ mạnh. Nó ân thưởng kẻ có công. Nó bù đắp kẻ miệt mài trì chí phấn đấu.
(11). Nửa đời vai lệch, chân xiêu
Quên thanh xuân những yêu kiều thuở xưa
Ngày qua, gội nhánh nắng mưa
Đêm về mắt ứa thiếu thừa cơm canh
Ta cần sức mạnh, nghị lực nên cuộc sống đã đặt ra những khó khăn nghịch cảnh để ta vượt qua như một thử thách và từ đó trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là luật sinh tồn. The law of nature selection. Có một danh ngôn: “Giữa thành công và thất bại có con sông gian khổ… mà trên con sông đó, có cây cầu tên là cố gắng phấn đấu” phải vượt qua.
(38). Kể chi em những nhọc nhằn
Kể chi nhau những trầm thăng một đời
Ta và em dưới vòm trời
Cũng như nhau những con người thế gian
Chẳng có giới hạn nào cả cho sự cố gắng. Có chăng là những đỉnh cao, nhưng đó không phải là nơi để ngự trị mà là nơi chúng ta cần phải vượt lên, chế ngự, chế thắng. Sự vượt trội không phải do vô tình. Mà, đó là kết quả của sự chú tâm cao độ, nỗ lực tận tình, định hướng thông minh, thực hành khéo léo, và tầm nhìn tinh tế để thấy được cơ hội trong những trở ngại và miệt mài theo đuổi. Obstacle is the way. Trở ngại, chính là con đường.
(39). Khổ vui lớp lớp hàng hàng
Từ tâm nuôi dưỡng bên đàng trần ai
Thượng Đế đã dẩn dắt Tổ Phụ Abraham về Đất Hứa không phải bằng những thuận lợi nhất thời… mà, luôn luôn, bằng những trở ngại phải vượt thắng. Cuối cùng, Đất Hứa hiện ra trước mặt, phía bên kia sa mạc…Thượng Đế ban cho tất cả mọi người 24 giờ như nhau. Còn 24 giờ ấy, có giá trị như thế nào, là do mỗi người tự định đoạt lấy qua cách sử dụng.
(91). Mỗi ngày lên gội nắng sương
Vẫn vui trong cuộc sống thường nhật thôi
Chẳng có gì trở nên dễ dàng hơn. Chỉ là ta trở nên mạnh mẽ kiên cường hơn mà thôi, vì ta đã ngẩng đầu ngạo nghễ, chấp nhận bão giông, thách đố số mệnh… Ngay cả Thượng Đế cũng không thích sự lười biếng và những kẻ lười biếng, hèn nhát, ỷ lại… Chàng thi nhân tự an ủi mình và khuyến khích vợ.
(90). Dễ gì trong cõi nhân gian
Buổi đầu ai chẳng gian nan, thường tình
Nợ nần nhau chuyện ba sinh
Thương em, tôi dỗ với dành yêu thương

(V)
NGÀY MAI,
ƯỚC MƠ và HY VỌNG
Hy vọng là thần dược… Sử Gia Will Durant, (một sử gia người Mỹ, có tầm ảnh hưởng cả thế giới, một sử gia vĩ đại thứ nhì đứng sau Tư Mã Thiên, hai vợ chồng là đồng tác giả “Lịch Sử Văn Minh Thế Giới”): “Khi còn thở, ta còn hy vọng. While we breathe, we will hope.” Trong những lúc trời quá lạnh, ông bà không có tiền để mua khí đốt, họ phải tháo chiếc bàn viết đốt lên cho khỏi chết rét. Bởi vì, sống là phấn đấu trong hy vọng.
(89). Sóng đời còn lắm nổi nênh
Cùng nhau thong thả giữa mênh mông ngày
Và em hãy nắm chặt tay
Mốt mai ắt cũng có ngày thênh thang
Những hy sinh của ngày hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai. Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng. Nhưng, sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Sau ngày mai, nghĩa là tương lai. Cái mà vợ chồng son Ngã Du Tử nhắm tới. Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua nếu bạn sống tới ngày mai. Phải nuôi dưỡng ý chí và ước mơ.
(31). Dây trầu đã quyện thân cau
Luôn chăm bón sẽ xanh màu phúc duyên
Trời cao, đất rộng trăm miền
Lẽ nào không thắm giữa triền nhân gian
Nhưng, nói cho chính xác, ước mơ cũng mãi là giấc mơ, nếu ta không thức dậy. Cách duy nhất khiến ước mơ thành hiện thực là hãy tỉnh dậy và bắt đầu thực hiện ước mơ ấy. Mơ ước là một thứ gì đó rất tuyệt vời. Nhưng nó cũng đầy mộng ảo. Và cách thực hiện ước mơ duy nhất đó là bắt tay hành động ngay, không nghi hoặc, không trì trệ…
(58). Chăm làm. Siêng nhặt liền tay
Rồi ra, đời cũng có ngày an thân
Lật trang đời nhớ thời xuân
Thước phim ngày ấy để dành mai sau
Khi tất cả những cái khác đã mất đi thì tương lai vẫn còn. Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác. Nguyễn Công Trứ: “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ… Trót sinh thì phải có chi chi, làm nên đấng anh hùng trong bốn bể”… Hoặc: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh…”
(18). Chiều tàn mơ một bình minh
Dãi dầu sẽ hết nổi linh đinh ngày
Thầm mong chờ một mùa sau
Bội thu từ lúc thắm màu sắt son
Có nỗ lực mới có hi vọng. Có hy vọng mới nỗ lực. Cuộc sống không cho ta tất cả những gì ta mơ ước. Nhưng cuộc sống cho ta quyền được lựa chọn ước mơ, và quyền được thực hiện mơ ước mà ta lựa chọn theo cung cách và phương tiện mà ta có.
(44). Ta từ bao nỗi đắng cay
Dòng đời may rủi, rủi may trùng trùng
Thôi em, đừng nghĩ mông lung
Phước duyên nào cũng từ nguồn nhân duyên
Cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho ta khóc, thì ta vẫn phải tìm một lý do để giữ nụ cười. Có bản lĩnh chịu được cô đơn, mới ôm được náo nhiệt. Vào những tháng năm còn có thể cố gắng, đừng chọn cách sống an nhàn. Hướng ngược gió, nó tạo sức nâng, rất hợp để cất cánh bay (cho chim trời và cho các loại phương tiện không gian phi hành).
(16). Rượu trần gian rót đêm qua
Ngâm sang sảng giọng ta và em nghe
Biết đâu mai mốt xuân hè
Văn theo duyên mệnh gửi về trăm năm
Khi không có hy vọng, bổn phận của chúng ta là tạo ra nó. Where there is no hope, it is incumbent on us to invent it (Thomas Carlyle). Nếu không phải nhờ hy vọng, trái tim sẽ tan vỡ. If it were not for hopes, the heart would break (Albert Camus). Một tâm hồn mạnh mẽ luôn luôn hy vọng, và luôn luôn có động cơ để hy vọng. A strong mind always hopes, and has always cause to hope (Victor Hugo).
(64). Cùng em giữa cuộc vuông tròn
Giữ chân dung chuyện nước non một thời
Ta từ bao cuộc rong chơi
Hiểu ra trong cõi khóc cười bể dâu
 
(VI)
TẬN NHÂN LỰC,
TRI THIÊN MỆNH
Thiên Mệnh là mệnh Trời, tức là Ý Trời. Thượng đế đã sắp đặt ngày mai cho tất cả chúng ta. Một vị Triết Nhân Lưỡng Hà Địa đã nói: “Dù chỉ một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài Ý Trời.” Kinh Dịch: “Nhất ẩm ất trác giai do tiền đình.” Đó là ý niệm “Quan Phòng” của Ông Trời, của Hóa Công, của Thượng Đế… Nhưng, muốn biết chắc sự quan phòng khôn ngoan ấy ra sao cho đời mình, ta phải tận nhân lực…
(73). Ráng nghe em cứ chân thành
Mai sau trời đất dỗ dành chúng ta
Tĩnh dĩ sĩ mệnh. An thiên tri mệnh. Người quân tử phải im lặng (tĩnh), khiêm tốn và kiên nhẫn lắng nghe Mệnh Trời. Ta không thể điều khiển hướng gió, chỉ có thể điều khiển cánh buồm. Ta không cần phải thấy hết các bậc thang mà chỉ cần đi bước đầu tiên với một niềm tin, tin vào Thiên Mệnh, và với tất cả dũng lực,..
(49). Mặc đời ta cứ thêm hương
Dù cay đắng cũng thế thường vui lên
Buồn làm chi chuyện hư nên
Làm sao biết trước thiên duyên cuộc cờ
Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Bắt đầu từ nơi ta đứng, sử dụng những gì ta có, làm những gì ta có thể, trong khả năng luôn luôn bị hạn chế của chúng ta.
(74). Miệt mài ngày tháng đong đưa
Nghĩ ra chừng cũng đủ vừa tin yêu
Thịnh suy, suy thịnh trăm điều
Lẽ nào no gió cánh diều không bay
Cuộc sống chỉ mang lại cho chúng ta 10% cơ hội, 90% còn lại là do chúng ta trải nghiệm thế nào với nó. Đừng nói mà hãy hành động. Đừng hứa mà hãy chứng minh. Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất ta có thể trao tặng tha nhân. (xx). “Trời cao, đất rộng nhiệm mầu / Ai qua giông tố sống giàu nghĩa nhân.” Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào 2 chữ “chân thành” đó cả.
(17). Hát lên em buổi thăng trầm
Thị thành sẽ nhớ thuở cầm cố thơ
Thế gian ai biết chữ ngờ
Thiên đường là mộng, văn thơ là tình
Sống cuộc sống ta mong muốn, chính là những ngày tháng tươi đẹp nhất. Cách sống mà ta mong muốn, mới chính là cách sống tốt đẹp nhất. Hạnh phúc không có một đáp án chuẩn mực, niềm vui cũng không chỉ xuất phát từ một con đường.
(96). Giã từ ngày tháng lênh đênh
Bình an qua những thác ghềnh gian nan
Thẳng lưng, đi tới đường hoàng
Mùa xiêm áo cũng rộn ràng đôi chân
 
(VII)
ĐỒNG VỢ, ĐỒNG CHỒNG
“Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn.” (35) « Cha rằng: khó lắm con ơi / Ráng nghe con, vợ chồng thời đỡ nâng. » Muốn đồng vợ đồng chồng, cuộc hôn nhân ấy phải xây trên bản tình yêu. Công thức để có một gia đình hạnh phúc: “Yêu thương, tương kính, quan tâm và chia sẻ, thấu hiểu và bao dung.” Đó là một Gia đình hạnh phúc. Mục đích trước tiên và tối thượng của cuộc đời là sống. Nhưng, phải sống hữu ích, sống có trách nhiệm, sống biết yêu thương, và được tôn trọng.
(22). Ngày nao duyên nợ ba sinh
Trầu xanh, cau thắm cho mình chung đôi
Anh còn em, em có tôi
Cùng nhau dìu bước qua đồi mộng mơ
Hãy bước đi song hành. Hãy bộc bạch để được xẻ chia, thông cảm và hỗ trợ. Nhà thơ luôn nhắc nhở và động viên người phối ngẫu. (14). “Gập ghềnh nhịp phách chân như / Khổ vui mặc niệm, tạ từ bước qua / Đều chân em nhé cùng ta / Tháng năm thắm áo, ngọc ngà thắm quê.” Hãy mở lòng chia sẻ với bạn đời vì ít nhất bạn cũng sẽ tìm được chút bình yên trong tâm hồn. Hãy sống với người bạn đời như sống với chính mình.
(52). Cùng nhau tay nắm đồng hành
Khổ vui nào cũng xây thành tình yêu
Cuộc sống này cũng không phải toàn niềm vui, hạnh phúc mà xen lẫn vào đó là những nỗi buồn, đau thương. Nhưng dù cho cuộc sống có thế nào đi nữa, hãy sống vì nhau, vì người phối ngẫu, vì gia đình… Ước mơ của mình, cũng là ước mơ chung. Nghĩa là, hãy đồng vợ đồng chồng… Mọi người đều biết cái lẽ đương nhiên ấy.
(46) Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau
Khó khăn rồi sẽ qua đi. Vợ chồng, dù có mưa dập gió vùi cũng vẫn đồng hành, che chắn và dìu nhau vượt qua. (100). “Ngày sẽ vui. Đời như tranh / Hẹn nhau đi hết hành trình trần gian.” Hãy hiểu biết nhau. Vô tri bất mộ. Hiểu biết để yêu thương bền lâu. Với thế giới, ta chỉ là một cá nhân. Nhưng đối với người phối ngẫu, ta là cả thế giới. Cuộc sống đã ban cho ta đôi bàn tay và trí óc để khám phá và làm việc với con tim yêu thương.
Võ Phiến nói với hiền thê: “Em nuôi con heo, anh nuôi con sáo...” thì Ngã Du Tử đề nghị cùng hiền nội: (23). “Em bán buôn anh làm thơ / Cung đàn nắn nót xanh bờ thanh xuân // (29). Mong đời liền nhánh thủy chung / Tháng ngày chia sớt vạn trùng quan san.” Thật lãng mạn và lý thú. Tuy đời sống có gian truân nghiệt ngã, thì, cung cách của thi nhân vẫn phong lưu đậm chất.
(47). Đường suông hay thác ghềnh sâu
Đồng cam cộng khổ qua cầu sánh đôi
Thương nhau chẳng ngại dốc đời
Núi cao ư, sẽ qua đồi an nhiên
 
(VIII)
VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ
Những gì cuộc sống đem lại cho ta đều được ghi giá một cách kín đáo. Sự khác biệt giữa những người thành công và thất bại không phải là ở sức mạnh hay kiến thức mà chính là ở ý chí và sự miệt mài. Chính ý chí, nỗ lực, quyết tâm, thông minh… đã trả cho cái giá (kín, ngầm…) của sự thành công ta đang hưởng. Đó là vấn đề nhân quả thực dụng.
(74). Miệt mài ngày tháng đong đưa
Nghĩ ra chừng cũng đủ vừa tin yêu
Thịnh suy, suy thịnh trăm điều
Lẽ nào no gió cánh diều không bay
Đây là chân lý nghìn đời bất biến: «Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu.» Trồng cây gì, thì hưởng quả nấy. Trồng dưa, ta sẽ được ăn dưa; tỉa đậu, ta sẽ được ăn đậu. Cây giống được chăm bón tốt, ta sẽ được mùa bội thu và thu hoạch tốt. Cây lành, trái ngọt. Cha ông ta cũng thường nói: « Nhìn quả biết cây, nhìn cây biết quả. » Đằng sau mỗi nỗ lực là phần thưởng xứng đáng.
(75). Trời nào phụ kẻ siêng năng
Không gian có chỗ đất bằng sánh vai
Hãy gieo hạt giống của tin tưởng, hy vọng, yêu thương và trì chí… chắc chắn ta sẽ gặt hái thành quả tốt đẹp... Đây là quy luật tự nhiên. Đó là luật nhân quả. The theory of cause and effect… mà thầy trò văn hào / triết gia Lebnitz đã xiển dương. Kinh Thánh Cựu Ước chép: “Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong tiếng cười.”
(98). Mở lòng đón nhận trên tay
Không gian nan sao có ngày yên vui
Hãy dùng thời gian, nghị lực, tài trí một cách khôn ngoan, lạc quan và tin tưởng vào giá trị nhân qủa của chúng. Lạc quan là một đại lượng gắn liền với thành công và hạnh phúc hơn tất thảy mọi thứ. Thời gian tuy miễn phí nhưng nó vô giá.
(108). Không mai sau, cũng đời này
Gẫm ra sẽ thấy bàn tay Đất Trời
Thời gian, ta không thể sở hữu, nhưng ta có thể sử dụng nó. Ta có thể dùng nó, nhưng ta không thể giữ nó. Một khi ta làm mất nó, ta sẽ không thể nào có lại được nó. Les jours s’en vont. Đó là “Le temps perdu.” Thời gian là của Thượng Đế. Và, ta có quyền ân hưởng.
(97). Thương mình chăm bón tình thân
Thương em giờ bớt nhọc nhằn đôi vai
Xưa hàm tiếu, giờ mãn khai
Thời gian rực thắm cánh mai ân tình

(IX)
QUÊ HƯƠNG, NGUỒN CỘI
Quê Hương là Nguồn Cội. Nguồn Cội là Quê Hương. Hai ý niệm nầy không thể tách rời. Chúng dính liền nhau như một hệ luận. Đồng thời, chúng liên đới và ảnh hưởng nhau như một hệ lụy. Nơi ta ở là cái nôi, là cuốn rốn, là nguồn mạch tâm linh. Trong đời, dù ta, vì hoàn cảnh bất khả kháng, có trôi giạt nơi đâu, thì quê hương vẫn là cái mốc để ta nghĩ về, nhớ về, tìm về. Những bộ tộc sơ khai thời du cư du canh du mục… không bao giờ có được tâm tình cao thượng ấy…
Một nhà văn Do Thái, trong diễn văn nhận giải Nobel văn chương, ông nói: “Hầu hết những tác giả, khi đi ra khỏi quê hương đều héo úa khô cằn tàn lụi và khả năng hay hứng khởi sáng tạo không còn… Nhưng tôi ra đi mang cả quê hương trong lòng. Cho nên, hoàn cảnh lưu đày của tôi không ảnh hưởng gì đến vấn đề sáng tác.”
(33). Đường tàu bắt nhịp rời ga
Làng quê từ ấy mờ xa, xa dần
Ta cùng nhau nhé ân cần
Đời hăm hở gọi theo chân bụi đường
Câu nói này thể hiện tấm lòng nhớ nhung quê hương đất nước của những người xa xứ. Thân lữ khách ở đất người, nhưng lòng thì vẫn mãi hướng về quê cha đất tổ. Câu nói ấy thể hiện sự quan trọng của cội nguồn quê hương. Cây có cội, nước có nguồn – đây là chân lý, là đạo đức mà ai ai trên đời này cũng từng ghi nhớ. Với mỗi chúng ta, quê hương và gia đình luôn là điều quan trọng và là niềm tin của mỗi người.
(109). Gìn ân giữ nghĩa em ơi
An nhiên vui sống giữa đời bao la
Thênh thang mở lối người ta
Văn chương là đạo, quê là nhớ thương
Với tâm tình ấy, thì ta có cảm giác trăng quê nhà sáng hơn trăng đất khách (mà trăng nơi đâu chẳng phải là trăng), mây quê nhà đẹp hơn mây bốn phương (mà mây nơi đâu chẳng là mây của trời), nước quê nhà trong mát và ngọt ngào hơn bất cứ nguồn nước nơi đâu trên quả đất…
(34). Cuộc ngày đầy những gió sương
Không sao em, chỉ là hương sắc tình
Đầu ngày thắm nắng bình minh
Suy tư cùng những linh đinh quê nhà
Thi nhân ra đi là bỏ lại (hoặc tạm thời bỏ lại) sau lưng gia đình, dòng tộc, nơi chôn nhau giấu rốn, mồ mã cha ông, làng xóm, bạn bè… Ngã Du Tử ra đi là xa rời quê hương Quảng Ngãi với 12 cảnh đẹp thiên nhiên (Thập Nhị Mỹ Cảnh), cùng với 3 dòng sông bơi lội tuổi thơ: Trà Bồng (Châu Tử), Trà Khúc (Trà Giang), Trà Câu .
(51). Chiều qua thẫm một tiếng chuông
Vọng về từ lúc khói sương quê nhà
 
(X)
BẰNG HỮU TRI ÂM
Bằng hữu, là tất cả những liên hệ nơi ta sinh, nơi ta ở, nơi ta sống, nơi ta đến… Với Ngã Du Tử, liên hệ ấy xoay quanh khách văn chương thi phú… Tình bạn không phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi mệnh số, bởi khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những ngăn trở đó mà tình bạn bắt rễ sâu nhất. Chính từ những hoàn cảnh bất lợi ấy mà tình bạn nở hoa.
(69). Vui thay, trời đất dịu kỳ
Khổ đau nào quản đền nghì Trúc Mai
Bạn bè, thơ phú lai rai
Sài Gòn ơi, cứ miệt mài bón chăm
Tình yêu đúng nghĩa đã hiếm, tình bạn thật sự còn hiếm hơn. Và càng hiếm quý hơn nữa, đó là bạn văn, bạn thơ. Chắc chắn, những người bạn ấy là tri kỷ, hoặc tuyệt vời hơn, là thấp thoáng bóng dáng hồng nhan tri kỷ. Đó là những người bạn ơn nhau qua tri ngộ. Gặp nhau, biết nhau, hiểu nhau, rồi quý mến nhau… dù không cùng trường phái sáng tác, dù không cùng lập trường hay quan điểm về tôn giáo, chính trị. Tình bạn đúng nghĩa, vượt lên trên những thứ ấy.
(76). Bạn bè so chén lai rai
Giọt buồn đem cắn chia hai làm mồi
Khổ vui còn lại bên đời
Hoàng kim nào sẽ lên ngôi mai này
Tình bạn, hội đủ hiểu biết, cảm thông, quan tâm và hy sinh. Gặp nhau, quen nhau giữa biển người mênh mông chính là duyên, lưu lạc giữa hồng trần lại không lãng quên nhau chính là duyên. Tâm tình tha thiết mến yêu của Ngã Du Tử đã là thâm trọng, nhưng xa hơn, chính nhà thơ đã khuyên người phối ngẫu của mình cũng phải trân quý bạn bè của mình như thế.
Người xưa, mà cụ thể là cha ông ta, cũng đã chủ trương: “Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân.” Hãy dung hình thức văn chương để qui tụ bạn bè. Rồi cùng bạn bè giúp người, giúp đời, xây dựng xã hội… Đó là quan niệm tích cực của kẻ sĩ nhập cuộc, dấn thân, vào đời.
(46). Mở lòng với các anh em
Mùa vui rồi sẽ được êm ấm cùng
Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau
 
(XI)
SONG THÂN – CHỮ HIẾU
Bóng cha như vách núi. Dáng mẹ tựa dòng sông. Đạo Nho: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.” Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính bậc niên trưởng, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức.
(85). Sóng ngày còn những gian nan
Cha đi để lại bên đàng tiếc thương
Ngậm ngùi nhang khói làn hương
Cha ơi, còn nỗi xót vương bên lòng
Bình nhật, trong giao tế thường ngày, sự vô ơn là điều đáng khinh bỉ nhất. Nhưng kiểu vô ơn phổ biến và lâu đời nhất là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ. Vạn hạnh hiếu vi tiên. Một người con bất hiếu chắc chắn không bao giờ là người bạn tốt, một người tôi trung. Kinh Thánh: “Ai hiếu kính với song thân, sẽ được Thượng Đế chúc lành trong cuộc sống.”
(84). Tết về, trong những nhành xuân
Mẹ cùng con quấn khăn tang trắng trời
Người vừa cởi hạc xa khơi
Lòng con còn những rối bời trần gian
Một triết nhân nào đó thời xa xưa đã từng nói: “Đem lòng yêu vợ con ra yêu cha mẹ thời là hiếu; đem lòng giữ nhà ra giữ nước thời là trung; đem lòng trách người ra trách mình là tu, đời sống thời ít lỗi; đem lòng dong mình ra dong người thời trọn nghĩa.” Thật quý hóa thay. Lành thay, những người con hiếu. Chàng thi sĩ Ngã Du Tử ân hận và trách mình sao không sớm thành đạt, và tiếc rằng phụ thân ra đi quá vội… để chàng có thể trả chữ hiếu vẹn tròn.
(92). Giận mình còn lắm âu lo
Tiếc cha sao vội sang đò trần gian
Để con nước mắt cạn dòng
Thân trai còn những long đong xứ người
Ngã Du Tử, có thể nói được một cách chắc chắn, mà không ngại nhầm lẫn, là nhà thơ đã tròn đạo hiếu thờ Cha, kính Mẹ trọn niềm. Mẹ và Cha cũng là sợi dây ràng buộc, nối kết thiêng liêng giữa người con Ngã Du Tử lưu lạc với quê hương Quảng Ngãi cội nguồn.
(32). Giã từ quê quán thu sang
Hởi non sông, nhịp bước vàng sánh đôi
Thương em đôi chút bồi hồi
Mẹ cùng cha vốn cái nôi quê nhà
 
(XII)
SỨC SỐNG VĂN CHƯƠNG
Có người nói: “Những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…” thì Ngã Du Tử, chẳng những vịn thơ, dựa thơ… mà sống với thơ nói riêng, và với văn chương nói chung. Anh không chỉ vịn thơ khi cần, mà sống với thơ, ăn với thơ, ngủ với thơ, lớn lên với thơ… Anh là người đọc sách, biết rõ hơn ai hết sức mạnh của thơ văn, của ngòi bút. Anh đã lấy thơ văn an ủi chính mình và vợ con… để di dưỡng tâm tính… để rèn luyện đức hạnh bản thân…
Công dụng và giá trị của văn chương là minh minh triết, là minh minh đức, là minh minh chí… Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt (Albert Camus, một triết gia hiện sinh). Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn (Trần Trọng Kim, một học giả, một vị đường quan). Văn dĩ tải đạo. Đạo ở đây là đạo lý và đạo làm người…
(104). Thì ra, phù thế rong chơi
Cũng ngần con chữ đầy vơi nỗi niềm
Denis Diderot: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn, đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc.” Hegel: “Sáng tạo là đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn mạch chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.”
Văn hóa là tinh hoa, là tinh túy của một dân tộc. Văn hóa, mà văn chương là một biểu tượng chính, là linh hồn của dân tốc ấy… Văn chương trở thành ký ức sống động của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia có biên giới. Chính văn chương (văn hóa nói chung) đã tạo ra bản sắc đặc thù của dân tộc ấy… và giữ gìn cho dân tộc ấy khỏi bị nô lệ và khó bị đồng hóa.
(40). Văn chương là nghiệp đã đành
Núi sông là nợ cùng xanh đôi bờ
Một tác phẩm giá trị là một cuốn sách chẳng bao giờ kết thúc bi quan. Nó luôn gợi lên chân thiện mỹ, và hướng con người bước dần đến đích điểm cao thượng ấy… Nó chuyên chở một nội dung xây dựng, tô bồi lòng tin, ca tụng sự thành tín, xiển dương tình thương và lòng trung nghĩa.
(103). Đi qua cát bụi thưa rằng:
Cả đời còn nợ trang văn tự tình
Nhớ người xưa, viết thi kinh
Áo hoa sẽ thắm bình sinh sắc ngời
Aleksandr Solzhenitsyn: “Thật bất hạnh cho một quốc gia mà nền văn học bị khống chế, cưỡng bức, chèn ép… vì sự cản trở của thế lực. Điều này không chỉ xâm phạm quyền tự do tư tưởng, ngôn luận mà còn đóng kín trái tim của một dân tộc, làm chết những khả năng sáng tạo đặc thù cố hữu của dân tốc ấy…”
(2). Đêm về ngủ trọ lưng mây
Ngày vui theo nhịp thuyền đầy văn thơ
 
ĐÔI DÒNG TẠM KẾT
Tóm lại, chúng ta có thể thấy được những đề tài nổi bật mà nhà thơ muốn xoáy vào, muốn tô đậm qua 131 khổ thơ “Sóng Thị Thành và Em.” Như đã phân tích, Trường Thi “SÓNG THỊ THÀNH và EM” của Nhà Thơ NGÃ DU TỬ đã chuyên chở đầy đủ một nội dung xây dựng, đầy tính lãng mạn, tin yêu, hy vọng và dấn thân. Là thi sĩ đích thực, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội… nên Ngã Du Tử không than mây, không khóc gió, không viết những vần thơ èo uột rên rỉ than van… Anh thuộc trường phái hiện thực, chủ trương văn nghệ vị nhân sinh.
Qua 12 điểm nổi bật trong “Sóng Thị Thành và Em,” ta thấy rõ tính chất kẻ sĩ của một con dân hay (một nghệ sĩ) xứ Quảng (Ngãi) đã biểu lộ khá đầy đủ trong phát biều của Nguyễn Vỹ, một nhà thơ / nhà văn / nhà báo Tiền Bối. Và, một phần cũng phản ánh trung thực những nhận xét cùa Nguyễn Cư Trinh, một thời làm Tuần Vũ Quảng Ngãi; của Nguyễn Thông, kẻ sĩ đất Gia Định, tránh Tây ra làm quan cho triều đình Nhà Nguyễn, một thời trấn nhậm đất Quảng.
Sau cùng, xin mời quý bạn yêu thơ, hãy đọc khổ thơ chót (#131) trong trường thi lục bát “Sóng Thị Thành và Em” để thấy tấm lòng của tác giả --nhà thơ Ngã Du Tử. Thi nhân của chúng ta, vì hoàn cảnh phải ra đi, mang theo hành trang duy nhất là cô vợ bé bỏng, kinh qua bao năm nơi đất lạ quê người, làm việc trong gian truân, ngoi lên từ lòng tự tin và tự trọng để vượt qua gian khổ, mà lòng lúc nào cũng gắn bó với quê hương, nguồn cội, song thân… để cuối cùng, xứng đáng nói được rằng Ngã Du Tử đã trả xong cái nợ làm trai vậy…
(113). Trang văn chừng đủ yêu người
Cung tay dừng bút cho đời phấn hương
Nào ai hiểu hết vô thường
Ta còn đi giữa khói sương đời này.
 
Võ Thạnh Văn
Viết tại Phù Hư Am, tháng 4/2021
Mùa trốn dịch Wu-Han 2019.

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn