CA DAO
(Chuyển tiếp)
(Chuyển tiếp)
Tạp Ghi và Phiếm Luận :
Thành Ngữ Bị Hiểu Sai Hơn Một Ngàn Năm Qua
Trang Tử với Tề Vật Luận
Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là "Trầm Ngư Lạc Nhạn, Bế Nguyệt Tu Hoa 沉魚落雁,閉月羞花" mà ta thường nói một cách nôm na là "Cá lặn chim sa, Nguyệt thẹn hoa nhường". Chỉ cần nhắc đến câu nói nầy thì tự nhiên mọi người đều nghĩ ngay đến bốn người đẹp cổ điển "Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人" là : Tây Thi 西施、Vương Chiêu Quân 王昭君、Điêu Thuyền 貂嬋、và Dương Ngọc Hoàn 楊玉環 (Dương Qúy Phi)。Với lý giải thường thấy như sau :
TÂY THI, gái nước Việt, khi ra bờ khe giặt lụa, cá dưới khe thấy được cái bóng đẹp đẽ của nàng ở dưới nước nên không bơi nổi nữa mà từ từ chìm xuống đáy khe (Trầm Ngư). Đến đời Hán thì có người đẹp VƯƠNG CHIÊU QUÂN 王昭君 được chọn để cống Hồ. Khi ra đến ải Nhạn Môn Quan các con nhạn đang bay thấy nàng đẹp quá nên không vổ cánh nổi mà cùng rơi cả xuống bãi cát (Lạc Nhạn). Cuối đời Hán, con gái nuôi của quan Tư Đồ Vương Doãn là ĐIÊU THUYỀN khi đêm cúng trăng ở hoa viên; Trăng thấy nàng qúa đẹp nên không dám chiếu thẳng mà lẫn vào trong trong đám mây để che mặt lại (Bế Nguyệt). Đến đời Đường, Qúy Phi của Đường Minh Hoàng là DƯƠNG NGỌC HOÀN khi đi dạo ở Đình Trầm Hương trong ngự hoa viên; các loài hoa thấy nàng đẹp qúa đều e thẹn mà rủ cả xuống không dám nở ra khoe sắc (Tu Hoa).
Tứ Đại Mỹ Nhân
Bốn người đẹp nầy có thật sự đẹp đến nỗi "Chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn" hay không; điều đó không ai có thể chắc chắn biết được, vì đâu có ai nhìn thấy được bốn người đẹp đó bao giờ đâu !? Nhưng có một điều có thể chắc chắn là tám chữ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" không phải đến từ sắc đẹp của bốn người đẹp đó bao giờ !
Truy nguyên về xuất xứ của "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" ta không khỏi ngạc nhiên, vì nó có nguồn gốc xuất xứ từ ba nhân vật lừng lẫy tiếng tăm nhất của nền văn hóa văn học Trung Hoa cổ xưa. Đó chính là TRANG TỬ trong học thuyết Lão Trang thời Chiến Quốc, TÀO THỰC có Tài Cao Bát Đấu cuối đời Hán và Thi Tiên LÝ BẠCH ở thời Thịnh Đường. Bốn điển cố trên, ngoài điển cố TRẦM NGƯ có liên quan chút đỉnh với người đẹp Tây Thi ra, ba điển cố còn lại được các hí kịch gia, tiểu thuyết gia đời Nguyên, Minh gán ghép vào trong các tuồng tích, rồi được quảng đại quần chúng truyền tụng mà thành. Đại thể như sau :
Điển cố "TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁" có gốc gác từ một câu của chương "Tề Vật Luận 齊物論" trong Nam Hoa Kinh 南華經 của Trang Tử 莊子 như sau :"Mao Tường, Li Cơ, nhân chi sở mỹ dã, ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mi lộc kiến chi quyết sậu. Tứ giả thục tri thiên hạ chi chính sắc tai. 毛嫱、驪姬,人之所美也,魚見之深入,鳥見之高飛, 麋鹿見之决驟。四者孰知天下之正色哉". Có nghĩa : "Mao Tường và Li Cơ là người đẹp của loài người, cá thấy thì lặn sâu, chim thấy thì bay cao, hươu nai thấy thì chạy nhanh. Bốn loài đó làm sao biết được cái sắc đẹp chính trong thiên hạ nầy !".
TỀ VẬT LUẬN 齊物論 của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh 南華經 với chủ đề chính là "VẠN VẬT TỀ NHẤT 萬物齊一". Có nghĩa : Muôn loài muôn vật đều ngang bằng như nhau; Mỗi loài mỗi vật đều có tốt xấu ưu khuyết như nhau... Nên câu nói trên có nghĩa : Mao Tường và Li Cơ là người đẹp của loài người, chớ đối với cá thì cá đâu có biết được cái đẹp của con người đâu; nên mặc dù thấy người đẹp cá vẫn dửng dưng bơi lội và lặn sâu xuống nước, chớ không bị sắc đẹp của con người lôi cuốn. Chim cũng thế, vì không bị cuốn hút bởi sắc đẹp của con người, nên mới lạnh lùng vổ cánh bay cao. Hươu nai cũng không thấy được vẻ đẹp của giai nhân, nên khi thấy bóng người là nhanh chân bỏ chạy!
Mao Tường
Câu nói của Trang Tử là : "Khi Mao Tường (là ái cơ của Việt Vương) và Li Cơ (là sủng phi của Tấn Hiến Công). Khi hai người đẹp nầy xuất hiện thì cá lặn sâu, chim bay cao và hươu nai chạy mất, vì bốn loài vật đó không biết được cái sắc đẹp của con người". Nhưng quảng đại quần chúng và các giới văn nhân thi sĩ, kịch tác gia, tiểu thuyết gia... đời Nguyên, Minh, Thanh sau nầy thì hiểu ngược lại. Họ cho là "Cá lặn, Chim bay, Hươu chạy" là do thấy người đẹp. Câu "Ngư kiến chi thâm nhập, Điểu kiến chi cao phi 魚見之深入,鳥見之高飛" được sửa và nói gọn lại thành "Trầm Ngư Lạc Nhạn 沉魚落雁" dùng để diễn tả cho thích hợp với hai người đẹp Tây Thi và Vương Chiêu Quân mà thôi.
Còn điển cố BẾ NGUYỆT 閉月 có xuất xứ từ bài《Lạc Thần Phú 洛神賦》của Tào Thực 曹植, tự là Tử Kiến 子建, con trai thứ của Tào Tháo. Ba cha con họ Tào được xếp ngang hàng với Kiến An Thất Tử 建安七子 (Bảy văn tài nổi tiếng thời Kiến An) được Tạ Linh Vận 謝靈運 thời Lục Triều tôn xưng là "Tài Cao Bát Đấu 才高八斗". Trong bài Lạc Thần Phú 洛神賦, khi tả sự xuất hiện của nữ thần xinh đẹp là Lạc Thần, Tào Tử Kiến đã hạ câu :
髣髴兮如輕雲之蔽月, Phưởng phất hề như khinh vân chi TẾ NGUYỆT,
飄颻兮若流風之回雪。 Phiêu diêu hề nhược lưu phong chi hồi tuyết.
Có nghĩa :
- Phảng phất như có làn mây nhẹ che phủ lấy vầng trăng,
- Phơi phới như có làn gió thổi mang tuyết trắng trở về.
Trăng bị che mờ đi vì sắc đẹp rực rỡ của nữ thần xinh đẹp. Sau được hiểu là vì sắc đẹp lộng lẫy của nữ thần làm cho trăng cảm thấy thẹn thùa mà trốn vào trong mây. TẾ NGUYỆT 蔽月 là Trăng bị mây che phủ; còn BẾ NGUYỆT 閉月 là vầng trăng bị đóng lại. Từ kép "Tế Bế 蔽閉" có nghĩa là Che Khuất. Điển cố nầy thường dùng để chỉ người đẹp thời đầu Tam Quốc là Điêu Thuyền.
Lạc Thần Phú
Về điển cố TU HOA 羞花 thì có xuất xứ từ bài thơ cổ phong TÂY THI của Thi Tiên Lý Bạch đời Thịnh Đường với bốn câu mở đầu bài thơ như sau :
西施越溪女, Tây Thi Việt khê nữ,
出自苎萝山。 Xuất tự Trữ La San.
秀色掩今古, Tú sắc yểm kim cổ,
荷花羞玉颜。 HÀ HOA TU NGỌC NHAN !...
Có nghĩa :
Tây Thi gái đất Việt Khê,
Trữ La Thôn đó đi về hôm mai.
Sắc đẹp che lắp xưa nay,
Hoa sen cũng thẹn mặt mày hơn hoa.
"荷花羞玉颜 HÀ HOA TU NGỌC NHAN" là Hoa sen cũng phải then thùa trước vẻ mặt đẹp như ngọc của Tây Thi. Nên điển cố TU HOA cũng dùng để chỉ người đẹp Tây Thi, nhưng song song với việc ca ngợi sắc đẹp của Tây Thi thì Thi Tiên Lý Bạch trong ba bài Thanh Bình Điệu cũng ca ngợi về sắc đẹp của Dương Qúy Phi bằng câu :"Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan 名花傾國两相歡", là "Hoa Mẫu đơn nổi tiếng và người đẹp khuynh quốc khuynh thành đều cùng vui với nhau". Vì Tây Thi đã có từ "Trầm Ngư" để diễn tả rồi, nên Từ TU HOA thường được dùng để chỉ sắc đẹp của Dương Qúy Phi là vì thế.
Hà hoa tu ngọc nhan
Nhắc đến văn học và thi ca Trung Hoa, ta hay nghe câu "Đường Thi, Tống Từ, Nguyên Khúc, Minh Thanh Tiểu Thuyết. Có nghĩa : Đời Đường thì nổi tiếng về THƠ; đời Tống thì nổi tiếng về TỪ; đời Nguyên thì nổi tiếng về các CA KHÚC, HÍ KHÚC (các kịch bản ca hát trên sân khấu); đời Minh đời Thanh thì nổi tiếng về Tiểu thuyết. Nên nhóm từ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" là do các kịch tác gia, hí kịch gia cuối đời Tống đầu đời Nguyên... đưa vào sử dụng trong một vở Nam kịch có tên là "Hoạn môn tử đệ thác lập thân 宦門子弟錯立身" với câu :"Khả thán nễ trầm ngư lạc nhạn chi dung, bế nguyệt tu hoa chi mạo... 可嘆你沉魚落雁之容,閉月羞花之貌...”. Có nghĩa :"Đáng thương thay cho nàng có dung nhan chim sa cá lặn, có nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường..." Từ đó về sau, nhóm từ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" được hình thành và thường xuyên xuất hiện trong các Truyện truyền kỳ, Hí kịch, Tiểu thuyết... và vì muốn phong phú thêm cho các tình tiết và các kịch bản được hấp dẫn hơn, nên mới nương theo chiều dài của dòng lịch sử mà tìm ra các người đẹp Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Qúy Phi để ghép đôi vào với cách nói trên. Cho đến đời Thanh và mãi cho đến hiện nay, hễ nhắc đến Tứ Đại Mỹ Nhân là người ta sẽ nghĩ ngay đến : Tây Thi TRẦM NGƯ, Vương Chiêu Quân LẠC NHẠN, Điêu Thuyền BẾ NGUYỆT và Dương Qúy Phi TU HOA.
Nếu truy nguyên thì ta sẽ thấy rằng câu "Ngư kiến chi Thâm nhập 魚見之深入" là "Cá thấy thì lặn sâu xuống" là câu dùng để chỉ người đẹp Mao Tường, ái cơ của Việt Vương thời Tiền Chiến Quốc, và Li Cơ sủng phi của Tấn Hiến Công khoảng Thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên; được đem gán cho Tây Thi là người đẹp của Trữ La Thôn thời Hậu Chiến Quốc, khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, cách nhau khoảng ba trăm năm. Vì Tây Thi thường giặt lụa bên bờ khe, cá thấy nàng đẹp qúa nên không bơi nổi mà chìm sâu xuống nước, nên mới đổi câu "Ngư kiến chi Thâm nhập" thành TRẦM NGƯ 沉魚. Rồi vào khoảng năm trăm năm sau đó, vào thời Hán Nguyên Đế (76-33 trước CN) Khi người đẹp Vương Chiêu Quân được tuyển chọn để đi cống Hồ. Khi ra khỏi ải Nhạn Môn Quan, thấy gió thu hiu hắt trên sa mạc mênh mông khiến cho nàng xúc cảnh sinh tình mà gãy nên khúc tì bà bi thương, làm cho các con chim nhạn đang bay về Nam để tránh lạnh không bay nổi, có một con sa xuống trước đầu ngựa. Các tùy tùng mới kháo nhau về sắc đẹp của nàng và đổi câu "Điểu kiến chi cao phi 鳥見之高飛" thành LẠC NHẠN 落雁. Như hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả về sắc đẹp của nàng cung phi tài hoa là :
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa!
Trầm ngư Lạc nhạn
Còn Điêu Thuyền là người đẹp được hư cấu, không có thật trong chính sử. Các kịch tác gia đời nhà Nguyên dựa theo truyền thuyết dân gian mà hư cấu nên hình tượng của người đẹp Điêu Thuyền, lại được La Quán Trung một tiểu thuyết gia tài hoa thêm thắt chi tiết khúc chiết rồi đưa vào trong truyện "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" cho làm nghĩa nữ của quan Tư Đồ Vương Doãn. Vì Điêu Thuyền hay bái nguyệt, thích cúng trăng ban đêm, mà trăng thì thường hay bị mây che, cho nên mới kháo nhau là trăng vì xấu hổ trước người đẹp Điêu Thuyền nên mới lẫn vào trong mây để giấu mặt. Vì vậy mà dùng từ TẾ NGUYỆT 蔽月 trong Lạc Thần Phú của Tào Thực để chỉ vẻ đẹp của Điêu Thuyền như là Thần nữ Lạc Thần vậy. Và vì âm TẾ 蔽 và âm BẾ 閉 trong tiếng Quan Thoại phát âm gần như nhau. Trong dân gian lại thường dùng từ BẾ hơn là TẾ, nên mới có từ BẾ NGUYỆT 閉月 được dùng riêng để chỉ cho người đẹp thích bái nguyệt nầy.
Về từ TU HOA 羞花, ngoài thơ của Thi Tiên Lý Bạch ra, dân gian còn có truyền thuyết là : Khi được tuyển chọn vào cung cấm, mặc dù có sắc đẹp hơn người, nhưng Dương Ngọc Hoàn vẫn chưa được nhà vua biết đến. Một hôm đang cùng các cung nhân dạo chơi trong vườn thượng uyển, trông thấy các loài hoa muôn hồng ngàn tía đang nở rộ, Dương Ngọc Hoàn xúc cảnh sinh tình cảm thương cho thân phận của mình, không biết ngày mai sẽ ra sao mà âm thầm rơi lệ, rồi ngồi xuống bên đám cỏ dại đưa tay mân mê những chùm hoa hường đang kheo sắc. Không ngờ đó là bụi Hàm Tu Thảo 含羞草 (Hoa Mắc Cở), nên cả lá hoa đều rủ cả xuống như thẹn thùa mắc cở. Các cung nhân khác trông thấy đều rất ngạc nhiên mà truyền tụng nhau Dương Ngọc Hoàn đẹp đến đổi hoa trông thấy nàng thì đều hổ ngươi mà rủ cả xuống. Đường Minh Hoàng nghe tiếng bèn triệu kiến và ngất ngây mê mệt trước sắc đẹp của nàng, nên chẳng bao lâu sau thì trong ngoài cung đều kháo nhau về Dương Qúy Phi có sắc đẹp TU HOA 羞花.
Bế Nguyệt Tu Hoa
Từ những câu truyện trên, cho ta thấy tám chữ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" mặc dù dùng để chỉ Tứ Đại Mỹ Nhân, nhưng đều là "Râu bà nọ cắm càm bà kia" chả ăn đâu vào đâu cả, thậm chí TỪ và NGƯỜI đều cách nhau đến mấy trăm năm, có khi đến hơn cả ngàn năm. Như Điêu Thuyền là nhân vật được hư cấu vào đời nhà Nguyên (1271-1368) nhưng từ BẾ NGUYỆT có xuất xứ từ thời Kiến An nhà Hán (132-167). Từ TU HOA xuất xứ từ câu thơ HÀ HOA TU NGỌC NHAN 荷花羞玉颜 của Thi Tiên Lý Bạch chỉ Tây Thi, nhưng lại dùng để chỉ Dương Qúy Phi. Từ TRẦM NGƯ chỉ cá dửng dưng lặn sâu xuống nước khi Mao Tường và Li Cơ xuất hiện, thì lại được dùng để tả sắc đẹp của Tây Thi. Chim bay cao thì được nói thành LẠC NHẠN để chỉ Vương Chiêu Quân khi ra cửa ải Nhạn Môn Quan; Mây che khuất vầng trăng khi Điêu Thuyền cúng trăng thì gọi là BẾ NGUYỆT...
Những điều phiếm luận lan man phía trên cho ta thấy rằng, cái TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của quần chúng nhân dân NÓ mạnh biết chừng nào ! Điều gì đó cứ được lặp đi lặp lại mãi một thời gian dài, thì dù đó là điều sai trái cũng trở thành đúng đắn, vì đều được mọi người chấp nhận và xem đó như là một sự thật hiển nhiên. Từ một câu nói trong "Tề Vật Luận" của Trang Tử với ý "Vạn vật tề nhất" chớ không có ý ca ngợi sắc đẹp gì cả, lại diễn tiến một cách tích cực trong dân gian và trong giới kịch nghệ để trở thành câu nói mang biểu tượng của "Tứ Đại Mỹ Nhân Trung Hoa" qua các thời đại và mãi cho đến hiện nay; hễ nhắc đến "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" là giới văn học biết ngay đó là Tứ Đại Mỹ Nhân : Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Qúy Phi với sắc đẹp Cá lặn, Chim sa, Nguyệt thẹn, Hoa nhường !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức