LA THỤY
(Chuyển tiếp)

 

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 8):
BÀI THƠ “Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ” ”... 

Phanxipăng

 

                                                


 
Hoàng Thị Kim Cúc (1913 – 1989) do Đình Phương vẽ. Ảnh: Phanxipăng
 
Năm 1992, ba cuộc hội thảo lớn được tổ chức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm nhìn lại và đánh giá 60 năm phong trào Thơ Mới. Ban tổ chức đã đề nghị các nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình bỏ phiếu chọn những bài Thơ Mới hay nhất. Kết quả cuối cùng: Ở đây thôn Vỹ Dạ của Hàn lọt vào “top 18”. Quanh bài thơ nổi tiếng này, lâu nay rộ lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi - nhất là từ khi tác phẩm được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào giảng dạy chính thức trong chương trình lớp 11 bậc THPT. 
 
 
Theo dõi các cuộc tranh luận đó, chúng tôi nhận thấy một số chi tiết bị nhầm lẫn rất đáng buồn. Tại sao? Có nhiều lý do. Hai trong những lý do quan trọng là thiếu thực tế và thiếu tư liệu tham khảo cần thiết.
 
               
Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” được in đúng nhan đề cùng bài thơ “Ghen” của Hàn trên tờ Đông Á Tân Văn 2 (Sài Gòn, 19-10-1940). Ảnh: Vũ Hà Tuệ
 

Điều nhầm lẫn phổ biến đầu tiên nằm ở... tiêu đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn viết Ở đây thôn Vỹ Giạ chứ không phải Đây thôn Vỹ Dạ như sách báo - kể cả giáo khoa và giáo trình - vẫn in. Địa danh có thể chỉnh sửa cho thống nhất về chính tả: Vỹ Dạ thay vì Vỹ Giạ (1). Còn chữ Ở hà cớ gì bị lược bỏ? Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét:

- Chữ Ở được Hàn dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh... Tuỳ tiện “biên tập” cả “titre” mà không được tác giả ưng thuận là chuyện tối kỵ. Chuyện như vậy xảy ra không ít đối với tác phẩm của Hàn! Như bài “Sao, vàng sao” - một bài thơ khác mà Hàn gửi tặng chị Cúc - lâu nay cứ bị “chụp” cái tên “Đừng cho lòng bay xa”.
 
      

      Nguyên tác bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” với thủ bút của Hàn Mạc Tử năm 1939
 
Cả hai bài thơ vừa nhắc đều được Hàn Mặc Tử đưa vào tập Thượng thanh khí, chứ chẳng phải tập Thơ điên (tức đau thương). Đây là một nhầm lẫn khác mà đa số tuyển thơ hoặc bài thơ vẫn mắc. Trong cuốn Thơ Hàn Mặc Tử và những lời bình (NXB Văn hoá Thông tin, HN.2000, tr. 283), Mã Giang Lân lại cho rằng Ở đây thôn Vỹ Dạ vốn in lần đầu ở giai phẩm Nắng xuân năm 1937. Bài thơ Hàn hoàn tất năm 1939, liệu làm sao có thể công bố trước hai năm được?
 
[Tương tự Mùa xuân chín , bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ mang vẻ đẹp “trong trẻo” và thể hiện bằng giọng điệu “bình tĩnh”, nên thậm chí có người - như Vũ Quần Phương qua lời tựa tập Hàn Mặc Tử - thơ với tuổi thơ (NXB Kim Đồng, HN.2000, tr.5) - tin rằng đây là một sáng tác thuộc giai đoạn đầu của Hàn, giai đoạn thân chưa phát bệnh và thơ chưa phát “điên”. Thật ra, Hàn lúc này đang đau khổ lánh mình với nguồn thơ úa mãi hai hàng lệ  (2) rồi lâm chung sau đấy đúng một năm tròn!]
 
Hiểu rõ xuất xứ cùng hoàn cảnh sáng tạo tác phẩm, ắt sẽ góp phần giúp bạn đọc tiếp nhận bài thơ đúng hơn. Do đó, chúng tôi xin sao lục thêm 3 đoạn thư liên quan do chính người trong cuộc là Hoàng Thị Kim Cúc giãi bày.
 
Thư đề ngày 15-4-1971 gửi Quách Tấn:
 
“...Về cô gái trong câu Lá trúc che ngang mặt chữ điền mà ông hỏi có phải là tôi đó không. Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, không có cô gái nào khác ngoài cô gái chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện ra thôi. Số là mùa hè năm 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử bị mắc bệnh nan y. Ngâm khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, hãy an ủi một tâm hồn đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi một bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite [danh thiếp] (3). Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trang hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khoẻ Tử, mà không ký tên, rồi gửi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” và một bài thơ khác nữa (4)cũng do Ngâm gửi về (bài này các sách báo đều đăng cả rồi) [tức là bài 'Sao, vàng sao']. Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái Lá trúc che ngang mặt chữ điền nữa! Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu Áo em trắng quá nhìn không ra...”
 
Thư đề ngày 16-10-1987 gửi Nguyễn Bá Tín:
 
“... Năm 1938, Ngâm cho biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y.(...) Xiết bao ngậm ngùi thương cảm. Thương cho người tài hoa lâm đại nạn! Cảm tấm lòng yêu thương thắm thiết chân thành của Tử đã dành riêng cho tôi! Một thời gian sau, Ngâm đề nghị: lúc này, chị nên an ủi Trí.(...) Xa xôi quá, không biết làm gì khác hơn là viết mấy hàng chữ hỏi thăm sức khoẻ Tử, viết mà không chữ ký, không đề ngày, sau tấm ảnh phong cảnh Huế, gởi nhờ Ngâm trao lại. Rồi mấy tháng sau, Ngâm gửi về cho tôi bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” với mấy hàng chữ sau lưng bài thơ vào tháng 8 - 1939. Giữa Hàn Mặc Tử và tôi chỉ có chừng nấy...”
 
Thư đề ngày 11-5-1988 gửi anh cả Hoàng Toại:
 
“...Đến khi nghe anh ta [Hàn] (5) mắc bệnh nan y, em rất xót thương cho người tài hoa bạc phận và để an ủi một tâm hồn tha thiết yêu thương đang vô cùng đau khổ, em gởi cho anh ta hai dòng chữ hỏi thăm sức khoẻ viết trên một tấm các 6 x 9 [cm] (6) phong cảnh thành phố Huế, ảnh mua ở nhà chụp bóng Tăng Vinh. Sau khi nhận được bức phong cảnh đó thì anh ta gửi bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” tặng em. Thư đi thư về đều qua tay Ngâm chuyển, chứ em không trực tiếp gửi. Và sau mấy hàng chữ thăm sức khoẻ và sau khi nhận được bài thơ Hàn Mạc Tử tặng, em cũng nín luôn, không thư từ gì cho thi sĩ nữa, qua năm sau (1940) thì được tin Hàn Mạc Tử mất tại Quy Hoà...”
 
Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” cùng bức thư của Hàn đã được Hoàng Thị Kim Cúc trân trọng giữ gìn tại nhà riêng. Đó là tờ giấy pelure mỏng, một mặt chép bài thơ, mặt kia ghi mấy dòng thư. Rất may mắn được chị Cúc lúc sinh tiền cho xem tận mắt, chúng tôi chú ý mấy điểm: bài thơ gồm 3 khổ thì khổ cuối trong thủ bản nằm cách biệt với hai khổ đầu, cuối bài thơ, tác giả ký Hàn Mạc Tử rồi đề 11-1939 (chứ không phải 8-1939). Còn bức thư thì nguyên văn như sau:
 
Túc hạ,
 
Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Giạ [sic!] lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy. Và mong rằng một mùa xuân nào đây sẽ gặp lại túc hạ phỉ dạ. Thăm túc hạ bình an vui vẻ.
 
                                                                              Hàn Mạc Tử
 
Dưới bút danh Hoàng Hoa, Hoàng Thị Kim Cúc đã âm thầm sáng tác một số thơ, trong đó có những bài “đề tặng hương hồn anh Hàn Mạc Tử” như bài dưới đây viết vào đầu xuân Tân Tỵ 1941 - nghĩa là sau khi Hàn mất chưa đầy năm và cách nay tròn vòng hoa giáp:
 
Bao năm hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Cũng biết cách xa ngoài vạn dặm
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ
 
Một mình một với trời mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Tiếng vang muôn thuở vẫn còn đây
 
Hồn anh lẫn khuất ở đâu xa
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa cảnh đời náo nhiệt
Tình ai ai vẫn cứ đậm đà!
 
Trên một bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ số ra ngày 14 - 10 - 1995, Võ Đình Cường lý giải kỹ càng.
 
“Những người có liên hệ mật thiết với Hàn Mạc Tử mà chị [Cúc] đã cho biết sự thật, và yêu cầu họ đính chính, thì họ đã không làm, hay làm ngược lại, gây thêm hoả mù trong bối cảnh đã có nhiều sương khói làm mờ nhân ảnh. Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Tín, tác giả cuốn hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi xuất bản vào tháng 2 - 1991, sau bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho ông vào tháng 10 - 1987, nghĩa là sau gần 4 năm, nói rõ về tấm ảnh gửi Hàn Mạc Tử, là một tấm ảnh phong cảnh, thế mà ông Nguyễn Bá Tín lại viết: “Cho tới khi anh [Hàn] (5) đau nặng rồi (1939), chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh cỡ 6 x 9 [cm](6): chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ...”
 
Quan trọng hơn nữa, cái đoạn chị Kim Cúc kể chuyện chị đã không nhận thư và sách của Hàn Mạc Tử đem tặng, tác giả Hàn Mạc Tử anh tôi đã bỏ qua, không nhắc đến. Nhưng tác giả lại viết:
 
“Nếu anh [Hàn] biết chị [Cúc] (7) đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoả tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của anh mà cũng là mối tình đầu của chị, đang quyện theo trầm hương dâng lên anh nơi miền cực lạc. Nơi đây không còn ngăn cách giáo lương, không còn tham sân si trần tục. Ôi! Tình Hoàng Hoa đậm đà biết chừng nào!” (...) Chị Kim Cúc có buồn không, khi bị người ta vô tình hay cố ý lái cái mục đích cao quý trong sự tu hành của chị về phía tôn thờ một người khác tôn giáo mà chị chỉ có thể có cảm tình, chứ không yêu?”.
 
Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ”, đã thấy xuất hiện khối trường hợp “bàn rồi tính” nối tiếp “bình rồi...tán” đến là ì xèo! Ngang qua nhà Hoàng Thị Kim Cúc ở Vỹ Dạ (Huế), thấy hàng cau trồng nép bờ rào, có người chắc mẩm câu Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên phải “mọc” từ đây (ảnh). Chỉ cần liếc sơ hình thấy mấy cây cau đó, cũng biết được rằng chúng mới được trồng mấy năm nay. Hồi trước, vào vườn nhà chị Cúc, chúng tôi chưa thấy cây cau nào. Ông Nguyễn Bá Tín cũng ghi Hàn Mạc Tử trong riêng tư (sđd, tr.118) rằng:
 
Năm 1985, tôi về Huế ghé thăm chị Cúc (...), chị Cúc chợt hỏi: “Cậu có tìm được một cây cau nào trong vườn tôi không? Sao anh Trí lại nói đến hàng cau?”.
 
Lại có Thang Ngọc Pho, kẻ chưa một lần  về thôn Vỹ mà vẫn bạo dạn khẳng quyết:

“Mặt trước phía trên cổng nhà ở của quý tộc phong kiến ở đây [Vỹ Dạ] (8) thường trang trí chữ điền đắp nổi. Điền, chữ Hán, có nghĩa là ruộng. Đó là biểu tượng của các gia đình quý tộc phong kiến: được nhà vua phong cấp ruộng đất theo cấp bậc và công trạng. Từ mặt trong câu thơ là mặt chữ chứ không phải là mặt người. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ với nghĩa phái sinh như mặt bàn, mặt nước, mặt đường... Vậy câu thơ ‘Lá trúc che ngang mặt chữ điền’ được hiểu là những chữ điền trên cổng các nhà quý tộc thấp thoáng dưới lá trúc. Cách hiểu này làm tăng giá trị của bài thơ...”
 
 
Cổng nhà Hoàng Hoa hiện nay tại Vỹ Dạ, Huế. Ảnh: Phanxipăng
 
Thú thật bản thân chúng tôi từng sống ở thôn Vỹ Dạ suốt thời gian dài mà không thấy cổng nhà ai đắp nổi chữ điền!
 
Quá quắt hơn là trường hợp suy diễn chủ quan: cô gái thôn Vỹ trở thành... kỹ nữ, khách đường xa biến ra khách làng chơi, thuyền ai đậu bến sông trăng trở nên buồng chứa nổi. Bằng lối gán ghép như thế, Lê Đình Mai qua bài Đây thôn Vỹ Dạ - một tiếng thở dài đáng quý (báo Giáo viên nhân dân số đặc biệt tháng 1 - 1990) đã “phán” xanh rờn:
 
“Ở chốn dâm ô này, những gì đẹp đẽ nhất, cao quý nhất của con người đều bị sương khói truy hoan lu mờ hết, hoen ố hết”.
 
Nhiều tác giả đã lên tiếng phản bác cách lập luận khiên cưỡng đó: chẳng ai phủ nhận trên dòng sông Hương trước đây có những điểm kinh doanh trò “ngủ đò tục” gần như công khai (9), song khu vực thôn Vỹ thì hoàn toàn khác.
 
Trên tập san Văn hoá và đời sống (NXB. TP. Hồ Chí Minh 1990), đề cập đến sự hạn chế trong một số bài viết về áng thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” xuất hiện bấy nay Văn Tâm sơ bộ chỉ ra 4 nguyên nhân: thứ nhất là thói quen xã hội học dung tục; thứ hai là người nghiên cứu không am tường phong cách nghệ thuật của đối tượng mà mình tìm hiểu; thứ ba là mỹ cảm kém nhạy bén; thứ tư là thái độ tuỳ tiện, thiếu nghiêm túc trong khâu xác định và khảo chứng tư liệu...
 
                                                                                       Phanxipăng

Chú thích:
1) Địa danh Vỹ Dạ do biến âm từ gốc Vy Dã. Phồn thể ghi 葦野. Giản thể ghi 苇野. Bính âm: Wei Ye. Vy mang nghĩa lau sậy. Dã mang nghĩa đồng nội.

(2) Trích bài thơ "Buồn ở đây" trong tập Thượng thanh khí của Hàn.
(3) Carte-visite: carte de visite: danh thiếp.
(4) Bài thơ "Sao, vàng, sao".
(5) Tức Hàn Mạc Tử.
(6) 6x9cm.
(7) Chỉ Hoàng Thị Kim Cúc.
(8) Vỹ Dạ.
(9) Quý bạn đọc có thể tham khảo phần "Những con đò đưa khách" trong bài "Sinh hoạt những vạn đò trên sông Hương trước 1975" của Phan Hoàng Quý đăng trên tập 1 "Nghiên cứu Huế 1999", và phóng sự "Ngủ đò sông Hương" in trong sách "Huế chừ" của Phanxipăng (NXB Thanh Niên, 2000).

  Trở lại chuyên mục của : La Thụy