(Sưu tầm & Chuyển tiếp)
Ba Bài Thơ Nổi Tiếng
Của Bộ Ba Thi Tướng Triều Trần
VNTN – Triều Trần là một triều đại độc lập tự chủ, phát triển, hưng thịnh về mọi mặt, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật. Các trí thức của thời đại đã tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, cân bằng sự ảnh hưởng của Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo; cùng với đó là sự cộng hưởng chiến công ba lần đại phá quân Nguyên – Mông… những yếu tố này làm cho nền văn hóa triều Trần phát triển đa dạng, phong phú, tầm vóc con người trở nên kỳ vĩ. Đội ngũ sáng tác thời kỳ này chủ yếu là các bậc hoàng đế, các nhà sư, các văn sỹ yêu nước… nhưng đáng lưu ý và được truyền tụng nhiều nhất là các bài thơ bày tỏ chí khí, tầm nhìn chiến lược, hay nỗi lòng sầu hận trước hoàn cảnh đất nước… của các vị danh tướng đương thời. Trong bài viết này, chúng tôi xin lần lượt trình bày về ba bài thơ nổi tiếng của bộ ba thi tướng là Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) và Cảm hoài (Đặng Dung). Cả ba tác phẩm này đều được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn phổ thông.
Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải – Nghìn thu non nước
Trần Quang Khải (1241 – 1294), là con thứ ba của Trần Thái Tông – Trần Cảnh. Sử chép ông là người có học thức, hiểu tiếng nói của các bộ tộc ít người. Ông giữ chức Thượng tướng, từng lãnh đạo quân đội nhà Trần hai lần đại phá quân Nguyên – Mông. Ngoài ra ông còn là một nhà ngoại giao, một thi sỹ nổi tiếng. Cho đến ngày nay, bài thơ của ông được nhiều người yêu thích là Tụng giá hoàn kinh sư.
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
Dịch nghĩa:
Phò giá về kinh
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu
(bản dịch của Trần Trọng Kim)
Tụng giá hoàn kinh sư thuộc loại thơ tức sự, tức là nhân có việc mà làm ra. Sự ở đây là nhân việc phò hai vua Trần Cảnh và Trần Hoảng về kinh đô. Đầu tháng 6/1285, quân và dân nhà Trần giải phóng kinh đô Thăng Long. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn về phương Bắc, còn Toa Đô thì từ Thanh Hóa chạy ra Thiên Trường, bị quân ta bắt chặt đầu. Ngày 9/7/1285 cả triều đình ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long. Bài Tụng giá hoàn kinh sư ra đời trong hoàn cảnh này.
Mở đầu bài thơ là âm vang chiến thắng tưng bừng của quân dân nhà Trần: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù. Chương Dương và Hàm Tử là hai địa danh lịch sử nổi tiếng. Nhưng qua thời gian dâu bể nay không còn biết chính xác ở chỗ nào. Từ “cướp giáo” ở đây được sử dụng theo lối hoán dụ, có nghĩa là tước đoạt vũ khí của giặc, vô hiệu hoá sức mạnh của chúng, biến chúng thành những kẻ chiến bại. Hình ảnh “Cầm Hồ” tức là bắt sống giặc Nguyên – Mông. Vì người Trung Quốc gọi các dân tộc phía bắc của mình là Hồ. Hai hình ảnh được khắc họa song song trong mười chữ cô đúc nhưng đủ sức nói lên khí phách anh hùng của quân và dân ta. Ta thấy con người ở đây thể hiện tầm vóc kỳ vĩ, đoạt vũ khí của giặc như lấy đồ trên tay trẻ con, bắt giặc như bắt con gà con vịt. Điều đó thể hiện rõ ý chí một lòng đánh giặc cứu nước của quân dân nhà Trần.
Nhưng bài thơ lại chuyển hướng đột ngột, tạo ra một viễn cảnh khác ở hai câu thơ cuối: Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu. Người dũng tướng là người đủ sức dẹp giặc, đem lại bình yên cho đất nước, là người không được thỏa mãn với những chiến công của mình tạo ra. Người dũng tướng là người có tầm nhìn xa trông rộng, biết tính kế sách lâu dài cho đất nước. Cụm từ “tu trí lực” nói lên điều đó. Lúc thanh bình không phải là lúc hưởng thụ, ăn chơi mà là lúc phải rèn luyện nhiều hơn, dốc sức xây dựng đất nước, tăng cường sức mạnh của quân dân trên mọi mặt thì đất nước mới vững bền được. Đó là cái tâm của kẻ sỹ, là chí hướng của bậc thiện tri thức.
Bằng chứng là tháng 8/1285, Khu mật viện của nhà Nguyên ráo riết lên kế hoạch quyết phục thù và xâm lược Đại Việt thêm một lần nữa. Nhưng vì tướng A Lý Hải Nha bị bệnh chết vào tháng 7/1286 nên Hốt Tất Liệt mới hoãn binh, đến năm 1287 thì chúng tiến hành xâm lược nước ta lần thứ ba và để đến tháng 4/1288 thì chúng phải chịu đại bại thêm một lần nữa.
Tụng giá hoàn kinh sư không những thể hiện niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, nhìn thấu dã tâm của quân giặc. Bài thơ ngắn nhưng ý sâu xa, xứng đáng là bài học muôn đời cho con cháu noi theo.
Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão – Lòng còn vương nợ
Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) người làng Phù Ủng, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông là một danh tướng lập được nhiều chiến công hạng mã trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông và mở mang bờ cõi phía Nam, từng được phong Điện soái thượng tướng quân. Là người văn võ toàn tài, nhưng tác phẩm của ông để lại hầu như chỉ còn bài Thuật hoài.
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Tạm dịch: Cầm ngang ngọn giáo giữ giang sơn đã trải qua mấy thu/ Khí thế ba quân nuốt cả sao Ngưu sao Đẩu trên trời/ Người nam nhi chưa trả xong món nợ công danh/ Luống thẹn khi nghe kể chuyện về Gia Cát Lượng.
Mở đầu bài thơ tác giả vẽ lên một hình ảnh con người với tư thế hiên ngang, kiêu dũng “cầm ngang ngọn giáo” đứng giữa đất trời. Điều gợi lên hình ảnh của con người khổng lồ, mang tầm cỡ của vũ trụ bao la. Con người ấy xuất hiện ngay giữa hoàn cảnh sông núi có giặc xâm lăng. Nó bền bỉ như một tượng đài của vị hùng tướng trải qua mưa nắng bao thu để giữ gìn cương thổ và bảo vệ Tổ quốc. Và phía dưới của bức tượng khổng lồ ấy là hình ảnh của quân đội, binh sỹ với khí thế không gì ngăn nổi “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. “Tam quân” là từ chỉ chung cho quân đội thời xưa, “tì hổ” là hình ảnh ẩn dụ, ngầm so sánh sức mạnh của quân đội như loài mãnh thú. Để làm tăng thêm sức mạnh ấy, tác giả đã sử dụng thành ngữ “khí thôn Ngưu Đẩu”, ý nói khí thế có thể nuốt cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu, tức là khí thế của quân đội có thể át cả trời sao.
Nếu hai câu đầu thiên về miêu tả thì hai câu sau thiên về luận “Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Đó là ý thức phụng sự quốc gia của tác giả. Hai chữ “công danh” ở đây hoàn toàn không phải theo quan niệm của nhà Nho là học hành đỗ đạt rồi ra làm quan, mà là công lao, chiến công nơi trận mạc, đem lại hòa bình cho đất nước. Hai chữ “công danh” tác giả sử dụng gắn liền với hình ảnh Gia Cát Lượng. Như ta đã biết chế độ khoa cử của Trung Quốc có từ đời Đường, Gia Cát Lượng sống vào đời Hán thì dính líu gì đến việc đỗ đạt. Vậy ý nghĩa của hai chữ công danh ở đây thuần túy là do có công lao mà trở nên nổi tiếng. Nhưng điểm đặc biệt ở quan niệm công danh của tác giả là luôn gắn với “nợ”, mà nợ là “trái”, nhưng trái từ “trách” mà ra. Tức là người nam nhi phải có trách nhiệm, trọng trách, lập công báo quốc thì mới xứng đáng để lưu danh.
Nhưng tại sao Phạm Ngũ Lão lại lấy Gia Cát Lượng làm mẫu mực cho công danh đời mình? Ta biết rằng Gia Cát Lượng là người có tài năng xuất chúng và rất nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa. Ông là người một mực trung thành với nhà Thục Hán. Khi Lưu Bị sắp chết, đem đất nước giao phó cho ông, vì cái ơn sâu nghĩa dày đó mà ông sáu lần cất binh đánh Ngụy. Ông mất năm 54 tuổi, cả một đời dành trọn tâm huyết cho nhà Thục Hán. Phạm Ngũ Lão là tướng nhà Trần và ông cho rằng mình chỉ mới “cầm ngang ngọn giáo trải mấy thu”, chưa lập được công danh như Gia Cát Lượng nên lấy làm thẹn là vậy. Câu thơ vừa mang hùng khí nhưng cũng vừa khiêm tốn, và cái nghĩa lý sâu xa mà tác giả gửi gắm trong đó là còn muốn được lập công danh báo quốc suốt đời, sẵn sàng hiến cả đời mình cho nhà Trần như Gia Cát Lượng cả đời hiến cho nhà Thục Hán.
Một điểm cần lưu ý nữa là Gia Cát Lượng là người xuất thân từ áo vải, nhưng lại được Lưu Bị ba lần thỉnh cầu và đối đãi một cách hết sức chân tình. Phạm Ngũ Lão cũng chỉ là môn khách của Trần Hưng Đạo, ông không phải xuất thân từ giới quý tộc nhà Trần, nhưng lại được Trần Hưng Đạo coi trọng, nhận làm con rể, đề đạt tước phẩm cao…, cái ơn này cũng không hề nhỏ. Cho nên ông nói “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” là muốn nói bản thân mình chưa đền đáp cái ân tri ngộ của chủ tướng cũng như của nhà Trần vậy.
Bài thơ chỉ có 28 chữ nhưng làm toát lên được hình ảnh hùng tráng, chí khí ngất trời của một mãnh tướng. Một con người không tự mãn, luôn có lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hiến thân vì nước.
Cảm hoài của Đặng Dung – anh hùng uống hận
Nếu Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải và Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đều thể hiện ý chí, lý tưởng của người anh hùng trong chiến thắng, thì Cảm hoài của Đặng Dung là nỗi niềm của người anh hùng thời chiến bại.
Đặng Dung (1373 – 1414), là nhà thơ và là danh tướng nhà Hậu Trần. Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị rời đi, lập Trần Quý Khoáng đổi niên hiệu là Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa. Khi tướng nhà Minh là Trương Phụ đến đánh, ông đã nhiều phen chiến đấu, có lần tập kích thuyền của Trương Phụ với ý định bắt sống, nhưng vì trời tối không biết mặt nên hắn trốn thoát. Về sau Đặng Dung lại bị chính Trương Phụ bắt đưa về Trung Quốc, dọc đường ông đã nhảy sông tự vẫn. Bài Thuật hoài của ông được người đời sau truyền tụng.
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Tạm dịch: Việc đời dằng dặc mà ta thì đã già, biết phải làm sao?/ Trời đất mênh mông chìm đắm trong cuộc ca./ Khi gặp thời, người làm nghề đồ tể, kẻ đi câu cá cũng dễ thành công/ Lúc sa cơ lỡ vận thì bậc anh hùng đành phải nuốt nhiều nỗi hận/ Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại/ Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống/ Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc rồi/ Bao phen mang gươm Long Tuyền mài dưới bóng trăng.
“Cảm hoài” là một loại nhan đề ta thường thấy các nhà thơ xưa hay dùng, nó có nghĩa là cảm xúc, hoài bão. Nếu như “thuật hoài” là bày tỏ nỗi lòng ý chí thì “cảm hoài” thiên về oán hận, bi thương. Đặng Dung là người một lòng tận tụy phục vụ sự nghiệp phục hưng của nhà Trần, nhưng tiếc thay vận nước đã suy tàn, cơ đồ sụp đổ, không còn khả năng xoay chuyển nữa. Cảm hoài là bài thơ giãi bày tâm sự đau buồn đó của một vị tướng quân hết lòng yêu nước.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ lên một thế bi kịch của kiếp người. Việc đời mờ mịt không biết đâu là viễn cảnh phía trước mà riêng ta thì đã già. Bi kịch ấy là một câu hỏi không lời đáp, là một sự bất lực vì cục diện cũng như vì sức tàn lực kiệt. Trong khi đó thì “Trời đất vô cùng một cuộc say”, vũ trụ đắm chìm theo quy luật của cuộc xoay vần, chẳng quan tâm gì đến chuyện thế thái, lòng người. Chính vì vậy mà làm lòng người thêm cô đơn và con người thêm cô độc, bi kịch càng nặng nề hơn. Hai câu thơ đầu đã nói lên được chủ đề của toàn bài thơ: con người chí khí không gặp thời.
Hai câu thực là mối quan hệ giữa con người và thời thế “Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”. Khi gặp thời thì kẻ hàng thịt, người câu cá cũng lập được công danh. Hai chữ “đồ điếu” ở đây ám chỉ Phàn Khoái và Hàn Tín. Phàn Khoái người đời nhà Hán, lúc còn trẻ làm nghề bán thịt chó, về sau theo Lưu Bang đánh Tần, ông đã bảo vệ Hán Cao Tổ ở Hồng Môn. Hàn Tín thuở hàn vi đi câu cá để mưu sinh, sau giúp Hán Cao Tổ tạo nên nghiệp đế. Đó là những con người gặp thời. Còn bậc anh hùng mà không gặp thời thì cũng đành “uống hận”. “Vận khứ” – tức là thời vận đã hết, “ẩm hận” là ôm hận mà không cách nào nói lên được, một hình ảnh biểu trưng cho sự cay đắng của người anh hùng. Ý này được lấy từ bài “Hận phú” của Giang Yêm, một nhà văn thời Nam Bắc triều “từ xưa đến nay ai cũng đều chết cả, không ai là không uống hận mà im tiếng”.
Hai câu luận là hai câu thơ tuyệt hay nhưng cũng rất khó hiểu “Trí chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”. “Trí chủ” là báo đền ơn vua, “phù địa trục” là nâng đỡ trục đất, ý nói muốn đáp đền ơn vua bằng cách phù trợ giang sơn đang bị nghiêng đổ. “Tẩy binh” có nghĩa là rửa binh khí, cũng có nghĩa là xuất binh gặp mưa. Ý này lấy từ tích Vũ Vương xuất binh đánh Trụ Vương thì gặp trời mưa, có người cho việc không có lợi, nhưng Vũ Vương nói “Trời giúp ta rửa binh khí, có thể xuất chinh”. Một ý khác, “tẩy binh” cũng có nghĩa là rửa binh khí để cất đi, có nghĩa là dẹp yên giặc giã, đất nước thanh bình. Nhưng hoàn cảnh ở đây là Đặng Dung đang xuất binh đánh quân Minh, không phải là lúc rửa binh khí đem cất, điều này còn nói rõ ở câu thơ cuối “Mấy độ mài gươm dưới trăng tà”. Cho nên ý nghĩa cụ thể của câu thơ thứ 6 là không có cách nào kéo sông Ngân Hà xuống để rửa binh khí làm cuộc xuất chinh đánh giặc. Đó là tâm sự bất lực của người anh hùng Đặng Dung.
Hai câu thơ cuối có sức ám ảnh nhất “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma”. Long Tuyền là tên một thanh bảo kiếm, tương truyền ở nước Sở xưa kia có suối Long Tuyền, lấy nước trui kiếm vô cùng sắc bén… Nhưng nếu gươm đã sắc bén như vậy rồi thì tại sao tác giả còn phải mài, mà lại mài vào ban đêm? Điều đó chứng tỏ rằng ý chí chiến đấu chưa bao giờ dừng lại, lòng mong muốn báo đền ơn vua nợ nước không phút nào nguôi, cho dù đầu đã bạc, vận đã qua. Đó chính là cái chí đơn độc, âm thầm và cái chí ấy muốn cải mệnh để thay đổi thời cuộc.
Đọc toàn bài thơ ta có cảm giác ám ảnh đến kỳ lạ. Nó gieo vào lòng người cảm hứng sầu hận, thiết tha, sâu sắc. Cảm hoài vì thế có một vị trí xứng đáng trong nền văn học yêu nước chống ngoại xâm của kỷ nguyên nhà Trần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Đào Thái Sơn