MAI QUANG
(Sưu tầm & chuyển tiếp)


Bạch Cư Dị 白居易

Tự: Lạc Thiên (樂天)
Hiệu: Hương Sơn cư sĩ (香山居士)
         Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生)
         Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主)
Thụy: Văn (文)
Tên Khác: Bạch Văn Công 白文公)

Bạch Cư Dị (chữ Hán: 白居易; 772 - 846), biểu tự Lạc Thiên (樂天), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士), Túy ngâm tiên sinh(醉吟先生) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主), là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.

Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chẩn ngâm thơ, uống rượu, được người đời gọi là Nguyên Bạch (元白). Sau này, khi Nguyên Chẩn mất, lại cùng Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch (劉白). Đường Tuyên Tông gọi ông là Thi Tiên (詩仙)[1]

Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương TịchVương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ của ông lan truyền trong dân gian, thậm chí lan sang ngoại quốc như Tân LaNhật Bản, có ảnh hưởng rất lớn.

Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến Trường hận caTỳ bà hànhTần trung ngâm,.. và Dữ nguyên cửu thư.


Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca kể mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng (Tần Trung NgâmTân Nhạc Phủ).

Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai (Nghị hôn).

Ông chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự, phản ánh nổi thống khổ của nhân dân Trung Quốc đương thời nên gây được cảm xúc mạnh. Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Giang Tây, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ.... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương của mình hơn.

Riêng hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hoà đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy -người nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.

Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản. Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân tình thế thái. Ông để lại khoảng trên 2.800 bài thơ.


Bài Tỳ Bà Hành của ông có tình tiết mạch lạc, khúc chiết và sinh động, theo lối “ thuật hoài” (miêu tả), cảm ngộ, để gửi gắm tâm sự, nỗi buồn riêng tư thầm kín của tác giả như một người mang số phận hẩm hiu , để mà thông cảm xót thương như người ca nữ trong câu truyện, gặp nhiều cảnh éo le, không may mắn trên đường đời . Bài thơ ngân vang một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía …Ông đã nói “ sự việc dẫn dắt ở ngoài, tình lý rung động bên trong, theo cảm xúc mà diễn đạt ra lời ngâm vịnh …” Đó là những lời bộc bạch chân tình, nói lên cái tâm huyết của một người trí thức muốn bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế, cũng như nỗi bi phẫn của tác giả bị chèn ép, bạc đãi trong một xã hội phong kiến đầy dẫy bất công. Bài thơ giàu chất trí tuệ, sâu sắc cảm động đã gióng lên tiếng chuông cảnh cáo một chế độ phong kiến đã chà đạp lên nhân phẩm, tình cảm, hạnh phúc, và quyền sống của người phụ nữ . Nhà thơ đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương. Bài thơ có những giao động của nhịp điệu, cái trữ tình của ngữ điệu, và cái xao xuyến của nhạc điệu, tạo nên một phong cách đặc biệt, thể hiện cái phong cốt và thần thái của người nghệ sĩ tài hoa, cũng như quan niệm và thái độ của tác giả về đời sống. Bạch Cư Dị trong một lá thư gửi người bạn đã nói lên những suy nghĩ sâu sắc về thi ca : “ Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa . Với thơ gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa “ (Nguyễn Khắc Phi dịch) . Bài thơ Tỳ Bà Hành đã tạo nên một phong cách mỹ thuật, tư duy thâm thúy bằng cách kết hợp đầy đủ các yếu tố : tình cảm, ngôn ngữ, âm thanh và ý nghĩa .

Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815) Bạch Cư Dị bị giáng chức và đổi đi làm Tư Mã Giang Châu, và ông cũng đã trút niềm tâm sự u uẩn nầy qua bài thơ: 

Chu Trung Dạ Vũ

Giang vân ám du du
Giang phong lãnh tu tu
Dạ vũ trích thuyền bối
Dạ lãng đả thuyền đầu
Thuyền trung hữu bệnh khách
Tả giáng hướng Giang Châu
Bạch Cư Dị

Trong Thuyền Đêm Mưa

Mây đen nghịt, nước sông trôi
Gió sông lạnh ngắt bồi hồi khách thơ
Mui thuyền thánh thót hạt mưa 
Bập bềnh sóng vỗ đong đưa mái thuyền
Trong khoang khách bệnh nằm yên
Chẳng may giáng chức về miền Giang Châu
Hải Đà


Bài Tỳ Bà Hành được viết vào thời gian nầy (lúc Bạch Cư Dị bị giáng chức làm Tư mã Giang Châu), bài thơ gồm 616 chữ được sáng tác ngay trên thuyền . Giang Châu có núi Khuông Lư, bến Tầm Dương đều là nơi danh lam thắng cảnh . Một bữa xuống thuyền thong dong dạo chơi, trong một đêm trăng thu vằng vặc, sóng nước bập bềnh, ông nghe một tiếng đàn thánh thót văng vẳng, lúc biến hóa lâm ly, lúc dạt dào xúc động xao xuyến, lúc ngưng bặt luyến tiếc từ một chiếc thuyền lơ lửng trôi gần đó . Ông ghé thuyền, và gặp người kỹ nữ đang gảy đàn tỳ bà. Bạch Cư Dị đã cảm thấy mình đồng cảnh ngộ với người kỹ nữ lưu lạc trên bến sông đêm thanh vắng .Cô đào đã gảy cho Bạch Cư Dị nghe những khúc đàn tuyệt hảo, trầm bổng xao động người nghe .Sau đó người kỹ nữ sụt sùi thương tiếc số phận hồng nhan đa truân và đã bộc bạch thổ lộ tâm tình riêng tư của mình cho ông nghe . Cảnh và tình hòa hợp . Âm đàn và tâm trạng chan hoà cảm xúc, cảnh ngộ . Mỗi tiếng đàn ngân lên như nỗi niềm nuối tiếc xốn xang của người ca nữ hòa mình với nhịp đập bồi hồi thổn thức của con tim người thơ . Chợt có mối đồng cảm, đồng tình giữa người thơ long đong trên bước đường sự nghiệp công danh với cuộc đời trôi dạt, bị bỏ rơi quên lãng của người ca nữ đáng thương. Giữa nguồn cảm xúc lai láng tuôn tràn, Bạch Cư Dị đã tài hoa sáng tác một mạch bài Tỳ Bà Hành đầy nhừng hình ảnh tâm trạng thực và sinh động, và ông ngâm bài thơ luôn cho cô nghe. Xúc động trước chân tình tha thiết của nhà thơ, người nghệ sĩ lại đưa những ngón tay mềm mại lên phím đàn để tạ ơn người viễn khách trên sông. Trăng vẫn sáng trên sao, sóng nước vẫn bập bềnh, sương khói lãng đãng che phủ khoan thuyền . Trời không lất phất những hạt mưa .. nhưng sao mưa vẫn rơi thánh thót gieo vang những âm điệu buồn vời vợi trong lòng ai ?


Lệ ai chan chứa hơn người ?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh “

Tỳ Bà Hành



Bản dịch Tỳ Bà Hành của Phan-Huy-Vịnh được nhiều người công nhận là bản dịch xuất sắc nhất . Bài thơ nguyên tác chữ Hán gồm 88 câu 7 chữ hay 616 chữ. Phan Huy Vịnh dịch Nôm theo thể song thất lục bát (7-7-6-8), thành 22 đoạn, giữ nguyên số lượng (616) chữ .Theo tác giả Trần Thị Băng Thanh (Từ Điển Văn Học – nxb Khoa Học Xã Hội) : “ … cho đến nay, những người yêu thích văn chương biết đến Phan Huy Vịnh là nhờ bản dịch của bài Tỳ Bà Hành … nguyên tác là của Bạch Cư Dị . Tỳ Bà Hành miêu tả tâm trạng quan Tư Mã Giang Châu họ Bạch trong đêm nghe người ca nữ đã luống tuổi ở bến Tầm Dương, đánh đàn tỳ bà và kể chuyện cuộc đời chìm nổi của mình . Bản dịch gồm 22 khổ thơ song thất lục bát … Đóng góp lớn nhất của Phan Huy Vịnh là sử dụng tiếng Việt . Cũng là những từ ngữ thông thường, những thủ pháp tu từ quen thuộc, nhưng sự chọn lọc tinh tế và sắp đặt sáng tạo, đã làm cho tác phẩm có sức truyền cảm đặc biệt và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật dịch . Từ lâu bản dịch Tỳ Bà Hành đã được phổ cập rộng rãi và coi là một tác phẩm văn học xuất sắc, có đời sống độc lập với nguyên tác. Nó đã chứng minh khả năng diễn đạt và nhạc tính phong phú của ngôn ngữ Việt Nam “ (TTB) 

Cũng theo tác giả Ngô Văn Phú : “Riêng bản dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, sau này là một bài rất thịnh hành để hát ca trù, được các nhà nho, các quan viên hát ả đào (kể cả thời Tây học) rất yêu thích . Năm 1986, trong một cuộc tuyển chọn những điệu hát đặc sắc của các quốc gia của UNESCO thuộc Liên hợp quốc, bài Tỳ Bà Hành (bản dịch) , được nghệ sĩ Quách thị Hồ thể hiện bằng thể hát nói, đã được tặng giải thưởng cao . Đó cũng là sự phát triễn, kết hợp tài tình giữa bản dịch thơ (lời) và âm nhạc “. 

Tỳ Bà Hành là một bài thơ cổ kính, súc tích, lồng vào một câu chuyện thi vị, tạo ra một âm hưởng nhạc thơ nhẹ nhàng, tha thiết làm xao động lòng người. Cái thân phận bèo bọt của người thiếu phụ đã dùng tiếng đàn để bộc lộ nỗi than oán và uất hận của mình. Bạch Cư Dị là nhà thơ đã mạnh dạn đề cập đến giá trị của người phụ nữ, cái bất công của xã hội phong kiến đối với vai trò của người phụ nữ. Những âm thanh của tiếng đàn được diễn tả rất tài hoa, những uẩn khúc thầm kín riêng tư của nỗi lòng, những ưu tư dằn vặt thăm thẳm đáy lòng như đã tuôn trào ra để hòa nhịp cùng với những âm thanh của tiếng mưa rào rạt, tiếng oanh ríu rít, tiếng nước tuôn róc rách, tiếng dao xô xát, tiếng lụa xé kêu vang .. lúc trầm lúc bổng, những giây phút ngừng lại im bật, thì lại bỗng rung lên những tiếng tơ lạnh ngắt run rẫy, lối diễn tả thật tuyệt vời . Những đợt sóng cảm xúc cứ dạt dào tuôn trào ra, tạo nên những chấn động dư ba, làm nao lòng, ủ rũ người nghe. Những tiếng rung luyến láy chuyển nhịp theo từng ngón tay mềm mại nõn nà của người thiếu nữ, như muốn níu kéo lại âm vang của một thời niên thiếu ngây thơ, như muốn thở ra những tiếng não nuột của một tâm trạng chán chường, như buồn thương nuối tiếc một dĩ vãng vàng son đã mất hút tự hôm nào . Bỗng tiếng đàn tắt lịm, hụt hẫng như tiếng khóc khô không lệ , buồn tủi tiếc thương cho một thiên đàn ước vọng đã xụp đổ tan tành … Người thơ đã dùng những ước lệ, ẩn dụ, những cái đẹp trữ tình lãng mạn của thi ảnh qua những ngôn từ chắt lọc tinh tế tạo thành nhừng hình tượng tinh túy khơi động cảm xúc lòng người, làm trái tim rung động bần thần, làm tâm hồn xao xuyến , man mác bâng khuâng . Đó là thanh âm rung vang của tiếng đàn Tỳ Bà …. 


Em bước xuống từ trong tranh 

Cây Tỳ Bà nức nở 

Ngón đàn em trăn trở 

Vần thơ em buông lửng lơ 

Bỏ lại vầng trăng quạnh hiu 

Bỏ lại sau lưng khoảng không nham nhở 

Em bước xuống vẫn ôm cây Tỳ Bà nức nở 

Lang thang cuối đất cùng trời 

Tiếng Tỳ Bà gõ cửa 

Tiếng Tỳ Bà đòi nợ cho nàng Kiều 

Kiếp đoạn trường muôn thuở 

Đàn trăn trở thơ buông lửng lơ 
Hồn Tỳ Bà ( nhạc sĩ: Ngọc Khuê) 



Câu chuyện trong bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị đã thầm nói lên một triết lý nhân sinh, cái chua xót ngậm ngùi của cảnh đời dâu bể, ba chìm bảy nổi, cảnh đoạn trường hưng phế của tạo hóa, mà con người chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi, bất lực trước cuộc đời hư ảo như bóng câu bên cửa sổ, như thoáng mây bay cuối trời . Chung cái tâm sự hận sầu ray rức được diễn đạt qua cung điệu đàn, lời ca, tiếng hát đó là bài Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du . Nguyễn Du trong một bài ca về người gãy đàn đất Long Thành (Long Thành Cầm Giả Ca), có kể rằng vào tuổi thiếu niên, ông đến kinh đô để thăm người anh, và có dịp được dự một hội nữ nhạc, trong đó có một thiếu nữ đất Long Thành, gảy đàn Nguyễn ( tức là đàn Nguyệt, do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn Trúc đời Tấn sáng chế ), rất điêu luyện, đã gảy những khúc đàn hay nhất trời đất (tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh) tài danh lừng lẫy, lại hát hay và ăn nói duyên dáng quyến rũ vô cùng . Sau đó Nguyễn Du trở vào Nam , mãi một thời gian sau ông phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tạt ngang Long Thành, bạn bè mở tiệc, khoản đãi ông và có gọi đoàn nữ nhạc đến giúp vui, mà ông không quen mặt biết tên , và bất chợt gặp lại người kỹ nữ đó . Sau đây trích một đoạn trong lời tiểu dẫn của Nguyễn Du (Quách Tấn dịch) : “ …Tiệc khởi múa hát . Kế tiếng đàn trổi lên, nghe trong trẻo khác thường không chút giống thời khúc . Lòng tôi kinh dị . Nhìn người gảy đàn, thì thấy thân gầy, thần khô, mặt đen, sắc trong như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trạng thật khó coi . Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như có quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người trước kia đã gặp . Than ôi ! Người ấy sao đến nỗi thế nầy ! Cuối ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn . Đời người trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật không sao lường được ! Sau khi từ biệt , trên đường đi, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gởi hứng : Người Đẹp Đất Long Thành – Long Thành Giai Nhân “ (Nguyễn Du) 

Nguồn: Theo 
Wikipedia
  Trở lại chuyên mục của : Mai Quang