MAI QUANG
(Sưu tầm)
Nguồn: http://chuaphatgiaovietnam.com/

 

Mùa Xuân Trong Thơ Basho

Tuệ Lãng
 
 
 Đầu thế kỷ XX, R.H. Blyth xưng tụng: “Nước Nhật sinh ra cùng Bashô vào năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn Nhật Bản”. Đến nay nước Nhật đã dựng nên nhiều tượng đài văn hóa độc đáo và phong phú đủ để làm sáng rõ diện mạo riêng của nước Nhật. Bên cạnh những trà đạo, kiếm đạo, samurai, sumo, kimono, Bashô và haiku vẫn là một thể tính văn hóa đặc thù của đất nước Phù Tang mà nhân loại vẫn còn dõi theo. Bước chân lữ khách Bashô đã ngừng nghỉ trên những nẻo đường phù thế Nhật Bản nhưng những cơn lốc bụi nhỏ từ thơ haiku của ông vẫn miệt mài trên dặm dài của văn hóa Nhật và thế giới.
Haiku của Bashô bao giờ cũng “thanh thản bơi trong biển Thiền”, nhưng là cái thanh thản được tìm kiếm ngay giữa cuộc đời, trên đường đi chứ không phải trong những thiền thất thâm u.
Cuộc đời Matsuo Bashô (1644-1694) là một cuộc hành hương vô tận. Ông đã hành hương qua những con đường, những ngõ xóm xa vắng, những phố thị ồn ào, những vực thẳm âm u. Ông hành hương qua các mùa. Bài thơ trở thành một hiện tượng thơ ca, mở đầu cho phong cách Tiêu phong mà ông là người quản thủ là bài thơ về mùa thu:
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu
Nó rất giản dị, chỉ một hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên một cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mông mênh, nhưng đã cuốn hút chúng ta vào một thế giới của u huyền và cô tịch, ném ta vào trầm mặc chân không. Vũ trụ cơ hồ đang thiền định, và con người như nghe đâu đó âm vọng của nỗi im lặng bất tuyệt của chân không.
Song có thể nói những vần thơ làm nên Bashô vẫn là những bài thơ về mùa xuân.
Mùa xuân ra đi
tiếng chim thổn thức
mắt cá lệ đầy
Thời gian du hành, nhưng những kỷ niệm của mùa xuân trong đời người vẫn trở lại in trong tiếng chim và đổ bóng trong đáy mắt lệ đầy của tạo vật, nơi con người và thiên nhiên đã hòa vào một khối vĩnh cửu như sự sống.
Khi Bashô đến thủ phủ Edo năm 1672 và được nghe bài haiku của thi sĩ Teitoku mừng năm mới:
Sáng hôm nay,
ôi chao những mãnh băng nhỏ dãi
ấy là năm con Trâu
Bashô gọi thơ xuân năm Sửu ngày ấy là “nước dãi của Teitoku”. Và ông đã thổi một linh hồn mới cho thơ haiku viết về mùa xuân trong nhiều năm sau đó.
Thế rồi từ từ
mùa xuân thành tựu
với trăng và hoa mơ
Giữa ngày đầu xuân, nhìn qua cửa đời, Bashô nhìn thấy:
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
Gió mùa xuân lên
Vậy đấy, khí xuân tràn về khắp nơi, dòng sông dưới thuyền trôi chảy vào vô tận, người chèo thuyền gõ nhịp trăng sao, ống điếu lạc thú tràn trề gió xuân. Nhân gian cơ hồ tắm trong biển mát của vị đời.
Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang
Hoa đào rắc đầy lối trần gian xuôi ngược, hương xuân thấm vào cả tiếng chuông chùa tan, thấm vào bóng đêm, thấm vào giấc mơ người lữ khách và hiện hình thành hoa cỏ, thành thơ ca, thành sự sống,…
Tôi muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy
hay:
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đổng thảo nở hoa tươi
Trong nội tâm của lữ khách Bashô, một con đường đầy hoa cỏ mùa xuân đã vĩnh cữu đi qua. Khi thiền giả đã nối liền thân tâm với tự nhiên thì hoa trái trần gian thức dậy đầy đặn trong tâm hồn, sự sống tươi đẹp nhất chảy tràn trề trong mắt người, trong mạch máu, trong nẻo đường ta bà xuôi ngược.
Trong nhật ký du hành, khi chia tay mùa xuân, Bashô đã viết:
Áo bông tôi cởi
quẩy lên vai trần
mùa thay áo đổi
Đọc bài haiku nhỏ này, bạn hiểu chuyện gì đã xảy ra không ? Mùa hạ đang về, còn mùa xuân đã ở trên lưng Bashô, nó nằm yên trong mạch máu mỗi người để chờ đợi giờ khắc thức dậy. Mùa đã ở bên trong nội tâm chờ ngày luân chuyển. Mùa sẽ chảy qua thành dòng sự sống khắp thiên – địa – nhân. Vũ trụ cùng người quay đều trong một nhịp điệu của mùa, của tháng năm, ở đó vừa đầy đặn quá khứ, vừa tràn đầy vị lai mà vẫn thấm đẫm mùi vị hiện tại. Con người vẫn vậy, an nhiên, thong dong giữa một vũ trụ của các mùa mà lòng ngậm đầy ngày xuân bên trong nội tâm.
Đi qua thơ haiku mùa xuân của Bashô cũng chính là lúc ta như bước lên những thảm cỏ xanh, người ngấm đầy hương vị anh đào, tai ngân đầy tiếng chim tước, lòng như tràn đầy hơi thở của sự sống. Đọc thơ xuân Bashô giữa ngày xuân là một lần rũ sạch ưu phiền bụi hồng trần gian để làm thanh sạch lòng mình, để nghe mùa lên phơi phới trong lòng mà tin yêu, hi vọng và sống đẹp.

 
  Trở lại chuyên mục của : Mai Quang