VĂN HÙNG ĐỐC
(Sưu tầm & Chuyển tiếp)

 

7 tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam

Tiêu Biểu Thuộc bộ sưu tập Post Vidai

Với danh mục tác phẩm hiện đã được phân loại và kiểm kê hoàn chỉnh, Arlette và đội ngũ tại Post Vidai bắt đầu tổ chức chuỗi sự kiện và hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bộ sưu tập. Chẳng hạn, triển lãm Bức hình vẫn còn đó (The picture will still exist) – diễn ra vào tháng 6-8/2017 tại Saigon Domaine – quy tụ các tác phẩm nhiếp ảnh, tranh, và video của 8 cá nhân và nhóm nghệ sĩ có tác phẩm trong bộ sưu tập. Triển lãm tập trung khai thác, tìm hiểu việc nhiếp ảnh đã được vận dụng ra sao trong các sáng tác của họ. Sắp tới trong năm 2019, Post Vidai sẽ cho ra mắt 2 ấn phẩm nghệ thuật. Nhưng trước mắt, Arlette Quỳnh Anh Trần đã dành chút thời gian giới thiệu với chúng tôi về 7 tác phẩm là đại diện tiêu biểu cho Post Vidai, được cô tuyển chọn từ 500 tác phẩm thuộc bộ sưu tập.

Mây hóa thánh (Sanctified Clouds), 2012-15, Nguyễn Phương Linh

Nghệ sĩ ý niệm Nguyễn Phương Linh hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cô từng là một trong số những nghệ sĩ trực thuộc Nhà Sàn Studio – không gian nghệ thuật phi lợi nhuận do nghệ sĩ điều hành đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi Nhà Sàn Studio đóng cửa, Linh đồng sáng lập Nhà Sàn Collective. Mục tiêu chính của tổ chức là hỗ trợ và phát triển nền nghệ thuật đương đại Việt Nam thông qua các hoạt động triển lãm, dự án, giáo dục, và trao đổi văn hóa.


 
Nhìn từ xa, hình ảnh trong các bản in tựa như những đám mây yên bình, nhưng khi quan sát ở cự ly gần, chúng thực ra là những đám khói và bụi đầy dữ dội.

Mây hóa thánh gồm 195 bản in kỹ thuật số trên nền gạch sứ. Nhìn từ xa, hình ảnh trong các bản in tựa như những đám mây yên bình. Nhưng khi quan sát ở cự ly gần, người xem sẽ có thể nhận thấy chúng thực ra là những đám khói, bụi đầy dữ dội. “Tác phẩm chứa đựng sự giằng co / mâu thuẫn giữa bản chất tàn khốc trong những xung đột của loài người như ở Việt Nam hay Syria, với hiện tượng thẩm mỹ hoá và trừu tượng hoá chính những bạo lực đó,” Arlette giải thích. Việc dùng màu men xanh cũng tạo nên cảm giác linh thiêng cho hình ảnh, “nơi khói bụi từ vụ nổ hoá thành mây thánh.”
 


 
“Tác phẩm thể hiện sự giằng xé ẩn chứa trong những cuộc xung đột ác liệt giữa loài người với nhau tại các địa điểm như Việt Nam và Syria,” Arlette diễn giải.

Bên cạnh đó, hình ảnh các vụ nổ cũng được nghệ sĩ cắt ghép ở cự ly gần, khiến ta không thể thấy được bối cảnh nơi chúng diễn ra. “Vì chuỗi hình ảnh được sắp đặt cạnh nhau liên tiếp, nên sự lặp đi lặp lại đó gần như khiến tính chất bạo lực mà chúng khắc họa trở nên bình thường trong mắt người xem,” theo lời Arlette.

Adrift in Darkness, 2018, Lê Quang Đỉnh

Sinh năm 1968 tại Hà Tiên, Lê Quang Đỉnh theo gia đình đến định cư tại bờ Tây nước Mỹ và sau đó theo học ngành nhiếp ảnh tại trường đại học University of California. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Lê Quang Đỉnh từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân được giới phê bình và người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao, với các tác phẩm đột phá kết hợp loại hình đan dệt truyền thống của Việt Nam với nhiếp ảnh hiện đại. Năm 2007, anh đồng sáng lập Sàn Art – tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận ở Sài Gòn, cùng nhóm The Propeller Group và nghệ sĩ Tiffany Chung, sẽ được giới thiệu sau trong bài viết này.
 


 
“Tác phẩm khắc họa thực tế đầy ám ảnh của khủng hoảng nhập cư hiện đang diễn ra tại châu Âu, như tựa đề ám chỉ – Lênh đênh trong bóng đêm.”

“Adrift in Darkness đánh dấu sự chuyển mình trong phương thức thực hành nghệ thuật của Lê Quang Đỉnh,” Arlette chia sẻ. Các tác phẩm nhiếp ảnh đan dệt trước đây vốn thường được anh sáng tác trên bề mặt phẳng, nhưng riêng Adrift in Darkness lại hiện diện ở không gian 3 chiều. Nhìn bề ngoài, ba hình khối treo lơ lửng trong không trung của tác phẩm khiến người xem tưởng như các khối đá tảng. Nhưng thực tế, chúng là khối cấu trúc từ khung tre bên trong, bên ngoài bọc bởi lớp giấy đan,cắt từ những tấm ảnh thời sự về người tị nạn ở Trung Đông và Châu Phi. “Tác phẩm khắc họa thực tế đầy ám ảnh của khủng hoảng nhập cư hiện đang diễn ra, như tựa đề ám chỉ – Lênh đênh trong bóng đêm,” Arlette nhận định.

Váy Cưới, 2002, Trương Tân

Sinh tại Hà Nội vào năm 1963, Trương Tân từng sinh sống và làm việc trong nước lẫn Paris (Pháp). Anh từng theo học và sau này giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Các tác phẩm của anh thường mang tính hài hước đen tối, chẳng hạn tác phẩm “Vẻ đẹp Ấn giấu” gợi lên hình ảnh một chiếc tã khổng lồ làm từ túi áo đồng phục. “Nhưng ‘Váy Cưới’ của Trương Tân lại chất vấn về giới tính và danh tính,” Arlette nhận xét về sự chọn lựa của cô cho danh sách tác phẩm Post Vidai.
 


 
Tác phẩm là sự tương phản lý thú giữa hai chất liệu khác nhau: Phần chân váy được làm từ xiềng xích bằng sắt, còn phần thân thì được kết từ lông vũ.

Trương Tân đã bóc tách danh tính bản thân mình qua các bức họa mực vẽ cơ thể người đàn ông trong series ‘Làm Người’. Tác Phẩm ‘Váy Cưới’ tượng trưng cho khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời người phụ nữ, nhưng đồng thời cũng ẩn dụ bao gánh nặng và trách nhiệm kéo theo nó, “nhất là trong bối cảnh xã hội Nho giáo”, Arlette nhận định. Tác phẩm là sự tương phản lý thú giữa hai chất liệu khác nhau: Phần chân váy được làm từ xiềng xích bằng sắt, còn phần thân thì được kết từ lông vũ. Giám đốc của Post Vidai giải thích thêm: “Gánh nặng phải duy trì hình ảnh của cuộc hôn nhân hoàn hảo trong mắt mọi người, đồng thời bị trói chặt trong định kiến về bổn phận của người phụ nữ đã được nghệ sĩ truyền tải trọn vẹn bằng ngôn ngữ thị giác trong tác phẩm: phần thân của chiếc váy cưới tuy nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng nó bị trói buộc vào phần chân váy nặng nề bên dưới.”
 

Arlette Quynh – Anh Tran trong không gian thu viện của Saigon Domaine.

Chuỗi tác phẩm Blackboard, 2004, Nguyễn Trung

Nhà đồng sáng lập của Post Vidai Olivier Mourgue d’Algue từng là hàng xóm với nghệ sĩ Đỗ Quang Em, người đã truyền cảm hứng cho ông bắt đầu công cuộc sưu tầm nghệ thuật. Vậy nên, dù trong bộ sưu tập có rất nhiều tác phẩm ý niệm và avant-garde, Post Vidai cũng sở hữu số lượng tác phẩm hội họa không hề ít, điển hình là các bức tranh trừu tượng của nghệ sĩ Nguyễn Trung – một trong số những nghệ sĩ trừu tượng có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
 


 
“Blackboard XV” trong chuỗi tác phẩm Blackboard của Nguyễn Trung.

Được trưng bày lần đầu tiên trong triển lãm tại Galerie Quỳnh vào năm 2004, tác phẩm Blackboard XV của Nguyễn Trung thể hiện những đường nét trắng vẽ đè lên nhau trên nền đen, lúc rõ ràng, lúc như bôi xóa. Trong chuỗi tác phẩm này, ông đã từ bỏ phong cách vẽ màu trước đó của mình, và thay vào đó là tập trung vào đen trắng. “Đây là ví dụ xuất sắc của việc hội họa trừu tượng vẫn mang trong mình nét thẩm mỹ đương đại, đặc biệt khi chủ nghĩa trừu tượng, sau hai thập niên vắng bóng” Arlette dẫn dắt.

“Bộ tranh này này làm gợi nhớ đến ký ức tuổi thơ trong tâm trí người xem, trong cách mà vạch rồi xóa đi hình hài bằng nét phấn.”
 

 
“Tôi cho rằng chuỗi tác phẩm này làm gợi nhớ đến ký ức tuổi thơ trong tâm trí người xem, vì chúng tựa như đường kẻ phấn trên nền bảng đen thời đi học.”

Memory Dispute, 2017, Sung Tiêu

Tương tự như tác phẩm kể trên của Nguyễn Trung, tác phẩm của Sung Tiêu cũng chạm đến mảng chiêm nghiệm về quá khứ. Tốt nghiệp từ Học Viện Hoàng Gia (Royal Academy) tại Anh, Sung Tiêu vốn sinh ra tại Việt Nam nhưng theo gia đình định cư tại Đức khi cô mới 5 tuổi.  Theo Arlette, tác phẩm của Sung Tiêu thường bắt nguồn từ những trải nghiệm về cảm giác lạc loài và vô định khi sinh sống ở một miền đất lạ.


 
Sung Tiêu đã kết hợp các yếu tố như khung kim loại, video, nhiếp ảnh, và hộp đèn trong “Memory Dispute”

Với Memory Dispute, Sung Tiêu đã kết hợp các yếu tố như khung kim loại, video, nhiếp ảnh, và hộp đèn nhằm tạo nên một tác phẩm sắp đặt thể hiện những chiêm nghiệm của cô về quê mẹ. Tác phẩm đề cập những tác động của quá trình axit tiếp xúc môi trường, các vấn đề ô nhiễm diễn ra gần đây.
 


 

“Sự axit hóa dường như kéo dài vô tận và biến hóa sang nhiều dạng thức và quy mô khác nhau qua thời gian,” Arlette nói thêm. Cô còn cho hay, kích cỡ của tác phẩm chiếm trọn gần như diện tích thư viện của Saigon Domaine. Post Vidai đã quyết định mua tác phẩm mà không hề tham dự triển lãm, sau đó vận chuyển nó sang kho lưu trữ tại Geneva, Thụy Sĩ mà không màng tới với chi phí lớn đi kèm.

AK-47 đối đầu  M16 (AK-47 vs M16), 2015, The Propeller Group

Nhóm The Propeller Group gồm 3 thành viên Tuấn Andrew Nguyễn, Phù Nam, và Matt Lucero, chuyên sáng tạo các tác phẩm xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và giải trí thương mại. Gần đây, AK-47 đối đầu M16 được chọn là một trong 14 tác phẩm tham gia tranh giải Signature Art Prize tại Singapore. Toàn bộ tác phẩm sắp đặt này khắc họa khoảnh khắc va chạm của hai viên đạn bắn ra từ khẩu súng AK-47 và M16. Cũng như bảo tàng Singapore Art Museum, Post Vidai sở hữu một trong 21 khối gel bao bọc đường đạn bay thuộc tác phẩm.
 

Tác phẩm “AK-47 đối đầu M16” được chọn là một trong 14 tác phẩm tham gia vào giải thưởng Signature Art Prize tại Singapore.

“AK-47 đối đầu M16 thực sự gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, tưởng như một khung cảnh đến từ tương lai,” Arlette chia sẻ. Khoảnh khắc nhanh như sấm chớp của hai đường đạn bay được ngưng đọng và đóng băng trong tác phẩm là sự tượng trưng hoàn hảo cho mức độ tàn phá kinh hoàng của chiến tranh và bạo động chính trị xuyên suốt thế kỷ 20. The Propeller Group đã chọn hai loại vũ khí đại diện cho hai hệ tư tưởng đối đầu nhau. Khẩu AK-47, hay còn được biết đến là súng trường tự động Kalashnikov, là do vị tướng – nhà khoa học Mikhail Kalashnikov của quân đội Liên Xô sáng chế vào năm 1941. Còn M16 là loại súng trường do quân đội Hoa Kỳ chế tạo và bắt đầu được sử dụng trên chiến trường từ năm 1964.
 


 
Toàn bộ tác phẩm sắp đặt này khắc họa khoảnh khắc va chạm của hai viên đạn bắn ra từ khẩu súng AK-47 và M16. Và những tác phầm đều được đặt trước đoạn ghi hình khoảnh khác chạm nhau của hai viên đạn.

10.75 ¼ N 106.6667 ¼ E 1867/2007, 2007, Tiffany Chung

Tác phẩm của Tiffany Chung là tấm bản đồ vẽ tay với kích cỡ 135 x 90 cm. Nhìn sơ qua, những nét vẽ mô tả hệ thống đường sắt, đường bộ, cùng đường nét uốn lượn của dòng sông đã tạo nên một tổng thể trừu tượng bắt mắt. Trên thực tế, chúng là sự xếp chồng bản đồ hệ thống tàu điện ngầm tại Tokyo (Nhật) và Seoul (Hàn Quốc) lên bản đồ quy hoạch đô thị của Sài Gòn năm 1867 – khi thành phố là một phần của thực dân Pháp. “Nhờ cách vận dụng thông minh những yếu tố tượng trưng cho chủ nghĩa đế quốc và xu hướng toàn cầu hóa, bức tranh vẽ tuyệt đẹp mang giá trị lớn hơn nhiều khía cạnh thẩm mỹ đơn thuần,” Arlette chia sẻ.


 
Tác phẩm của Tiffany Chung là tấm bản đồ vẽ tay với kích cỡ 135 x 90cm. Nhìn sơ qua, những nét vẽ mô tả hệ thống đường sắt, đường bộ, cùng đường nét uốn lượn của dòng sông đã tạo nên một tổng thể trừu tượng bắt mắt về mặt thị giác.

 

  Trở lại chuyên mục của : Văn Hùng Đốc