VĂN HÙNG ĐỐC
(Sưu tầm & Chuyển tiếp)


Hiệp Khách Hành 
俠客行 
Bài ca về người hiệp khách

 

 
























 

Hiệp khách hành

Triệu khách mạn hồ anh,
Ngô câu sương tuyết minh.
Ngân an chiếu bạch mã,
Táp đạp như lưu tinh.
Thập bộ sát nhất nhân,
Thiên lý bất lưu hành.
Sự liễu phất y khứ,
Thâm tàng thân dữ danh.
Nhàn quá Tín Lăng ẩm,
Thoát kiếm tất tiền hoành.
Tương chích đạm Chu Hợi,
Trì thương khuyến Hầu Doanh.
Tam bôi thổ nhiên nặc,
Ngũ nhạc đảo vi khinh.
Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
Ý khí tố nghê sinh.
Cứu Triệu huy kim chuỳ,
Hàm Đan tiên chấn kinh.
Thiên thu nhị tráng sĩ,
Huyên hách Đại Lương thành.
Túng tử hiệp cốt hương,
Bất tàm thế thượng anh.
Thuỳ năng thư các hạ,
Bạch thủ Thái huyền kinh

 

Dịch nghĩa


Khách nước Triệu đeo giải mũ thô sơ
Thanh Ngô câu sáng như sương tuyết
Yên bạc soi chiếu con ngựa trắng
Lấp loáng như sao bay
(Thanh gươm) mười bước giết một người
Cho nên không đi xa ngàn dặm
Làm xong việc rũ áo ra đi
Ẩn kín thân thế cùng danh tiếng
Lúc nhàn rỗi qua nhà Tín Lăng quân
Cởi kiếm ra để ngang trên gối
Đem chả nướng mời Chu Hợi
Cầm chén rượu mời Hầu Doanh
Uống ba ly chân thành gật đầu
Năm trái núi lớn thật xem là nhẹ
Sau khi mắt hoa, tai nóng bừng
Ý khí như cầu vồng trắng bốc sinh
Vung cây chuỳ cứu nước Triệu
Thành Hàm Đan trước tiên đã chấn kinh
Hai tráng sĩ ngàn năm sau
Thanh danh lẫy lừng thành Đại Lương
Dù cho chết xương cốt hiệp sĩ còn thơm
Không hổ thẹn với anh hùng trên thế gian
Ai là người có thể ngồi viết sách dưới gác
Bạc đầu với cuốn kinh Thái huyền

 

Nguỵ Vô Kỵ được anh là Nguỵ An Ly vương phong làm Tín Lăng quân. Ở thành Đại Lương, kinh đô của nước Nguỵ, có một ẩn sĩ 70 tuổi tên là Hầu Doanh. Tín Lăng quân rất trọng Hầu Doanh, tôn làm thượng khách. Hầu Doanh tiến cử người đồ tể tên là Chu Hợi, cũng là một ẩn sĩ hiền tài. Năm thứ 20 đời Nguỵ An Ly vương, quân Tần vây thành Hàm Đan của nước Triệu. Vua Nguỵ sai tướng Tấn Bỉ mang quân sang cứu Triệu, nhưng sau sợ uy thế của Tần, do đó không tiến quân. Tín Lăng quân vì bạn là Bình Nguyên quân đang bị vây ở Triệu, hết lời xin vua Nguỵ cho tiến quân, nhưng vua Nguỵ không nghe. Theo kế của Hầu Doanh, Tín Lăng quân nhờ vương phi Như Cơ, lấy trộm được binh phù của vua Nguỵ, đem đi ra lệnh cho Tấn Bỉ tiến quân. Tấn Bỉ nghi ngờ không tuân lệnh. Chu Hợi liền rút cây chuỳ sắt nặng 40 cân, giết chết Tấn Bỉ. Nhờ đó Tín Lăng quân dem quân đánh đuổi được quân Tần, cứu nguy cho thành Hàm Đan và Bình Nguyên quân.

(Đây là truyện Tín Lăng Quân trong Sử ký Tư Mã Thiên, nguồn cảm hứng cho Lý Bạch viết bài này)

Tín Lăng Quân là công tử Ngụy Vô Kỵ là con trai út của Ngụy Chiêu Vương, vốn là người có tâm hồn cao khiết, nhân hậu, tính thích chiêu hiền đãi sĩ, không phân biệt giàu nghèo, thường lấy lễ để giao tiếp với kẻ sĩ. 
Nước Ngụy có kẻ ẩn sĩ tên là Hầu Doanh, tuổi đã 70, nhà nghèo, làm nghề gác cửa thành Di Môn ở Đại Lương. Ngụy công tử nghe tiếng, tìm đến kính cẩn kết giao, mà người ấy lại không nhận, nói rằng: 
- Tôi sửa mình, giữ hạnh mấy mươi năm trời, không thể vì cái tình cảnh khốn khó này mà nhận của cải của công tử. 
Tín Lăng Quân bèn thiết tiệc, mời quan khách họp mặt đông đủ. Chủ khách yên vị rồi, công tử lên xe ngồi chỗ bên phải, nhường chỗ bên trái (ngày xưa dành chỗ bên trái cho người mình quý trọng), đích thân đi đón Hầu Doanh. Hầu sinh giũ manh áo rách, phủi cái mũ cũ, bước thẳng lên xe, ngang nhiên ngồi vào chỗ dành sẵn, thử xem phản ứng của công tử ra sao. Công tử cầm cương, càng tỏ vẻ cung kính. Hầu sinh bảo công tử: 
- Tôi có một người quen ở dãy hàng thịt trong chợ, xin vui lòng cho xe qua đó. 
Công tử đánh xe vào chợ. Hầu sinh xuống thăm người quen là Chu Hợi, cố ý đứng nói chuyện lâu, liếc mắt, dò ý công tử. Lúc đó, văn thần, võ tướng nước Ngụy cùng người trong tôn thất và các tân khách đầy nghẹt cả nhà, chờ công tử về khai tiệc. Người trong chợ xem công tử cầm cương. Lính theo hầu đều rủa thầm Hầu sinh. Hầu sinh nhìn vẻ mặt công tử, thấy trước sau không đổi, bèn từ biệt người quen lên xe. Về đến nhà, công tử mời Hầu sinh ngồi chỗ cao nhất, giới thiệu và ca tụng tài đức Hầu sinh với quan khách. Tất cả đều kinh ngạc. Rượu ngà say, công tử đứng lên, đứng trước mặt Hầu sinh chúc mừng. Hầu sinh thừa dịp nói với công tử rằng: 
- Hôm nay, Doanh tôi làm công tử mất thể diện nhiều quá rồi. Doanh tôi chỉ là tên gác cửa mà công tử đích thân đánh xe đến đón tôi, ở giữa nơi đông người, công tử không nên tỏ ra quá ư lễ độ mới phải. Vậy mà nay công tử cố ý đi quá mức. Xong Doanh tôi muốn vun quén cho cái danh của công tử, cố ý để cho xe của công tử dừng lâu trong chợ, khiến mọi người thấy cái phong độ của công tử, càng đợi lâu càng tỏ vẻ cung kính dịu dàng. Người trong chợ đều cho rằng công tử là một bậc trưởng giả biết trọng kẻ sĩ. 
Tiệc tan, Hầu sinh được đãi làm thượng khách. Hầu sinh nói với Tín Lăng Quân: 
- Người hàng thịt là Chu Hợi mà tôi qua thăm đó, đó là người hiền, đời không ai biết, cho nên mới ẩn thân làm nghề mỗ lợn đó thôi. 
Công tử đến thăm Chu Hợi nhiều lần, mà Chu Hợi cố tình không cảm tạ. Công tử cảm thấy kỳ lạ về thái độ của Chu. 

Năm 20 đời Ngụy An Hi Vương, Tần Chiêu Vương phá tan quân Triệu ở Trường Bình, lại kéo quân vây thành Hàm Đan của Triệu. Chị của Tín Lăng Quân là vợ của Bình Nguyên Quân nước Triệu (Triệu Thắng), nhiều lần viết thư cho Ngụy vương để xin cứu viện. Ngụy Vương sai tướng quan Tấn Bỉ mang 10 vạn quân đi cứu Triệu. Tần Vương bảo Ngụy Vương rằng: 
- Ta đánh Triệu, thắng trong sớm tối. Nước nào cứu Triệu, thì sau khi hạ xong Triệu, ta sẽ đánh nước đó trước. 
Ngụy Vương nghe vậy cả sợ, liền ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động ở Nghiệp Hạ. Còn Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ vốn có mối giao tình thâm đậm với Bình Nguyên Quân, nên ông cố vào triều cố thuyết phục vua Ngụy tiến quân. Vua Ngụy quyết khước từ. 
Tín Lăng Quân đau đớn không biết làm cách nào để giúp bạn mình, liền nói với đám thực khách: 
- Các vị có vì ta mà hy sinh cứu Triệu không? 
Cả ngàn tân khách đều hưởng ứng lời hiệu triệu đó. 
Tín Lăng Quân dẫn đám thực khách đi ngang qua Di Môn, ghé lại thăm Hầu Doanh, Hầu Doanh nói: 
- Chúc công tử cố gắng. Doanh này già rồi không theo công tử được. 
Đi được mấy dặm, Tín Lăng Quân thấy lòng không vui, chợt nghĩ điều gì đó, bèn quay lại, thấy Hầu Doanh đứng trước cửa đón mình. Hầu Doanh mỉm cười nói: 
- Tôi đoán công tử thế nào cũng trở lại. 
Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) hỏi: 
- Sao biết? 
Hầu Doanh nói: 
- Công tử đãi Doanh này rất hậu. Giờ này công tử vào nơi nguy hiểm mà Doanh này không có một ý kiến gì, tất công tử sẽ giận, nên trở lại hỏi cho ra lẽ? ! 
Vô Kỵ nói: 
- Tôi ngờ rằng đãi tiên sinh có điều gì sơ sót nên tiên sinh mới giận mà ghét bỏ, vì thế tôi quay lại hỏi cho biết. 
Hầu Doanh nói: 
- Công tử nuôi ba ngàn thực khách đã vài chục năm rồi thế mà không có vị nào nghĩ ra diệu kế. Công tử và đám thực khách liều mạng xông vào trại Tần có khác nào ném thịt cho hổ đói? Có phải trước đây công tử có ơn với Vương Phi Như Cơ không? 
Tín Lăng Quân chợt nhớ ra ... Liền quay về thành Ngụy gặp Vương Phi Như Cơ, nhờ Vương Phi lấy cắp binh phù đưa cho mình rồi tức tốc trở lại gặp Hầu Sinh (tức Hầu Doanh), Hầu Sinh nói: 
- Tướng ngoài mặt trận có thể không tuân theo mệnh vua. Công tử phải mời Chu Hợi mới được. 
Tín Lăng Quân cùng Hầu Doanh đến gặp Chu Hợi. Hợi nói: 
- Tôi là đứa mổ heo ở chợ, thân phận hèn hạ, bấy lâu đội ơn công tử hạ cố. Sở dĩ Hợi tôi không nói lời ơn nghĩa vụn vặt là đợi đến lúc này đây. 
Hầu Doanh nói: 
- Binh hung chiến nguy! Doanh này đã già không đi cùng công tử được. Khi công tử tới trận, ở đây Doanh này xin lấy cái chết để tạ ơn công tử. 
Ba người bái biệt nhau. Tín Lăng Quân đến Nghiệp Hạ cùng với Chu Hợi vào yết kiến lão tướng Tấn Bỉ. Tín Lăng Quân nói: 
- Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi gió cực khổ về binh nghiệp, nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng. 
Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói: 
- Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại nhà vua lần nữa. 
Tín Lăng Quân nói: 
- Cứu binh như cứu lửa. Thành Hàm Đan đang khắc khoải tứng giây phút lẽ nào phải chờ tin đi tin lại? 
Chu Hợi hét: 
- Nguyên soái không tuân theo mệnh vua, ý muốn làm phản chăng? 
Nói rồi lấy dùi sắt đập đầu Tấn Bỉ chết ngay. 
Tín Lăng Quân cùng Chu Hợi đoạt lấy binh quyền, đánh vào trại Tần. Tướng Tần là Vương Hạt đại bại, kéo tàn quân chạy về Hàm Cốc quan đóng kín cửa ải. Công tử Ngụy Vô Kỵ cứu được nước Triệu. Triệu Vương cùng Bình Nguyên Quân ra đón rước công tử. Danh tiếng Tín Lăng Quân thành lừng lẫy.



  Trở lại chuyên mục của : Văn Hùng Đốc