VĂN HÙNG ĐỐC
(Sưu tầm & Chuyển Tiếp) 

Kiệt Tác Tình Yêu

 


 

Tình yêu – nguồn cảm hứng vô tận cho những kiệt tác bất hủ

 

Từ rất lâu trước khi chúng ta có “truyền thống” gửi gắm những lời có cánh cho nhau vào những chiếc thiệp trong ngày Valentine, trao nhau những hộp sô-cô-la hình trái tim trang trọng, hay cùng nhâm nhi một ly champagne trong bồn tắm phủ đầy cánh hoa hồng với người mình yêu, tình yêu đã là một trong những đề tài được những người làm nghệ thuật ca tụng, yêu thích và khai thác nhiều nhất.

Tình yêu vốn là niềm cảm hứng rất lớn của loài người để tạo ra những kiệt tác bất hủ trong lĩnh vực văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc… Trước một mùa yêu đang sắp đến, chúng ta hãy cùng khám phá ý nghĩa của một số tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc được truyền cảm hứng bởi tình yêu của chính tác giả.

Taj Mahal – Biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu


 

Ngôi đền Taj Mahal của Ấn Độ, một trong bảy kì quan thế giới, là biểu tượng cho tình yêu vô hạn của vua Shah Jahan dành cho người vợ thứ ba yêu quí của ông. Khi hoàng hậu Mumtaz Mahal qua đời trong lúc sinh người con thứ 14, vua Jahan đã vô cùng tiếc thương và cho xây dựng lăng mộ kỳ vĩ nhất thế giới để tưởng niệm người vợ quý của mình. Jahan đã triệu tập 20. 000 nhân lực và hơn 1.000 con voi để thực hiện công trình này trong suốt 22 năm.

Bức “Love Embrace of the Universe” (Tình yêu ôm lấy vũ trụ) của Frida Kahlo
 


 

Họa sĩ Frida Kahlo và Diego Rivera là những nhân vật chính trong câu chuyện tình đầy sóng gió nhất của giới hội họa. Họa sĩ chuyên vẽ tranh tường Diego đã gặp và yêu nàng Frida kém mình 20 tuổi. Ông trở thành chồng, người cổ vũ, nhà phê bình, dù cũng mang lại không ít nỗi đau cho Frida bởi tính trăng hoa của mình. Frida từng nói: “Tôi đã chịu đựng hai tai nạn tàn khốc nhất trong cuộc đời mình: khi bị xe tông và khi gặp Diego”. Dù vậy, bức tranh này là một trong số nhiều bức tranh Frida vẽ chồng mình bằng cách miêu tả bà trong dáng vẻ một bà mẹ đang ôm Rivera theo phong cách Mexico.

Chương trình biểu diễn “The Lovers: The Great Wall Walk” của Marina Abramovic và Ulay
 


 

Màn trình diễn cuối cùng của cặp nghệ sĩ Marina Abramovic và Frank Uwe Laysiepen (Ulay) được thực hiện với ý tưởng về Kim tự tháp và Vạn lý Trường thành. Bị thuyết phục bởi ý kiến của một phi hành gia khi cho rằng Kim tự tháp và Vạn lý Trường thành là hai công trình vĩ đại của nhân loại có thể được nhìn thấy từ vũ trụ, các nghệ sĩ đã quyết định đến Trung Quốc để làm một bộ phim mô tả cảnh hai người tiến đến nhau từ hai đầu của Vạn lý Trường thành và sẽ kết hôn khi gặp nhau ở giữa. Nhưng trong vòng 8 năm, sự trục trặc trong quá trình xin cấp phép để thực hiện bộ phim đã khiến họ mệt mỏi đến mức phải quyết định chia tay nhau.

Bức “The Kiss” (Nụ hôn) của Gustav Klimt
 


 

Hình ảnh người đàn ông đang đặt một nụ hôn say đắm lên má người yêu đã trở nên quá nổi tiếng trong giới mỹ thuật. Tác phẩm miêu tả ông cùng nàng thơ Emilie Flöge và đã được vẽ với phong cách sơn mạ đồng và mạ vàng đặc trưng của Klimt, khiến cho sự lột tả tình yêu trong bức tranh thêm phần rực rỡ và thành công. Bức tranh này đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Áo.

Tác phẩm “LOVE” (Tình yêu) của Robert Indiana
 


 

Đây là một biểu tượng Pop Art của họa sĩ người Mỹ Robert Indiana. Xuất thân từ một gia đình theo đạo Thiên Chúa, tuổi thơ của ông gắn liền với việc đi nhà thờ, nơi chỉ có duy nhất câu “Chúa là tình yêu” (“God is Love”) được dùng để trang trí trên tường. Vì thế mà chữ “love” đã mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, và theo một chuyên gia sử học của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York (MoMA) thì người xem có thể cảm nhận nó như một câu chuyện đan xen giữa “tình ái, tín ngưỡng, tự truyện, và chính trị”. Nhiều phiên bản khác nhau của tác phẩm này đã được sử dụng trên nhiều phương tiện khác nhau ở khắp thế giới: tượng điêu khắc, tem, thiệp giáng sinh, v.v…

Bức “Venus và Sailor” (Vệ nữ và Thủy thủ) của Salvador Dali
 


 

Gala là nàng thơ, vợ, và là tình yêu suốt đời của Salvador Dali. Bà đã hiện diện trong nhiều bức tranh của bậc thầy hội họa thuộc trường phái siêu thực này, dù là trong hình ảnh một người phụ nữ hay là hình tượng tôn giáo như Thánh Mary. Dali đã từng ký tên lên những bức tranh bằng tên của mình và của vợ, vì theo ông thì “tôi vẽ những bức tranh này với máu của em, Gala”. Bức tranh này là một ví dụ về tình yêu say mê của ông đối với vợ.

Tác phẩm “Love is what you want” (Tình yêu là những gì bạn cần) của Tracey Emin
 


 

Tracey Emin là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất của Anh. Các tác phẩm của cô được kết tinh từ hoài niệm về câu chuyện tình mà cô đã trải qua, thể hiện sự gợi tình và tính nữ quyền. Được trình bày trong triển lãm cá nhân mang tên “Those Who Suffer Love” vào năm 2009, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với đèn neon “Love is what you want” của cô gây ấn  tượng với người xem bởi sự bộc bạch và thân mật của nó.

Bức “La Lecture” (Đọc sách) của Pablo Picasso
 


 

Người phụ nữ khỏa thân trong tranh, Marie-Thérèse Walter, chính là người tình bí mật của danh họa Picasso vào năm 1932 khi ông đã có vợ con và hơn cô tới 28 tuổi. Khi bắt đầu đi lại với Picasso, Marie-Thérèse chỉ mới 17 tuổi, và chuyện tình của họ đã được giữ bí mật trong 8 năm. Bức tranh này được vẽ trong thời kỳ được các chuyên gia cho rằng Picasso đang trúng tiếng sét ái tình. Sau khi bức tranh này được trưng bày ở một triển lãm, vợ của Picasso lúc bấy giờ mới nhận ra đường nét trên khuôn mặt không phải là mình và đã quyết định chia tay ông ngay sau đó.

 

 

 
  Trở lại chuyên mục của : Văn Hùng Đốc