VĂN HÙNG ĐỐC
(Sưu tầm & Chuyển tiếp) 

 

Lý Bạch 李白



I. Thân thế và quá trình sáng tác:

1. Tuổi trẻ du hiệp 
Lý Bạch sinh năm 701, mất năm 762, tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, là một nhà thơ lớn thời Thịnh Đường, cùng tuổi với Vương Duy, hơn Đỗ Phủ 12 tuổi. Theo lời tự bạch của ông thì ông là hậu duệ của tướng quân Lý Quảng đời Hán và là cháu chín đời của họ Lương Vũ Chiêu vương. Khoảng năm 670, cuối Tùy, ông thân sinh vì một cớ nào đó không rõ phải trốn sang Tây Vực, sau lấy vợ là người bản xứ (gọi là Man bà) và sinh ra ông vào năm Vũ Hậu cướp ngôi nhà Đường. Vì vậy Lý Bạch không những biết chữ Tây Vực mà ông còn kế thừa tính cách phóng khoáng tự nhiên của người Tây Vực. Đến khi Vũ Hậu sụp đổ, gia đình ông rời Tây Vực về ngụ tại làng Thanh Liên, huyện Chương Minh thuộc huyện Miên Châu xứ Ba Thục (nay là huyện Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên) và ông coi đây là quê hương chính thức của mình. 

Lý Bạch ra đời năm đầu Trường An (701). Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy sao Trường Canh rơi vào mình và có thai rồi sinh ra ông, nên ông mới lấy tên tự là Thái Bạch (tức sao Trường Canh). Lý Bạch rất thông minh đĩnh ngộ, lên năm tuổi đã biết đọc Lục giáp, mười tuổi thì thong hiểu thi thư, thường xem them sách bách gia chư tử. Năm mười lăm tuổi, ông lại thích và rèn kiếm thuật. Ông múa gươm giỏi và đẹp, thường ước mong làm trang hiệp khách với hào khí “giữa đường dẫu thấy bất bằng chẳng tha”. Thời này ông hay viết những bài phú mô phỏng cổ nhân như “Thư gửi Hàn Kinh Châu”, “Phú ngạo Tư Mã Tương Như”. Học giỏi, có tài, nhưng ông không để chí vào đường khoa danh. Năm 16 tuổi (716), ông cùng Đông Nham Tử đi ẩn tại phía nam núi Dân. Lúc 20 tuổi bắt đầu sống cuộc đời hiệp khách. 

Lý Bạch đi du lịch khắp nơi : viếng Thành Đô, thăm núi Nga Mi, Thanh Thành, rong chơi hồ Động Đình, lưu vực Tương giang, Hán giang, qua Giang Hạ đến Kim Lăng, Dương Châu, Nhữ Hải, vào Ngô Việt…Năm 726, ông đến An Lục (nay thuộc Hồ Bắc), thăm đầm Vân Mộng. Tại đây ông cưới vợ là cháu gái quan tể tướng hồi hưu Hứa Ngữ Sư, rồi tạm dừng chân phiêu lãng và bắt đầu nổi tiếng văn chương giữa tuổi 30. 

Nhưng không ở yên được lâu, Lý Bạch đến Tương Dương, làm quen với nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên, người lớn hơn ông 10 tuổi. Từ đó ông tha thiết muốn được hoạt động “kinh bang tế thế”. Lý tưởng của ông là “làm rõ lời bàn của Quản Trọng, Án Anh, tính mưu chước của đế vương, đem tài năng, trí tuệ nguyện giúp nhà vua để cho thiên hạ yên ổn, bốn bể thanh bình” (Đại Thọ sơn đáp Mạnh thiếu phủ di văn). Nhưng ông thường tự phụ, ví mình với Lã Vọng, Trương Lương, Gia Cát Lượng, thái độ “không chịu khom mình”, “không cầu cạnh ai”, “giao thiệp ngang hàng với chư hầu” nên ông không được giới chính trị hoan nghênh. Năm 741, ông đưa gia quyến đến ở Duyện Châu (Sơn Đông). Thơ ông đã đạt đến độ chin muồi, mang đầy đủ cái cao rộng của thiên nhiên, cái phóng khoáng của tự do, cái phong độ ngang tàng của hiệp khách. 

2. Trường An dừng bước (742-744) 
Năm đầu Thiên Bảo (742), Lý Bạch rời nhà xuống miền nam, đi chơi Cối Kê (Chiết Giang), ngụ tại Thiểm Trung với đạo sĩ Ngô Quân. Ngô Quân được vua triệu về kinh, đem Lý Bạch theo. Ông phấn khởi cho rằng có thể thực hiện được lý tưởng chính trị của mình, nên “Ngửa mặt cả cười ra khỏi cửa, bọn mình đâu phải sống lều tranh” (Nam Lăng biệt nhi đồng nhập kinh). Hạ Tri Chương gặp ông, nói : “Đó là một trích tiên giáng trần”. Vì vậy, người ta thường gọi ông là Trích Tiên (ông tiên bị đày xuống trần). Hạ tiến cử ông, vua Huyền Tông vời vào bệ kiến. Tương truyền thấy ông thần khí cao lãng, phong thái nhẹ nhàng như ráng mây, vua bất giác quên mình là đấng chí tôn, bước xuống thềm đón. Nhân vua ban giày mới, ông giơ chân cho thái giám Cao Lực Sĩ thay (Đoàn Thành Thúc, Dậu dương tạp trở). Vua mến tài, cho ông vào điện Kim Loan, phụ trách việc thảo thư từ. 

Bấy giờ ngoài Hạ Tri Chương, ông còn kết bạn với Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Toại, Lý Thích Chi, gọi là “Tửu trung bát tiên”. Thời kỳ này ở kinh đô là thời kỳ quý hiển nhất của ông trên con đường công danh. 

Năm 744, nhân một ngày hoa nở đẹp, Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi ra thưởng ngoạn mẫu đơn ở vườn ngự, sai đội nhạc ca hát. Muốn làm vui long người đẹp, vua triệu Lý Bạch vào làm tân từ cho nhạc. Vẫn đang say, ông viết luôn ba bài Thanh bình điệu, vua và phi nghe hát rất thích. Nhưng Cao Lực Sĩ vốn giận ông việc thay giày khi trước, đem hai câu thơ trong bài ra dèm là ông ví Dương Quý Phi với Triệu Phi Yến, cung nhân đời Hán, xuất thân hạ tiện, sau bị thất sủng. Vì thế, Quý Phi giận, đôi lần vua muốn thăng chức cho ông nàng đều ngăn trở... 

Đường Huyền Tông lúc này không còn là một ông vua anh minh chú ý đến việc trị nước nữa, giao hết chính sự cho bọn gian thần Lý Lâm Phủ, còn mình chỉ truy hoan hưởng lạc. Lý Bạch chẳng qua cũng chỉ là một thứ “văn nhân ngự dụng” mà thôi. Ông bất bình vì không ai hiểu chí mình, căm phẫn cho cảnh “cát lẫn hòn ngọc sang, cỏ lấn chồi hoa thơm”, “ngọc trắng nào có tội, ruồi xanh lại vu oan”. Với bản chất phóng túng, ghét cảnh mũ áo rang buộc, không muốn “uốn lưng cúi mày thờ phụng bọn quyền quý”, lại them nhận thức rõ rang về sự hủ bại, thối nát qua mấy năm tiếp xúc, ông từ quan xin về. Đường Minh Hoàng tặng nhiều vàng bạc. Ông rời kinh đô và tiếp tục đời sống giang hồ lãng tử, để cho thơ tung cánh giữa đất nước bao la. 

3. Lão niên phiêu bạt (745-762) 
Từ giã Trường An, Lý Bạch đến Lạc Dương gặp Đỗ Phủ (744) rồi gặp Cao Thích ở Biện Châu. Ba nhà thơ cùng đi chơi với nhau mấy tháng trời. Sau khi từ biệt Đỗ Phủ tại quận Lỗ, Duyện Châu (Sơn Đông), Lý Bạch lại đi du lịch các nơi. Có lẽ không nhà thơ nào trải bước chân khắp đất nước như ông, ngay cả Đỗ Phủ cũng không sánh được, hẳn chẳng chịu nhường Tư Mã Thiên. Phía Bắc ông lên Triệu, Ngụy, Tề; phía tây qua Bân, Ký, Thương, U; phía nam ông đặt chân đến song Hoài, sông Tứ, xuống tận Cối Kê...Tháng 11 năm 755, An Lộc Sơn khởi binh làm loạn, chống triều đình, gây tàn phá chết choc vùng phía bắc Trường Giang. Lý Bạch liền vào Lư Sơn, ở ẩn tại Bình Phong Điệp. 

Nhưng cuộc đời nhà thơ bỗng gặp cơn ba đào. Nguyên năm 756, Túc Tông lên ngôi. Bấy giờ Vĩnh vương Lý Lân là con thứ 16 của Đường Minh Hoàng đang làm Kinh Châu đại đô đốc, tiết độ sứ cai quản Sơn Đông nam lộ, Lĩnh Nam kiềm trung, Giang Nam tây lộ. Lân giương ngọn cờ dẹp loạn An Lộc Sơn, mời Lý Bạch ra làm việc tại phủ đô đốc. Giữa Túc Tông và Lý Lân vốn đã có mối bất hòa, Lân liền có chí độc lập. Năm 757, Túc Tông cất quân đánh Lý Lân. Lân thua ở Đan Dương, bị giết chết. Lý Bạch chạy sang Bành Trạch, Túc Tùng, bị bắt giam tại ngục Tầm Dương. Tuyên úy đại sứ Thôi Chi Hoán và Ngự sử trung thừ Trương Nhược Tư cố sức xin tha cho ông. Nhược Tư đem quân đến Hà Nam phóng thích Lý Bạch, cử làm tham mưu quân sự, dâng thư lên vua nhưng không được xét. Lý Bạch vẫn bị kết án phản nghịch và khép tội tử hình. Quách Tử Nghi bấy giờ làm tể tướng, nhớ ơn xưa, xin giải chức chuộc tội cho ông vua mới tha chết, giảm án xuống đi đày. 

Năm 758, Lý Bạch bị phát vãng đi Dạ Lang (nay huyện Đồng Tử, Qùy Châu), đi qua Động Đình, Tam Giáp. Đỗ Phủ ở huyện Thiên Thủy, Tần Châu nghe tin vô cùng thương xót, làm nhiều bài thơ nhớ ông (Mộng Lý Bạch, Thiên mạt hoài Lý Bạch, Bất kiến…). Năm sau, 759, trên đường tới Dạ Lang, ông được tha tại Vu Sơn, bèn đi xuống miền đông tới Hán Dương. Năm 760 ông đến Tri Châu An Khánh, rồi năm 761, sống cuộc đời phóng đãng tại Kim Lăng, Tuyên Thành, Lịch Dương. Năm 762, ông ở nhờ nhà người bà con là Lý Dương Băng đang làm chức huyện lệnh Đang Đồ (An Huy). Tháng tư, Đại Tông mới lên ngôi, có ý vời ông vào triều làm chức thập di. Bấy giờ loạn An Sử vẫn còn, nhiệt tình yêu nước và ý chí hoạt động chính trị lại bung cháy, ông dâng thư xin gia nhập đoàn quân dẹp loạn, được chuẩn y. Nhưng đến Kim Lăng, ông ngã bệnh phải trở về và mất vào tháng 11 năm ấy. Đỗ Phủ, Vương Định Bảo và Hồng Dung Trai nói Lý Bạch chết đuối tại sông Thái Thạch, huyện Đang Đồ. Tương truyền ông uống rượu say, cúi xuống bắt bóng trăng dưới nước nên ngã chết. Nhân đó người ta xây bên sông một cái đình, đặt tên là Tróc Nguyệt đình. Lý Bạch có bốn người vợ, ba con trai và một con gái. 

Sau khi Lý Bạch mất, Dương Băng thu thập thơ ông, thấy chỉ còn lại chừng một phần mười, vì ông thường làm rồi quên, không bao giờ có ý giữ gìn và truyền bá thơ mình. Vả lại thơ ông “vương vãi” khắp nơi trên một địa bàn rộng mênh mông, gây khó khăn lớn cho người sưu tập. Mãi đến năm 1080, Sung Ming Chiu mới gom góp được 1800 bài (trong số trên hai chục nghìn bài của ông) làm thành Lý Bạch thi tập. 

II. Thành tựu thơ ca của Lý Bạch 

1. Quan niệm về thơ ca 
Thành tựu thơ ca của Lý Bạch vượt quá cống hiến về lý luận. Hay nói cho đúng, ông chỉ sang tác chứ không lý luận. Tuy nhiên, qua thơ ca của ông, chúng ta có thể thoáng thấy quan niệm làm thơ của ông là theo phương châm “kế thừa có phê phán, phục cổ để cách tân”. Sau Trần Tử Ngang, Lý Bạch đã tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đó. Ông nói : “Từ Trần, Lương trở lại nay, [thơ] trở thành cực kỳ diêm dúa và nông cạn; Thẩm Hữu Văn (tức Thẩm Ước) lại tôn sung thanh luật, người phục hồi không phải là ta thì còn ai nữa ?” (Mạnh Khởi, Bản sự thi – Cao dật đệ tam). 

Tinh thần sáng tạo cách tân của ông còn thể hiện đột xuất trong bài Cổ phong : “Học nhăn cô khỉ non, làm cả xóm hết hồn. Thọ Lăng mất điệu cũ, mỉa chết khách Hàm Đan.”. Ông châm biếm những kẻ giáo điều, nô lệ cổ nhân trong văn học. Chính vì có tinh thần sang tạo cách tân bồng bột như thế, Lý Bạch mới có cái khí vượt cổ nhân. “Làm phú hơn cả Tương Như, Cửu Kinh đánh đổ họ Khuất, vườn Lương đè hẳn họ Trâu, họ Mai”. Ông cũng như Đỗ Phủ, không bao giờ chịu quỳ gối trước cổ nhân, trái lại, muốn làm cho cổ nhân phải thua mình. 

Tuy nhiên Lý Bạch không phải là người kiêu căng tự phụ, chối bỏ tất cả. Ngược lại, ông ra sức học tập Nhạc phủ Hán, Ngụy, Lục triều, dân ca đương thời và khiêm tốn kế thừa tinh hoa nghệ thuật của Nguyễn Tịch, Đào Tiềm, Tạ Linh Vận, Tạ Diểu, Bảo Chiếu, Dữu Tín…Vì quán triệt phương châm kế thừa có phê phán, phục cổ để cách tân như thế ông mới có thể đạt được những cống hiến vĩ đại trong thực tiễn sáng tác, và đã cùng nhiều nhà thơ khác trong thời đại mình quét sạch lớp phấn son lòe loẹt giả tạo của sáu đời. Làm cho thơ Đường phát triển phồn vinh. 

2. Nhân tố tư tưởng 
Thời trẻ, Lý Bạch đã “thuộc làu thi thư, xem sách bách gia” cho nên ảnh hưởng người đời trước đối với ông rất rộng rãi, phức tạp. Tư tưởng Nho gia và Đạo gia đều tác động vào ông, nhưng tư tưởng Đạo gia sâu sắc hơn nhiều. Ngay cả tư tưởng du hiệp cũng đóng góp phần hình thành phong cách đặc biệt của ông. 

Khi ông định xây dựng sự nghiệp chính trị thì tư tưởng “kiêm tế thiên hạ” của Nho gia chiếm ưu thế. Nhưng tư tưởng Nho gia của ông không nguyên vẹn và giáo điều. Ông nguyện “cứu dân đen”, “làm cho dân đen được an cư lạc nghiệp” chứ không vì vinh hoa phú quý, càng không vì vua chúa quý tộc. Cho nên nhiều lúc ông coi khinh, châm biếm cả ông tổ đạo Nho : “Ta vốn là người điên nước Sở, hát ngông cười Khổng Khâu” lẫn lý tưởng : “Sự nghiệp Nghiêu Thuấn sá kể chi, long ta phơi phới vẫn coi thường”. Lý Bạch không phỉ bang thánh hiền, ông chỉ muốn vạch ra, lật đổ những lý tưởng mơ hồ, giả dối nghìn đời của chế độ phong kiến... 

Những lúc ấy, tư tưởng Đạo gia đến với Lý Bạch và ông mượn nó để chống lại tư tưởng Nho gia truyền thống, hay nói đúng hơn là tư tưởng Hán Nho mà bọn phong kiến dùng làm công cụ bảo vệ quyền lợi cho chúng. Theo gót Lão Tử, nhất là Trang Chu, ông dùng tưởng tượng để đi sâu vào bí mật vũ của trụ và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, tạo nên tinh thần và cách biểu hiện lãng mạn trong thơ ca.Tuy có những lúc tiêu cực, chán nản, nhưng tinh thần lãng mạn tích cực thường bao trùm, lấn át trong thơ ông. Tinh thần coi thường vinh hoa phú quý, tự tin vào tài năng, hay mang hoài bão cứu nhân độ thế, ít nhiều gợi lên thái độ “phản nghịch” đối với chế độ phong kiến khiến thơ ông mang ý vị siêu thoát, thể hiện cái khí thế hung tráng, cao rộng. 

Tư tưởng du hiệp cũng chiếm địa vị quan trọng ở Lý Bạch. Nhà thơ tự xưng là Nho sinh, nhưng nhiều khi xem thường, thậm chí châm biếm cuộc sống câu nệ, hủ lậu, gàn dở của nho sinh (Trào Lỗ nho). Trái lại, ông hâm mộ cái hào phóng của các hiệp sĩ và tinh thần du hiệp mà họ theo đuổi. Tư tưởng ấy có một ý nghĩa tích cực, và trong một chừng mực nào đó, đại biểu cho ý chí và lợi ích của giai cấp lớp giữa và lớp dưới chống lại giai cấp thống trị. Nhất là khi nó kết hợp với tinh thần “công toại thân thoái” của Đạo gia, làm việc nghĩa không cần ân thưởng, báo đáp. 

3. Nội dung thơ ca 
Do những nhân tố tư tưởng tích cực nói trên tác động đồng thời và từng lúc vào Lý Bạch nên sáng tác của ông là một kết hợp hìa hòa giữa tính lãng mạn và tính hiện thực, trong đó tính lãng mạn chiếm phần thượng phong. Những nội dung của thơ ông phản ánh rõ điều đó. 

Loạn An - Sử bung nổ, triều đình thối nát, chính trị hủ bại... Lý Bạch phản ánh trực tiếp nếp sống xa hoa đồi trụy của tầng lớp quan lại quý tộc, vạch trần các đế vương diễu võ dương oai, mê đắm sắc dục, bạc đãi nhân tài. Ông phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược, xua nhân dân vào những tai họa vô cùng đau khổ để kết luận rằng “Gươm đao là vật gở, thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến” (Chiến thành nam). Từ đó, thơ ông chan chứa tình yêu quê hương, yêu đất nước, đau xót trước cảnh xương rơi máu chảy (Tái hạ khúc, Phù Phong hào sĩ ca, Mãnh hổ hành…), những muốn đem trí tuệ, tài năng ra thi thố để “cần vương trạch dân”. Tuy nhiên thực tế phũ phàng khiến ông nhận ra mình chỉ là một thứ đồ trang sức cho cuộc sống xa hoa của giai cấp cung đình. Ông lại chống gậy lên đường, vĩnh biệt những bài thơ mua vui cho bọn quyền quý như Thanh bình điệu...

Yêu nước gắn liền với thương dân, ông đau xót cho số phận nhân dân trong vòng chiến loạn, những con người vất vả khốn khó, làm việc như trâu như ngựa (Đinh đô hộ ca). Lý Bạch đặc biệt chú ý đến người phụ nữ với một tấm lòng nhân đạo đáng quý. Ông phê phán hành động bất nghĩa “có mới nới cũ” của nam giới, nói lên nỗi đau khổ bất hạnh của người phụ nữ bị ruồng bỏ, phụ bạc (Thiếp bạc mệnh, Bạch đầu ngâm…) hay những người phụ nữ ngày đêm mong chồng do chiến tranh ly biệt (Khuê tình, Đảo y thiên…). Đồng thời, ông phản ánh mơ ước của họ về một tình yêu thủy chung, một hạnh phúc chân chính (Dạ tọa ngâm, Dương bạn nhi), ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ (Thái liên khúc, Việt nữ từ) và cũng nhiệt tình ca ngợi sự phản kháng của phụ nữ trước bất công, áp bức (Tần nữ lưu hành, Đông Hải hữu dũng phụ). Cũng vì thế mà ông mến phục các nhân vật trọng nghĩa kinh tài, các trang du hiệp “đến chết xương vẫn còn thơm, không thẹn là khách anh hùng trên đời” (Hiệp khách hành) vì họ đã dám chống bạo quyền, bênh vực người cô thế. 

Tuy nhiên thơ ca phản ánh hiện thực, tố cáo giai cấp thống trị và cảm thông với nhân dân lao động thì Lý Bạch còn thua xa về chất lượng cũng như số lượng so với Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị. Ông chỉ vượt hai người này về thơ ca lãng mạn có nội dung tích cực. Đó là sở trường của ông, xưa nay chưa ai địch nổi, đúng như lời khen ngợi của Đỗ Phủ : “Lý Bạch thơ không ai địch nổi, siêu nhiên ý khác thường”.Thơ của ông thẳng cánh bay bổng như muốn thoát ly khỏi mặt đất, khỏi đời thường, xem thường vinh hoa phú quý như mây nổi, tìm chén rượu tiêu sầu, cầu tiên phỏng đạo và ngao du sơn thủy. Từ đó ông truyền cho thơ ca một hơi thở mới, một nội dung tân kỳ ít thấy trong văn học cổ điển. 

4. Giá trị nghệ thuật 
Toàn bộ tác phẩm của Lý Bạch bao gồm hai nhân tố lãng mạn và hiện thực, nhưng nói về khuynh hướng chủ đạo thì ông là bậc thầy của chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Ông có tiếp thu ảnh hưởng của Thi kinh, nhưng ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với ông vẫn là Sở từ của Khuất Nguyên. 

Trong lối tự sự, ngôn chí, thuật hoài cũng như miêu tả, Khuất Nguyên đã xây dựng được một loạt những hệ thống hình tượng sinh động, đẹp đẽ, kỳ vĩ khá hoàn chỉnh nhằm phản ánh chân thực mâu thuẫn xã hội và xung đột nội tâm. Từ đó người đọc nhận ra lý tưởng, tình cảm mãnh liệt cùng hoài bão to lớn của tác giả. “Huyền thoại hóa” có thể nói là bút pháp chủ đạo của Ly tao, Cửu chương, Cửu ca... 

Lý Bạch kế thừa Khuyất Nguyên nhưng phát huy cao hơn với tinh thần sáng tạo, cách tân. Trước hết, ông thường xuyên dùng thủ pháp khoa trương – ngoa dụ của thơ ca dân gian và trí tưởng tượng phong phú trong mọi đề tài. Ông thong qua cảnh giới thần tiên, ảo tưởng, siêu phàm để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản than, lấy chuyện ngày xưa để nói chuyện hiện tại, nhất là khi ông bày tỏ long căm ghét, phê phán, đả kích. Ông lại gửi gắm tâm hồn, tư duy của mình vào thiên nhiên. Thiên nhiên như một người bạn tri âm tri đắc, hiểu rõ nỗi long ông, an ủi, khuyến khích, giúp đỡ ông xua tan những cái xấu xa, đưa lại những điều tốt đẹp. Thủ pháp nhân hóa đó quả là mới mẻ, táo bạo, nẩy sinh từ sức tưởng tượng khác thường, đưa tình cảm sôi nổi và nguyện vọng thiết tha của nhà thơ vào đối tượng được miêu tả, khiến thơ ca giàu ý nghĩ và lôi cuốn. Ông kết hợp khéo léo các cách thể hiện tính lãng mạn như thần thoại hóa, nhân cách hóa, khoa trương ảo tưởng cùng với một thứ ngôn ngữ hào phóng để tạo nên những hình tượng nghệ thuật kỳ vĩ, biểu hiện những lý tưởng và nguyện vọng đẹp đẽ cũng như long yêu ghét mãnh liệt do hiện thực khêu gợi ra. Trong bài “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” chẳng hạn, những hình ảnh “Thiên Mụ ngang trời chắn núi xanh”, “Mây xanh xanh chừ mưa tới, nước thăm thẳm chừ khói loang”, những âm thanh “Gấu thét rồng gào suối dội vang”, “Sấm vang chớp giật, gò sụt núi tan” cùng những so sánh, ẩn dụ, nhân hóa “Rừng sâu khiếp chừ núi kinh hoàng”, “Mống làm áo chừ gió làm ngựa”, “Loan kéo xe chừ hổ gảy đàn”…tạo nên một thế giới lạ lung, hung vĩ, bí ẩn, đưa tâm hồn con người lên chỗ cao rộng, thoát khỏi cuộc đời tầm thường, nhỏ mọn hang ngày. 

Lại nữa, Lý Bạch kế thừa có phê phán, chọn lọc truyền thống tốt đẹp của thơ ca Hán - Ngụy trở về sau, đồng thời ra sức học tập thơ ca dân gian quá khứ và đương đại nên có những thành tựu trác việt về ngôn ngữ, nghệ thuật : sinh động, hoa mỹ, trau chuốt nhưng trong sang, giản dị, tự nhiên, không hề có dấu vết chạm trổ tỉ mỉ công phu, “áo nhà trời không có đường may” mà thật đẹp, thật hay. Thơ nhạc phủ của ông chiếm một phần đáng kể. Ông dùng đề mục cũ để sáng tạo ý mới, truyền lại hơn một trăm bốn chục bài. Những bìa ông tự đặt đề mà làm cũng giàu phong cách dân ca (Tĩnh dạ tứ, Việt nữ từ, Tặng Uông Luân…). Thơ thất ngôn tuyệt cú của ông – cùng với Vương Xương Linh – là thất ngôn tuyệt cú bậc nhất đời Đường, được xưng tặng là “tay thánh tuyệt cú”. Làm thơ luật ông cũng không câu nệ thanh vận, đối ngẫu, thoát khỏi khuôn khổ gò bó của niêm đối... 

Dưới ngọn bút tài hoa của ông, cảnh song núi thanh tú; cảnh chiến trường hung vĩ; vầng trăng lồng lộng theo ông mấy chục năm từ núi Nga Mi đến hồ Thái Bạch; người hiệp sĩ vung gươm làm việc nghĩa quên mình; người thiếu phụ thao thức chốn khuê phòng vò võ nhớ thương; nhà ẩn dật cao ca bên bầu rượu coi khinh hết thảy khanh tướng công hầu…hiện ra sống động và tự nhiên. Không gì ngăn trở nổi trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt của ông được. Và bất cứ đề tài nào thơ ông cũng giàu xúc động, luôn bay bổng, phóng khoáng, uyển chuyển, khó có thể liệt ông vòa một “trường phái” nhất định nào. Ngôn ngữ thơ ca của ông khi thì tung hoành mạnh mẽ như “nộ đào hồi lãng”, “Thiên mã hành không”, khi thì dịu dàng hư ảo như “huyền ngoại âm, vị ngoại vị”, các nhà thơ lớp sau khó long bắt chước được. Đến Đỗ Phủ cũng phải than phục “Bạch dã thi vô địch”, vô địch ở số lượng hơn hai mươi nghìn bài, vô địch ở chất lượng như lời Bì Nhật Hưu thời vãn Đường : “Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì long ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch”. 

(Tóm lược từ Đường thi nhất thiên thủ của Lê Nguyễn Lưu)-Lê NGuyễn Lưu

Nguồn: http://diendan.maihoatran...com/viewtopic.php?t=18869
  Trở lại chuyên mục của : Văn Hùng Đốc