VINH HỒ
(Sưu tầm & Chuyển tiếp)
 
Cây Nêu Ngày Tết
 
1. Lễ Dựng nêu, còn gọi là lễ Thượng tiêu:
 
Theo phong tục cổ xưa, Lễ dựng nêu là nghi thức không thể thiếu trong Tết Nguyên đán, khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết bắt đầu. Lễ dựng nêu vào chiều 30 Tết, Lễ hạ nêu vào chiều mùng 7 Tết.
 
-Giovanni Filippo De Marini, Linh mục người Ý đến Bắc kỳ vào thế kỷ 17 mô tả: 
Chiều hôm 30 Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở
 
-Năm Tự Đức thứ 29 [1876] chuẩn định lệ dựng nêu và hạ nêu: 
Ngày 30 Tết trồng nêu, mồng 7 tháng giêng năm sau hạ nêu, đều do Khâm thiên giám chọn giờ lành để hành lễ.
 
Lễ dựng nêu vào chiều 30 Tết: trên ngọn cây nêu có thể trang trí: liễn đối, hoa, cờ, lá phướn, 1 túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, chuông gió, hay những miếng kim loại nhỏ… khi có gió thổi... chúng phát ra tiếng... để báo hiệu cho ma quỷ biết là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.
Buổi tối, treo thêm đèn lồng để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Chung quanh gốc nêu: rắc bột vôi màu trắng thành vòng tròn hoặc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng, để trừ ma quỷ.
 
Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, chép rằng:
"Bữa trừ tịch, mọi nhà ở trước cửa lớn, đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu", có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".
 
Những vật trang trí cho cây nêu là để trừ tà, báo cho ma quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu, đồng thời cầu mong một năm mới tốt lành.
 
Cây nêu còn là biểu tượng cho uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất thì dựng cây nêu cao nhất.
 
Dưới thời quân chủ, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng do Hoàng thượng đích thân hành lễ tại Thái miếu, Thế miếu, có thể cử Hoàng tử hoặc các tước công đi tế thay. Nhưng từ năm 1837, lễ dựng nêu ở các cung điện, giao cho vệ Cẩm Y và vệ Kim Ngô làm thay.
 
Tại Kinh đô, sau khi cây nêu trong Hoàng cung dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng.
Cây nêu trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, mà còn là sự cầu chúc, gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị.
Việc hưởng Tết Nguyên đán từ hoàng cung đến dân gian hầu như đều lấy ngày dựng nêu và hạ nêu làm mốc bắt đầu và kết thúc của Tết.
 
Tại Nam bộ, Trịnh Hoài Đức trong cuốn "Gia Định thành thông chí" cho biết:
Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi, ở bên giỏ treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Đến ngày mùng 7 Tết thì hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi.
 
 
2. Lễ Hạ nêu, còn gọi là lễ Khai hạ:
 
Theo phong tục cổ xưa, Lễ hạ nêu vào chiều mùng 7 Tết, kết thúc chuỗi ngày nghỉ Tết. Sau ngày mùng 7 Tết, trở lại lao động bình thường.
 
Khi tổ chức cúng lễ Khai hạ, gia đình cần chuẩn bị mâm cơm, rượu, nhang, hoa quả, trầm trà, giọt dầu, đĩa gạo, đĩa muối, sớ, tiền vàng,... gia chủ thắp hương, khấn vái xin phép các cụ trong nhà trước, rồi tổ chức lễ cúng ngoài trời.
 
 
3. Thời hiện tại:
 
Thời hiện tại, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã bị mai một, thay vào đó, người dân thường mua hoa như: đào, mai, lan, cúc, quất, thược dược, sống lâu, vạn thọ, v.v... bày biện trong nhà, mong muốn một năm mới phát tài phát lộc, vạn sự cát tường, buôn may bán đắt...
 
Tuy nhiên, tại một số vùng xa, vùng cao, việc dựng cây nêu ngày Tết nhiều nơi vẫn còn, với ước mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, xóm làng bình yên may mắn, cùng những điều tốt đẹp trong năm mới..., cũng để hoài niệm, nhắc nhớ về một phong tục của Tết cổ truyền Việt Nam từ những thời xa xưa.  
Sưu tầm trên NET.
Jan. 20, 2022
 


  Trở lại chuyên mục của : Vinh Hồ