Những Bức Họa Mang Tên Hoài Hương
Năm ấy, khi hoa cải đã nở vàng rực, dập dìu trên những cánh đồng dọc theo triền đê sông Hồng, tôi mới có dịp tới những địa danh đã được nghe tên từ lâu: Đình Bảng, Phụng Hiệp, làng Sủi, làng Diềm và làng Thổ Hà. Với những người tới từ thành phố phương nam như chúng tôi ngày ấy, khung cảnh thật lạ lẫm so với cành quê miền Tây. Rơm rạ phơi đầy trên đê, lạo xạo dưới bánh xe, thoang thoảng mùi thơm của lúa, mùi ai ai của đất, của bùn và mùi nồng nồng của khói tỏa ra từ những nếp nhà ven triển đê. Thỏang trong hơi gió là vị mặn mòi của nước sông Hồng đỏ màu phù sa, thật khác lạ so với nhựng con sông mà chúng tôi từng đi qua.
Quê hương quan họ hiện ra trước mắt chúng tôi. Làng Diềm và làng Thổ Hà. Những cái tên thật dân dã, thật mộc mạc, những đường làng đậm chất Bắc Bộ với cổng làng, mái đình cổ kính rêu phong vào hạng bậc nhất Việt Nam, cây đa cổ thụ và bến nước trong leo lẻo bên dòng sông Cẩu, những bức tường, những bờ rào bằng mảnh sành mảnh gốm, tất cả vẽ lên một bức tranh đặc sắc không giống những miền quê khác. Phải chăng cái “khác” ấy toát ra từ linh khí của vùng đất được coi là cái nôi của văn hóa Việt tại đồng bằng Bắc Bộ ? Cái chất thô mộc, sù sì nâu đỏ của sành, của gốm chân chất như tấm lòng những người dân nơi đây. Và đêm đó, bên dòng sông Cầu, dường như những câu ca quan họ và cả ánh trăng rằm vằng vạc cũng nhuốm màu của gốm của sành, nhuốm cái hồn sâu lắng của đất, cái nồng nàn của lửa, cái thanh khiết của gió, và cái diết da của nước sông Cầu, tạo nên một miền ký ức không bao giờ có thể mờ phai trong tôi.
Như một nỗi hoài hương.
Về một miền quê không phải nơi mình sinh ra, không phải nơi mình từng gắn bó. Một miển quê thấm đẫm hồn dân tộc, nơi những người Việt xa xứ luôn đau đáu nhớ về, cho dù họ sinh ra từ đâu trên mảnh đất hình chữ S này. Một nỗi niềm của người Việt xưa và nay. Trong từng ánh đỏ, trong từng sắc nâu, trong từng câu hát giao duyên và trong những dòng sông. Chảy mãi không thôi.
Hoài hương. Một bản nhạc từ màu của nỗi nhớ.