TRẦN THÙY LINH


Giấc Mơ Non

 

Câu chuyện của bức tranh “GIẤC MƠ NON” 
 

Hôm ấy tôi được yêu cầu vẽ một bức tranh để quay trực tiếp tại Studio cho bộ phim tài liệu mang tên “ Chuyến đi màu đỏ” nói về con đường hội hoạ của mình ( Phim dành cho 1 tổ chức nghệ thuật quốc tế đóng tại HK). Khi máy quay và đèn đã sáng choang sau lưng, tôi vẫn không biết mình sẽ vẽ gì, chỉ biết sẽ vẽ gì đó có thể là hình tròn, tông đỏ. Tôi quyết định để cho tiềm thức dẫn dắt. Mắt nhắm hờ...

Và...hình ảnh bức tranh đột nhiên hiện lên từ trong bóng tối, dù lúc đó trời đang sáng. Màu đỏ nhạt hiện ra từ từ, trong một chuyển động chậm, dần gia tăng sắc độ và vận tốc. Một vòng xoáy ( spirale) với sắc màu đỏ rực của máu hiện ra, quay không ngừng trong không trung, như muốn hút vạn vật vào đó, rồi nhanh chóng biến mất. Cả quá trình này chỉ diễn ra trong vòng vài giây.

Gần như ngay lập tức, tôi vồ lấy cây bay lớn nhất, không hề quan tâm tới những gì đang diễn ra quanh mình, vẽ như điên như dại. Trong vòng 30 phút, bức tranh đã hoàn thành khoảng 60%, không có một nhát cọ nào. Sau đó vài ngày, tranh được hoàn thiện và hình ảnh của bức tranh này cũng được đạo diễn chọn làm đoạn cao trào trong bộ phim.

Trong lời thuyết minh của bộ phim ấy có đoạn:

“Rồi những con đường, bến sông, núi rừng, phố thị, đến mãi thành quen. Tôi quen dần với sự chuyển động chênh vênh giữa hai bờ ngôn ngữ và ý thức. Dù nhiều lần tôi tự hỏi, những khoảnh khắc tôi đã trải, đọng lại gì trong dòng đời mình cứ mãi luân lưu.
Cho đến một hôm, trong giấc mơ non, tôi nghe thấy thanh âm rạn nứt của một tiếng lạ đang trở mình. Từ bờ môi âm tiết ấy tràn ra ảo quang kì dị. Và trong khối sáng ấy, sắc màu vô ngôn năm xưa bỗng hiển lộ rồi cất tiếng kêu rêu...”

Điều thú vị là, lời thuyết minh này được viết cả tháng trước khi tôi vẽ bức tranh này. Và như đã nói ở trên, tôi đã thấy “tiếng lạ”ấy, thấy” ảo quang kỳ dị” tràn ra từ khối sáng đỏ ấy và dùng chúng để vẽ nên bức tranh này.

Bức tranh được tôi đặt tên là GIẤC MƠ NON. Còn đạo diễn thì đã quyết định đổi tên bộ phim từ “ Chuyến đi màu đỏ” thành “Ảo vọng”.
 

Khi tôi viết những dòng này, thì “ Giấc mơ non” của tôi đã yên vị trên bức tường phòng làm việc của vị bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Cali. Một trong những nhà sưu tập lâu năm của tôl tại Mỹ đã giới thiệu anh tới thăm Studio của tôi, sau chuyến đi khám bệnh từ thiện của đoàn bác sĩ Mỹ tại Quảng trị.

Anh nói, khi nhìn bức tranh này anh thấy ngay hình ảnh quen thuộc của trái tim, chính xác hơn là mạch chủ đang cuồn cuộn đổ máu về tim. Bức tranh chính là hình ảnh trái tim đựơc nhìn thấy qua phương pháp Doppler ( siêu âm). Và đặc biệt, là phần giữa, nơi có khoảng trống màu sậm nhất, nổi lên những hình khối dị biệt, tách ra khỏi vòng xoáy - đó chính là hình ảnh của một trái tim bị nghẽn mạch 1/3! Anh thấy quá thân thuộc, và nó hút anh một cách lạ lùng.

Tôi nổi da gà khi nghe điều đó. Với một người vẽ, có kiến thức về y học khá khiêm tốn như tôi, tất cả đều đến từ tiềm thức. Và điều “ kinh dị” hơn nữa là: anh nói điều đó khi hoàn toàn không biết tôi vẽ bức tranh ấy trong hoàn cảnh nào và tên của bức tranh là gì. Hầu hết mọi bức tranh trong Album/ Series mang tên „Deja vu- Ký ức Ảo giác“ này, đều có những câu chuyện đặc biệt riêng của chính nó như vậy. Duyên sở hữu thuộc về người mà bức tranh chọn cho mình. Người mua không chọn được tranh.

Giấc mơ non của tôi là một trái tim đã từng bị nghẽn mạch.

Và bây giờ, nó đã ở đúng nơi nó cần tới.
 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh