TRẦN THÙY LINH


Câu Chuyện Về Mãn Đình Hồng

Ngày mới vào SGN, tôi khá ngạc nhiên khi thấy tới Tết, nhà nhà đều chưng hai chậu Mãn đình hồng hoặc cúc mâm xôi trước cửa. Những chậu cây đựợc bọc giấy màu đỏ nổi bật trên vỉa hè nắng chói chang của Tết Sài gòn. Cái màu đỏ của giấy, hòa cùng xác pháo, những bông hoa tròn màu hồng, cúc mâm xôi màu vàng và cái nóng gay gắt đã làm cho cái Tết Sài gòn thật khác. Tết HN thời ấy, ngừơi ta chỉ cắm hoa và chưng cành đào trong nhà, còn trứơc cửa thì là nhiều chậu hoa khác nhau, mà có khi cũng không chưng gì. Những cây Mãn đình hồng đơn có thân cao, thẳng đuột, hoa và nụ màu hồng cánh sen, chi chít trên ngọn, có cái gì đó hơi phô phang, hơi quá, chẳng mấy hấp dẫn, cái tên lại khó nhớ, nên cũng chẳng mấy quan tâm. Vì chỉ có Tết thì Mãn đình hồng mới xuất hiện, ngày thường không thấy ai bán cây mà cũng chẳng thấy hoa. 

Tết đến rồi đi. Tết đi rồi lại đến. Năm này qua năm khác. Đều đặn mỗi năm, ngừơi Sài gòn vẫn chưng hoa trứơc cửa. Vàng, đỏ và hồng. Tết vẫn chói chang nắng. Cho tới một cái Tết năm nào chẳng nhớ, đột nhiên không còn thấy những cái cây cao ngỏng, cõng cả chùm hoa tròn trên đầu trước những cánh cửa nữa. Có cái gì đó như nuối tiếc, như nhớ nhung. Lờ mờ nhận ra hình như mình đã quá vô tình. Những khoảnh khắc như vậy, ai mà không từng trải qua? Bao nhiêu ngừơi, bao nhiêu vật đã từng tồn tại như là đương nhiên bên mình, chẳng mấy khi đựơc quan tâm. Để rồi khi vật đã mất, ngừơi đã đi, chỉ còn lại bao nuối tiếc và câu "Giá mà...". Một chút nhớ, rồi tôi cũng quên đi những bông hoa tròn ấy.

Cho tới khi gặp lại Mãn Đình hồng trong ...phòng thí nghiệm của một công ty chuyên gây giống thực vật tại Đà Lạt vào năm 2013, nói là " duyên" thì cũng không quá. Những cây Mãn đình hồng đơn và kép lặng lẽ xoè những chiếc lá non thô giáp trong phòng ươm bằng kính. Từ vị giám đốc, người đã lưu giữ gen của hầu hết các giống hoa và rau bản địa của Đà Lạt, tôi đã được biết thêm bao điều lý thú về thế giới hoa cỏ đang lặng lẽ sống và toả hương quanh ta. 

Mãn đình hồng là một loài cây khá đặc biệt. Cây dễ trồng, chỉ cần đất tơi, xốp và ẩm là có thể phát triển mạnh mẽ mà không cần chăm bón gì nhiều. Bông ra chi chít ở đầu ngọn và cây luôn vươn mình đầy kiêu hãnh lên trời cao. Nhưng cây con sẽ chết ngay khi bị bứng ra khỏi vị trí trồng ban đầu. Giống như người, khi bị mất cội rễ, có còn là người không ? Bạn có biết tại sao Mãn đình hồng lại đựơc coi là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, sung túc và viên mãn không? Khi cây kết thúc vòng đời, lá rụng hết và thân bắt đầu phân huỷ, cũng là lúc cây kết thúc quá trình tạo mầm. Từ những mầm đó, sự sống hồi sinh, vòng đời tiếp tục. Có khác nào phựơng hoàng lửa hồi sinh từ đống tro tàn. Cây Mãn đình hồng vì thế còn là biểu tựơng của sức sống mãnh liệt, luôn vươn lên. Giờ tôi mới hiểu ra rằng, tại sao Tết Sài gòn bao giờ cũng có một cặp Mãn đình hồng trước cửa. 

Chính vì những ý nghĩa mang tính biểu tượng tốt đẹp như vậy, nên hoa Mãn đình hồng rất hay được sử dụng trong logo của các của công ty, cửa hàng sản phẩm quần áo cho mẹ và bé, là motive decor cho đồ vải gia đình và giấy dán tường. Trong hội họa, Mãn đình hồng đã luôn là motive và nguồn cảm hứng bất tận trong những bức tranh tĩnh vật Âu châu. Không thể không kể tới dòng tranh nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật mang tên gọi Flemish Paintings, xuất phát từ vùng Flanders của Bỉ và lan sang Pháp, Hà lan... trong suốt các thế kỷ từ 15 tới 17, trong đó Mãn đình hồng là chủ thể trong nhiều bức hoạ tĩnh vật lộng lẫy.

Vào đầu tháng 5.2017, tôi đã thực sự may mắn khi gặp lại cả Mãn đình hồng đơn và kép tại Đà Lạt. Như gặp lại cố nhân, như gặp lại những cái Tết xưa đừơng Sài gòn hồng xác pháo, gặp lại những mắt hồng, mắt đỏ, mắt trắng chi chít treo trên trời xanh trong veo đang nhìn xuống. Gặp, để quan tâm tới những gì giản dị tửơng như một đời bỏ lỡ.

Và đó là nguyên nhân để series Mãn đình hồng 2017 của tôi ra đời. 












  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh