TRẦN THÙY LINH


Sen

Đây là một trong bộ ba bức tranh khổ nhỏ trên một chất liệu vốn rất không truyền thống là Hợp kim nhôm, không có tại các cửa hàng hoạ phẩm ở Việt Nam, cũng như hiếm người vẽ lên chất liệu này.

Sau vài chuyến đi nứơc ngoài tìm kiếm, sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, tôi mới có thể vẽ lên chúng và khá hài lòng với độ bám dính của sơn dầu trên bề mặt trơn láng này. Sở đoản lại chính là sở trường, bề mặt bóng láng đã góp phần tạo nên những cánh hoa mỏng tang lấp lánh ánh bạc của kim loại, bên cạnh kỹ thuật vẽ hoa chân dung cánh mỏng, vốn là phong cách của tôi.



Sen & Papyrus ( Sold)

Đây là một trong hai bức tranh khổ lớn trên giấy Papyrus ( Giấy cói sông Nile) tôi mang về từ chuyến đi Ai cập. Giấy cói khổ nhỏ thì sẵn, nhưng tôi không thích, nên một họa sĩ Ai cập, bạn tôi đã phải lùng sục hết các cơ sở giấy ở Cairo, mới có thể mua cho tôi hai tờ khổ lớn hiếm có, đủ để vẽ 2 bức tranh 60x80 cm.
Papyrus (cyperus papyrus) là tên loài cói giấy (giống thủy trúc) mọc nhiều bên bờ sông Nile. Kỹ thuật làm giấy này đã có từ thời Ai cập cổ đại. Sau khi xẻ phần ruột trắng thành những sợi mỏng dài, đập dập và ngâm trong nước từ ba đến bảy ngày. Những sợi dài được vớt ra sau khi ngâm và đặt chồng ngang dọc, lồng vào nhau giống như ta đan một tấm nan tre. Những sợi cói đựơc đập thật mỏng để chất keo trong sợi cói tiết ra như một chất kết dính thành một tờ giấy phẳng. Sau đó ép giấy nhiều ngày dưới một phiến đá nặng và cuối cùng dùng một con lăn nặng đè qua tờ giấy giúp cho bề mặt được nhẵn hoàn toàn.
Thường thì các HS Ai cập hay dùng màu nước, Gouche, bột màu để vẽ lên giấy Papyrus, ít thấy ai vẽ sơn dầu. Giấy này cũng thích hợp để vẽ hoạ tiết, chi tiết hình hoạ hơn là dùng mảng miếng. Vậy nên tôi muốn thử xem, chất liệu sơn dầu và kỹ thuật vẽ hoa cánh mỏng của mình liệu có thành công trên bề mặt xù xì và thô ráp của những sợi cây cói hay không. Cảm giác đầu tiên khi lướt cọ trên mặt giấy là cảm giác giống như đang vẽ trên gỗ hơn là vẽ trên giấy. Bề mặt này cũng “ ăn” sơn hơn nhiều so với gỗ. Nhưng, cũng nhờ thế mà các màu dường như sâu hơn, nhất là màu xanh Egyptian Blue & Green. Những sớ cây trên mặt giấy tựa hồ như những con sóng mà tôi và những bông sen phải vượt qua. Nhờ những đường “sóng” này mà bông sen như đang trên cạn, đồng thời cũng như đang dưới nước - hợp với dụng ý đề tài bức tranh. Toàn bộ quá trình vẽ là một trải nghiệm - một hành trình thú vị -, mà chất liệu sơn dầu trên toan/ bố/ giấy thông thường không có được.


Sen Trắng

Theo truyền thuyết Hindu, thần Vishnu ngủ trên một nguồn nước vào đêm trước khi thế giới hình thành. Trong cái đêm khai sinh lập địa đó, từ rốn của Ngài đã mọc lên một bông sen trắng. Từ bông sen đầu tiên trong hỗn mang đó, thần Brahma xuất hiện với nhiệm vụ sáng tạo ra một thế giới mới. Và như thế, bông hoa sen trở thành hình tượng biểu trưng cho vũ trụ. Hình ảnh bông sen vươn mình lên trên mặt nước được so sánh giống như trái đất tách mình ra khỏi hỗn mang cách nay triệu triệu năm. Tôi đã bị thuyết phục bởi câu chuyện ấy.
Không phụ thuộc vào tín ngưỡng, bông sen trắng đã luôn là vũ trụ trong mắt tôi. Những bông sen thật lớn có rất nhiều lớp cánh trắng mỏng manh trong suốt như thuỷ tinh, xếp chồng lên nhau, đa nguyên như sáng tạo mà nhất nguyên như vũ trụ.
Những bông sen như đi ra từ tiềm thức, là sự gợi nhớ về thời xưa đẻ đất đẻ nước, khai thiên lập địa của loài người, đã qua triệu triệu năm rồi….
 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh