Bạch Lộ

Ảnh: Nguyễn Ngọc Danh
Lời cảm nhận: Trang Đỗ

 
Lời thi ca, trong hình minh họa, thường xuyên qua cảnh tượng đi sâu vào không gian của tiềm thức. Cảnh giới ấy huyền ảo như ẩn hiện trong bầu sương mù của buổi sáng thu. Tuy màn sương mơ hồ như làn khói, nhưng đủ thấm ướt những hạt mầm trong tim người xem, nở ra cả rừng ngôn ngữ triền miên vô định. Ngôn ngữ vô thanh, thì thầm trong tâm mỗi người, thốt ra cho những hoài niệm và nuối tiếc, trần tục và siêu việt, thiên nhiên và huyền thoại…  
Danh Nguyễn đã làm cả hai việc, thi sĩ và nhiếp ảnh gia, để làm triển nở những hạt mầm cảm xúc trong tâm độc giả. Ông đưa ra hình ảnh con cò trong đêm kèm theo một khổ thơ tứ tuyệt. Cò trắng đơn côi bên bờ nước tối rất gần với ý thiền, nhưng ý của bài thơ thì không. Thơ ông không nằm trong trường phái Baku (Bài cú) hay Waka (Hòa ca) của Nhật, nhưng lối cảm nhận về tâm đạo thì cũng như vậy.
 
 
Đêm qua, một cái gì đó trong tâm tư, mà cò trắng là biểu tượng, đã thoát ly. Hôm nay, cố gắng lục lọi trong cõi mênh mông để tìm kiếm những di tích còn lưu giữ. Hoài công. Chợt nghe thấy tiếng vọng từ minh triết: dĩ vãng là dĩ vãng. Dù nó đẹp thế nào nó cũng đã “mất rồi”. Tác giả tách rời hai chữ “mất rồi” khỏi khổ thơ như lời kết. Tình cảm thì nuối tiếc, nhưng tâm đạo thì tỉnh thức.
Nếu ngừng ở đây, chúng ta thấy Danh Nguyễn ca tụng hiện tại, đề cao hiện sinh, một đức hạnh của đạo. Những vấn đề đã qua và sẽ đến chỉ là những diễn biến luẩn quẩn của thế giới hiện tượng hữu sinh hữu diệt. Chạy theo nó là mắc vào cạm bẫy của vong thân. Cái mà tâm đạo cần là sống trọn vẹn trong ý thức “đang là”. Nó đang có ở đây và ngay lúc này.
Tuy nhiên, nhận xét trên chỉ là cảm xúc chợt đến cho người đọc. Tấm hình thứ hai mới trình bày trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm. Cò là Mị nương, một biểu tượng cho người con gái Việt của nền văn hóa lúa nước.



Không ai nuôi cò trong lồng. Khi cò sổ lồng không ai đợi đến sáng hôm sau mới đi tìm. Mà lại tìm cò nơi  cánh đồng mênh mông bát ngát. Như vậy tìm chỉ để được một mình chìm trong nỗi nhớ, vì mình biết rõ không thể tìm thấy.
 

Lồng nhốt cò chính là khung lịch sử cố định. Khi cánh cửa thời gian của thời đại cũ đóng lại, sức cưỡng chế của thời đại mới cày bật gốc những gì cản đường nó. Giá trị Mị nương thời Văn Lang bị trút bỏ.
Ai là người Việt thuần túy mà không biết con cò. Cò bay trên cánh đồng, mò cá ở ven sông, co ro nơi vũng cạn, hiện diện trong ca dao, linh động trong thơ và họa… Cò biểu tượng cho người phụ nữ Việt với đức tính chăm chỉ, hy sinh, tần tảo nuôi con cái. Màu trắng của cò tượng trưng cho sự trong sạch, đạo đức, và thanh tao của họ. Vô hình trung cò là biểu tượng đặc thù của tình tự dân tộc. Lớp người lớn tuổi như chúng tôi, sinh ra và lớn lên trong sự góp mặt của cò. Chúng tôi lãnh hội được cái biểu thị của nó.



 
Thiên nhiên không biết nói dối vì thế hình của cò, dù người chụp trình bày thế nào, nó luôn luôn đúng với một hướng nhìn tâm tư nào đó. Ở đây, Danh Nguyễn trực giác về bản thể cốt tủy của dân tộc. Ông không cho chúng ta nhìn thiên nhiên với cái nhìn thường nghiệm. Hình ảnh Mị nương vẫn nằm trong tiềm thức của mọi người. Vì vậy thấy cò co ro bên vũng nước, đúng như dáng cò trong trí nhớ, tâm hồn Việt nở ra trong khung cảnh cũ. Cảnh mà chúng ta tưởng đã quên, bỗng thấy vẫn còn đó, y nguyên, với mọi chi tiết. Tâm chúng ta trào ra những kỷ niệm. Trí óc chúng ta không vận hành một tư tưởng nào, vì trí óc không khám phá ra điều gì mới, chúng ta chỉ trở lại với những gì đã có. Cảnh trong hình không phải là một biến cố nên không có câu hỏi nào đặt ra. Khi không có câu hỏi thì cũng không có câu trả lời, và cũng chẳng ai cần câu trả lời. Tất cả những gì muốn biết đều nằm sẵn trong ý thơ và tấm hình. Rồi chúng ta thấy lòng mình chìm vào cảnh, gắn bó mật thiết với thơ, trong sự sâu thẳm của cảm xúc. 
Khoảng thời gian đứt đoạn của lịch sử, rốt cuộc, chỉ như một giấc ngủ đêm qua. Bóng đêm là thế giới của tâm hồn. Trong bóng đêm tâm hồn chúng ta gặp lại những người trong giấc mơ ẩn khuất trong dòng lịch sử. Mị nương gọi ta, cùng xuôi một chuyến đò, để về chốn xưa.
Rồi cánh trắng soải ra bay đi, ôm lấy niềm tâm tư của một giấc mơ không bao giờ tắt.





  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Ngọc Danh