TRẦN THÙY LINH
CHỐN THẦN TIÊN HỒNG HẠC
FLAMINGO LAKE
FLAMINGO LAKE
“…Đi mãi, đi mãi theo ven hồ, vẫn chưa tới giữa vòng. Không có đường mòn, bước chân đạp lên cỏ, hương Paramela nồng lên, thơm ngát. Đôi giày dần thấm nước của sương, của cỏ, và của nứơc hồ từ khi nào không biết, thì bắt đầu thấy những chấm đỏ hồng trước mặt. Hồng hạc. Tôi đã từng có dịp ngắm hồng hạc ở những khu Bảo tồn ở Úc, ở Tanzania, nhưng từ xa tít tắp. Phần lớn các khu Bảo tồn động vật hoang dã ở nhiều quốc gia đều không cho phép lại gần những bầy thú và chim, vì sợ ảnh hưởng tới môi trường và tâm lý của chúng và cũng là đảm bảo an toàn cho du khách. Ở vùng hồ này, chúng tôi cũng không dám lại gần, vì sợ đàn Hồng hạc sẽ sợ hãi mà bay mất. Một đàn hồng hạc đang nghỉ trưa trên mặt nước.
Ở Tanzania tôi đã nghe bạn hướng dẫn cũng là Thạc sĩ về Động vật hoang dã giải thích lý do tại sao Hồng hạc hay đứng một chân. Loài chim này mất nhiệt nhiều nhất ở chân và bàn chân của chúng, nên việc co chân lại gần cơ thể sẽ giúp chúng giữ ấm được tốt hơn. Khi thời tiết ấm hơn, chúng sẽ đứng bằng hai chân trong nước. Mặt khác, cơ thể hồng hạc đã đạt tới độ tiến hóa để tự "cố định" chân như một trụ vững chắc, giúp chúng tiết kiệm được năng lượng, giống như ngựa luôn ngủ đứng hay dơi ngủ trong tư thế treo ngược vậy.
Hồng hạc, loài chim cao cẳng chân dài mang tên “Flamingo” có nghĩa là “màu của lửa” vì bộ lông vũ màu hồng của chúng. Dù đó là đặc điểm nổi bật nhất, nhưng bộ lông màu hồng của loài chim này lại không phải là đặc điểm di truyền. Trên thực tế, chim con sinh ra có bộ lông màu xám. Màu hồng của chim Hồng hạc tới từ sắc tố beta carotene có nhiều trong thức ăn như tảo, ấu trùng, các loại giáp xác… trong môi trường đầm lầy nơi chúng sinh sống. Có thể nói, sắc hồng của chim hồng hạc khác biệt nhau dựa trên môi trường và nguồn thức ăn. Bầy hồng hạc tôi thấy ở Tanzania có màu hồng rất nhạt, có cả những con trắng. Ở Úc là những con hồng hạc màu hồng nhạt có những vệt lông đỏ. Còn Hồng hạc ( Sếu đầu đỏ) ở Tràm chim, Đồng tháp lại là những con chim lông xám, có cần cổ đỏ rực và chân đỏ hồng. Hồng hạc luôn sống theo đàn, từ vài chục tới hàng ngàn con.
Đàn hồng hạc hôm nay ở hồ Flamingo là một đàn nhỏ, chắc chỉ khoảng trên dưới 100 con. Bên những con hồng hạc đang ngủ, còn có một bầy thiên nga cổ đen, những con vịt trời màu xám đang kiếm ăn ven bờ hồ phía bên kia. Dù vẫn ở khá xa, nhưng chúng tôi cũng gần như nín thở. Trong khung cảnh tĩnh lặng, bình yên và êm đềm ấy, bất kỳ tiếng động nào của con người cũng là sự xâm phạm đầy thô bạo. Đột nhiên tôi nghe tiếng đập cánh rùng rùng. Từ phía những dãy núi, một đàn ngỗng trời khá lớn đang bay tới, ngang qua chỗ chúng tôi đứng. Những cái cánh trắng,đen sải rộng, mềm mại đập giữa không trung. Những cần cổ lao về phía trước, thật dũng mãnh. Cả vùng trời đất núi non bỗng bừng tỉnh, lao xao cùng tiếng chim, tiếng đập cánh của ngỗng trời, thiên nga và vịt trời. Bị đánh động, đàn hồng hạc cũng bừng tỉnh và tung cánh bay.
Không còn những đốm tròn hồng trên mặt nước nữa, những cái cánh đỏ hồng sải rộng, in bóng trên nền núi đã đổi qua màu tím than vì một đám mây lớn đang lưới qua đỉnh, in bóng trên mặt hồ cũng đang dần sẫm lại. Ngây dại đến vài giây - tôi không biết dùng từ gì để miêu tả khung cảnh ấy. Khi tôi đủ bình tĩnh để chụp và quay thì những cánh chim gần nhất đã bay xa hơn.
Không có sự tiếc nuối theo lệ thường. Những tấm ảnh đẹp nhất, cũng như những cánh chim đẹp nhất đã in sâu trong tâm trí tôi, và sẽ đi vào tiềm thức, như vốn dĩ những điều tốt đẹp nhất mà các chuyến đi luôn mang lại cho tôi. Và tôi vẫn còn những tấm ảnh bấm vào thời khắc sau vài giây đầy xúc động ấy. Không có ống chuyên dụng chụp chim, có thể đây không phải là những tấm ảnh đẹp nhất về kỹ thuật, ánh sáng, độ nét, bla bla… về một đàn chim, nhưng là những tấm ảnh tràn đầy cảm xúc của ngày hôm nay với riêng tôi….”