Dấu Ấn Của Thu
Mùa thu đang để lại dấu ấn khắp nơi. Khi mùa thu hoạch nho vừa qua đi là tới mùa nấm, mùa bí đỏ và hoa cúc. Trên những nẻo đường thôn quê nước Đức hoa cúc dại đủ màu đong đưa. Bước đi trong rừng ngát mùi gỗ thông và hương nấm. Trekking mướt mồ hôi nhiều km mỗi ngày trong rừng, để có được bộ sưu tập kha khá về ảnh nấm, lá thu và những con đường. Trong các nhà hàng người ta chào món Lasagne hay Mì dẹp ( Bandnudel) với sốt nấm đá tuyệt hảo ( Steinpilz,còn gọi là nấm thông vua - Penny Bun). Chưa ở đâu được ăn những thân nấm dày, thịt dai, chắc, thơm và tươi như thế. Hương của nấm hoà cùng mùi của vang trắng, trộn cùng vị béo của váng sữa, pho mát Parmesan, bùi của hạt thông... khiến món mì vùng Pfalz thật ngon khó cưỡng.
Nhưng, Nấm càng rực rỡ càng độc nhé. Ngày xưa khi đi học quản lý khách sạn nhà hàng tại Muynich, được các thày giáo ngành ẩm thực dẫn vào rừng hái nấm và dạy cho các phân biệt nấm độc. Mỗi khi đi rừng đều mang theo một chai sữa tươi nhỏ để kiểm tra. Gặp nấm, nhỏ lên mũ của nó, sữa bị vón cục mà vẫn hái, thì ăn xong gọi cấp cứu là vừa. Thời ấy, mỗi lần ra khỏi cửa rừng đều phải ghé qua ngôi nhà gỗ của người gác rừng, chìa giỏ nấm lặc lè có khi tới 5-7 kg cho bác ấy kiểm tra. Chắc chắn không có nấm độc trong đó, mới được phép xách giỏ về.
Bao kiến thức xưa đã theo lá thu đi gần hết rồi , chỉ còn nhớ đại khái rằng Nấm độc là loại:
- có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc
- thân mầu mè, thừơng là hồng, đỏ, xanh, tím....có vẩy trắng, sợi nấm có thể phát sáng trong bóng tối
- Trên mũ có những hạt nổi hay vằn màu, có rãnh, vết nứt...
- Độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu
Mấy hôm nay đi rừng gặp đủ hết, cũng tới hơn 10 loại: nấm độc tán trắng, nấm mũ khía, nấm tán bay (đỏ), nấm mũ đầu lâu (nâu), nấm thiên thần (trắng), nấm mũ tử thần cam, vàng, tím, đen.... Nhìn những sắc nấm trong sắc thu hôm nay, bỗng thấy nhớ quá những ngày xưa.