TRẦN THÙY LINH

Chùa Bổ Đà

Thứ nhất là chùa Đức La,
Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng“

( Đức La-Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Kim Tràng)

Bắc Giang và Bắc Ninh quả là vùng đất đậm chất truyền thống Việt với hệ thống đình, chùa, đền cổ xưa, tiêu biểu cho văn hóa và tín ngữơng của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Chùa Bổ Đà (người địa phương quen gọi là chùa Bổ) xưa có tên là Quan Âm tự nằm trên lưng chừng núi Bổ Đà ở bờ Bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Wikipedia thì chùa có từ thời Lý thế kỷ 11 và được trùng tu vào triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (Đức la), chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo của Bắc Giang, thuộc thiền phái Trúc Lâm, thờ Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Xưa kia, Hương Tích và Bổ đà là hai đạo tràng thờ Quán Thế Âm lớn nhất gần kinh thành Thăng long. Bổ Đà là tên viết tắt của Bổ Đà Lạc Gia đọc trại từ tiếng Phạn "Potalaka", có nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện để cứu độ chúng sinh.

Phải tới hai lần tìm kiếm, tôi mới thăm được ngôi chùa cổ kính nghe danh đã lâu. Con đường ngoằn nghèo qua xóm làng nằm giữa những ruộng lúa dẫn tới chân một quả đồi phủ đầy cây xanh. Ngôi chùa có lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” với gần 100 gian liên hoàn, mang một vẻ u tịch, thanh vắng hiếm thấy, kể cả so với những ngôi chùa cổ khác ở miền Bắc.

Trên diện tích hơn 50 ngàn m2, Quần thể chùa Bổ là một tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Khuôn viên gồm ba khu : nội tự, vườn tháp và vườn cây ăn trái. Không có nhiều chùa có được một khuôn viên rộng lớn, lại trải dài trên triền đồi như vậy. Lưng tựa vào núi, góc nhìn xuống làng mạc và ruộng lúa, chùa Bổ là một ngôi chùa đã cổ lại tuyệt đẹp. Có cảm giác như cánh rừng kia đang dang tay ôm trọn lấy khuôn viên của ngôi chùa. Ngày nay không còn vết tích gì của một cánh rừng hoang vu rùng rợn xưa kia ( TK9,10), khi nơi này được đặt tên là rừng „,Trời ơi“, vì những tiếng kêu được cho là của những oan hồn bị giết khi kẻ cướp còn hoành hành trong rừng. Ngôi chùa được xây dựng tại đây đã trả lại sự bình yên và thanh vắng cho núi rừng.

Gây ấn tượng mạnh đầu tiên với du khách là bức tường cổ từ thế kỷ 11 bao quanh chùa, bên ngoài là rặng tre xanh bao vòng quanh như hàng rào bảo vệ. Con đường nhỏ dẫn vào cổng chùa như bước ra từ một chuyện cổ tích nhờ hai bờ tường đất phủ đầy rêu. Tường ở đây được làm bằng đất nện theo lối trình tường, cao hơn một mét rưỡi, dày chừng nửa mét. Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày giã nhuyễn tới khi khô thì dỡ khuôn, Từng lớp cao khoảng 40cm được chồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành một khối tường cao vững chắc.

Bước qua nhiều cánh cổng có mái ngói rêu phong mang dấu ấn thời Lê là vào nội tự chùa. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi thấy một sắp đặt những bình gốm đủ loại bên một bức tường khác bằng gạch nung, ngói và tiểu sành vô cùng độc đáo. Gần đó là hai giếng nước có mái, phủ đầy rêu được cho là có cùng niên đại của thời lập chùa. Ngoài ra, không thể không nói đến kiến trúc cảnh quan trong nội tự và khuôn viên chùa, những lựa chọn và sắp đặt vô cùng tinh tế của cây, hoa, đá và nước, khiến Phật tử và du khách thực sự tìm thấy sự an nhiên tự tại trongkhông gian linh thiêng mà thanh tao, đậm chất thiền của nơi cửa Phật.

Tôi chưa từng thấy một vườn tháp chùa nào ở Việt nam đẹp và lớn như ở chùa Bổ Đà. Gần 100 ngôi tháp bằng gạch nung xếp hàng, xếp lớp theo những nguyên tắc của Thiền tông. Chỉ các tăng ni thuộc dòng Thiền Lâm tế được tàng lưu tro cốt tại đây. Tháp có bông sen trên ngọn là của ni, tháp có bình cam lồ là của tăng. Chùa Bổ đà là một trong những trung tâm lớn của dòng thiền Lâm Tế nên hằng năm có rất đông tăng ni từ nhiều nơi về tham thiền.

Tại chùa còn có rất nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm. Ngoài hệ thống tượng Phật theo thiền phái Trúc Lâm, còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án (tòa Cửu Long), hai cây đèn gỗ thời Lê, chuông đồng niên hiệu Tự Đức, mõ cá dài trên mái…. Đặc biệt bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam (khoảng 300 năm) được khắc trên 2.000 tấm gỗ thị vẫn còn khá nguyên vẹn, hiện đang được lưu giữ tại chùa.

Những chuyến hành hương về các ngôi chùa cổ xưa nhất Việt Nam không hẳn chỉ là để đi lễ Phật, mà còn là những kiếm tìm về cội nguồn, về những giá trị văn hoá, lịch sử và tâm linh dân tộc. Tôi luôn cho rằng, không thể ra được biển lớn, chinh phục được những con sóng bạc đầu, nếu như không thấu hiểu được mình là ai và tới từ nơi đâu.


(Tháng 4. 2016)
 



























 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh