TRẦN THÙY LINH


HỒ KRONG NO,
ĐAM RÔNG, LÂM ĐỒNG

 
Sông Krong No dài 156km, bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin (cao hơn 2000m) có một hành trình dài chảy xuyên qua ba tỉnh Đắk lắc, Đắk Nong và Lâm đồng, nhập cùng sông Krong Ana tạo thành dòng Serepok huyền thoại. Tại địa phận huyện Đam Rông, Lâm đồng, con sông mang lại nguồn sống cho các bản làng K’Ho, M’Nong...nhờ phù sa hai bên bờ. Xanh mướt mải là những nương dâu, vườn điều, rẫy cà phê dọc theo dòng sông thuộc các xã Đạ Long, Đạ Tông và Đak Mrong. Cách suối nước nóng Đạ long vài Km là hồ Thuỷ điện Krong No 3, hình thành vào năm 2016.
Đã 10 năm rồi tôi chưa có dịp trở lại Tây Nguyên. Nói tới Tây nguyên thì ta thường chỉ hay nhắc tới Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum, hay thêm nữa là Măng đen. Vùng Nam Tây nguyên này hoàn toàn xa lạ đối với tôi, nhất là Đam Rông, có lẽ ít nghe nhắc tới nhất trong các huyện thuộc tỉnh Lâm đồng.Đam Rông là huyện nghèo vùng núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng trên trục đường Quốc lộ 27 từ Lâm Đồng đi Đăk Lăk. Đa số diện tích ở đây là đất lâm nghiệp.
Vậy nên tôi cứ ồ lên, khi anh dẫn đường người K’Ho chỉ cho xem những cây Kơ-Nia hay cây Bằng lăng rừng cổ thụ trên đường đi. Hoá ra cây bằng lăng rừng chính là cây Sang lẻ mà tôi hay đọc trong những cuốn sách về chiến tranh ở Tây Nguyên khi xưa. Những cánh rừng Sang lẻ nay đã thành cổ tích rồi. Nghỉ chân dưới một gốc cây đôi, lớn bằng mấy vòng tay người ôm, bỗng thấy mình quá bé nhỏ giữa thiên nhiên. Bằng lăng rừng ở Đam Rông đa phần màu trắng, thỉnh thoảng cũng thấy vài cây hoa tím. Hoa bằng lăng rừng khác hẳn loài hoa bằng lăng nước ta thường gặp ở các đô thị và đồng bằng. Hai màu trắng tím nhạt đan xen, cánh nhỏ và hoang dại hơn nhiều. Đứng dưới gốc cây, ngửa mặt chỉ thấy gốc cây trắng mốc cao vút. Thấy mây, thấy những tán hoa trắng muốt nhỏ xíu như đàn chim đang ríu ran trên đầu. Nghe tiếng chim, tiếng lá, tiếng trời lao xao.
Từ bao giờ không biết, tôi đã luôn mê hồ trên núi. Ở châu Âu, Úc, Mỹ hay châu Á, những khu hồ trên núi luôn là lựa chọn ưu tiên trong các điểm đến của tôi. Ở Việt Nam cũng có quá nhiều vùng hồ đẹp, có đôi khi những vùng hồ chứa nước của các công trình Thuỷ điện còn đẹp hơn nhiều hồ tự nhiên. Hồ Krong Nô không lớn và kỳ vĩ như hồ Tà Đùng ( Đăk Nong) hay Ba Khan (Hoà Bình). Nhưng cũng như những hồ thuỷ điện khác, hồ sâu thăm thẳm, nước hồ trong vắt, không ô nhiễm, có thể nhìn thấy tôm cá bơi tung tăng ven bờ. Và Krong Nô có một vẻ duyên dáng rất riêng. Charming - theo kiểu gì đó rất khó lý giải. Có thể do sự kết hợp của những doi cát đỏ nhô ra mặt nước biếc xanh. Cũng có thể do hệ thực vật còn khá hoang sơ trên những bờ hồ mấp mô và trên những bán đảo nhỏ. Tre, trúc, lau sậy, cây rừng... xen lẫn những vườn điều làm cho vùng hồ ngát một màu xanh. Cùng mây, cùng khí, cùng nắng và gió, cả vùng hồ Krong Nô là một bức bích hoạ, cho tôi được là một phần trong đó.
Tôi lại thấy mình may mắn, khi đi vào đầu hè mà luôn gặp những vạt lau đang nở bông. Những loài cỏ dại, những gốc cây cháy khô vì nắng, bụi cây đang đâm chồi...,không hiểu sao thu hút tôi gấp vạn lần so với những vườn hoa muôn màu vạn sắc được chăm chút cắt tỉa cẩn thận. Lại nhớ lời bậc Hoà thượng cao niên căn dặn - mà cũng như đã vận vào số kiếp mình -: “ Khi đi, hãy nhìn dưới chân”. Câu nói giản dị, mà phải dành suốt đời, đi hết vạn chuyến, mới có thể thấu hiểu ý nghĩa thâm thuý mà thày ban. Ở nơi này, giữa bao la cao nguyên, bên mặt nước xanh, tôi càng thấm thía.
Hồ Krong Nô, một sáng tháng 4 đã đi vào trong tôi như thế. Bồng bềnh như mây. Đậm sâu như nắng. Và mênh mông. Xanh.

 








 
 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh