TRẦN THÙY LINH


Những Khuôn Mặt Trẻ Thơ


Những khuôn mặt trẻ thơ ... luôn thu hút tôi trên những nẻo đường đất nước. Những thiên thần luôn rộng rãi ban phát ánh mắt và nụ cười cho tất cả mọi người....

Khi viết những dòng này, đột nhiên tôi lại nhớ tới một câu nói của Pablo Picasso đại ý là : Mỗi đứa trẻ bẩm sinh đã là nghệ sĩ, nghệ thuật chỉ là, làm sao vẫn thế khi đã thành người lớn.

Làm sao vẫn thế khi đã thành người lớn ?

Trên quãng đường đời, từ khi sinh ra, trải qua tuổi thơ, đi qua tuổi trẻ, rồi dần già đi, bạn đã làm rơi rớt bao nhiêu thứ trên đường ? Có quá nhiều điều để quan tâm, có quá nhiều thứ phải để mắt, cơm áo gạo tiền, con cái, gia đình… và phương châm sống của hầu hết chúng ta:“ Có thực mới vực được đạo“, đã làm ta quên đi biết bao thứ mà ngày còn là đứa trẻ, ta đã say mê, đã ngưỡng mộ, đã thử làm. Có phải những cái „thực“ bây giờ là những cái cụ thể đáng quan tâm hơn? Còn những gì không cân đong đo đếm đựơc, thì ta liệt hết vào lọai „ ảo“ và chỉ để tâm tới, „ nếu có khả năng, điều kiện và môi trường“, phải không ?

Tôi đã gặp rất nhiều người, rất quan tâm tới cái „ thực“, thành đạt, danh tiếng và giàu có, nhưng vẫn không hề coi nhẹ cái „ảo“. Họ vẫn dành thời gian trong quỹ thời gian quá eo hẹp của mình để nuôi dưỡng đứa trẻ trong tâm hồn mình. Giữ lấy một phần như giữ lấy bản ngã trong trẻo, thơ ngây, như một góc riêng tư, tạo sự cân bằng giữa những xô bồ thực ảo lẫn lộn. Nhờ đứa trẻ ấy mà họ thành công hơn trên con đường của người lớn.

Tôi cũng gặp nhiều người, không hẳn là thành công trong cái „thực“, ít nhất là theo những gì người đời thường gán ghép và gọi như vậy là thành công, Những người lớn bình thường. Trong họ cũng có những đứa trẻ. Nhờ chúng mà họ ý thức được khả năng của mình và tự thấy hài lòng với những gì đang có, một sự hài lòng giữa những xô bồ thực ảo lẫn lộn.

Tôi đã gặp nhiều đứa-trẻ-không-bao-giờ-lớn. Những người lớn rất đỗi trẻ con trong đời thường, thơ ngây giữa những cái „thực“ mà đa số người lớn khác coi là quan trọng. Những đứa trẻ ấy dùng những công cụ của nghệ thuật để bày tỏ suy nghĩ trăn trở về đời sống, xã hội và nhân tình thế thái một cách không hề trẻ con. Những người biết cách nuôi dưỡng và giữ gìn trọn vẹn cái bẩm sinh của trẻ thơ. Người ta gọi họ là những nghệ sĩ.

Hạnh phúc là gì, đôi khi ta hay tự hỏi.

Là sự cân bằng giữa cái được và mất?

Là sự hài lòng với những gì mình có được?

Hay là sự hiến dâng trọn vẹn cho nghệ thuật để được sống thật với bản chất của mình?

Hãy lắng nghe những đứa trẻ.
 










  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh