NGUYỄN AN BÌNH
CÒN ĐÓ TÓC LAU TRẮNG
BAY QUA TRẦN GIAN
Còn đó tiếng chim hót
mênh mang trôi theo triền sông
Phất phơ ngọn cỏ úa
in tường ngói rêu phong
Quê nhà xa rất xa
khóc bao mùa trăng xưa cũ
Không bước ai về
sợi khói nhạt nhòa soi bóng đèn chong.
*
Còn đó lá phơi nắng sớm
reo giòn ngoài hiên
Hạnh phúc tìm đâu
những giây phút bình yên
Người đi tìm nhớ
gối sầu lên màu tóc rối
Một nửa đời người
chìm nổi thao thức triền miên.
*
Còn đó em ngủ
trong giấc mơ hiền ngoan
Vết thương nằm im
đau ngọn gió em vừa mang
Góc phố người qua
nhớ mây ngàn quê cũ
Ngày về ngày về
cây đã rũ tàn trong vườn hoang.
*
Còn đó còn đó
Tóc lau trắng bay qua trần gian...
7/10/2021
CUỘC THÁO CHẠY TỪ MIỀN ĐẤT HỨA
Những dòng xe đoàn người lại ào ạt ra đi
Khi đất Hứa không còn bao dung họ nữa
Theo những ngày mưa dông những đêm chớp lửa
Vắt kiệt lòng người chút hy vọng mỏng manh.
Một cuộc chia ly làm xám cả trời xanh
Không thể trụ lại cho qua thời khốn khó
Người về miền Tây qua sông Tiền, sông Hậu
Kẻ ngược lên rừng dạt Đắc Lắc, Kon Tum.
Miền thùy dương gió cát bạn trở ngược ra Trung
Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi
Cuộc tháo chạy kinh hoàng như chưa từng thấy
Trận đại dịch hoành hành tan tác lòng dân.
Lịch sử đã bao lần qua thảm cảnh nầy chăng
Xin được cảm ơn những tấm lòng thơm thảo
Gởi theo ổ bánh mì chai nước mùi mồ hôi đẩm áo
máu chảy ruột mềm câu muối mặn gừng cay.
Gieo neo cuộc đời câu nhơn nghĩa cho vay
Theo dấu chân người ra đi tìm về quê cũ
Biết quê nhà có bao dung cùng người cố xứ
Hạt gạo dĩa rau trong hai tiếng đồng bào.
Mẹ khóc chờ tin con biết ở phương nào
Lo thắt thỏm vợ trông tin chồng ra trước cửa
Tôi chợt thấy lòng mình nát như dao cứa
Người dân tôi sao cơ cực đến vô cùng
Lần ra đi nầy lòng héo hắt muôn trùng
Rơi nước mắt bạn không hẹn ngày trở lại
Miền đất Hứa vẫn xám một màu tê tái
Đường về nhà sao thăm thẳm chiều rơi.
Đường về nhà sao xa quá mẹ ơi!
4/10/2021
Ghi chú: Sau ngày thành phố có lệnh nới lõng giãn cách 1/10, nhiều cư dân lao động đã ào ạt lên đường về quê vì họ không thể trụ nổi với nỗi ám ảnh dịch bệnh, không công ăn việc làm đói khổ kéo dài. Người về miền Tây, kẻ lên cao nguyên hay ngược ra miền Trung gió cát, cuộc tháo chạy không báo trước ngày trở lại. Bài thơ viết như một sự chia sẻ
ĐƯỜNG VỀ QUÊ
(Ngày về quê xa lắt lê thê. Trót nghe theo lời u mê - thơ Nguyễn Đình Toàn)
1-
Một đoàn người nối tiếp nhau lặng lẽ đi
Đi trong đêm đi trong mưa đi trong nỗi sầu
Cơn mưa đuổi theo se sắt lạnh hồn đau
Bỏ sau lưng một thời là miền đất Hứa
Bỏ sau lưng khát vọng bao đêm thắp lửa
Nhen nhóm từng mảnh đời vất vả mưu sinh
Mơ cuộc đổi đời bằng giọt nước mắt điêu linh.
Đường về quê còn xa xôi diệu vợi
Cố hương biết còn ai đón chờ mong đợi
Dịch bệnh áo cơm tiền mọn không còn
Chỉ còn lại đây thân xác mỏi mòn
Hành trình về quê sao nhọc nhằn cay đắng
Làm sao vượt qua bao nhiêu chốt chặn
Người với người nhìn nhau bằng ánh mắt vô tâm
Bằng những lời phát ngôn sáo rỗng dị thường
Vì sao và vì sao - em có biết
Khi miền đất Hứa bỗng hóa thành miền đất chết?
2-
Một dòng xe nối tiếp nhau lặng lẽ trôi
Trôi trong sương trôi trong trăng trôi trong nỗi buồn
Trong màn đêm không tìm thấy ánh sao mở đường
Bao cánh chim rã rời quay về núi cũ
Phận người thật mong manh trong cơn bão dữ
Trong cuộc thoát thân xa xót ngậm ngùi
Trong cuộc thoát thân quá đổi bùi ngùi.
Xin đừng để dân tôi héo như tàu lá cải
Xin đừng để dân tôi đốt nhang quỳ lạy
Vất vưởng ngủ bờ ngủ bụi trong đêm
Vất vưởng đói cơm khát nước giữa đường
Đừng để vòng xe lăn hóa thành vòng tang mây trắng
Đừng để tiếng khóc gào lên trong đêm tĩnh lặng
Đất khách quê người không còn chỗ dung thân
Đất khách quê người đã mốc thếch chiếu chăn
Về thôi! về thôi! Dù đường về mịt mù vô vọng
Về thôi! Về thôi! Dù ngoài trời gió mưa lồng lộng
Về thôi! Về thôi!
3/10/2021
(Sẽ in trong tập Thời những kẻ giết người ẩn danh)
____________________________________
Ghi chú: Ngày đầu tháng 10/2021 khi thành phố bắt đầu thực hiện lệnh nới lỏng giãn cách, ngay trong đêm trước giờ G, hàng đoàn người với những dòng xe ào ạt của dân nhập cư thoát ra khỏi thành phố tìm đường về quê tránh dịch và tránh đói nghèo trong đó có dân miền Tây của tôi. NAB