NGUYỄN LƯƠNG VỴ
 

Tiễn Biệt Người Hiền Trang Thế Hy
 
Người hiền Nam Bộ về xanh
Nửa khuya vườn quạnh, long lanh bóng dừa
Trang văn khép lại cuối mùa
Hàm Luông gió nhẹ, Bến Tre nghẹn lời
Âm thầm Đi Chỗ Khác Chơi!
Đắng Và Ngọt với những lời nhói tim
Mắt chong giữa bãi đời chìm
Đời ma náo nhiệt biết tìm đâu ra?!
 
Người hiền nheo mắt trông ra
Võng đưa năm tháng, nhện sa chín chiều
Tâm tình bèo giạt bao nhiêu
Bấy nhiêu tiếng nấc tiếng kêu chạnh lòng
Giã từ phố thị sầu đong
Tuổi già về với con sông quê nhà
Nhẫm câu thơ cũ xót xa
Đời nay vẫn vậy ngẫm ra thở dài!!!
 
Tiễn ông một nén nhang phai
Phương trời lận đận, sớm mai ngậm ngùi
Quán Bên Đường vẫn khôn nguôi
Thái Thanh nức nở những lời thương đau
Chút tình đầu mãi nhớ nhau
Câu thơ ẩn dụ bể dâu cuộc đời
Ông về xanh, ông rong chơi
Có còn nhớ tiếng lá rơi trong vườn?!
 
Calif., 09.12.2015


Ghi chú:
- Nhà văn Trang Thế Hy (29.10.1924 - 08.12.2015), tên thật là Võ Trọng Cảnh, quê quán: Châu Thành, Bến Tre. Ngoài bút danh Trang Thế Hy, ông còn lấy nhiều bút danh khi viết văn, viết báo như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm.
Tác phẩm đã xuất bản: Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại (truyện ngắn, 1964), Mưa Am (tập truyện ngắn, 1981), Người Yêu Và Mùa Thu (truyện ngắn 1989), Tiếng Khóc Và Tiếng Hát (truyện ngắn 1993), Nợ Nước Mắt Và Những Truyện Ngắn Khác (tập truyện ngắn 2000), Đắng Và Ngọt (tập thơ 2009).
Tuy số lượng tác phẩm văn chương không nhiều (gồm trên 50 truyện ngắn và khoảng 30 bài thơ và một số bài tùy bút nói về nghề văn, nghiệp văn) nhưng nhà văn Trang Thế Hy được đồng nghiệp kính trọng vì nhân cách và tài năng. Quan niệm về văn chương của nhà văn Trang Thế Hy: “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút, đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”. Ông được văn giới vinh danh là "người hiền của văn học Nam Bộ".
- "Đi chỗ khác chơi": Năm 1992, nhà văn Trang Thế Hy sau nhiều năm sống tại Sài Gòn, đã trở về quê nhà tại Bến Tre để an dưỡng tuổi già. Có người hỏi ông, tại sao ông không sống ở Sài Gòn nữa vì nơi đây có đầy đủ tiện nghi để sống và viết? Ông trả lời đại ý: "Tôi đã già rồi, nên phải đi chỗ khác chơi thôi!" Sau đó, ông giải thích thêm: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu nó.”
- Quán Bên Đường: Nhan đề một ca khúc của Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ "Đắng Và Ngọt" của Minh Phẩm (đăng trên tuần báo Vui Sống, năm 1959, được nhà văn Bình Nguyên Lôc sửa tựa đề bài thơ là Cuộc Đời), một bút hiệu khác của nhà văn Trang Thế Hy. Ca khúc nầy được Thái Thanh hát đầu tiên và cũng là ca sỹ hát hay nhất.

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Lương Vỵ