Tiếc Thương Du Tử Lê
Ghé vào cõi tạm rồi ra đi
Để lại Sài Gòn xưa những gì ?
Đổi mới thi ca đời lãng tử
Cách tân chữ nghĩa cánh chim di.
Dưới dòng sông bạc sương quàng cổ
Trên ngọn tình sầu lệ nhớ mi.
Tiếng dế kêu buồn trăng viễn xứ
Con chim bói cá bờ sinh ly.
10/10/19
-Những từ ngữ "trăng viễn xứ, sương quàng cổ, dế buồn, trên ngọn tình sầu, con chim bói cá, lệ nhớ mi " mượn trong các câu thơ sau:
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
(Trích Đêm, nhớ trăng Sài Gòn, thơ Du Tử Lê, bài này được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc có nhan cùng tên.)
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
(Trích 67 KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU, thơ Du Tử Lê, bài này được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc, có nhan đề "Trên Ngọc Tình Sầu"
Như con chim bói cá
Tôi thường ngừng cánh bay
Ngước lên nhìn huyệt lộ
Bầy quạ rỉa xác người
(Trích Khúc Thụy Du, thơ Du Tử Lê, viết năm 1968, bài này được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, cùng nhan đề.
Ta đã đợi em từ hạt bụi
Mai về nhớ lấy dấu mưa đi
Bàn chân nhớ đất còn khô nẻ
Môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi.
Trích "Ta đã đợi em từ hạt bụi" thơ Du Tử Lê, bài này được nhạc sĩ Đăng Khánh phổ nhạc có tên Lệ Buồn Nhớ Mi.