VÕ THẠNH VĂN

 
“QUẦN ẨM THI”
thơ ngũ ngôn, chú giải & ảnh: phds võ thạnh văn.
[5 người bạn trà: Gió, Trăng, Lục Vũ, PHDS/VTV và chiếc bóng của mình]


 
(1) Ta lạy gió làm thầy
Chọn trăng làm tri kỷ
Một đời dài mộng mị
Đợi mong nhau từng ngày
 
(2) Ta mời gió về qua
Đợi chờ trăng ghé lại
Trăng nhắc lòng khiêm hạ
Gió dạy đức khoan hoà
 
(3) Gió đãi lọc thi từ
Trăng gợi nghìn thi tứ
Muôn sao là thi ngữ
Thi tâm bày trang thư
 
(4) Đợi trăng sáng biền bưng*
Chờ gió ngừng rong ruổi
Ta đun sôi nước suối*
Thết ấm trà Nghi Hưng*
 
(5) Trà quý Vũ Di* sơn
Đãi Thầy, và Bạn quý
Phong lạp khơi thiền vị
Trầm thơm khai mẫu đơn
 
(6) Thầy: Gió mát đêm rằm
Bạn: Trăng hiền tri kỷ
Khách: Trà tiên Lục Vũ
Chủ: Ta và Bóng* = 5
Phds/vtv.
 
Tác Giả mạn phép chú giải:
* Trà khách: Tống Huy Tông (1101-1125) một vị hoàng đế phong lưu có 3912 cung tần mỹ nữ, viết Sử Quan Trà Luận. Theo đó: Trà khách là giai nhân, là Hồng Nhan Tri Kỷ, bạn văn chương, khách thơ phú, bạn quý từ xa về… Tiếp bạn trà nơi trà phòng ấm cúng, mát mẽ, sạch thơm… Nên tiếp khách trà khi phong lưu, nhàn hạ, lúc nghe nhạc, khi ân tình dào dạt…
* Thời gian và Không gian uống trà: Khi trăng lên giải ánh sáng diụ mềm nơi biền bưng, nơi hoang sơn dã lĩnh. Nên uống trà bên hồ sen, giữa rừng trúc, khi hoa nở, lúc chim hót, bên lò trầm… Khi thăm viếng một ngôi chùa cô tịch, ít khách thập phương lai vãng cúng kiến, xin xăm, bói quẻ… Khi một mình ngắm cảnh suối rừng núi non hoa mộng… Tránh cảnh ồn ào, tấp nập chơ búa xô bồ phồn tạp, nhiều tiếng động…
* Nước pha trà: Theo Trà Sớ của tác giả Hứa Thứ Thư, nước quý nhất để pha trà là nước suối đầu nguồn (thượng đẳng), thứ đến là nước sông giữa dòng (trung đẳng), và cuối cùng là nước giếng (hạ đẳng)… Ngoài ra, nước suối nước sông khó tìm, cha ông ta thường hứng nước mưa để dành pha trà quanh năm.
* Ấm Nghi Hưng: Nghi Hưng một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nơi đây, một loại đất hiếm được khai thác từ các quặng đá tại vùng núi Hoàng Long. Đất tử sa có màu tím. Loại hồng sa có màu đỏ đậm. Nói chung, cha ông ta gọi tất cả là ấm gan gà… “Ấm Nghi Hưng, chén Cảnh Đức” đã trở thành tiêu chuẩn của khách thưởng trà phong lưu tài tử.
* Trà Vũ Di: Một đệ nhất danh trà của Trung Quốc, được trồng từ dảy núi Vũ Di Sơn, đông giáp Nam Mân, bắc giáp Phúc Kiến. Cây trà được trồng và sinh trưởng ở nơi mỏm núi đá nham thạch, nên còn được gọi là trà Vũ Di Nham. Trà Vũ Di Nham có hương thanh mát của Trà Xanh, với vị ngọt thuần của Hồng Trà. Nổi tiếng nhất trong nhóm trà Vũ Di Nham chính là Trà Đại Hồng Bào.
* Lục Vũ: Lục Vũ (733 - 804), sinh tại Cánh Lăng, Phức Châu, thời nhà Đường. Ông là một học giả uyên bác, nghiên cứu về trà đạo, soạn Trà Kinh. Tác phẩm Trà Kinh là bộ sách lý luận Trà Học chuyên môn, đầu tiên trên thế giới. Lục Vũ được người đời sau tôn là Trà Tiên, Trà Thánh, một trong mười vị “thánh” của văn học sử Trung Quốc.
[Ngoài Lục Vũ, thì Lô Đồng (778-835) cũng là một vị Trà Tiên được biết đến trong văn học sử Trung Quốc. Lô Đồng người đất Tề Nguyên (nay là Hà Nam), có tài liệu khác ghi quê ở Tứ Xuyên, tỉnh Giang Tây). Ông học rộng, thơ hay. Sống vào thời Đường Hiến Tông (802-821), được Đường Hiến Tông mời vào triều phong làm Gián Nghị Đại Phu nhưng ông không nhận, chỉ thích ẩn cư trong núi Thiếu Thất, dạo chơi sơn thủy, uống trà làm thơ. Ông có bài “Trà Ca”rất nổi tiếng].
* Trầm, nến: Theo kinh nghiệm dân gian, vào đêm giao thừa mà hoa mai chưa kịp nở, các cụ đốt nhang hoặc trầm, ung dung ngồi uốn trà ngâm thơ chờ hoa nở. Ta bắt chước người xưa, trong trà phòng, đốt phong lạp và khơi trầm để tạo thêm chút hơi ấm. Mùi sáp ong (phong lạp) và mùi trầm thơm tạo không khí trang trọng, thân thiệt, ấm cúng, thư giản cho những vị trà khách… Ngoài ra, mùi thơm của đèn nến làm bằng nguyên liệu sáp ong và mùi thơm của trầm quý cho ta ý nghĩa và không khí thiền vị.
* Anh Bóng: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu gọi cái bóng của mình một cách thân tình: “Anh Bóng.” Cùng uống trà/rượu với cái bóng của chính mình đã diễn tả sự cô độc và cô đơn cùng cực… Bài Nguyệt Hạ Độc Chước, Lý Bạch, có câu "Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân.” [Nâng chén mời trăng sáng, Ta với bóng là ba]. Thiển nghĩ: Khi mình uống rượu hoặc trà với ban bè, “anh Bóng” ngồi cạnh bên, mà mình không mời “anh” thì quả là khiếm nhã lắm vậy.

  Trở lại chuyên mục của : Võ Thạnh Văn