Vài Chuyện GópVui Về Năm Mùi (Dê)
AnhThy
 
      Thời gian qua đi thật nhanh, lục đục sắp hết một con Giáp nữa rồi! Từ Quí Mùi-2003 đến Ất Mùi-2015. Nhớ lại 12 năm về trước, trong đêm 30 Tết ngồi nhăm nhi  cốc rượu Whisky hiệu Johnnie Walker, thương hiệu có hình người cầm gậy nên dân nhậu đặt cho cái biệt  danh “Ông Già Chống Gậy”. Cùng vui hôm đó có mấy ông bạn làm chung CôngTy lắp ráp Điện Thoại ở tận quận Fulton cách nơi chúng tôi ở hơn 1 giờ lái xe. Vì vậy mà chúng tôi đưa ra sáng kiến hằng ngày thay phiên nhau chở đi làm. Cứ mỗi tuần thì thay một ông làm tài xế cho công bằng… Cái tiện và lợi ở chỗ đi chung xe đỡ tốn xăng, ăn điểm tâm trên xe; nhất là tán gẫu thoải mái!. Lâu ngày cảm thấy hợp tính nên cuối năm đó hẹn nhau đến nhà tôi chuẩn bị tiễn cựu nghinh tân (Tiễn Dê Đón Khỉ) vừa uống vừa tán dóc và nỗi hứng xuất cảng, ủa quên “xuất khẩu”, lại nhầm nữa, thơ mà xuất khẩu bán cho ai, đúng hơn là phải nói “xuất ý” có cái tựa Tiễn Thầy Mùi: Mỗi người đóng góp 2 câu: Ông bạn tuổi Mùi mà chúng tôi đặt cho biệt danh Tám Nổ vì ông ta thích nổ (Làm công nhân mà về VN “nổ” làm Luật Sư) mời ổng xuất khẩu trước. Ông Tám Nổ vô đề:
 
Giữa đêm Trừ Tịch Tiễn Thầy Mùi
Lưu luyến trong lòng mãi chẳng nguôi. (tất cả vỗ tay khen hay khích lệ)
 
Ông Hai Móm (bạn Đồng Hương) tự ý nhận 2 câu Thực (Trạng):
 
Tiếc quá tìm đâu bình Ngọc Tửu
Dễ gì kiếm lại đĩa Dê Thui (Rất hợp, Mùi đi rồi còn đâu nữa mà kiếm Dê thui).
 
Ông Sáu Mùi (Ông này có bộ râu vãnh nên tụi tui gán cho ổng biệt danh Mùi, dành cho ông 2 câu Luận):
 
Trò Dê húc giậu nhiều tai tiếng
Chuyện Khỉ leo rào ắt khá vui (Ý ông mượn câu thơ “Dê Cõn buồn sừng húc giậu thưa” của Bà Hồ Xuân Hương. Đối lại chuyện Khỉ nghe cũng xuôi tai).
 
Tới tôi(Tú Khà), cái tật uống rượu ưa khà, nên bị đặt cho biệt danh này, chủ nhà nhận 2 câu Kết:
 
Bịn rịn bắt tay, “Thầy” khẽ nói:
Mười hai năm tới sẽ tìm tui (Sau khi nghe tôi đọc 2 câu kết, ông nào cũng ganh tỵ bảo rằng: Sao trong bọn 4 người mà bảo thầy Mùi sẽ tìm tui, tức là tìm cá nhân ông thôi).
Tôi bào chữa rằng chữ “tui” nhằm cho đúng Vần “UI” của bài thơ, còn ông nào đọc câu thơ cũng có nghĩa tìm tui tức là tìm mình chứ có dành riêng cho tui đâu!
       Thời gian cũng sắp hết năm con Ngựa (Giáp Ngọ), còn hơn tháng nữa, vậy mà cái không khí sinh hoạt đã thấy loáng thoáng những mặt hàng Tết đang xuất hiện tại các chợ Việt Nam nơi đây rồi. Tuần trước, mấy ông bạn cũ email hỏi tôi năm nay có chương trình chuẩn bị đêm giao thừa Đón Thầy Mùi chưa? Tôi reply: Don‘t care (khỏi lo) có người lo rồi! Nhưng năm nay tụi mình đón thầy Mùi tại nhà ông Sáu (Mùi) cho nó logic hơn, và chúng ta đến đó tùy ý mang theo món nhậu; riêng tôi đã chuẩn bị xong bình “Ngọc Tửu” gồm các vị thuốc:
Hà thủ ô đỏ,
Ba kích, mỗi vị 150g
Dâm dương hoắc (chích mỡ dê) 50g
Huyết giác 20g
Tiểu hồi, 10g
Trần bì, 10g Nhục Thung Dung 10g
 
Tất cả ngâm chung với rượu Whishky Johnnie Walker. (Ông già chống gậy). Hổng biết chừng đó uống vào có chống gậy nổi hay không đây?
Hôm chủ nhật vừa rồi, đưa bà xã đi chợ (Korean Farmer Market Chợ Nông Phẩm Đai Hàn) tôi để ý xem có bán thịt Dê không, để lo làm món (Lẩu Dê Tiềm Thuốc Bắc) chuẩn bị cho đêm giao thừa, nhưng thất vọng vì thịt Dê nơi đây không có da, lại không được tươi. Mấy hôm sau tôi gọi ông Sáu Mùi thì được ông cho biết: “Muốn ăn thịt Dê tươi ngon có đủ da nên vào chợ Ấn Độ (Indian Market), ở đó tha hồ lựa chọn”. Ổng còn giải thích tại sao thịt dê ở đây tươi ngon:  Người Ấn Độ thích ăn thịt Dê, như người Việt thích thịt heo, bởi Dê là con vật được con người thuần dưỡng trở thành nhóm gia súc từ lâu lắm rồi mà nó xuất phát từ các nước Nam Phi và Trung Đông; riêng Châu Á thì phải kể vùng Tây Á, trong đó có Ấn Độ là nơi nuôi Dê nhiều để lấy sữa và thịt. Hổng tin, ông vào một lần sẽ biết. Còn thành phần chất dinh dưỡng trong thịt Dê, thì khỏi chê, gồm có các chất: Đạm, Mỡ, Vitamine A, B1, B6, C, E và các khoáng chất như: Canxi,Phosphate, Kali, Natri, Magnesium vv... Ông còn nhắc trong năm này tại Ấn Độ đã xãy ra nhiều vụ bắt cóc “hiếp dâm” do một nhóm giang hồ hành động mà nạn nhân là các trẻ em nữ và có cả khách du lịch người nước ngoài nữa. Phải chăng ảnh hưởng của thịt Dê?
    Thì ra ông Sáu Mùi rành ba cái vụ này quá đi chứ!!! Chắc kỳ này xin làm đệ tử ổng để học thêm. Nhưng mà trên thực tế, tôi thấy ổng ốm nhách hà!? Hay là bị Dê hành nhiều quá chăng?!
  Ngoài ra trong nhóm “Tứ Lão: Mùi-Nỗ-Móm-Khà” đã hứa mỗi người làm một bài thơ họa lại Bài Tiễn Thầy Mùi thành bài Đón Thầy Mùi hoặc Rước Thầy Mùi cho hợp thời. Tôi đã nhận được và xin ghi lại đây để làm món quà đặc biệt dành cho
Đêm giao thừa năm nay gọi là cái nghĩa cử của đệ tử dành cho Thầy:
Bài Xướng: (12 năm trước 2002)
Tin Thy Mùi:
Giữa đêm trừ tịch tiễn Thầy Mùi
Lưu luyến trong lòng mãi chẳng nguôi
Tiếc quá tìm đâu bình Ngọc Tửu
Dễ gì kiếm lại đĩa Dê Thui
Trò Dê húc giậu nhiều tai tiếng
Chuyện Khỉ leo rào ắt khá vui!
Bịn rịn bắt tay thầy khẽ hứa
Mười hai năm tới đến tìm tui.
 
Sau đây là 4 bài họa vận của bài thơ trên:
1 Đón Thy Mùi (Họa vận trắc)
(Tư Nổ) tuổi Mùi:
Trừ tịch năm nay đón Cụ Mùi
Nỗi lòng chờ đợi cũng dần nguôi
Trên bàn đã sẵn bình dương tửu
Dưới bếp đang làm món gỏi thui
Lũ Ngựa buông cương nằm thở dốc
Đàn Dê hăng sức góp trò vui
Lão Dương ngồi đợi giờ hoàng đạo
Trong lễ đón thầy chẳng thiếu tui.
 
 2 Đợi Sư Mùi (họa vận trắc)
(Hai Móm thân hữu của Mục Lão Dương)
 
Quất mã truy phong,lại đón Mùi
Bấy lâu mong đợi cũng vừa nguôi
Ông Hai lúc lắc bình Dương tửu*
Lão lè kè đĩa nạm thui**
Mã đáo những mong tranh nước rút
Dương hồi mang lại lắm điều vui
Chừng nghe có tiếng be he vọng
Chắc hẳn thầy Mùi đến kiếm tui!?
 
Rước Thầy Mùi (Họa vận trắc)
(Sáu Mùi):
Ta vốn trùng tên lại thích Mùi
Nên chi càng đợi thấy càng nguôi
Tay ôm ché rượu Mùi thơm lựng
Mắt phóng phòng the cảnh tối thui
Ngọ mãn về chuồng vang tiếng hý
Mùi hăng trèo dốc nhảy tưng vui
Giao thừa nghe thoáng Mùi hương cũ
Có phải Thầy về để gặp tui??!
 
 Đón Ất Mùi (họa vận trắc)
 (Tú Khà):
 
Đúng hẹn đêm nay đón Ất Mùi
Mười hai năm đợi cũng vừa nguôi
Quà dành sư phụ Mùi thơm lựng
Phòng đợi giao thừa cảnh tối thui
Thượng Mã Phong hành mong sớm tĩnh
Hăng Mùi Sung độ quyết tìm vui
Trực nhìn thấy dáng thầy đang đến
Bỗng hích chòm râu suýt đụng tui.
 
     Phần thủ tục quà cáp để đón “Thầy” như vậy cũng tạm đủ…chờ hôm đó khi rượu vào lời ra có bài thơ nào xem được tôi sẽ ghi lại và phổ biến sau. Dưới đây ghi tản mạn vài chuyện có liên quan đến DÊ.
 
      Trong 12 con giáp từ Tý, Sửu cho đến Tuất, Hợi, có 3 con vật mang nhiều tai tiếng là Ngựa, Dê và Khỉ;  trong đó Dê là con vật bị mang tiếng khen thì ít mà chê thì nhiều nhất, do người đời gán ghép, mượn cá tính của dê đực để xỏ xiên, đàm tiếu ai đó không được đàng hoàng với phái nữ. Dê còn bị mượn danh để đặt cho người khác với cách mắng khéo.
Thí dụ:
- Thằng cha “Già Dê” đó, ai mà chẳng biết.
- Lão già có bộ” Râu Dê” đó chớ ai
- Nhìn cái mặt là biết “Dê Xồm” rồi, khỏi nói nhiều.
- Mấy cha nội có máu “35” hễ thấy đàn bà, con gái cứ muốn xáp xáp lại gần.
- Mấy thằng cha “Be He” thấy cái mặt khó ưa rồi, đừng hòng mà làm quen!
 
  1-  Câu ngụ ngôn: Treo Đầu Dê bán thịt Chó (Quải Dương Đầu, Mải Cẩu Nhục)
        Điểm xuất xứ câu ngụ ngôn này là từ bên Tàu: Vào thời xa xưa, nơi tỉnh lỵ nọ cái cái quán nhậu, trước cửa treo cái đầu con chó.
 Bên trong bán món nhậu thịt chó .Vào một hôm có vị khách phương xa ngang qua, thấy tấm bảng nên vào gọi món thịt chó nhậu với rượu. Trong khi ngồi nhậu, ông ta nghe tiếng sủa, tiếng la của những con chó đang nhốt trong chuồng và đặc biệt có con chó Đốm đang buộc bên ngoài chờ giờ giết làm thịt trước. Vị khách này bỗng nhiên động lòng thương cho những con chó sắp bị giết để bán thịt... Đang nhậu, ông gọi chủ quán đến và nói:
    Tôi sẽ mua con chó Đốm kia và tất cả những con chó đang nhốt trong chuồng với giá cao, nếu ông chịu bán thì tôi sẽ thưởng riêng ông một khoản tiền khác và đề nghị ông từ nay trở đi đừng bán thịt chó nữa mà nên chuyển qua bán thịt Dê, tôi sẽ cho người cung cấp thịt dê cho ông bán hằng ngày đầy đủ. Ông nên thay cái bảng và treo cái đầu Dê thay vì đầu chó.
     Ông chủ quán lưỡng lự giây lát rồi chấp nhận. Người khách móc túi ra tặng ông một khoản tiền rất nhiều và bảo ông thả hết bầy chó ra ngay, ngoại trừ con chó Đốm xích nó lại để ông dắt về để nuôi, vì ông thích con chó này. Mọi chuyện thương lượng xong, đám chó được phóng thích, mừng quá lấn nhau chạy tán loạn…
      Chủ quán cũng mừng vì tự dưng mà có khoảng tiền hậu hĩ. Nhưng mặc khác ông ta nghĩ… nếu không tiếp tục bán thịt chó mà xoay qua bán thịt Dê liệu có đông khách không? Thế nhưng trước mắt mình đã hứa với vị khách hão tâm rồi...chẳng lẽ mình vì ham lợi mà đánh mất chữ “Tín” với ông ta và chính mình hay sao? Sau đó vị khách cho người hằng ngày giao thịt dê cho chủ quán này.
     Bẳng đi một thời gian, hôm nọ ông khách cùng vài người bạn vào quán gọi món thịt Dê để nhậu. Nhưng khi nhậu thì phát hiện ra đó là thịt chó chứ không phải thịt dê. Lúc bấy giờ ông khách gọi chủ quán đến hỏi: Tại sao trước quán treo cái đầu dê mà lại bán thịt chó? Chủ quán lúng túng trả lời:
-Bởi đa số khác vào đây thích ăn thịt chó hơn thịt dê.
-Vậy sao ông không treo đầu chó mà treo đầu dê?
-Dạ, Bởi trước đây tôi treo đầu chó, nhưng khi tôi gặp một vị khách “Hão Tâm” có lòng nhân đạo đã tặng tôi một khoản tiền để phóng thích bầy chó.Và khuyên tôi nên bán thịt dê do ông ấy cung cấp. Nhưng vì thịt dê ế nên tôi phải trở lại nghề bán thịt chó; tuy vậy treo đầu dê để làm vừa lòng ông ấy?!
    -Ông khách lúc này mới nói: Thì ra, chỉ vì lợi nhuận mà ông đánh mất lương tâm. Ông tiếp tục giết chó để bán thịt mà vẫn treo cái đầu dê, chẳng những đánh lừa khách nhậu mà ông lừa cả tôi nữa! Ông có biết tôi là ai không?
  -Ông chủ quán giựt mình khi nhận ra người khách hảo tâm thì đã muộn…
   Từ đó về sau câu chuyện này được lan truyền ra với câu ngụ ngôn (Quải Dương Đầu, Mải Cẩu Nhục – Treo Đầu Dê, Bán Thịt Chó)
     Đó là câu chuyện ngụ ngôn “Treo Đầu Dê Bán Thịt Chó” tuy võn vẹn có 6 chữ nhưng nó hàm nghĩa chứa đựng cái trò đời manh nha lừa lọc trong cuộc sống vật chất của những kẻ đánh mất lương tâm. Nhất là thời đại ngày nay, chuyện “Vô Thương Bất Phú” được khai thác tối đa. Từ Tiểu Thương, đến các Công Ty Thương Mại đồ sộ, tranh dành khách hàng qua các chiêu quảng cáo rùm beng trên các hệ thống điện tử. Họ trưng bày những mặt hàng trông hấp dẫn còn thêm cái”chiêu” Discount (Giảm giá) nữa. Nhưng người mua, ai biết được câu “Tiền Nào Của Nấy” để khỏi bị lừa; ai ham rẻ mua về sẽ biết! Đó là chưa kể đến những mặt hàng kiểu treo đầu dê bán thịt chó xuất phát từ (Made in China) mà gần đây bị phanh phui ra không ít. Việt Nam ngày này cũng không thua gì bọn Chệt.
      Từ lâu, tôi nghe câu Ngụ Ngôn này cũng nhiều, cứ tưởng cái quán bán thịt dê nhưng thịt dê hiếm và đắt giá nên bán chen thịt chó vào để có lời nhiều. Còn tấm bảng vẫn treo đầu Dê… Nhưng câu chuyện vừa kể thì ngược lại cái ý của tôi nghĩ trước đây?
 
2- Dê và con số 35:  
Tai sao con số 35 dành cho Dê? Vào khoảng Thập niên 1945-1955 Việt Nam cứ vào dịp tết Nguyên Đán thường có trò chơi “Số Đề” phổ biến từ thành thị đến thôn quê.  Mỗi làng đều có một Ban Ghi Đề và Chạy Đề, nghĩa là bán đề lấy tiền đem nạp cho trung tâm đặt tại quận lỵ để được hưởng huê hồng. Tại Ninh Hòa thời đó ở phía sau chợ Dinh có khoảng sân rộng nên được trưng dụng để dựng một cột đề cao độ 5 mét. Trên đó treo một cuộn Liễn bằng vải, bên trong có ghi sẵn con số ứng với con vật sẽ được xổ vào trưa hôm đó. Nhưng ngay từ ngày hôm trước Ban Tổ Chức đã ra những câu Đề rất nhiều nghĩa, truyền đến các địa phương nhằm tạo cho người chơi đề bàn tán, chọn những con vật thích hợp với câu đề: Ví dụ: Qua đường gặp Rắn đang . Trên mây Rồng múa dưới hồ bơi. Bốn con Rắn, Bò (Trâu) Rồng, Cá, đều có tên trong danh sách Đề, nhưng khi xổ chưa chắc trúng. Chuyên sắp xếp con số là một bí mật và rất hợp lý, nhưng chỉ dành cho người có thẩm quyền quyết định. Chờ đến đúng giờ Ngọ thì những người trong ban xổ đề đến đứng ngay dưới cột đề để kéo cuộn liễn đó xuống, trịnh trọng mở ra trong đó sẽ thể hiện con số ứng với con vật cho mọi người chứng kiến và người chạy đề về địa phương thông báo cho mọi người biết để ai trúng thì lãnh tiền. Trong danh mục số đề tính từ số 1 đến số cuối là số 40 mỗi con số đều có hình tượng con vật mang số đó; chẳng hạn con số 1 là con cá thì có hình con cá , số 35 là con Dê  có hình con Dê vv… đến số cuối đều có hình tượng kèm theo… Vì thời đó đa số người dân quê VN lớn tuổi và người Tàu ở Việt Nam không biết chữ Việt; hơn nữa, hình tượng cho mỗi con số để chứng minh con số đó không thể tráo đổi đươc…Từ đó về sau người ta dùng con số 35 để ám chỉ người đàn ông nào có đặc tính hao hao con dê đực.
    
    Vào năm Mùi 2003 là cái năm tôi bắt đầu nghỉ hưu. Lần đầu tiên trong đời nằm không mà hằng tháng lãnh ĐôLa tiêu dùng thật là hạnh phúc! Tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ theo cái nghĩa “Tri Túc- Tri Nhàn” của Tiên Sinh Nguyễn Công Trứ. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nhất là trên xứ Cờ Hoa này thì không biết bao nhiêu mới gọi là “Túc” nếu biết như vậy thì món tiền hưu đang có trong tay là cũng túc rồi!? Ông Bill Gates nhà Tỷ Phú số 1 Thế Giới. Có khối tài sản trên 72 Tỷ đô la mà ông vẫn chưa thấy túc thì so với cái khoản tiền hưu của mình có đáng gì?. Nhưng nhìn lên mình chẳng bằng ai.  Ngó xuống thì cũng có vài người thua: Hằng ngày lái xe ngang qua những ngã tư. Dừng xe chờ đèn đỏ, người ta thấy những người “Homeless” Vô Gia Cư, (VN gọi là Hành Khất, Ăn Xin, Ăn Mày hay là Khất Thực) thì mình sẽ thấy là mình cũng tạm Túc rồi…
      Vì cái quan niệm thực tế đó cho nên không còn bận tâm như lúc còn đi làm phải thức khuya dậy sớm nữa. Ai hơn mình thì mừng cho họ, ai khinh miệt mình thì cũng không chấp, vì cái nhìn của họ đôi khi bị lệch lạc theo cách riêng của họ. Mặc kệ! Từ đó ngồi nhà nỗi hứng lên làm thơ Con Cóc và viết Hồi Ký Hồi Cóp cho vui…Như phần trên đã đề cập năm nghỉ hưu của tôi lại rơi vào năm Quí Mùi nên làm bài thơ: Chọn Nghề: Ý muốn nói rằng còn chút sức khỏe thì nên chọn nghề nào đó để tăng thêm thu nhập(Income) chẳng hạn như “Nuôi Dê” để có thịt dê mà ăn, có sữa dê mà uống lại còn có dịp theo dê lên ghềnh, xuống thác để ngắm cảnh thiên nhiên nữa hỏi sao hổng ham chọn nghề này?!
 
Chọn Nghề:
 
Còn sức về hưu tính chọn nghề
Chi bằng thêm vốn thả bầy dê
Lưng đèo lắm dịp xem bồng đảo
Mé vực nhiều phen ngắm tiểu khê
Óng ả bình nguyên làn cỏ mượt
Mơ màng rặng liễu nét sương che
Chiều hôm Mục Lão bình tâm lại
Chầm chậm lùa dê dọ bước về.
 
Bài thơ này sau đó được gởi lên trang Web.Thư Viện VietNam.net chỉ trong 24 giờ sau tôi nhận được 2 bài họa rất vui:
 
Họa: 1- Chọn Cùng Nghề Tan-An-Đong
 
Thật khéo ai kia chọn lấy nghề
Đâu cần tuổi tác để chăn dê
Khi vui lùa dắt lên bồng đảo
Lúc hứng dắt về nhập tiểu khê
Cày cấy bao năm vui mấy lượt
Chọn nghề mấy bữa thỏa đam mê
Dê con dê mẹ ta chăn cả
Thung lũng núi đồi ta với dê.
 
Họa :2- Chọn Nghề :
Phuc Linh
 
Dưỡng sức, hưu non có lắm nghề
Chọn chi không chọn, chọn chăn dê
Cheo leo đá dựng nơi sườn núi
Khúc khuỷu đường trơn chốn tiểu khê
Gối lỏng người ơi xin chớ tưởng
Chân mòn bác hởi hãy đừng mê
Cọp rình sơ hở tiêu luôn mạng
Kéo bén lăm le có nước về.
 
     Coi bộ chọn nghề này có thể sẽ khấm khá, sau đó tôi gởi về mấy hiền đệ bên VN, hỏi chú nào thích chọn nghề này cho biết càng sớm càng tốt. Thật không ngờ vài tuần sau nhận được những bài họa mà đa số không muốn chọn nghề này mặc dầu các chú em của tôi còn trẻ hơn.
              
Những bài Họa "Chon Nghề" từ Việt nam
 
1-   Khéo Chọn Nghề: 
Dương Công Bản (Bào Đệ)
Đến tuổi về hưu chọn hiếm nghề
Lợi gì đâu lắm thú chăn dê
Thức khuya dậy sớm còn leo núi
Bán nguyệt thâu canh níu tiểu khê
Hoa quả vườn đào bên vực suối
Cành mai khóm trúc dưới sương che
Chưa tàn giấc mộng trời hừng sáng
Mục lão gom dê rảo bước về.                                    
 
2-Họa: Chọn Nghề
   Hải Ly (Bào đệ)
 
Lỡ bước non sông lỡ trái nghề
Chân làm Tô Vũ chịu chăn dê
Ngày lùa súc thả - xôn xao núi
Đêm ngắm trăng chìm óng ả khê
Đau đáu mồ tông len giấc ngủ
Chập chờn xứ mẹ ngập hồn mê
Phương nam ải bắc mây ngàn dặm
Canh cánh lòng nuôi mộng lối về.
 
3- Chọn Nghề:
 Dương chí Hướng(Hiền đệ)
 
Đã sáu mươi hơn bổng ngứa nghề
Còn bao nhiêu vốn tính chăn dê?
Chân run còn cố leo bồng đảo
Mắt kém coi chừng té tiểu khê
Dáng dấp lục tuần tuy có mượt
Hiếm hoi thất thập được mãi mê
Lòng xuân cố gợn mong tìm lại
Lực bất tòng tâm chuyện bước về.
 
4-Chọn Nghề:
Hồ Ngọc Cứ (Hiền đệ)
 
Đến tuổi nghỉ hưu khéo chọn nghề
Còn chi hứng thú việc chăn dê
Chùng chân cố gượng leo bồng đảo
Mõi gối còn ham xuống tiểu khê
Một dãi thảo nguyên sương mượt mượt
Đôi bờ suối nhỏ sóng đê mê
Mơ màng mục lão đang choàng tỉnh
Trở gót theo dê "kéo gậy"về.
 
 5-Họa - Chọn Nghề: 
  Phan Hữu Công (Thi hữu, bạn học xưa)
 
Khoa bảng lung lay buộc giải nghề
Trái trời Tô Võ phải chăn dê
Chim kêu suối hát bên sườn núi
Vượn hú khỉ ho tận tiểu khê
Ấp ủ lòng vàng ươm giấc mộng
Chí cao ải bắc vẩn say mê
Hiên ngang gậy trúc tâm thanh thản
Một tấm lòng son một lối về.
 
Nhân dịp năm mới “Quí Mùi”2015, Trân Trọng Kính Chúc Bà Con Người Việt Tại Hải Ngoại Và Tại Việt Nam, Năm Mới Gặp Nhiều Điều May Mắn Và Sinh Kế Phồn Thịnh, Gia Đình Hạnh Phúc .
Riêng chúc Các Thi Hữu có Nhóm máu“Dương” tính như “tui”dồi dào nghị lực để đón Thầy Mùi .
 
Atlanta, ngày 31 tháng12 năm 2014 (Nhằm ngày 10 tháng11 năm Giáp Ngọ).
 
Tú Khà(Biệt danh của Anhthy)
 

  Trở lại chuyên mục của : Anh Thy