BÙI HOÀNG LINH
Dư Vang Ngày Cũ
Đủ Nhớ Đủ Thương…
Dư Vang Ngày Cũ
Đủ Nhớ Đủ Thương…
Mới hôm rồi ngồi làm lại cái lồng đèn, trong ánh sáng vàng dịu hắt qua các kẽ của chiếc lồng đèn làm từ ly giấy mì tôm nó lại đổ thành những vệt nhớ đan lẫn cũ mới trước sau… mới hay thời gian đã chuyển vai của đời người, mới ngày nào còn lon ton với món quà là bánh trung thu từ trường học của ba mẹ thì đến giờ đã vào vai là người làm lồng đèn cho con của mình…
Tôi lớn lên ở xóm đường rầy của Huế nhưng không như hai đứa trẻ của Thạch Lam là ngóng ánh sáng của đoàn tàu mà là ngóng ánh đuốc làm từ dầu hoả đổ vào các cây lồ ô đã khô với nùi giẻ của những đoàn múa lân. Tại sao nó lãng mạn và liêu trai, bởi những ngày còn thắp đèn dầu mỗi tối, trên chiếc bàn chữ H là cây đèn bát soi bóng những thành viên trong gia đình lên vách tường thì đêm trăng trung thu sáng một màu trong trẻo lẫn với ánh sáng đuốc của các đoàn mùa lân tạo nên một bức tranh từ ánh sáng. Cũng không ồn ào bởi tiếng nhạc từ các chiếc lồng đèn xài pin như bây giờ, nên tiếng trống lân đôi khi trở thành một nhịp điệu rộn rã trong lồng ngực những đứa trẻ.
Trong xóm có một đoàn lân là các anh lớn, đa số ở trong xóm và hầu hết là học trò của ba mẹ tôi. Năm nào cũng vậy lẫn tiếng trống lân là lời vọng của đoàn lân “vô nhà thầy bây ơi”. Tiếng trống còn vọng từ xa thì ông địa đã có mặt, tôi không hiểu cái hiếu động của ông địa từ đâu ra nhưng cũng đôi lần làm đứa bé 3,4 tuổi trong tôi oà khóc vì sợ, dù địa đang diễn vai hề. Khác với đoàn lân khác lúc trống đánh ăn tiền thì đi thì mỗi lần vậy tôi đều nghe vọng lại tiếng thưa thầy thưa cô con đi. Tiếng vọng tưởng chừng như vốn lẽ tự nhiên mà ngày hôm nay lại quý đến nhường nào. Hai anh em tôi cũng cầm lồng đèn chạy theo đoàn lân, nhưng lúc nào cũng vậy chỉ đi 50m là về nhà, với đứa bé 7 8 tuổi thì đó đã là quãng đường xa rồi, cái mốc thường là cột điện nhà mụ Vẻ hoặc là cột điện nhà mụ C. Để rồi sau này khi đi xa Huế thì có những lời dặn để mình không đi lạc trên xứ người “ vô trong nớ cố gắng học nghe con !”
Nói như thế hẳn quá dễ, không! Tôi từng là một đứa lì lắm, nếu không trải qua những ngày cũ thì có lẽ không nhớ lời dặn đâu. Tôi nhớ có một mùa trung thu, ba tỉ mỉ cặm cụi cả một buổi chiều đến tối sơn vẽ một cái đầu lân rất đẹp, sơn màu xanh lá mạ. Hai anh em cầm múa tùm lum. Xong rồi chạy đi chơi trong xóm và gây lộn đập bậy với mấy đứa trong xóm. Thế là một mùa trung thu không vui, tôi tiếc lắm, nhưng ở Huế hai đứa gây nhau là gây bậy, cãi nhau là cãi lộn ko có đánh đúng cãi hay. Thành quả một buổi chiều bỗng chốc là hư vô nhưng được một hành trang lớn mang theo là sống người ta thương quý mới là khó, còn cứ hơn thua cãi vã thì có gì mà nói nữa… hay có lần ba làm con diều giấy trắng rất đẹp, tôi 7, 8 tuổi cầm chạy lui chạy tới trước đường và bị té chảy máu đầu gối, ba treo cao trên cây mít góc đường hẻm, nói con đừng chạy nữa, nhưng tôi vẫn lấy trộm và chạy đến lần thứ 3 vẫn bổ và chảy máu. Ba không la mà đốt con diều cháy cùng ánh lửa. Sau này khi lớn lên thì mới hiểu nếu cái gì mang đến sự nguy hiểm cho con mình thì cũng sẽ bị vứt bỏ dù nó chính do tay mình tạo ra. Để rồi qua những lần như vậy mình sẽ nhớ lời dặn để không thất lạc chính mình…
Những mùa trung thu xưa có lẽ không dư dã bánh kẹo để ta còn mang theo hương bánh những ngày rằm tháng tám, không có đèn đường mà chỉ có ánh đuốc soi rọi khuôn mặt những đứa trẻ cùng thời đã lớn lên cùng nhau, cùng lẽo đẽo theo các đoàn múa lân trong xóm, những đứa trẻ thời đó chắc giờ cũng đã có con hết rồi. Nhưng có những khi tiếng trống đêm trung thu từ đâu vọng lại, cho mình nghe nho nhỏ dư vang của ngày cũ vừa đủ để nhớ để thương…
Sài Gòn, ngày 21/9/2021